Trang

25 tháng 10, 2016

Tôi là phản động


Vào tháng 5/2014 Trung Quốc (TQ) cho giàn khoan 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam (VN). Nhân dân cả nước căm phẫn bọn TQ xâm lược, nhiều nơi xuống đường biểu tình phản đối.
Hòa chung khí thế toàn dân, tại Vũng Tàu tôi cũng tổ chức biểu tình phản đối TQ. Tôi viết lời kêu gọi biểu tình đăng lên blog BIỂN TRỜI TỰ DO và FB Hải Phạm. Bạn tôi làm mấy băng rôn- khẩu hiệu chống TQ (ảnh). Nhiều người ở VT hưởng ứng, sẵn sàng tham gia. 
Tuy nhiên trước ngày biểu tình có nhiều cuộc điện thoại của Công an, của UBND TP Vũng Tàu yêu cầu tôi không được biểu tình chống TQ, họ gửi mail cho tôi công văn của TT chính phủ cấm biểu tình. 3 cán bộ Công an đến nhà tôi “vận động” không nên biểu tình. Chiều cùng ngày chính quyền mời tôi lên Công an phường 10, Tp. Vũng Tàu để giáo huấn chủ chương, chính sách của đảng và nhà nước (có sự tham gia của hơn chục cán bộ là đại diện của các tổ chức, đoàn thể). Cuối cùng tôi đồng ý bãi bỏ cuộc biểu tình này, tôi viết lời cải chính đăng lên Blog và FB “giải tán” cuộc biểu tình (dự kiến vào 8h sáng hôm sau tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Tp VT).
Mấy ngày sau, nhiều người dân nơi tôi cư trú nhìn tôi với ánh mắt soi mói, ngờ vực, sau lưng tôi người ta thì thầm “nó là phản động”, nhiều người quen, bạn bè xa lánh tránh gặp tôi. Người ta chặn blog BIỂN TRỜI TỰ DO của tôi, nghe lén đt, đ/c Công an khu vực bỗng dưng thân mật, quan tâm với tôi hơn…
2 năm trôi qua.
Tình cờ tôi gặp mấy cao niên trong phường ở quán cafe, nói chuyện thiên hạ, có người nhắc chuyện xưa, chuyện tôi viết FB, tranh luận… rồi họ lại phê bình tôi là “phản động”.
Vâng, thưa các vị đang được “công khai yêu nước”!
Là dân đen nên tôi phải lén yêu nước vậy.
Nếu viết sự thật, chống TQ xâm lược là phản động thì tôi rất tự hào được là PHẢN ĐỘNG.
Phạm Hải

Thà chết không để Quốc nhục


Thám hoa Giang Văn Minh (1573 - 1638) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông Sùng Trinh hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi.
Ông sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây , Hà Nội. Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang tuế cống nhà Minh.
Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.
Khi triều kiến, hoàng đế Sùng Trinh ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:
- Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu đã xanh).
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
- Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ).
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây. Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa. ‎
(Sưu tầm và viết lại)
Hải Phạm

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận