Trang

12 tháng 1, 2015

Kinh tế VN 2015: Lấy gì để tăng trưởng?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

  • 12 tháng 1 2015
Tình hình thưởng Tết năm nay có xu hướng không cao đối với đại đa số người lao động
Vào Tết năm nay, hàng ngàn giáo viên trên khắp mọi miền đất nước vẫn không khác gì năm cũ, quà tết vẫn chỉ là “hương hoa” với gói kẹo, mì chính, chai nước mắm hay sang trọng hơn là vài trăm ngàn.
Những bài viết thấm đẫm nước mắt của báo chí còn cho thấy sự buồn tủi của giáo viên, không chỉ đơn thuần là nhìn sang các ngành nghề khác, với những con số thưởng tết từ vài chục đến vài trăm triệu đồng được công bố…
“Đắng lòng” là từ được báo chí quá quen dùng trong những năm qua. Vào Tết năm nay, “Đắng lòng: thưởng Tết bằng chả cá, gạch men” là một ví dụ chằn chặn nước mắt.

Nợ xấu vẫn nguyên bản

Vụ khởi tố và bắt giam mới đây đối với cả một nữ đại biểu quốc hội được “quyền miễn trừ” như bà Châu Thị Thu Nga tại Hà Nội là một minh chứng cao trào cho cơn đảo điên giật xù nợ cuối năm 2014.
Bất chấp chế độ rao giảng ngồn ngộn tính tuyên giáo về việc Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) đang “xử lý nợ hiệu quả”, sau một năm rưỡi hoạt động, VAMC chỉ mới mua được khoảng 10% số nợ xấu trong tổng số 500.000 tỷ đồng núi nợ - con số mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình buộc phải thú nhận trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2014.
Nợ xấu chính là điểm thắt nghẽn sống còn đối với cơ chế vận hành máu huyết tài chính và cả nền kinh tế quốc gia.
Nhưng mua nợ xấu mà không bán được thì cũng như không. Chính thế, bởi tính từ lúc các quan chức VAMC và đội ngũ chuyên gia phản biện trung thành PR về việc “các doanh nghiệp nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ của VAMC”, cho tới nay đã chẳng có bất kỳ một dấu hiệu sáng láng nào về kết quả giao dịch nợ giữa VAMC với “bạn bè quốc tế”.
Phía sau nợ xấu lại là nợ công. Dù chưa gây tác hại trực tiếp như nợ xấu, nhưng tiềm năng mà núi nợ công dồn lên đầu hơn 90 triệu người dân Việt Nam và các đời con cháu trong tương lai không quá xa được xem là cực kỳ có triển vọng.
Triển vọng đe dọa ghê gớm như thế đang càng trở nên ma quái hơn khi Chính phủ vẫn ung dung tư thế tự tại với tuyên thệ tỷ lệ nợ công quốc gia trên GDP chưa vượt qua ngưỡng nguy hiểm 65%.
Song đã từ mấy năm qua, nhiều chuyên gia phản biện và ngay cả những quan chức nhà nước như ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Việt Nam, đã cố dẫn ra các tính toán đủ hợp lý để cho thấy tỷ lệ trên đã lên đến ít nhất 98% GDP, tức con số nợ công hiện thời phải lên đến khoảng 170 tỷ USD - quá khủng khiếp đối với một dân tộc mà “chỉ” 25 tỷ USD nợ xấu cũng không biết làm cách nào để xử lý và giờ đây vay nước ngoài 1 tỷ đô la cũng trầy trật.

