Trang

18 tháng 12, 2015

Con ruồi, 7 năm tù, giá như không có ruồi


(Người Việt) - Không chỉ anh Võ Văn Minh, người mới ngồi tù vì con ruồi trị giá 500 triệu đồng trong chai nước ngọt mới ao ước “Giá như không có ruồi”.

Con ruoi, 7 nam tu, gia nhu khong co ruoi
Tòa tuyên án, vợ con anh Võ Văn Minh ôm nhau ngồi khóc. Ảnh: Tuổi trẻ
Hẳn bạn đọc còn nhớ một truyện ngắn của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng thế giới Azit Nexin, truyện “Giá như không có ruồi”. Truyện kể về một gã vô tích sự nọ, lúc nào cũng chỉ đổ tại giá như thế nọ thế kia mà hắn không làm gì nên chuyện. Năm 42 tuổi, hắn quyết trở thành nhà văn viết nên một tác phẩm để đời, nhưng rồi cuối cùng vì ruồi vo ve bên tai khiến mất tập trung tư tưởng nên cái tác phẩm để đời ấy không bao giờ có.
Tại sao tôi lại nhắc đến truyện ngắn này? Chung quy cũng chỉ tại con ruồi trong chai nước ngọt của công ty Tân Hiệp Phát, con ruồi trứ danh trị giá nửa tỷ đồng mà anh Võ Văn Minh 35 tuổi, ở huyện Cái Bè, (Tiền Giang) đưa ra mặc cả với công ty để rồi cuối cùng anh nhận mức án 7 năm tù giam trong phiên xử kết thúc ngày hôm qua, 18/12.
“Giá như không có ruồi”. Đó là điều ước mà tất cả những người đã từng đọc tin tức về vụ án này muốn thốt lên như thế.
Giá như chai nước không có ruồi, người ta đã uống chai nước cái rụp, thế là xong. Nhưng không, chai nước ngọt lại có ruồi, vô tình thôi, chẳng ai lại bào chế thêm ruồi vào chai nước ngọt, vì thế mà cái sảy nảy cái ung, đời vẽ ra trăm ngàn điều éo le, cay đắng.
Con ruồi ấy được anh Minh mang ra mặc cả với người đại diện của công ty Tân Hiệp Phát, công ty này báo công an đến bắt anh. Anh Minh ra tòa, bị kết tội “gây nguy hiểm cho xã hội, uy hiếp, đe dọa gây thiệt hại đến tài sản của người khác” và bị khép 7 năm tù.
Bao nhiêu là tranh cãi đã nổ ra. Đạo đức, tình người, lòng tham, sự tử tế, trung thực… đã được đem ra mổ xẻ, cũng vì có con ruồi trong chai nước ngọt.
Anh Minh có “gây nguy hiểm cho xã hội” không? Không biết. Nhưng con ruồi gây nguy hiểm cho sức khỏe của anh trước nhất. Anh Minh có “đe dọa thiệt hại đến tài sản của người khác” không? Không biết, nếu anh Minh bị tiêu chảy, ngộ độc vì chai nước có ruồi phải đi nằm viện, thì tải sản, tính mạng của anh phải bị đe dọa trước tiên.
Nhưng trước tòa, anh Minh không còn là nạn nhân nữa. Chỉ vì một chút xíu sơ sẩy, một giao ước không thành, một lòng tin bị bội phản, anh Minh đã bị “gài” khi công ty mời anh đến nhận tiền và báo công an như một vụ tống tiền. Anh Minh trở thành thủ phạm.
Âu cũng là cái giá quá đắt cho lòng tin. Cái giá đắt cho sự ngây thơ đến mức ngớ ngẩn. Tin rằng với 1 con ruồi, một người tiêu dùng có thể tống tiền một công ty to mà đâu biết rằng, người ta có thể rút củ cà rốt lại bất cứ lúc nào và chìa ra cái còng số 8.
Âu cũng là một bài học quý về sự xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến sản phẩm và người tiêu dùng. Nếu là một nhà sản xuất ngay thẳng, chính trực. Công ty nước ngọt kia có thể nhận lại sản phẩm từ anh Minh, chấp nhận “scandal con ruồi” để chịu sự phán xét của người tiêu dùng. Cái mất có thể mất ngay lúc đó, nhưng sẽ được lâu dài về sau.
Còn đằng này, một mặt tỏ ra muốn thỏa thuận để “bịt miệng” người tiêu dùng, một mặt lại báo công an đến cho người ta vào bẫy. Ngay lúc đó, nhà sản xuất không mất 500 triệu, nhưng cái mất khổng lồ khó đong đếm về sau thì bây giờ đã thấy.
Những cú “đi đêm” tưởng là đất trời không biết, thiên hạ không biết, cuối cùng từ một cái lỗ rò đã vỡ to ra cho nước ào vào thuyền. Một bên từ người đã chịu án ngồi tù 7 năm để lại cha mẹ già, vợ dại con thơ ôm nhau khóc ở sân tòa. Một bên rời phiên tòa trong tình thế phải có công an bảo vệ áp tải vì sợ người dân “gây bạo động”.
Giá như không có ruồi, người ta đã không phải buồn tái tê như thế về tình người, lẽ phải và sự công bằng cho kẻ yếu thế. Giá như không có ruồi, người ta đã không phải uất ức, bức xúc về sự bất nhất, thủ đoạn của một nhà sản xuất.
Sau khi tòa tuyên án, trên mạng rào rào lên phong trào tẩy chay nước ngọt của nhà sản xuất. Nhưng đằng sau đó là công ăn việc làm của hàng ngàn người lao động nghèo khó, hỏi có buồn không?
Ruồi ơi là ruồi. Giá như đừng bao giờ mày sa chân vào chai nước ngọt.
  • Mi An

Nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng

Quá trình tái cơ cấu: 

Đăng Bởi  - 
Nha nuoc con “so” thi truong, coi nhe canh tranh cong bang

Việt Nam đang thiếu chính sách toàn diện về cạnh tranh. Tư duy quản lý của Nhà nước còn sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng, không nhận thức được đó là cốt lõi của nền kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân…

Giằng co giữa hành chính - thị trường
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2014”, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17.12 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của CIEM quá trình tái cơ cấu trong thời gian 2011-2014 đã cải thiện được hiệu quả đầu tư và tăng năng suất lao động; kinh tế vĩ mô được giữ vững, môi trường kinh doanh có cải thiện, tăng trưởng kinh tế được phục hồi; chuyển dịch trên cơ cấu thu ngân sách nhà nước cũng đang chuyển sang hướng tích cực…
Tuy nhiên, bên cạnh những điều làm được thì quá trình tái cơ cấu cũng còn không ít tồn tại. Đó là việc điều phối thị trường chưa chiếm được ưu thế, còn giằng co giữa tập trung, hành chính quan liêu và thị trường. 
Bên cạnh đó, trong phân bổ các yếu tố sản xuất, hành chính phân bổ hoặc điều hành đang chiếm ưu thế, làm méo mó các thị trường khác.
Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, vấn đề tài sản và sở hữu tài sản còn nhiều vấn đề tồn tại. Nhiều loại tài sản chưa được ghi nhận và thừa nhận là tài sản nên đương nhiên không có chủ quyền và quyền sở hữu tương ứng.
“Sở hữu toàn dân còn chiếm tỉ trọng lớn, không được thực thi về mặt pháp lý, không phải tất cả các tài sản đều có chủ sở hữu rõ ràng. Một phần đáng kể tài sản không thương mại được hoặc rất khó thương mại. Đồng thời, quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân chưa được bảo vệ một cách chắc chắn và tin cậy” – ông Cung nói.
Ông Cung cho hay, Việt Nam không có thị trường sơ cấp về đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Thị trường thứ cấp rất méo mó, sai lệch, rủi ro cao, chi phí giao dịch cao. Nhà nước sử dụng đất là công cụ chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách xã hội bán để tăng thu ngân sách. Thị trường đất đai còn hoang sơ, chưa có vai trò phân bố và điều tiết…
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, Việt Nam gia nhập thị trường có bước tiến lớn nhưng vẫn chưa có môi trường kinh doanh trật tự và công bằng.  
Cụ thể, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề lớn như số lượng kinh doanh có điều kiện còn quá lớn, rào cản gia nhập các loại thị trường này còn cao và tốn kém dẫn đến hạn chế, ngăn cản cạnh tranh...
Hệ thống giám sát chưa rõ ràng
Đánh giá cao những thông tin trong báo cáo nêu ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh rằng, trong quá trình tái cơ cấu cần duy trì ổn định vĩ mô, nhưng cái cần phá vẫn phải phá, cần cho chết vẫn phải cho chết.
“Trong thời gian qua, nhiều trường hợp nhân danh sự ổn định vĩ mô nên không cho phá vỡ bất cứ cái gì. Điều này đang cản trở quá trình tái cơ cấu” – bà Lan nói.
Bà Chi Lan cũng cho biết thêm, trên thực tế chưa thấy thị trường tái phân bổ nguồn lực bởi thị trường cũng không có quyền lực để phân bổ. Nguyên nhân là vì nguồn lực cơ bản vẫn nằm trong tay Nhà nước. Cơ chế thị trường sẽ giúp phân bố nguồn lực tốt hơn cơ chế phân bổ hành chính.
Đồng tình với ý kiến này, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng cho rằng, Nhà nước Việt Nam không tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập, do đó hệ thống giám sát và kiểm tra chéo lẫn nhau là chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường đòi sự công bằng và minh bạch trong hoạt động của Nhà nước, do đó cần có hệ thống giám sát và kiểm tra phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.
Báo cáo cũng cho hay, các tổ chức có chức năng giám sát như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra nội bộ các bộ và địa phương cần phải có quy chế độc lập để tránh bị ảnh hưởng từ các cơ quan công quyền đối với kết quả giám sát, kiểm tra.
Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang thiếu chính sách toàn diện về cạnh tranh. Tư duy quản lý Nhà nước còn sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng, không nhận thức được cạnh tranh công bằng là cốt lõi của nền kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân.
Song song với đó, Nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng, dẫn đến hệ quả là phía thị trường rất thiếu “thị trường”, thừa “thị trường” ở phía Nhà nước.
Góp ý tại hội thảo, chuyên gia Raymond Mallon – cố vấn cao cấp của dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cho rằng, bài học cho Việt Nam là các mục tiêu tái cơ cấu phải rõ ràng, phải hướng đến một Việt Nam cạnh tranh, thịnh vượng hơn. Kế hoạch hành động đơn giản nhưng tin cậy để đạt được mục tiêu và cần xác định chuỗi logic giữa kế hoạch hành động và mục tiêu.
Bên cạnh đó, tiến trình phải có được sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao và phải có quá trình giám sát, có kế hoạch đấu tranh với những tư tưởng, tệ quan liêu chống đối nỗ lực cải cách; xây dựng liên minh cải cách để tạo sức ép thay đổi bằng cách phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, đối tác phát triển…
Hoàng Long

Nội bộ Trung Quốc tranh cãi về vụ kiện 'đường lưỡi bò'


Giới chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể đang lo lắng trước nguy cơ bị bẽ mặt trong vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" trước tòa án quốc tế. 
noi-bo-trung-quoc-tranh-cai-ve-vu-kien-duong-luoi-bo
Hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên một bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa. Ảnh: Bloomberg
Một cuộc tranh luận đang nổ ra trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc nước này nên phản ứng như thế nào khi Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết với vụ Philippines kiện "đường chín đoạn" (hay còn gọi là "đường lưỡi bò") mà Trung Quốc ngang nhiên vẽ ra trên Biển Đông, theoBloomberg.
Sau khi Philippines nộp hồ sơ kiện "đường lưỡi bò" lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Trung Quốc đã tẩy chay phiên tòa và tuyên bố không thừa nhận quyền tài phán của PCA. Đây được coi là một phần trong chính sách giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng cơ chế song phương của Bắc Kinh mà không thông qua tòa án và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, việc từ chối tham gia vụ kiện cũng có nghĩa là họ sẽ không thể đưa ra bất cứ lập luận nào trong các phiên tranh tụng trước tòa.
Trong lúc Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn mải tranh luận xem liệu có nên xuất hiện tại tòa khi phiên tranh tụng bắt đầu vào cuối tháng trước, các chuyên gia luật quốc tế của nước này lại không thể đảm bảo với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thắng trong vụ kiện, hai quan chức giấu tên có hiểu biết về vấn đề tiết lộ.
Tháng 12/2014, Trung Quốc đưa ra một bản tuyên bố lập trường cho rằng đơn kiện "đường lưỡi bò" của Phillipines đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền, nên không thuộc thẩm quyền xét xử của PCA. Trung Quốc khăng khăng rằng họ "có chủ quyền không tranh cãi" khi "là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, khám phá và khai thác các nguồn tài nguyên" trong khu vực. Tòa PCA đã bác bỏ luận điểm này và coi hồ sơ của Philippines "đủ cấu thành một vụ kiện" mà tòa có quyền xét xử.
Khi PCA tuyên bố sẽ ra phán quyết vào giữa năm 2016, vụ kiện "đường lưỡi bò" đã trở thành trò "đá bóng" đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hai cục trong bộ này đã tranh cãi về trách nhiệm giải quyết vụ kiện trong khoảng một năm, trước khi đẩy cho các quan chức ngoại giao cấp thấp hơn, theo hai nguồn tin trên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi qua đường fax hôm 17/12 về cách giải quyết của họ với vụ kiện này.
"Có người cho rằng đây là một bước đi khôn ngoan và linh hoạt theo chính sách đối ngoại 'tiến hai bước, lùi một bước' của Trung Quốc. Nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi đây có thể là cách suy diễn quá xa xôi", James Kraska, giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói.
noi-bo-trung-quoc-tranh-cai-ve-vu-kien-duong-luoi-bo-1
Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực, nơi xét xử vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines. Ảnh: Reuters
Cuộc tranh luận trong nội bộ Bộ Ngoại giao cho thấy các quan chức ngoại giao Trung Quốc đang lo lắng rằng nếu Phillipines thắng kiện, Trung Quốc sẽ bị bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Ông đã coi hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là "niềm tự hào quốc gia" và là trọng tâm của việc trỗi dậy thành một cường quốc quân sự của Trung Quốc.
"Điều này cũng phản ánh sự thiếu tầm nhìn chiến lược của các quan chức ngoại giao Trung Quốc, những người vốn chỉ chuyên hoạt động ngoại giao mà thiếu đi nền tảng chính trị thường thấy của các chiến lược gia ở các nước khác", Zhang Baohui, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương ở Đại học Lingnan, Hong Kong, nhận định.
Từ lâu các nhà phân tích đã dày công tìm hiểu tư duy đối ngoại của Trung Quốc. Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuốn "Bàn về Trung Quốc" xuất bản năm 2011 cho rằng tư duy đối ngoại của Trung Quốc dựa trên binh pháp Tôn Tử, trong đó chủ trương theo đuổi các mục tiêu lâu dài dựa trên sự hiểu biết về đối thủ.
"Hiện nay, mọi cấp trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều toàn là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, và giới học giả tin rằng nền tảng hiểu biết của họ không đủ tầm để định hướng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một cường quốc lớn như Trung Quốc cần những người có tư duy chiến lược tầm cỡ", ông Zhang nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu vào làm ở Bộ Ngoại giao sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1982, cho đến khi trở thành người đứng đầu cơ quan này vào năm 2013. Người tiền nhiệm của ông là Dương Khiết Trì cũng có thâm niên làm việc trong Bộ Ngoại giao từ năm 1975.
"Trung Quốc cũng dễ mắc sai lầm trong chính sách đối ngoại như bất kỳ quốc gia nào. Các vấn đề chính trị nội bộ và cạnh tranh diễn ra trong bộ máy ngoại giao khiến cho việc giải quyết các vấn đề phức tạp luôn rất khó khăn. Đây là một cuộc chơi tương đối mới, vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ hoang mang", Nick Bisley, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học La Trobe, Melbourne, nhấn mạnh.
Duy Sơn

Đảng Cộng sản Ukraine bị cấm hoạt động

Tòa hành chính khu vực Kiev đã ra phán quyết cấm Đảng Cộng sản Ukraine hoạt động theo đơn kiện của Bộ Tư pháp nước này.

Ngày 16/12, tòa án trên đã hoàn tất việc xem xét đơn kiện của Bộ Tư pháp về việc cấm Đảng Cộng sản Ukraine hoạt động. 

Thông cáo cho biết: "Tòa án hoàn toàn chấp nhận đơn kiện của Bộ Tư pháp Ukraine, cấm Đảng Cộng sản Ukraine hoạt động". Vụ việc này được xem xét với sự tham gia của bên thứ ba là Ủy viên Nhân quyền của Quốc hội Ukraine. 

Ngày 8/7/2014, Bộ Tư pháp Ukraine và Cơ quan đăng ký Ukrgosreestr đã kiện lên Tòa hành chính khu vực Kiev yêu cầu cấm Đảng Cộng sản hoạt động trên lãnh thổ Ukraine. Ngày 30/9, Tòa hành chính khu vực Kiev theo đơn kiện của Bộ Tư pháp đã đình chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản Ukraine (mới) và Đảng Cộng sản công nông.
Theo Komersant

17 tháng 12, 2015

Trưởng đại diện JICA mơ an tâm ăn rau Việt


(Tin tức thời sự) - "Với tư cách là một người sống tại Hà Nội, nguyện vọng của tôi chính là có thể an tâm ăn rau", Trưởng đại diện JICA Mori Mutsuya chia sẻ.

Trong buổi họp báo về hợp tác nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Mutsuya đã chia sẻ những băn khoăn cá nhân khi tiêu dùng nông sản ở Việt Nam và những vấn đề nông nghiệp mà phía Nhật Bản quan tâm.
Truong dai dien JICA mo an tam an rau Viet
Tình trạng lạm dụng thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc kích thích tại Việt Nam đã trở nên báo động
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông: "Trước tiên là độ an toàn. Với tư cách là một người sống tại Hà Nội, nguyện vọng của tôi chính là có thể an tâm ăn rau. Tiếp theo là mức độ chế biến thấp, với trên 90% sản phẩm được tiêu thụ chưa qua chế biến và chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Thu nhập của người dân tăng cao, cuộc sống hàng ngày càng bận rộn thì nhu cầu về sản phẩm chế biến ngày càng cao...
Bên cạnh tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp, có cản trở nào cho sự phát triển của nông nghiệp hay không?
Xử lý sau thu hoạch chưa đầy đủ. Ví dụ, không có cơ sở bảo quản lạnh khiến tình trạng rau hỏng khi tới thị trường tiêu thụ trầm trọng hơn. Sản phẩm nông nghiệp không được phân loại, nên giá thành sản phẩm tốt cũng như sản phẩm kém đều giống nhau, làm mất dần ý thức cải thiện chất lượng của người sản xuất.
Do nghi ngờ về tính an toàn, nên cho dù có sản xuất rau an toàn cũng không có thị trường để bán được giá cao.
Tiêu thụ hàng hóa phức tạp. Ví dụ, thương lái thu mua, số tiền đã trừ chi phí và bán hàng mấy ngày sau mới được trả, nên người nông dân không thể dự toán được lợi nhuận của mình nên ngại đầu tư tiếp tục sản xuất.
Cho dù mục tiêu là hướng tới xuất khẩu, thì với giá đầu vào như đất và phân bón cao, thì năng lực cạnh tranh cũng không có. Những nội dung trên đây mới chỉ là một ví dụ, ngoài ra còn rất nhiều các vấn đề khác".
Lời chia sẻ của Trưởng đại diện JICA cũng chính là nỗi lo của người dân Việt Nam về nông sản bấy lâu nay, đặc biệt là vấn đề an toàn. Đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đi xem người nông dân trồng rau ở ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận, và ông phải thừa nhận rằng đúng là có chuyện "rau hai luống":  "Luống cho mình và luống để bán. Luống cho mình xấu hơn, luống để bán xanh hơn”.
Phó Thủ tướng cho rằng: "Suy cho cùng người nông dân cũng vì lợi ích thôi. Hôm nay họ bán được thì vẫn để 2 luống rau nhưng ngày mai không ai mua nữa thì phải thay đổi".
Theo Phó Thủ tướng, khu bếp của nhiều gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay luôn có chiếc máy lọc nước riêng.
“Họ cũng thường mua rau tại cửa hàng rau sạch. Nhiều người nhờ người thân ở quê để có nguồn rau, thịt riêng. Tôi không biết uống rượu nên không phân biệt được, nhưng bạn tôi nói rượu càng đắt thì rượu giả càng nhiều. Nhiều người khuyên giờ đi đâu uống rượu thì uống rượu rẻ tiền thôi", ông cho hay.
Mặt khác, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam sát với Trung Quốc nên việc kiểm soát thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc kích thích, gia vị nhập lậu vô cùng khó.
“Tôi đã làm chủ tịch một tỉnh có biên giới sát Trung Quốc rồi, những loại hàng đó không qua hải quan đâu. Bên kia là Trung Quốc, bên này Việt Nam, nói tiếng giống nhau không phân biệt được, chỉ lội nước là sang”, Phó Thủ tướng cho biết.
Các mặt hàng trong siêu thị cũng cơ bản tốt. Tuy nhiên Việt Nam lại ngược với hầu hết các nước khi 80% lượng thực phẩm tiêu thụ đến từ các chợ nhỏ lẻ chứ không phải siêu thị.
Trong khi việc kiểm soát sản xuất, phân phối cho 80% thị trường nhỏ lẻ này rất khó khăn. Tình trạng nhập lậu thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra tràn lan.
Ông cho rằng: "Cách tốt nhất để cảnh báo cho người dân là trong tất cả các chợ có đặt thiết bị thử để người nào nghi ngờ thì có thể vào đó thử; nếu thực phẩm không sạch thì sẽ không mua nữa”.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã phải đau xót thốt lên rằng: "Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!".
Minh Thái

Mỹ “im lặng” thế giới lo, Mỹ “ra tay” thế giới chấn động


Đăng Bởi  - 
my im lang
Ảnh minh họa từ Internet

Khi Mỹ im lặng, cả thế giới dõi theo lo sợ. Khi Mỹ bất giờ ra quyết định thì toàn cầu chấn động. Mỗi bước đi của Mỹ luôn là thách thức đặt tất cả những điều bất định khó lường.

Trong câu chuyện lãi suất, mỗi lần Fed họp là một lần chấn động, các thị trường thế giới đã nín thở theo dõi từng hành động của Mỹ. Quyết định hôm 16.12 (theo giờ địa phương) của nữ chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen về chính sách lãi suất đã mở ra một thời kỳ mới, bớt bất định nhưng vẫn còn nhiều thách thức.
Nín thở lo lắng
Cuối cùng, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, từ mức 0-0,25% lên 2,25-0,5%, chính thức chấm dứt thời kỳ tiền tệ giá rẻ kéo dài 7 năm qua.
Quyết định này đã giải tỏa tình trạng nín thở chờ đợi và phỏng đoán của hầu hết các thị trường kéo dài trong cả chục tháng qua, mở ra một thời kỳ rõ ràng hơn.
Trong cả một năm trước đó, các thị trường tài chính, ngoại hối, chứng khoán, hàng hóa… nhiều nước biến động khôn lường, liên tục chấn động trước, trong và sau mỗi phiên họp của Fed. USD liên tục tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới.
USD tăng ngay cả khi giới đầu tư đón nhận một lời phát biểu tại một buổi nói chuyện bên lề của người đứng đầu Fed hoặc một vài chuyên gia có uy tín trong hệ thống NH liên bang Mỹ.
Xu hướng tăng giá của đồng USD bắt đầu từ giữa năm 2014. Thị trường đã có sự nhạy cảm nhất định khi nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu hồi phục rõ ràng. GDP quý II/2014 của Mỹ đã bất ngờ tăng vọt 4,2%, một bước nhảy vọt so với mức tăng trưởng âm 2,1% của quý trước đó.
Tuy nhiên, xu hướng rõ ràng nhất bắt đầu từ cuối 2014, khi mà chủ tịch Fed Janet Yellen không còn dùng tới cụm từ “cam kết giữ lãi suất ở mức gần 0% trong một thời gian đáng kể”, mà thay bằng “kiên nhẫn chờ thời gian thích hợp”.
Cùng với việc Fed chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ và trái với nỗ lực “bơm tiền” cứu kinh tế và khủng hoảng tại các nước, trong năm 2014, nhiều đồng tiền đã giảm hàng chục phần trăm so với USD như: Lira Thổ Nhĩ Kỹ, rand Nam Phi, real Brazil, hryvnia Ukraine, rúp Nga…
Tới giữa tháng 3.2015, từ “kiên nhẫn” đã không còn, thị trường tài chính thế giới ngay lập tức chao đảo. Khi đó, chỉ số US Dollar Index (DXY) lần đầu tiên trong 5 năm vọt lên chạm ngưỡng 100 điểm, thay vì mức 80 điểm trước đó chưa tới một năm. Hàng loạt các đồng tiền đồng loạt giảm giá mạnh. Cùng với cú sốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc, hàng loạt các đồng tiền như rupiah của Indonesia, ringgit của Malaysia… mất cả chục phần trăm xuống mức thấp nhất trong 1-2 thập kỷ.
Trong 3 kỳ họp hồi tháng 9, tháng 10 và tháng 11.2015 của Fed, thế giới càng rối khi bà Yellen không đưa ra một thông tin nào rõ ràng thực sự về một kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự chần chừ của Fed có lẽ có nguồn gốc từ cú phá giá đồng NDT hồi giữa tháng 8. Các thị trường liên tục chao đảo, liên tục đảo chiều lên xuống sau những những sự ngóng chờ rồi những quyết định hoãn nâng lãi suất.
Dầu tăng giảm, vàng lên xuống, euro, NDT liên tục nhảy múa.
Mỹ tăng lãi suất, thách thức thế giới
Quyết định tăng lãi suất của Fed đã chính thức xác định một thời kỳ rõ ràng hơn trên thị trường tài chính thế giới. Dự kiến trong 2016 Fed sẽ tăng từ 2 đến 4 lần với mức tăng tương tự. Có nghĩa là, Fed sẽ tăng thêm 0,5% cho tới 1% vào năm sau. Lãi suất có thể đạt 1,375% vào cuối năm sau.
Chính sách tiền tệ của Mỹ giờ đây rõ ràng hơn. Đón nhận một thời kỳ mới, các thị trường đã không phản ứng mạnh, thậm chí còn tích cực. Chứng khoán Mỹ đều tăng khoảng 1% kết thúc phiên 16.12, trong khi trên thị trường châu Á, các TTCK lớn trong khu vực, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều lên điểm ngay.
Sau khi tăng lên trên 6,5 NDT, sáng 17.12 đồng NDT của Trung Quốc đã xuống còn 6,45 NDT/USD. VND của Việt Nam trên thị trường tự do lên 22.750 đồng/USD vào đầu buổi sáng cũng đã xuống 22.720 đồng lúc gần trưa…
Tâm lý trên hầu khắp các thị trường là lạc quan, nhẹ nhõm, bớt đi một nhân tố bất định. Tuy nhiên, sau quyết định của Fed, xu hướng dài hạn của USD vẫn không đổi là: tăng giá. Trong khi đó, các đồng tiền khác, vàng, dầu… khó thoát khỏi xu hướng giảm.
Xu hướng rõ ràng hơn nhưng theo nhiều chuyên gia, thị trường tài chính thế giới vẫn còn nhiều bất an. Ngay chính trong một con đường khá sáng rõ của Fed vẫn còn những sự bất định. Câu hỏi hiện nay được đặt ra là: tốc độ tăng lãi suất của Fed sẽ như nào, mức độ “từ từ” ra sao, điểm cuối của chu kỳ tăng lãi suất là khi nào, kéo dài bao lâu…
Một vài tháng nữa khi quyết định của Fed bắt đầu phát huy tác động, hàng loạt các thị trường thấy rõ ảnh hưởng. Thị trường lãi suất thương mại, tái cấp vốn, rồi cả cả các thị trường lãi suất liên NH trên thế giới như LIBOR cũng bị chịu tác động. Tất cả sẽ thay đổi. Nhiều lĩnh vực như sản xuất và năng lượng… cũng sẽ bị ảnh hưởng do USD tăng giá.
Một nỗi lo với các nền kinh tế mới nổi là dòng vốn sẽ chảy ngược trở về Mỹ khi USD mạnh lên. Lãi suất USD tăng có thể sẽ khiến các nền kinh tế này khan vốn phục vụ cho thúc đẩy tăng trưởng. Khối nợ khổng lồ lên tới hàng ngàn tỉ USD sẽ là gánh nặng hơn đối với nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, thế giới cũng còn phải lo lắng với ông lớn Trung Quốc. Nước này vẫn đang rập rình thả đồng NDT theo hướng giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu, vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc ở mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Mỹ đã không trì hoãn tăng lãi suất, Fed đã không chờ Trung Quốc ổn định. Thế giới thở phào vì nền kinh tế đầu tàu của thế giới hồi phục vững chắc. Tuy nhiên, một nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn khó lường.
V. Minh/VNN

Chelsea sa thải HLV Mourinho


 - Nhà ĐKVĐ Premier League vừa quyết định sa thải HLV Jose Mourinho sau chuỗi kết quả nghèo nàn của Chelsea ở giai đoạn đầu mùa bóng 2015/16.
Mới hồi tháng 5 vừa qua, "người đặc biệt" cùng các học trò bước lên đỉnh vinh quang Ngoại hạng. Tuy nhiên, trận thua trên sân Leicester cuối tuần trước đã làm tràn ly thất vọng, khi Chelsea tụt xuống vị trí thứ 16 trên BXH, chỉ hơn nhóm cầm đèn đỏ đúng 1 điểm.
Mourinho,ra đi, Chelsea, bết bát, ĐKVĐ Premier League
Mourinho phải ra đi sau khi Chelsea thi đấu bết bát mùa này
Trong mùa hè vừa qua, Mourinho mới ký tiếp hợp đồng 4 năm với The Blues. Thế nên, với quyết định sa thải ngay lập tức, tỷ phú Abramovich sẽ phải bồi thường cho nhà cầm quân người Bồ số tiền lên đến 40 triệu bảng.
Đây cũng là lần thứ hai Mourinho rời Stamford Bridge trong tâm thế kẻ thất bại, sau giai đoạn đầu hồi năm 2007. Phát biểu cuối cùng trước lúc bay ghế, ông thừa nhận bị chính các học trò phản bội mình dẫn đến hàng loạt kết quả tệ hại.
Các số báo ra ngày hôm qua cho biết, cựu HLV Tottenham - Juande Ramos nhiều khả năng sẽ được chỉ định làm HLV tạm quyền của Chelsea cho đến cuối mùa.
Tuy nhiên, thông tin gần gũi Abramovich cho hay, Guus Hiddink mới là người được ông chủ người Nga chọn mặt gửi vàng.
Thông báo từ phía Chelsea có đoạn: "Đội bóng thành London muốn gửi lời cảm ơn Jose Mourinho vì những gì ông đã làm cho CLB kể từ năm 2013.
Với 3 chức vô địch Ngoại hạng, cúp FA, Community Shield và 3 League Cup giành được trong 3 thời kỳ huấn luyện The Blues, Mourinho chính là chiến lược gia thành công nhất trong lịch sử 110 năm của Chelsea.
Nhưng Mourinho và lãnh đạo đội bóng nhất trí rằng, kết quả từ đầu mùa là không tốt. Đôi bên đều thống nhất nên chấm dứt hợp đồng ở thời điểm hiện tại.
Chelsea gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Mourinho và luôn tôn trọng, quý mến ông ở CLB. Bất kỳ lúc nào, Jose cũng được chào đón nồng hậu tại Stamford Bridge." 
* Tiếp tục cập nhật và chỉnh sửa
T.A

Gửi đôla vào ngân hàng không còn được hưởng lãi


Từ 18/12, trần lãi suất tiền gửi đôla Mỹ với cá nhân giảm về 0% thay vì 0,25% một năm như trước đây, theo quyết định vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra sau khi FED tăng lãi suất USD.
Cuối ngày 17/12, Ngân hàng Nhà nước ra thông báo điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi với đôla Mỹ. Theo đó, từ 18/12, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0% thay vì 0,25% một năm. Lãi suất gửi đôla của các doanh nghiệp, tổ chức cao nhất vẫn là 0%.
Quyết định này được Ngân hàng Nhà nước đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng 0,25% lãi suất USD. Theo lý giải của nhà điều hành, động thái này nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ thực hiện chủ trương chống đôla hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.
Trước đó, cách đây hơn 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa hạ trần lãi suất tiền gửi đôla Mỹ áp dụng cho các cá nhân từ 0,75% xuống 0,25% và các tổ chức từ 0,25% xuống 0% một năm khi tình trạng găm giữ đôla của các doanh nghiệp xuất hiện.
Vài ngày gần đây, tỷ giá trên thị trường ngân hàng nóng trở lại và luôn kịch trần ở mức 22.547 đồng một đôla Mỹ. Tuy nhiên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng ngày 17/12 một lần nữa vẫn đưa ra thông điệp cho rằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, cung cầu ngoại tệ vẫn đang có những diễn biến tích cực. "Chúng ta có xuất siêu khoảng 500 triệu USD trong tháng 10 và tiếp tục xuất siêu khoảng 260 triệu USD trong tháng 11. Số liệu về giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng trên 17% so với cùng kỳ. Dòng kiều hối tiếp tục đổ vào Việt Nam", bà cho biết. Vị lãnh đạo này cho rằng, giá đôla tăng kịch trần là do thị trường xuất hiện tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng trước phiên họp chính sách của FED và khả năng Mỹ tăng lãi suất.
Thanh Thanh Lan

Rau xanh, rau sạch


Ai ăn rau tới hái rau nha
Rau muống xanh rau sạch vườn nhà
Chẳng phải sơn hào hay hải vị
Chỉ chút tâm tình mát lòng ta.
(3/2 Bàu Trũng Vũng Tàu)
Phạm Hải

16 tháng 12, 2015

Metro TP.HCM đắt bậc nhất thế giới: Tự tạo trái đắng ODA

Theo Đất Việt

(Tin tức thời sự) - Vay tiền ODA để xây dựng, nên thế hệ sau chắc chắn sẽ phải trả trong vài chục năm nữa khi chưa được hưởng lợi gì từ các công trình Metro.

Chậm tiến độ mới làm tăng giá công trình
Trước giải thích của Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM về nguyên nhân dẫn đến suất đầu tư tuyến metro ở TP.HCM cao hơn so với các nước là do tuyến metro có đoạn đi ngầm dài hoặc ngắn, chia sẻ với Đất Việt, ngày 16/12, PGS.TS Phạm Xuân Mai -  Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng, đây chỉ là những giải thích không hợp lý.
Theo ông Mai, các tuyến Metro của chúng ta nếu so với thế giới tỷ lệ đi ngầm vẫn còn quá thấp. Cụ thể, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài 19,7km, trong đó 17,1km đi trên cao và 2,6km đi ngầm, như vậy chỉ có 15% đi ngầm, với suất đầu tư là 93,9 triệu USD/km.
Tương tự, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương có suất đầu tư 123 triệu USD/km với tổng chiều dài 12km, trong đó 2,7km metro đi trên cao và 9,3km đi ngầm, như vậy là 77% đường đi ngầm, đây được mệnh danh con đường đắt nhất thế giới.
Trong khi đó, trên thế giới, nhiều khi suất đầu tư của các tuyến Metro rẻ hơn bởi vì đường đi ngầm nhiều nên không tốn chi phí giải phóng mặt bằng do hành lang không bị lấn chiếm, nghĩa là % đi ngầm nhiều thì giá thành càng rẻ. .
Đặc biệt, ông Mai khẳng định: "Các nhà ban quản lý đừng biện dẫn là do yếu tố địa hình, địa chất, vì nói chung mỗi nước sẽ có những kết cấu khác nhau, nhưng khác nhau không quá nhiều. Nói chung, các nước cũng sẽ có địa hình tương đương nhau, thậm chí Việt Nam mình còn tốt hơn các nước khác.
Nguyên nhân chính ở đây, là do chúng ta quản lý kém, trong khi các nước quản lý đơn giản thì chúng ta lại quản lý phức tạp. Có thể thấy, chính việc các nhà quản lý hoạch định giá trị các đơn giá kiểm soát không rõ ràng, không chỉ rõ các hạng mục nên giá thành mới nhảy lên".
Metro TP.HCM dat bac nhat the gioi: Tu tao trai dang ODA
Phối cảnh khu mua sắm ngầm và nhà ga tuyến metro số 1 tại nhà ga trung tâm Bến Thành.
Tiếp cận vấn đề ở khía cạnh giá nhân công với vật liệu xây dựng, theo ông Mai, nếu như giá nhân công làm Metro của nước ngoài cao thì của Việt Nam lại khá rẻ mạt, trung bình 4 triệu đến 5 triệu đồng, còn vật liệu thì các nước giá cũng sẽ tương đương nhau không chênh lệch quá nhiều.
Cho nên, các tuyến Metro TPHCM bị đội vốn là do, thứ nhất, quản lý yếu kém; thứ hai, tiền đền bù giải phóng mặt bằng quá cao; thứ ba, thi công chậm tiến độ quá nhiều, thời gian dài, nên đã làm tăng giá công trình.
Tóm lại, theo ông Mai, giải thích của phía Việt Nam là ngược với thế giới.Giá thành xây dựng Metro trên các nước hiện nay chỉ dao động khoảng 70 – 80 triệu USD/km, cao lắm trong trường hợp tuyến có địa hình đặc biệt cũng không vượt quá 100 triệu USD/km như Việt Nam.
Để xử lý vấn đề này, theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, thì phải thay đổi phương thức quản lý và chủ đầu tư, học hỏi thêm những kinh nghiệm của các nước đã từng triển khai thành công, học đến nơi, đến chốn, thay vì học cưỡi ngựa xem hoa như hiện nay.
Cùng với đó, nếu cần thì có thể thuê 1 ban quản lý dự án độc lập có nhiều kinh nghiệm về xây dựng các tuyến Metro.
Không công khai thông tin về các dự án
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc đội vốn lý do chính là vì chậm tiến độ. Vì khi chậm tiến độ, chúng ta sẽ phải chịu thêm tiền trả lãi ngân hàng, lương Ban quản lý...
Ông Liêm nhấn mạnh, đã từng có những dự án thừa hơn 1000 tỷ đồng, chỉ vì triển khai xây dựng đúng tiến độ, không cần dùng đến tiền dự phòng.
Theo vị chuyên gia, "Bộ KH&ĐT cũng đã rà soát, tra cứu các tài liệu quốc tế về suất đầu tư các tuyến Metro, cho nên mới nhận thấy các suất đầu tư Metro của Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới, cho nên cần phải xem xét khi xét tăng đội vốn.
Tôi cũng đồng ý với Phó Chủ tịch UBND TPHCM khi nói rằng: "Đã đến lúc cần có sơ kết, đánh giá những vấn đề tồn tại trong các dự án Metro rồi rút ra kinh nghiệm, sau đó mới có thể bàn bạc tiếp. Đây chính là vấn đề cấp bách nhất cần làm hiện nay, phải rà soát những tồn tại của quá khứ, rồi hãy nói chuyện tương lai".

Dang dở tuổi học trò

Báo động rối loạn sức khỏe tâm thần học đường.

Ngồi co mình trong một góc phòng của Bệnh viện Bạch Mai, một số học sinh đang điều trị về rối loạn sức khỏe tâm thần trò chuyện với chúng tôi bằng ánh mắt thất thần.
Bị bắt nạt ở lớp học

Ngồi thu mình một góc ở hành lang của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), Th. (sinh năm 1997, quê ở Thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) vẫn không thôi nghĩ về giấc mơ được phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình. Th. được gia đình đưa lên điều trị ở viện cuối năm 2014 khi phát hiện có những biểu hiện rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, sau mỗi đợt điều trị, Th. được về nhà điều trị ngoại trú.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Ảnh: K.N-N.H.
Th. sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên, bố là bộ đội. Th. kể: “Nhà chỉ có em là con trai nên từ nhỏ được bố mẹ nuông chiều. Em từng rất ngoan, muốn gì được nấy. Nhưng rồi không hiểu sao thi thoảng, em không làm chủ được hành vi của mình. Lần gần đây nhất em chỉ nhớ mình đi ngủ, vậy mà khi tỉnh dậy đã nằm trong bệnh viện”. Theo tìm hiểu, Th. giấu hung khí trong ba lô rồi đi gây rối trật tự ở ngoài đường. Sau chuyện đó, Th. được gia đình đưa lên nhập viện.

Kể lại quãng thời gian tuổi học trò của mình, Th. cho biết, khi đến lớp thường xuyên bị các bạn bắt nạt. Th. thường âm thầm chịu đựng nhưng khi ức quá cũng đánh trả các bạn. Th. thường xem phim kinh dị với nhiều cảnh chém giết nên nhiều đêm bị ám ảnh, mất ngủ. Căng thẳng, kết quả học tập sa sút. “Biết bố mẹ kỳ vọng rất nhiều nhưng bản thân không đạt được, em đã dày vò mình nhiều lắm”, Th. tâm sự.

Chị G, mẹ Th. không kìm được những giọt nước mắt khi kể về con trai. Chị kể, từ nhỏ Th. vốn là đứa trẻ ngoan, có năng khiếu nghệ thuật. Mỗi khi trường có hoạt động tập thể nào, Th. tích cực tham gia rất vui vẻ. Tuy nhiên, đầu năm lớp 12, Th. vấp cú sốc khi mối tình đầu với cô bạn cùng lớp tan vỡ. Khi đó chị nhận thấy tâm tính, cảm xúc của con thay đổi. “Lắm lúc, bị ức chế, căng thẳng một điều gì đó Th. lại không kiểm soát được hành vi của mình. Th. cầm bất cứ vật gì rượt đuổi những người xung quanh. Khi đó, mẹ chỉ biết chạy trốn và sợ hãi”, chị G. nói.

