Trang

21 tháng 3, 2015

Trung Quốc 'sợ Việt Nam xâm lược'

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 19/3 cho biết quân đội Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền thành phố Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, ngưng dự án tuyến đường giáp biên giới với Việt Nam.
Nguyên nhân cho quyết định này là do lo ngại rằng nó có thể trở thành đường tắt cho "một cuộc xâm lược của Việt Nam", theo SCMP.
Trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời một sỹ quan chuyên trách các vấn đề về biên giới tại Phòng Thành Cảng nói đây là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và quốc phòng", SCMP cho biết.
Dự án này sau khi hoàn thành sẽ nối liền giữa thôn Tam Than (Tan San) ở vùng biên giới với Việt Nam, đến trung tâm thành phố Phòng Thành Cảng, cách đó khoảng 100km.
"Con đường này sẽ có một đầu nằm sát bờ sông biên giới, đầu kia chạy thẳng đến các cơ sở quân sự ở vùng tiền tuyến của chúng ta", người này nhận định.
Quân đội Trung Quốc đã yêu cầu ngưng dự án, vốn được phê chuẩn bởi chính quyền thành phố Phòng Thành Cảng, khi công trình mới bước vào ngày thi công thứ hai hồi tháng trước, SCMP cho biết thêm.

Mỹ sa lầy, EU-Nga suy yếu, Trung Quốc đắc lợi?

(Quan hệ quốc tế) - Khủng hoảng Ukraine đã đẩy mạnh sự phân rã của EU, và càng khiến Mỹ bộc lộ những toan tính sai lầm mang tính hệ thống