Thị trường vẫn “trơ”

Nếu hơn 70% nợ xấu nằm chôn trong thị trường bất động sản, thì điều ngoa ngoắt cần bộc bạch thẳng thừng là thị trường này vẫn chẳng mấy biến chuyển sau bốn năm chìm ngập trong băng giá.
Bất chấp hàng loạt chính sách hỗ trợ muộn màng như gói 30.000 tỷ đồng, hạ lãi suất cho vay, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, tiết giảm thủ tục…, có đến 90% giao dịch cầm chừng vẫn thuộc về phân khúc nhà đất giá bình dân, trong khi lượng tồn kho chủ yếu thuộc về các phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp - ước tính lên đến hàng trăm ngàn đơn vị ở hai đầu cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể hàng chục ngàn căn hộ hoàn công khác bắt buộc phải tung ra bán trong vài năm tới.
Cuối 2014, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực tăng mức cấp tín dụng cho thị trường
Sức mua của thị trường đã trở nên yếu mềm đến kỳ lạ. Tình trạng hiện thời không chỉ còn là thiểu phát, hay nói cách khác là suy thoái sức mua, mà đang có những dấu hiệu của căn bệnh giảm phát và tiếp sau cả hàng thập kỷ mất mát.
Vào những năm “hoàng kim” như 2007, nếu vòng quay vốn đạt hai lần, thì nay có lẽ chỉ còn khoảng 0,6 - 0,7 lần, tức giảm đến khoảng 2/3.
Thời gian gần Tết 2015, như thường lệ, các doanh nghiệp lại ồ ạt đưa hàng bán ở các siêu thị và các chợ đầu mối.
Nhưng cũng như thời điểm này của năm 2014 và trước đó là 2013, lượng hàng tiêu thụ hầu như không tăng lên được. Rất nhiều gian hàng trong các siêu thị đã phải đóng cửa, để lại một khoảng trống vô tận dành cho trẻ em trượt patin.
Vào đầu năm dương lịch 2015, lượng người đổ vào các siêu thị khá đông, nhưng nhân viên siêu thị phải kêu lên rằng họ không phải là khách hàng mà chỉ đến để dạo gót xem hàng và sau đó đi thẳng.
Tâm lý găm giữ tiền và tất nhiên cả vàng đang phủ trùm trong dân chúng. Thu nhập giảm sút đáng kể từ năm này sang năm khác trong hầu hết các ngành kinh tế đang khiến 90% người giữ tiền phải hạn chế mua sắm.

'Tốt lắm là đi ngang'

Với bối cảnh u ám như thế, lấy gì cho tăng trưởng quốc gia năm 2015?
Sự thể cay đắng là vào cuối năm 2014, bản báo cáo đầy màu sắc của các ngành và sau đó là Chính phủ vẫn nâng tỷ lệ tăng trưởng GDP lên gần 6%.
Một nguồn phụ họa khác cho con số bóng nhẫy này là báo cáo dự báo triển vọng của những ngân hàng nước ngoài như HSBC và ADB, thậm chí còn cho rằng năm 2015 GDP sẽ tăng trưởng đến 6,5%.
Sự bất nhất cực kỳ đáng nghi ngờ của công tác được gọi là “thống kê” đã khiến chất lượng công bố giảm sút ghê gớm trong lòng dạ giới tiêu dùng và dân chúng.
Tất cả cũng như lãng quên quá nhanh sự kiện mới đây về giá dầu thế giới rơi thẳng và có nguy cơ khiến ngân sách Việt Nam hụt hẫng đến vài chục phần trăm trong năm 2015, nếu giá dầu không chịu phục hồi.
Với một cố gắng cuối cùng của năm 2014, Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại đã dồn đẩy tín dụng ra thị trường.
Chỉ số tăng trưởng tín dụng lập tức tăng vọt và đạt chỉ tiêu 12% của Ngân hàng Nhà nước đề ra và kéo theo hệ quả chính Ngân hàng Nhà nước phải phá giá 1% đồng VND.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại
Tuy nhiên, tiền có thực sự chảy vào khu vực sản xuất và kinh doanh để kích thích kinh tế hay không thì lại là một dấu hỏi quá lớn. Đó là một câu chuyện khác hoàn toàn, khi trước đó đã xôn xao thông tin về việc tín dụng được bơm chủ yếu cho những ngân hàng có nhu cầu thanh toán cuối năm và những doanh nghiệp thuộc loại “cánh hẩu”.
Thực tế, những khảo sát bỏ túi vẫn cho thấy có đến 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa không muốn vay vốn ngân hàng vì lý do đơn giản “vay cũng chẳng biết để làm gì”.
Thị trường tiêu thụ vẫn quá phổ cập tính “trơ”.
Biểu đồ kinh tế cũng bởi thế không thể, không cách nào “phục hồi” được, mà tốt lắm là sẽ đi ngang. Còn giai đoạn kéo ngang bao lâu sẽ tùy thuộc vào tính ổn định của tình hình kinh tế thế giới và tất nhiên phụ thuộc chủ yếu vào “bản lĩnh” bưng bít nợ xấu.
Ngay cả trong năm 2015, nếu tín dụng được bơm đẩy ồ ạt vào thị trường thì tình hình cũng chỉ mang sắc thái nào đó của năm 2009, khi Chính phủ đổ ra đến 143.000 tỷ đồng, tương đương 8,5% tỷ USD, nhưng lại chủ yếu làm lợi cho hai thị trường chứng khoán và bất động sản.
Cũng cần nhắc lại, hiệu quả của gói kích thích ấy cho tới nay vẫn là một câu hỏi cực lớn, cho dù Quốc hội đã mấy lần yêu cầu làm rõ.
Câu hỏi đó cũng dành cho cả nền chứng khoán Việt Nam - thường được xem là “tín hiệu của nền kinh tế” - vẫn tiếp tục cơn chìm đắm lạc giọng trong năm 2014.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo độc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàn thành hồ sơ khởi kiện nhà thầu TQ

(Tin tức thời sự) - Chủ đầu tư dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum đã hoàn thành hồ sơ khởi kiện nhà thầu Trung Quốc ra trung tâm trọng tài quốc tế.

Thông tin trên được ông Nguyễn Thúc Nghiêm, đại diện phía Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, chủ đầu tư dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum cho biết hôm 12/1.
Hoàn thành hồ sơ khởi kiện
Theo đó, "Công ty chúng tôi và nhà thầu Trung Quốc (Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 - PV) đang thực hiện các bước tố tụng theo quy định của pháp luật và hợp đồng. Chúng tôi đang gửi hồ sơ cho Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)", ông Nghiêm nói.
Đại diện phía Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng cho rằng, việc này sẽ phải mất cả năm để giải quyết.
Khu vực cửa dẫn vào đường hầm chuyển nước dài 17km xuyên lòng núi tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum vắng bóng công nhân
Khu vực cửa dẫn vào đường hầm chuyển nước dài 17km xuyên lòng núi tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum vắng bóng công nhân
Về việc tìm nhà thầu khác để thay thế nhà thầu Trung Quốc, ông Nghiêm cho biết, Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh đang thực hiện các bước đề nghị Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cho cơ chế đặc thù.
"Đây không phải chuyện đơn giản mà muốn làm ngày một ngày hai là xong. Chưa giải quyết xong làm sao đưa nhà thầu khác vào được?! Khi nào chấm dứt với nhà thầu Trung Quốc xong, tính toán công việc họ đã thực hiện, đền bù bao nhiêu, xác định khối lượng công việc còn lại, giá trị thế nào mới đưa nhà thầu khác vào làm được", ông Nghiêm nói.
Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 đã trúng Gói thầu (TKT-4.2.1) Thiết kế và xây dựng tuyến năng lượng đoạn 2 dự án thủy điện Thượng Kon Tum vào tháng 10/2010 với giá 1.614 tỉ đồng, rẻ hơn một nửa so với giá nhà thầu khác đưa ra. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, nhà thầu liên tục yêu sách, viện đủ lý do để đòi thêm hơn 800 tỉ đồng, chây ì, chậm tiến độ, sau đó rút máy móc, nhân công về nước.
Khó khăn gì?
Trao đổi với Đất Việt về việc khởi kiện nhà thầu Trung Quốc của Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, luật sư Trần Thu Nam, trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương cho biết, do vụ việc có yếu tố nước ngoài nên các cơ quan tố tụng ở Việt Nam khi thụ lý gặp khó khăn trong việc tống đạt các quyết định.
"Khó khăn ở đây chính là vấn đề triệu tập, thông báo, ra phán quyết, nếu họ không hợp tác cũng rất khó thi hành án. Phía Việt Nam sẽ phải thông qua các cơ quan hợp tác quốc tế trong vấn đề tư pháp, hỗ trợ tư pháp quốc tế, nhờ đến các cơ quan ngoại giao của Việt Nam để tống đạt các quyết định đến cơ quan mẹ của nhà thầu ở Trung Quốc. Nếu nguyên đơn nhờ trung tâm trọng tài quốc tế phân xử thì càng khó khăn hơn", ông Nam nói.