Chị G. tâm sự, khi nhỏ, một đôi lần Th. bị lên cơn co giật. Vợ chồng bận đi làm, giao con cho giúp việc, khi về cũng không phát hiện con có tổn thương gì. Nhiều lần mang con đến các viện để điện não đồ đều không phát hiện tổn thương nên cũng yên tâm. “Cho đến gần đây, khi vào Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bác sỹ kết luận con bị “biến đổi nhân cách”, gia đình mới choáng váng không hiểu nguyên nhân”, chị G. nghẹn ngào.

Phát bệnh vì học quá nhiều

X. là học sinh lớp 10 tại một trường của huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Mẹ X. cho biết, cả tuần em đi học, hết học ở trường lại đi học thêm, chỉ mỗi chiều thứ Bảy là được nghỉ. Mỗi khi đi học về, X. thường kêu đau đầu, chóng mặt, nhưng buổi tối vẫn đóng kín cửa để học bài. Gần đây, nghe tiếng X. nói lầm rầm đến khuya, người mẹ nghĩ con mình đang học bài nên để yên.
Chẳng ngờ trong một bữa cơm, cả nhà phát hoảng khi thấy X. bỗng lẩm bẩm như người đang học bài, chẳng chịu ăn. Đưa con đến bệnh viện khám, X. được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần. X. phải nghỉ học, được gia đình đưa đi điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Sau  một tháng, hiện bệnh X. đã có tiến triển, bớt nói lảm nhảm, ăn uống bắt đầu bình thường.

Khi bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia đưa chúng tôi vào thăm H. (24 tuổi, quê Nghệ An), bệnh nhân này co rúm người, nói lắp bắp: “Em biết lỗi rồi, em sẽ không thế nữa”. Bác sĩ Dũng vội đến bên vỗ về, an ủi. Lỗi mà H. nói ở đây chính là việc học tập quá nhiều, dẫn đến cuồng chữ. 
Trước đây H. học giỏi, nhưng thi trượt đại học, về sau trúng tuyển vào một trường trung cấp y. Ám ảnh bởi trước đây mình học chăm nhưng vẫn trượt đại học, H. lao vào học rất chăm chỉ, sau tốt nghiệp y sĩ đa khoa vào loại xuất sắc. Nhưng thời gian gần đây, H. thường xuyên kêu chóng mặt, nhìn lên bức tường luôn có cảm giác thấy những dòng chữ nhảy múa trên trang sách. “H. nhập viện đến nay được một tháng, đã bớt kêu đau đầu và nói không thấy chữ nhảy múa nữa”, bác sĩ Dũng cho biết.

L., quê Hải Phòng, học năm thứ 3 một trường nghệ thuật là trường hợp đặc biệt khác. Một ngày, L. bỗng mắc chứng hoang tưởng, lúc nào cũng tự coi mình là thần thánh, khi thì bảo mình là Lý Tiểu Long. 

Thỉnh thoảng L. lại múa hát, đánh võ rồi la hét. “Bố mẹ sau đó cho em đi gặp thầy để chữa bệnh, được thầy cúng bái rồi đưa cho em một chiếc dây này để đeo vào cổ”. L. vừa kể vừa kéo chiếc dây xỉn màu ra khỏi cổ khoe. Khi được hỏi: “Thế vì sao bây giờ em lại vào đây?”- L. ngẩn ngơ rồi trả lời: “Em không rõ nữa, hình như bệnh không đỡ”. “Thế bây giờ còn muốn trở thành Lý Tiểu Long không?”- “Em chán rồi”, L. đáp.
Theo Infornet

Đô đốc Mỹ: Tranh chấp Biển Đông nên giải quyết tại tòa án


Đăng Bởi  - 
Do doc Scott Swift, Dien bien bien Dong, Trung Quoc, Philippines, Toa an trong tai thuong truc, PCA
Đô đốc Scott Swift, Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương Mỹ

Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cảnh báo rằng một cuộc chạy đua vũ trang trên Biển Đông có thể "nhấn chìm" khu vực trong vòng xoáy bạo lực và đề nghị tranh chấp Biển Đông nên giải quyết tại tòa án.

Đô đốc Scott Swift cho rằng một số nước đang có xu hướng muốn đẩy tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông trở thành một cuộc tranh chấp quân sự toàn diện. Ông kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc nên tìm cách giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ qua đường tòa án.
"Mối lo ngại của tôi là sau nhiều thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, chúng ta có thể thấy khả năng quay lại của việc gia tăng sức mạnh nhằm quân sự hóa tại khu vực này", Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố hôm 14.12 tại Hawaii.
Theo ông Swift, bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt tuyên bố chủ quyền, các quốc gia trong đó có Trung Quốc đã làm dấy lên nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực.
"Cả nước kiện và bị kiện đều đang đầu tư ngân sách quốc gia để phát triển lực lượng hải quân với các khả năng không đơn thuần chỉ để tự vệ", ông Swiff khẳng định.
Ngoài ra, việc gia tăng các hoạt động quân sự, tuần tra trong khu vực khiến xảy ra nhiều tình huống không cần thiết và có thể đe dọa đến hoạt động thương mại thông thường.
Đô đốc Mỹ yêu cầu Trung Quốc giải trình trước Tòa án trọng tài thường trực (PCA) nhằm giải quyết các tranh chấp pháp lý mà Philippines đã kiện nước này. "Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc có thể trở thành cơ hội để chúng ta thực thi luật pháp vì sự thịnh vượng của mọi quốc gia trong khu vực”, ông Swift nhận định.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới với số lượng hàng hóa đi qua mỗi năm lên tới 5.000 tỉ USD. Bắc Kinh cũng đang xây dựng phi pháp 7 hòn đảo nhân tạo trên những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép.
Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế từ tháng 1.2013. Hồi tháng 10, Tòa án PCA tuyên bố họ có thẩm quyền xét xử tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông theo đơn kiện của Manila. Theo đúng tiến trình phân xử, tháng 6.2016, tòa sẽ chính thức tuyên án, bất chấp việc Trung Quốc có đưa ra bằng chứng tranh luận hay không.
Thiên Hà (theo News York Times)