Bao giờ tái chiến?
Ngày 19/3, quân đội Anh bắt đầu thực hiện sứ mệnh huấn luyện quân đội cho Ukraine với 35 quân nhân. Đồng thời, Mỹ cũng bắt đầu gửi đi số quân gần gấp 10 lần như vậy để tiến hành huấn luyện binh lính Ukraine.
Các bài khóa luyện được tập trung vào nâng cao kỹ năng chiến đấu, kỹ chiến thuật trên chiến trường cho binh lính, nâng cao khả năng chỉ huy, đọc diễn biến cuộc chiến cho các sĩ quan.
Và chưa dừng ở đó, binh lính Mỹ, Anh còn có những bài huấn luyện để quân đội Ukraine làm quen với... vũ khí phương Tây. Từ các loại vũ khí được lính Anh, Mỹ mang đến và cả những loại vũ khí hạng nặng sẽ được học qua các giáo trình điện tử.
Hành động này cho thấy sự ủng hộ ngày càng cao mà Mỹ, Anh cũng như một số quốc gia phương Tây dành cho Kiev. Việc giới thiệu, huấn luyện binh sĩ Ukraine làm quen với vũ khí mới còn hứa hẹn rằng phương Tây đang lên kế hoạch viện trợ vũ khí cho Kiev.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, khá tách biệt với cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã cho Kiev vay 50 triệu USD, một số tiền như muối bỏ bể so với nhu cầu của Ukraine, nhưng nó lại thể hiện Kiev ngày càng có nhiều bạn bè và những sự tương trợ.
Máy bay Tu-22M3 của Nga ở bán đảo Crimea, Nga ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự cho khu vực này
Máy bay Tu-22M3 của Nga ở bán đảo Crimea, Nga ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự cho khu vực này
Những sự hậu thuẫn đó đã cho thấy Kiev vô cùng nôn nóng trong tăng cường binh lực đối đầu với lực lượng ly khai.
Họ cũng khéo léo nhường phần nổ súng cho phe ly khai, khi cho ra đời luật tự trị áp đặt cho Donbass mà theo thủ lĩnh Donetsk thì "có cũng như không". Thậm chí, cả Donetsk và Lugansk đã dọa sẽ phát động chiến dịch quân sự để đáp trả hành động này. Tuy nhiên, tiếng súng vẫn chưa nổ.
Mỹ cũng giúp Kiev một cái cớ, khi ngày 20/3, Người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ đã khẳng định: "Quân đội Nga xuất hiện ở Crimea sẽ khiến các đàm phán hòa bình sụp đổ." Hoặc Bộ Ngoại giao Mỹ thì lên tiếng: "Còn quân đội Nga ở Crimea, sẽ không có hòa bình nào cho Ukraine."
Quân đội Nga đã ở Crimea hơn một năm qua, và lực lượng này càng ngày càng mạnh lên. Các bên Nga-Mỹ, ly khai - Kiev đều đã bên miệng hố chiến tranh, vậy khi nào sẽ nổ súng?
Mục đích thực sự
Để trả lời câu hỏi đó, bản thân Washington cũng không thể giải đáp, bởi chiến tranh không phải là mực đích thực sự Mỹ muốn ở Ukraine.
Cái Mỹ cần ở đây là tạo ra một sức ép lớn, một sự căng thẳng thực sự, để EU không thể dỡ bỏ các lệnh cấm vận lên Nga, và duy trì tư thế kiểm soát đồng minh này, ngăn chặn nguy cơ phân rã ngày càng cao từ EU.
Ngay tại cuộc họp thượng đỉnh của EU, ngày 20/3, liên minh này đã không thể thống nhất được việc gia tăng các biện pháp trừng phạt lên Nga. Cuối cùng họ phải đi đến quyết định duy trì các biện pháp đang có thêm 6 tháng và gắn các biện pháp này với thỏa thuận Minsk.
Cụ thể, nếu Minsk đổ vỡ, EU sẽ quyết định gia tăng trừng phạt lên Nga. Tuy nhiên, dù Minsk có đổ vỡ thì liên minh châu Âu sẽ tiếp tục họp để quyết định, chứ không áp dụng tự động việc gia tăng trừng phạt.
Những điều đó để thấy nội bộ EU đã phân rã trong việc đối đầu với Nga. Đến lúc này, họ lo nhiều đến lợi ích của họ hơn là vì những lý do đẹp đẽ như vì dân chủ Ukraine, vì chống lại nước Nga xâm lược... như đã đưa ra từ khi bắt đầu các biện pháp trừng phạt.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk:
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk: "Trừng phạt Nga hay không còn phụ thuộc vào thỏa thuận Minsk"
Trong khi đó, Mỹ thừa hiểu rằng nếu viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh cục bộ dài hơi, hao tốn tiền của mà Mỹ lúc đó không thể tránh khỏi tư thế của người đứng mũi chịu sào. Mỹ đã nhìn thấy trước vũng lầy, chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để né vũng lầy ấy.
Từ đó để thấy, Mỹ thực chất đang cố xốc dậy tinh thần cấm vận của EU, o ép, làm suy yếu, cô lập triệt để nước Nga chứ không phải nhảy vào cuộc đánh đối kháng trực tiếp với Nga.
Nhưng mục đích này của Mỹ cũng rất khó thực hiện bởi nguyên nhân xuất phát từ những người đồng minh châu Âu đang kiệt quệ của họ. Các thành viên EU tiếp tục lao đao vì nợ, vì kinh tế không tăng trưởng.
Trong khi Đức - đầu tàu kinh tế của châu Âu, thủ lĩnh tượng trưng của châu Âu đang mâu thuẫn với Mỹ.
Một công ty tình báo tư nhân của Mỹ đã lên tiếng về việc những gì Washington tiến hành ở Ukraine chỉ nhằm ngăn chặn mối quan hệ tốt đẹp, thậm chí hình thành liên minh trong tương lai giữa Đức - Nga.
Thậm chí Mỹ còn đe dọa sẽ cắt thông tin tình báo cho Đức trước việc các chính khách của Berlin ngày càng có nhiều cuộc tiếp xúc với kẻ đào tẩu Edward Snowden - hiện đang tị nạn tại Nga.
Việc EU ngày càng muốn tách khỏi cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn thể hiện ở chỗ, bản thân chính quyền Kiev, từ Tổng thống Poroshenko đến Thủ tướng Yatsenyuk đã liên tiếp kêu gọi EU gia tăng trừng phạt Nga và ly khai Donbass. Tuy nhiên những gì thể hiện ở hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra đã cho thấy châu Âu thực sự không quan tâm đến những gì Ukraine kêu cứu.
Chính sự phân rã và mối quan tâm hàng đầu của EU lúc này là lợi ích của họ, không phải lợi ích của Ukraine hay Mỹ khiến cho mục đích duy trì cuộc đối đầu Nga-EU của Washington vô cùng khó thực hiện.
Cảnh điêu tàn ở Lugansk
Cảnh điêu tàn ở Lugansk
Mỹ đang sai lầm toàn cục?
Hiện trang kinh tế Nga đang ra sao? Đồng ruble trượt giá khiến tỷ lệ lạm phát của Nga tăng cao kỷ lục. Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev ngày 19/3 cho biết tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lên tới 17%, mức cao nhất từ trước đến nay và cảnh báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục ở mức cao trong một vài tháng tới.
Trong khi giá dầu thô trên thế giới vẫn đang giữ mức giá thảm hại, và các chuyên gia nhận định giá dầu sẽ còn tiếp tục tại vị cho đến cuối năm 2015. Điều đó cho thấy kinh tế Nga khó có thể vực lại như thời kỳ hoàng kim của giá dầu.
Những dấu hiệu đó khiến những quốc gia thân Mỹ, những chính khách phái diều hâu cho rằng không sớm thì muộn Điện Kremlin với Putin sẽ suy yếu, cơ hội để có một cách mạng màu ở Nga gần kề, và nước Nga sụp đổ một lần nữa sẽ là điều không xa.
Tuy nhiên, đó là những tư duy khá lạc quan, bởi Moscow đang làm tất cả các chính sách có thể để vực dậy đất nước. Họ thắt lưng buộc bụng, tiết giảm chi tiêu công, cải cách hành chính... Đồng thời, Tổng thống Nga Putin tiếp tục kêu gọi người Nga ở nước ngoài hướng về quê hương, đồng thời mở rộng các hợp tác thương mại với các cường quốc phía Đông như Trung Quốc, Ấn Độ.
Họ cũng có những động thái nhằm vực dậy lòng tin của đồng minh của mình, khi ký kết liên minh quân sự với Nam Ossettia, kêu gọi thành lập liên minh tiền tệ với một loạt quốc gia thân cận.
Có thể thấy rằng Moscow đang muốn hình thành một sự bảo trợ từ kinh tế đến quân sự cho những nước láng giềng, và đó thậm chí còn là một chiêu bài mở rộng lãnh thổ đầy toan tính. Khi minh chứng là Nam Ossettia đang đệ đơn xin được Moscow chấp thuận cho sáp nhập vào lãnh thổ Nga.
Ukraine đang được binh lính Anh, Mỹ huấn luyện
Ukraine đang được binh lính Anh, Mỹ huấn luyện
Nga đang thể hiện mình là một đối thủ đầy khó chịu, bất chấp sự cấm vận, thiệt hại. Bởi đơn giản, không phải một mình Nga chịu thiệt, EU cũng đang lao đao vì những đòn trừng phạt đó. Và hơn nữa, giá dầu giảm chỉ chứng minh kinh tế cả thế giới suy thoái, tiệm cận khủng hoảng. Tất nhiên trong bối cảnh như thế, sự thiệt hại sẽ chẳng trừ quốc gia nào.
Hiện tại, Nga đang trong mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Họ coi Bắc Kinh như cứu cánh của nguồn đầu tư nước ngoài trong khi bị châu Âu cấm vận. Đồng thời, EU cũng đang bắt đầu hợp tác với Trung Quốc, tham gia nhiều tổ chức tài chính của mà Bắc Kinh đứng vai trò chủ xị.
Hoàn toàn có thể khẳng định rằng nếu tiếp tục duy trì trừng phạt, Trung Quốc sẽ trở thành cầu nối để EU và Nga tiếp tục hợp tác với nhau. Và tất nhiên, khi đó thì cấm vận đang bị lách luật, và người trục lơi nhiều nhất là Trung Quốc chứ không ai khác.
Nga suy yếu, đồng minh châu Âu của Mỹ suy yếu, nhưng kẻ thù của Mỹ là Trung Quốc bỗng dưng ngư ông đắc lợi. Cần chú ý rằng Washington đang chuyển trục châu Á - Thái Bình Dương để kìm chế Bắc Kinh.
Khủng hoảng Ukraine đang cho thấy Mỹ có một loạt sai lầm mang tính toàn cục: đồng minh suy yếu và phân rã, kẻ thù quan trọng nhất thì mạnh lên từng ngày. Với Ukraine, Mỹ đang bế tắc và chẳng khác nào tự vác đá ghè chân mình.
  • Đỗ Minh Tú

Mỹ phải có chiến lược chặn TQ độc chiếm Biển Đông

Đăng Bởi  - 

My can co chien luoc ngan TQ doc chiem Bien Dong

Trong một bức thư gởi Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói Mỹ cần có chiến lược chặn TQ độc chiếm Biển Đông. Các TNS hàng đầu Mỹ bày tỏ nỗi lo cấp báo động trước quy mô và tốc độ cải tạo đất của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông, và Mỹ cần có cách làm chậm hoặc chấm dứt hoạt động này.   

Trong thư gửi ông Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter,  ông McCain (đảng Cộng hòa) và hai TNS đảng Dân chủ Jack Reed và Bob Menendez nêu: nếu không có một chiến lược toàn diện, thì "lợi ích lâu dài của Mỹ và đồng minh cùng đối tác sẽ đứng trước một mối đe dọa rõ ràng".
Họ viết: hoạt động cải tạo đất của TQ và xây dựng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam  cho TQ tiềm năng bành trướng để mở rộng mục đích quân sự của mình và là "một thách thức trực tiếp, không chỉ đối với lợi ích của Mỹ và khu vực, mà còn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế”.
Bức thư nói bãi đá Gaven đã tăng khoảng 114.000 m² trong năm qua,  và trước đó Đá Gạc Ma bây giờ là một "hòn đảo" diện tích 100.000 m². Bãi Đá Chữ Thập tăng kích thước hơn 11 lần kể từ tháng 8.2014. 
Thư viết: trong khi các nước khác xây dựng trên những đảo hiện có, TQ lại đang thay đổi đáng kể kích thước, cấu trúc của những vùng đất này, và  bất kỳ âm mưu quân sự hóa nào của TQ đối với các đảo nhân tạo này đều có thể "gây hậu quả nghiêm trọng". 
Bên cạnh đó, TQ có thể dùng các cơ sở này để tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mới trên Biển Đông, như năm 2013 TQ đã công bố ADIZ trên vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. 
Các TNS Mỹ đứng đầu ủy ban quân vụ Thượng viện và ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết Mỹ cần có chiến lược chặn TQ độc chiếm Biển Đông, cần vạch ra "những hành động cụ thể của Mỹ có thể làm chậm hoặc ngăn chặn các hoạt động của TQ ...."
Họ nhấn mạnh trong thư: “Trong khi các quốc gia khác xây dựng trên vùng đất có sẵn thì TQ lại đang thay đổi kích thước, cấu trúc và tính chất vật lý tính năng của đất. Đây là một thay đổi về chất lượng đất mà đã được thiết kế để thay đổi hiện trạng ở biển Đông".
TQ tuyên bố độc chiếm 90% Biển Đông giàu năng lượng tiềm ẩn, đã gây ra tranh chấp với Việt Nam, Phillipines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. 
Công việc khai hoang Trung Quốc đang triển khai sáu bãi đá ngầm ở Trường Sa và các công nhân đang xây dựng cảng và kho chứa lưu trữ nhiên liệu và có thể hai đường băng tạm thời. 
Các chuyên gia nói việc này sẽ không đảo ngược ưu thế vượt trội về mặt quân sự tại khu vực của Mỹ, nhưng có thể cho phép Bắc Kinh lấn sâu quyền lực vào trung tâm hàng hải ở Đông Nam Á.
Về vấn đề Trường Sa, Bộ ngoại giao Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh: Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông. Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra” .
Thảo Hương (Theo Reuters)

Đủ cái “nhục” khi đi ôtô ở Việt Nam

Tích cóp mãi mới “tậu” được chiếc ôtô. Khi mua về đi mới thấy, “sướng thì ít, nhục thì đủ đường”.

Nhục nhất là chuyện tắc đường. Sống ở mấy thành phố lớn. Sáng tắc, trưa tan tầm tắc, chiều về lại tiếp tục… tắc đường. Khi tắc đường, những chiếc ôtô là “nạn nhân” phải chờ đợi lâu nhất, bởi không có được sự linh động như xe gắn máy.
Dù xe có điều hòa nhiệt độ, cửa kính kín mít không sợ khói bụi, nhưng cái giá phải trả là hàng giờ đồng hồ chờ đợi. Đó là còn chưa kể đến chuyện, hôm nào lái xe về nhà mà cũng căng như dây đàn. Cả ngày làm việc về lái xe lại thêm ức chế vì tắc đường. Nào thì “ông” xe máy tạt đầu, “ông” xe tự chế cồng kềnh chen lấn, còi inh ỏi. Lúc đó chỉ muốn vứt quách cái ôtô đi cho xong.
ô-tô, giá-rẻ, lệ-phí, thu-phí, nhà-giàu, xe-sang, ô-tô-điện, chặt-chém, lái-xe, tốn-xăng, tắc-đường
Đi ôtô, sau nỗi lo tắc đường, việc tìm được nơi đỗ xe phù hợp cũng khiến nhiều người “lao tâm khổ tứ”. Ở thời buổi đất chật, người đông, chỗ ở còn chẳng có huống hồ đậu xe. Nếu chỉ có xe máy thì còn đỡ, vì ít ra nó cũng không chiếm diện tích lắm, nhưng ôtô thì lại là vấn đề khác. Không chỉ cần diện tích đậu xe, nó cũng cần có đường vào ra đủ rộng. Vì thế, những người có nhà trong hẻm hoặc phố nhỏ muốn sở hữu ôtô thì trước hết phải tìm được bãi đậu xe gần nhà, và chấp nhận ngày ngày đi bộ từ nhà ra bãi và ngược lại.
Nhưng điều đó vẫn là chưa đủ. Cơ quan hoặc nơi công tác cũng phải có chỗ đậu xe thuận tiện. Ngoài ra, các nhà hàng, nơi mua sắm… cũng phải có chỗ đậu ôtô. Đôi khi, muốn ăn bát phở ngon hay thưởng thức ly cà phê nóng hổi mà mình yêu thích ở nơi trung tâm thành phố, rất khó đạt được vì không có điểm đỗ xe. Chỗ nào có điểm đỗ thì không tiện cho mình hoặc món ăn, thức uống vừa đắt vừa không ra gì.
Ở ta, lái xe hết lo tắc đường, lo chỗ đỗ xe lại còn phải lo chuyện bị vặt đồ. Chả ở đâu như ở Việt Nam. Đỗ xe ngoài cổng nhà mình mà sáng ra mất 3/4 cái bánh. Rồi nay mất đôi gương, biển số, mai mất cần gạt nước, logo. Ông nào xe “xịn” tìm mua mà thay cho đủ đồ bị mất thì cũng “ốm đòn”.
ô-tô, giá-rẻ, lệ-phí, thu-phí, nhà-giàu, xe-sang, ô-tô-điện, chặt-chém, lái-xe, tốn-xăng, tắc-đường
Đó là mấy cái “nỗi lo thường trực”. Lái ôtô trên đường còn gặp đủ chuyện “ấm ức” khác mà chỉ có “người trong cuộc” mới thấu. Nào là chuyện va chạm với mấy ông xe máy, xe đạp. Có khi lỗi của họ đấy, nhưng mình không bắt đền được, thậm chí còn bị đền ngược vì "ai bảo mày đi ôtô". “Từ trước đến nay, hễ cứ “húc” nhau thì chỉ có "xe to đền xe nhỏ" là gì” – người ta quan niệm thế.
Lại còn chuyện rất nực cười ở xứ ta, phàm là những người đi ôtô thường phải trả phí cho các dịch vụ cao hơn hẳn so với những người đi xe máy hay phương tiện công cộng khác. Điều này ở thành phố thì ít gặp, nhưng cứ lái xe ra tỉnh hoặc đi du lịch là “biết mặt nhau ngay”.
Đi đường ăn bát phở, mua chai nước, cái bánh cũng bị đắt hơn chỉ vì đi ôtô. Ra đến tỉnh, mua chút quà lưu niệm, thuê khách sạn cũng bị lấy thêm tiền với cái lí do “đã đi ôtô nghĩa là sang chảnh, có tiền”. “Có tiền thì phải “chém đẹp”, ai bảo anh đi ôtô”.
Nhục vì người ta cứ tâng người đi ôtô lên để mà “chém”, lại còn nhục vì “lỡ” hơn người ta. Anh nào đỗ xe trong ngõ mà vội quá không nhìn trước nhìn sau, chỉ độ một lúc đi ra là thấy “xế yêu” của mình bị quây bởi hơn chục cái xe rác, hoặc bị xì lốp, hoặc cảnh cáo bằng gạch lên nóc xe, hoặc bị dán giấy ghi bậy lên kính hay bị chửi vì cái tội đỗ xe "mất dạy" che mất cửa hàng, bịt lối ra vào của nhà ai đó. Đấy là còn nhẹ, gặp cái hội làng nào, có khi xe tan nát như chơi vì lí do “thánh giận, thánh phá xe”.
ô-tô, giá-rẻ, lệ-phí, thu-phí, nhà-giàu, xe-sang, ô-tô-điện, chặt-chém, lái-xe, tốn-xăng, tắc-đường
“Lái xe ra đường không sợ tông nhau mà chỉ sợ mấy bóng áo vàng”. Đó còn là một cái nhục khác. Có người vừa mua xe tháng đầu về bị CSGT bắt 3 lần vì tội không biết đường, không nhìn biển. Mỗi lần phạt cũng đến 1 – 2 triệu đồng. Nhiều tài xế vì thế mà đi lại cẩn thận lắm, đọc luật, nắm đường kỹ càng. Thế mà cũng chẳng thoát. Vì nay đường này mới cấm, mai phố kia kẻ lại vạch.
Thế mới có chuyện, mấy bác tỉnh lẻ, có xe “xịn” mà chẳng dám lái lên phố. Cứ liều lên lần nào là bị “tuýt” lần đó vì không quen đường cấm, không hay chỗ đỗ. Ai đời, chủ nhân xế hộp đàng hoàng mà cứ lên phố là phải gửi xe tận ngoại thành, bắt taxi hay xe ôm đi công việc.
Đi ôtô ở Việt Nam, đúng là đủ cái “nhục”!
 (Theo TTTĐ)

NXB Kim Đồng tạm dừng phát hành “Thạch Sanh”

Cục Xuất bản vào cuộc, 

Dân trí Trước những chi tiết lạ trong truyện cổ tích Thạch Sanh như Thạch Sanh được mẹ nhường chiếc khố duy nhất và “chém Trăn tinh vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”, Cục Xuất bản đã gửi công văn yêu cầu NXB Kim Đồng thẩm định, điều chỉnh lại nội dung cuốn Truyện cổ tích Việt Nam. 
 >>    Mẹ nhường khố cho Thạch Sanh và Trăn tinh bị chém “phọt óc chết tươi"

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản khẳng định rằng, ngay sau khi nhận được phản ánh từ bạn đọc về một số đoạn văn miêu tả trong truyện cổ tích Thạch Sanh- nằm trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam do NXB Kim Đồng tái bản tháng 10/2014, sáng 21/3 Cục đã gửi công văn cho NXB Kim Đồng.
“Công văn yêu cầu NXB Kim Đồng thẩm định lại nội dung và chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam. Cục cũng yêu cầu phía NXB Kim Đồng gửi báo cáo về Cục bằng văn bản trước ngày 2/4/2015”, ông Chu Văn Hòa nói.
Bìa cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam do NXB Kim Đồng tái bản tháng 10/2014
Bìa cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam do NXB Kim Đồng tái bản tháng 10/2014
Trước những ngôn từ gây tranh cãi trong truyện Thạch Sanh, theo ông Chu Văn Hòa đây là sai sót không đáng có từ khâu biên tập của NXB Kim Đồng. Dù sai sót này chưa đến mức bị xử phạt theo pháp luật nhưng theo ông Chu Văn Hòa, NXB Kim Đồng phải có trách nhiệm với người đọc, với những tác động tiêu cực tới độc giả nhỏ tuổi. Hình phạt lớn nhất đối với NXB Kim Đồng chính là đã đánh mất niềm tin của độc giả. “Đối với NXB uy tín, việc để xảy ra những lỗi, sai sót trong khâu biên tập, phát hành sách đồng nghĩa với việc làm giảm sút uy tín của mình”, ông Chu Văn Hòa chia sẻ.
Ngoài gửi công văn yêu cầu NXB Kim Đồng thẩm định lại nội dung cuốn sách trên, cũng trong sáng ngày 21/3 Cục Xuất bản ra văn bản số 1430/CXBBIPH-QLXB  gửi tới các NXB yêu cầu rà soát và biên tập kỹ nội dung xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi nhằm đảm bảo chất lượng về nội dung đẹp về hình thức, tránh tình trạng nội dung thô tục, bạo lực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
Normal
Công văn Cục Xuất bản, In và Phát hành gửi Nhà xuất bản Kim Đồng (Ảnh: PV/Vietnam+)
Về phía NXB Kim Đồng, trả lời  phóng viên Dân trí, chị Nguyễn Thúy Loan- Trưởng ban biên tập sách văn học NXB Kim Đồng cho biết, hiện tại phía NXB đã tạm dừng phát hành cuốn Truyện cổ tích Việt Nam. “Cục Xuất bản đã có chỉ đạo chỉnh lý nội dung cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam vì thế, cuối giờ chiều ngày 20/3, NXB đã quyết định tạm dừng phát hành cuốn sách này để biên tập lại nội dung”, chị Nguyễn Thúy Loan nói.
Trả lời báo chí trước đó, đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng cũng giải thích rằng Truyện cổ tích vốn có nhiều dị bản khác nhau. Truyện Thạch Sanh trong cuốn Truyện cổ tích Việt do NXB Kim Đồng phát hành cũng là một dị bản được sưu tầm chứ không phải do nhóm biên soạn sáng tác ra. Khi làm bộ sách này, biên tập viên nhà xuất bản cũng đã cân nhắc và chỉnh sửa khá kỹ càng.
“Khi độc giả có những ý kiến như vậy về sách của chúng tôi, NXB đều tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa khi tái bản để phù hợp với quan niệm thẩm mỹ và cách dùng từ ngữ của thời hiện đại. Những từ ngữ khiến độc giả có cảm giác là hơi bạo lực thì chúng tôi sẽ xem xét loại bỏ”, đại diện NXB thẳng thắn bày tỏ.
Những đoạn văn trong truyện cổ tích Thạch Sanh gây tranh cãi
Những đoạn văn trong truyện cổ tích Thạch Sanh gây tranh cãi
Những đoạn văn trong truyện cổ tích Thạch Sanh gây tranh cãi
Những ngày qua, nhiều phụ huynh tỏ ra ngạc nhiên khi phát hiện chi tiết lạ trong câu truyện cổ tích Thạch Sanh được in trong tập Truyện cổ tích Việt Nam gồm những tác phẩm chọn lọc cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng tái bản 10/2014.
Ở trang 40, có chi tiết khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi quần nhường cho con để con không phải sống trong tình trạng ở truồng. Độc giả cho rằng đây là một chi tiết lạ, hơn thế việc mô tả mẹ con Thạch Sanh nhường quần cho nhau là “không đúng mực”.
Độc giả cũng phản ứng những đoạn văn nhuốm màu bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm hồn con trẻ như đoạn miêu tả Thạch Sanh giết Trăn tinh viết: “Thạch Sanh vung búa đánh nhau với trăn tinh suốt một ngày một đêm không phân thắng bại. Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi.”
Nguyễn Hằng

Hà Nội vi phạm Luật Thủ đô khi chặt hạ cây xanh hàng loạt.


Dân trí Đó là vấn đề Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nêu ra trước việc Hà Nội triển khai kế hoạch chặt hạ và trồng thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố.
 >>  Chủ tịch Hà Nội quyết định dừng chặt hạ 6.700 cây xanh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương.
Trao đổi với PV Dân trí trưa nay 20/3, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho biết, với tư cách là người đã tham gia thẩm tra Luật Thủ đô trước khi trình Quốc hội ban hành, ông cho rằng việc UBND TP Hà Nội cho phép chặt hạ ồ ạt cây xanh trong thời gian qua là có biểu hiện vi phạm quy định của Luật Thủ đô.
Theo ông Cương, Điều 14 Luật Thủ đô đã quy định rất rõ việc quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Đặc biệt tại khoản 2 Điều này quy định: “Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng, sai chức năng, mục đích”.
“Quy định là như vậy nhưng Hà Nội lại cho lập dự án chặt hàng loạt cây xanh. Phải chăng đó là hành vi vi phạm pháp luật ?”- ông Cương đặt vấn đề.
Hơn nữa, tại Điều 10 Luật Thủ đô quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã nêu rõ: “UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị phù hợp với điều kiện thực tế để lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Nhưng cho đến nay, đã gần 2 năm kể từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực (01/7/2013) Hà Nội vẫn chưa thực hiện quy định này (?!)
“Cần phải nói rõ việc chặt hạ cây xanh hoàn toàn khác với việc chặt, tỉa cây xanh trước mùa giông bão mà từ xưa đến nay vẫn làm. Việc chặt bỏ, thay thế một số lượng lớn cây xanh phải được hiểu trong nội hàm “tái thiết đô thị” tại các quận trung tâm Hà Nội mà Hà Nội phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định chứ không được tự ý làm” - ông Cương phân tích.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần có ý kiến về việc này.
“Nếu việc chặt hạ hàng loạt cây xanh được xác định là vi phạm quy định của Luật Thủ đô thì cần kiểm điểm trách nhiệm và xử lý các cá nhân có liên quan của Hà Nội” - ông Cương nói.
Vi
Việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trong thời gian qua ở Hà Nội đã vi phạm Luật Thủ đô và Nghị định 64/2010 của Chính phủ? (Ảnh minh họa)
Ở một khía cạnh khác, luật sư Trần Vũ Hải - Trưởng văn phòng luật sư Trần Vũ Hải - cho biết khoản 1 Điều 14, Nghị định 64/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị, đã nêu rõ: “Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị: a) Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đỗ gây nguy hiểm; b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình”.
Những cây xanh bị đốn hạ theo ghi nhận của báo chí thời gian qua chưa đủ điều kiện để chặt hạ theo quy định nêu trên. Do đó, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng ngoài việc dừng ngay việc thực hiện chương trình chặt hạ 6.700 cây, UBND TP Hà Nội cần xem xét trách nhiệm  những người đã tham mưu chưa đúng quy định cho chính quyền phê duyệt chương trình này.
Thế Kha

Họp báo cây xanh: 21 câu hỏi chưa được trả lời

- Phóng viên từ nhiều tờ báo dồn dập đặt 21 câu hỏi, song Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ trả lời một mạch chung chung, trong sự ngỡ ngàng của báo giới.

