(
Doanh nghiệp) - Nếu không cải thiện, Việt Nam sẽ phải trả giá do dòng vốn FDI sẽ chuyển từ Việt Nam sang Lào, Campuchia, thực tế điều này đang diễn ra.
Việt Nam sẽ phải trả giá?
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho thấy, năm 2013, trong số các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia và Lào - đất nước trước đây chưa từng được coi là "đối thủ" cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam thay vì con số 32% như thời điểm năm 2011, năm 2012.
Theo TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, mặc dù tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đến các quốc gia khác tăng lên song các doanh nghiệp FDI sau cùng vẫn chọn Việt Nam chứng tỏ sự hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn cao, dù họ đã cân nhắc các nước khác.
"Trong danh sách các nước mà nhà đầu tư nước ngoài đã cân nhắc trước khi vào Việt Nam, Campuchia và Lào có sự hấp dẫn tăng lên và thực sự đã cạnh tranh với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn hấp dẫn vì Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, rẻ và học nhanh – điều mà các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhỏ đều mong muốn có được khi tham gia đầu tư vào bất kể quốc gia nào", TS Lê Đăng Doanh nói.
|
Tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá là hơn 2 nước Lào và Campuchia |
TS Lê Đăng Doanh cũng cho biết, hiện nay gánh nặng quy định là những điều đáng chú ý đòi hỏi Việt Nam cải thiện các chỉ tiêu này nếu không Campuchia, Lào sẽ vươn xa hơn và Việt Nam sẽ phải trả giá.
"Rất có thể thời gian tới đây họ sẽ chuyển sang đầu tư Lào, Campuchia và điều này đang diễn ra rồi do giá đất ở Campuchia, Lào thấp hơn và thủ tục đỡ phiền hà hơn nhiều so với Việt Nam. Việt Nam cần có sự cải thiện nghiêm túc", TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cũng khẳng định, về mặt lao động 2 nước Campuchia và Lào vẫn thua Việt Nam.
TS Lê Đăng Doanh cũng phân tích, mặt tích cực doanh nghiệp FDI thời gian vừa qua đã tạo công ăn việc làm, kim ngạch xuất khẩu cao nhưng ông cũng chỉ ra mặt hạn chế là trong xuất khẩu đó giá trị gia tăng của Việt Nam thấp. Việt Nam cũng chưa phát triển công nghệ phụ trợ nên linh kiện phải nhập từ Trung Quốc thay vì Việt Nam.
Campuchia, Lào đang cải thiện nhanh
Bày tỏ quan điểm về kết quả khảo sát do VCCI đưa ra, chuyên gia kinh tế, TS Alan Phan cho rằng, khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định về một dự án FDI, họ đã phân tích và cân nhắc đến rất nhiều yếu tố.
"Tôi đã từng làm cho một tập đoàn đa quốc và họ có hơn 62 tiêu chí để tính điểm. Ngoài kinh tế vĩ mô và cơ sở hạ tầng của quốc gia, họ còn lưu tâm đến chính sách thuế, giá nhân công, thị trường nội địa, giá điện nước, giá đất, giá điều hành…đến phí bôi trơn, hiệu năng của quản lý, ngôn ngữ, địa chính trị, luật môi trường, hệ thống tiếp liệu phụ trợ ... ", TS Alan Phan chia sẻ.
|
Doanh nghiệp FDI sẽ đầu tư vào những đất nước mà khả năng thu lợi cao nhất, rủi ro ít nhất. |
Ông khẳng định rằng, họ sẽ đầu tư vào những đất nước mà khả năng thu lợi cao nhất, rủi ro ít nhất, tùy vào nhu cầu của họ.
"Chúng ta không nghĩ đến “đối thủ” mà phải hoạch định một chính sách FDI hợp lý, khả thi, có lợi thế cạnh tranh, sáng tạo…đem lại cho mình những quyền lợi phù hợp với lợi ích quốc gia và một nền kinh tế “sạch, và bền”, TS Alan Phan nói.
Trước thông tin, các nhà đầu tư nước người được khảo sát đã xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá là hơn 2 nước này.
TS Alan Phan lý giải, Campuchia và Lào đang cải thiện nền kinh tế rất nhanh so với Việt Nam, nhờ những giúp đỡ tốt từ Phương Tây và sự chú tâm của Trung Quốc về địa chính trị.
"Tôi nghĩ nếu Việt Nam không thay đổi mạnh mẽ về hệ thống cơ chế cho phù hợp với thị trường toàn cầu, thu nhập đầu người của Campuchia và Lào sẽ cao hơn Việt Nam sau 15 năm nữa", TS Alan Phan cảnh báo.
Về việc trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp FDI rồi sau đó, nhiều doanh nghiệp lại rút vốn khỏi Việt Nam, TS Alan Phan ví chuyện FDI cũng như chuyện vợ chồng, đôi khi hợp nhau thì bền lâu, đôi khi đổ vỡ vì những xung đột lợi ích. "Quan trọng là một quan hệ bình đẳng, minh bạch và 2 bên hiểu rõ lợi ích của nhau", TS Alan Phan nói.
Trước phản ánh của nhiều chuyên gia cho biết, có tình trạng "tô hồng" con số vốn đầu tư nước ngoài, chỉ tính số vốn nước ngoài đăng ký và không trừ vốn khi các doanh nghiệp rút lui khỏi Việt Nam, TS Alan Phan cho biết, việc tô hồng, thống kê ảo, bệnh thành tích.... là "chuyện hàng ngày ở huyện" đã bao trùm mọi lĩnh vực, không riêng FDI. "Vấn đề là mọi người đều biết căn bệnh và cách điều trị nhưng ... không ai làm", TS Alan Phan nói.
Tâm An ( Đất Việt )