Cuộc họp báo từ 14h đến gần 15h do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì có nội dung "thông báo kết luận của Chủ tịch TP tại cuộc họp sáng nay về đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị".
cây xanh, Hà Nội
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng
Cùng có mặt còn có Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Thịnh Thành.
Ông Hùng cho biết, TP Hà Nội luôn luôn lắng nghe tiếp thu cầu thị những sự đóng góp của người dân thủ đô và cả nước, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, cơ quan báo chí phản ánh những vấn đề trong quản lí của Hà Nội. Lãnh đạo TP cũng luôn lắng nghe, cán bộ công chức thành phố cũng luôn cầu thị. Hà Nội từng có những quyết định rất khó khăn nhưng sau đó đã mang lại đông thuận. Vì vậy TP luôn lắng nghe những góp ý cũng để xây dựng TP xanh, đẹp, để chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao.
XEM CLIP:
Vừa qua có dư luận bức xúc, phản ánh nhiều chiều về việc chặt cây xanh. Trước hết TP lắng nghe tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị như của nhà báo Trần Đăng Tuấn, GS Ngô Bảo Châu, thư tâm huyết của các hộ dân, báo chí, mạng xã hội. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí đóng góp để chất lượng đời sống của nhân dân được nâng cao hơn", Phó Chủ tịch TP khẳng định.
Sáng nay, lãnh đạo TP đã họp và có quyết định cho vấn đề này.
cây xanh, Hà Nội
Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành
Ông Nguyễn Thịnh Thành công bố kết luận của Chủ tịch UBND TP về việc chặt cây xanh vừa qua.
cây xanh, Hà Nội
Cây muồng trên đường Lê Duẩn bị chặt hạ sáng 18/3. Ảnh: Kiên Trung
Báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi cho 2 ông:
Báo Người Hà Nội hỏi: Cho đến thời điểm này đã chặt bao nhiêu cây, kinh phí tốn bao nhiêu, ai sẽ bị kỷ luật chính sau khi chặt cây này. Chỉnh trang đô thị là một chủ trương đúng đắn nhưng cần làm từ từ và có nghiên cứu. Hạ 6.700 cây mà xã hội hóa thì hơi phản cảm?
Tuổi Trẻ TP.HCM: Việc dừng này như thế nào, bao lâu, có tiếp tục chặt hạ, bao nhiêu cây? Trong văn bản, ông Chánh văn phòng nói hầu hết việc chặt cây được người dân đồng thuận thì điều này khảo sát như thế nào?
Xã hội hóa có bao nhiêu DN tham gia, gồm DN nào? Họ được gì, có quyền lợi gì?
VnMedia: Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt. Tôi được biết việc thẩm định cây có sâu mọt không rất khó. Ngay TP.HCM quyết định đầu tư 2 tỷ khoan thăm dò thì cũng rất khó khăn. Vậy ai quyết định việc này?
Những cây xanh chặt đi đưa về đâu, tập kết ở đâu? Cây trồng mới mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây?
cây xanh, Hà Nội
Phóng viên báo Tiền Phong
Tiền Phong: Nhữngcây xanh đã chặt thì đưa về đâu, đã bán chưa, bán bao nhiêu tiền, những cây trồng mới thì mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây?
Đất Việt: Hà Nội đã chặt bao nhiêu cây và đã bán chưa, bán đấu giá bao nhiêu tiền, nếu chưa bán thì để ở đâu?
Người đưa tin: Nhiều chuyên gia nói cây được chọn thay thế có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu chọn có hợp lí hay không?
Người tiêu dùng: Dư luận cho rằng các DN đứng sau việc chặt cây, TP khẳng định có phải thế không hay là chủ trương TP, DN chỉ hỗ trợ. Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn lên hàng trăm tỉ thì sau khi bán gỗ đi thì mục đích sử dụng là gì?
cây xanh, Hà Nội
Một thế giới: Đánh giá tác động môi trường như thế nào khi chặt hạ cây? Việc chặt này đích thân ông Hùng cho phép, cá nhân ông có nhận khuyết điểm gì trong việc này? Sở Xây dựng có mặt ở đây tôi từng hỏi nhưng các anh hứa mà chưa trả lời, đó là việc hạch toán, thống kê kiểm kê việc chặt cây trên tuyến phố...?
Pháp luật TP.HCM: TP cho biết việc chặt cây có thể minh bạch thông tin về giá cây, gỗ trong vòng 5 năm thế nào?
Thanh Niên: Bình quân cây xanh đầu người ở Hà Nội là bao nhiêu? Việc chặt 6.700 cây có tính mật độ?
VnMedia: Ông Hùng cảm thấy thế nào khi đi qua tuyến phố trước đây rợp bóng cây nay thay cây trơ trụi không tán lá?
Lao Động: Hà Nội nên thơ bởi những hàng cây như bằng lăng, sấu ở Phan Đình Phùng... chúng ta thay nhiều loại cây hay chỉ một loại cây? Nguồn từ ngân sách bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu phần trăm?
VTC: Đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Đây dự án lớn đến nay dừng lại thì trách nhiệm của đơn vị đầu tư, cung ứng này như thế nào?
Đất Việt: Những cây trồng thời Pháp thuộc thì liệu quy hoạch đã sai rồi không?
An ninh Thủ đô: Quy trình lập đề án này, căn cứ để chặt cây là gì? Tại sao chặt số lượng nhiều như vậy?
VietNamNet: Quyết định sáng nay là do dư luận xã hội hay là lí do nào? Việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, giải trình khi nào có?
Một phóng viên: Mạng xã hội có rộ lên thông tin sẽ thay thế cây tầm bì, cây này có nằm trong diện cây thay thế không? Biện pháp gì để sàng lọc những cây có hại hoặc cây sinh trưởng không tốt? Vì sao một số nơi cây xà cừ thẳng, cây bàng cũng thẳng, đang sinh trưởng tốt nhưng vẫn bị chặt đi trong khi không có sâu bệnh gì?
'Nhà tài trợ nôn nóng'
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng thông tin một mạch, không đi vào trả lời câu hỏi cụ thể nào:
XEM CLIP:
Ông cho hay: Hà Nội được thừa hưởng hệ thống cây xanh, các công trình kiến trúc được cha ông để lại, hệ thống cây xanh vô cùng quan trọng, trách nhiệm của TP, người dân và xã hội là chung tay bảo tồn duy trì phát triển để thế hệ sau này thừa hưởng.
"Mọi sự thành bại đều do dân, nếu quyết định vấn đề mà không được sự ủng hộ đồng thuận của người dân là quyết định chưa đúng đắn".
Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng
Hệ thống cây xanh Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đời sống nhân dân thủ đô, có giá trị vật thể và phi vật thể. Hệ thống cây xanh này đã từng đi vào trang sách, thơ ca, bài hát, đã đi vào từng  tiềm thức, gắn bó các kỷ niệm tình cảm  của mọi người dân thủ đô. Do đó, ứng xử, đối xử với hệ thống cây xanh này có cả quy định pháp luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Xây dựng cũng như các quyết định của UBND TP đã được xây dựng nhiều thời kỳ vừa qua. Mỗi thời kỳ đều có chỉnh sửa, tiếp thu  sửa đổi để làm sao phù hợp tình hình mới và tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Hệ thống cây xanh này là lá phổi của thủ đô chúng ta, giữ lá phổi cho TP là việc cần thiết phải làm.
Vừa qua có việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên đường phố, tuyến phố như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, phố Huế, Hàng Bài, một số tuyến phố...Đây là chủ trương đúng đắn của TP. Việc thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, đúng các quy trình, quy định. Tuy nhiên do việc tổ chức thực hiện thiếu thông tin, thiếu minh bạch và sự nôn nóng của một số nhà tài trợ. Những nhà tài trợ này hôm nay chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ sau buổi họp. Chúng tôi xin thông báo đó là cán bộ nhân viên một ngân hàng đóng góp 30.000đ/người, công an HN hưởng ứng chủ trương xã hội hóa của TP, mỗi cán bộ chiến sĩ đóng góp 15-20.000/người để thực hiện. Việc thực hiện này dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, các đơn vị theo quy định,  đồng thời cũng chịu sự giám sát cộng đồng của nhân dân cũng như các cơ quan thông tấn báo chí.
'Không có tham nhũng, khuất tất mờ ám gì'
Việc thực hiện là một chủ trương đúng, việc thực hiện là cần thiết. Thông báo của Chủ tịch TP đã nói lên tất cả. Các đại biểu cũng rất quan tâm đến việc có gì tiêu cực, tham nhũng ở đây không, có gì lợi ích nhóm ở trong việc chặt hạ này không. Thay mặt TP, tôi xin khẳng định hoàn toàn không có một lợi ích nhóm, không có tiêu cực tham nhũng, không có một cái gì mờ ám, khuất tất trong việc thực hiện đánh chuyển, trồng mới cây trên địa bàn TP.
Sự đóng góp của các tổ chức xã hội, của người dân, của các nhà hảo tâm đó là sự trân trọng, rất quý của người dân. Hà Nội rất trân trọng và rất cảm ơn sự hảo tâm và nhiệt tình đóng góp của các tổ chức xã hội cũng như của người dân, các doanh nghiệp đã đóng góp cho TP.
cây xanh, Hà Nội
Việc tổ chức thực hiện của một số cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua do thiếu minh bạch, thiếu thông tin đầy đủ cho nhân dân để gây ra một dư luận bức xúc. Tôi xin tiếp thu và nhận thiếu sót của các đơn vị tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua đã gây nên dư luận bức xúc trong xã hội. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Những công việc liên quan đến người dân, liên quan đến xã hội thì từ nay trở đi  TP Hà Nội sẽ thận trọng, lắng nghe, cầu thị, tiếp thu tất cả những ý kiến của các nhà khoa học, của nhân dân. 
TP luôn luôn vì mục đích TP xanh sạch đẹp, đời sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, hoàn toàn không vì mục đích nào khác. Lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng cũng đều vì mục tiêu, tôn chỉ đó. Tuy nhiên có những thiếu sót, thay mặt TP một lần nữa xin nhận thiếu sót trong thời gian vừa qua và sẽ kiểm điểm trách nhiệm.
Xin hứa từ nay trở đi những quyết định vá những vấn đề gì liên quan đến cộng đồng xã hội  sẽ tiếp thu, thận trọng, lắng nghe, sẽ thông tin đại chúng, sẽ xin ý kiến cộng đồng, tiếp thu ý kiến của nhà khoa học để làm sao chúng ta thực hiện chủ trương đúng đắn, thành công để đưa vào cuộc sống.
Chúng ta đều biết rằng, mọi sự thành bại đều do dân, những quyết định không được sự ủng hộ đồng thuận của người dân là quyết định chưa đúng đắn.
Việc  thực hiện thu hồi gỗ, củi mục, cây đánh chuyển, thanh lý, tất cả các cơ quan chức năng của TP đều phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.  Các nhà báo sẽ xuống trực tiếp các cơ quan của TP và tôi đề nghị ngày hôm nay các đơn vị chức năng của TP phải công khai minh bạch những nội dung của các cơ quan báo đài đã nêu hôm nay và mời các cơ quan báo đài đến trực tiếp những vị trí để cây, nơi đánh vườn ươm, nơi có củi mục để có cơ sở để báo chí đưa thông tin tới nhân dân, TP Hà Nội không bao giờ có một cái gì khuất tất, mờ ám trong việc này và thực hiện đúng quy định.
Việc thực hiện các quyết định của TP vô cùng khó khăn, vô cùng phức tạp nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng dũng cảm để thực hiện vấn đề nếu được dư luận nhân dân ủng hộ, được sự đồng thuận của các nhà khoa học, các cơ quan báo chí thì Hà Nội sẽ đẹp hơn, tốt hơn.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng của TP trả lời đầy đủ, cung cấp đầy đủ những nội dung mà các cơ quan báo chí đã hỏi. Chúng tôi sẽ giao cho các cơ quan chức năng thông tin trả lời một cách đầy đủ, chính xác. Nếu các đơn vị nào không đầy đủ phải chịu trách nhiệm trước TP, trước Chủ tịch TP.
Phần trả lời một mạch của ông Hùng kết thúc luôn cuộc họp báo. 21 câu hỏi báo chí đặt ra vẫn bỏ ngỏ.
H.Nhì - P.Nguyên - P.Hải - X.Quý - H.Phúc - H.Anh - T.An