Một khó khăn khác được luật sư Trần Thu Nam chỉ ra, đó là việc lựa chọn pháp luật giải quyết tranh chấp. 
"Cái này rất phức tạp. Phải xem trong thoả thuận hay hợp đồng quy định áp dụng pháp luật của nước nào. Thường thì các vụ việc khi có yếu tố nước ngoài không bao giờ các bên lựa chọn pháp luật của một trong hai bên để  giải quyết tranh chấp mà lựa chọn pháp luật của nước thứ ba nhằm đảm bảo công bằng".
Theo ông Nam, phán quyết của trung tâm trọng tài quốc tế có hiệu lực thi hành án ở tất cả các nước tham gia ký Công ước New York 1958. Để đảm bảo bản án được thi hành, mỗi trung tâm trọng tài quốc tế có quy tắc tố tụng riêng và những hợp tác quốc tế riêng.
"Sau khi ra phán quyết, trung tâm trọng tài quốc tế sẽ gửi cho các cơ quan thi hành án hoặc hỗ trợ quốc tế trong vấn đề thi hành án, áp dụng các luật quốc tế để giải quyết.  Tuỳ từng trung tâm sẽ có biện pháp thi hành án riêng".
Qua vụ việc nhà đầu tư thuỷ điện Thượng Kon Tum kiện nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công, luật sư Trần Thu Nam cho rằng, phía Việt Nam sẽ phải cẩn thận hơn trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
"Đặc biệt khi có liên quan đến các yếu  tố nước ngoài, Việt Nam phải luôn chuẩn bị tư tưởng nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ giải quyết như thế nào, từ đó lựa chọn nhà thầu có uy tín hơn. Trên trường quốc tế có rất nhiều nhà thầu uy tín như các nhà thầu châu Âu, tại châu Á có nhà thầu Nhật Bản, còn nhà thầu Trung Quốc đã bị tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác", ông Nam nói.
Minh Thái

Kinh tế Trung Quốc sẽ sớm bị Ấn Độ vượt mặt?

Đăng Bởi  - 

An Do
Nhật, Trung và Ấn Độ là 3 nền kinh tế hàng đầu châu Á

Brzezinsky, vị cố vấn nổi tiếng với tài nhìn xa trông rộng của cựu Tổng thống Mỹ Carter trong thế kỷ 20 đã từng nói “tương lai là ở Châu Á”. Quả vậy, thế kỷ 21 đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của các cường quốc Châu Á, hai trong số ba cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới thuộc về Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, cả hai đã làm mưa làm gió trên nền kinh tế thế giới suốt hàng chục năm qua. Nhưng cũng đừng quên Ấn Độ.

Nếu phải nhìn nhận một sự trỗi dậy thực sự ngấm ngầm nhưng đầy sức mạnh trong tương lai của Châu Á, thì không ai có thể xứng đáng hơn Ấn Độ. Tương lai sự thách thức kinh tế của Châu Á đối với thế giới, nằm ở Ấn Độ.
So với hai cường quốc kinh tế số một và số hai Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, thì Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt. Đất nước đông dân thứ hai thế giới này không có những thời kỳ phát triển kinh tế chóng mặt được xem là thần kỳ như hai nước kể trên, thay vào đó quá trình phát triển kinh tế của Ấn Độ diễn ra chậm rãi và từ tốn với GDP luôn ở ngưỡng dưới 10%.
Rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảm thấy sốt ruột dùm Ấn Độ khi chứng kiến tốc độ phát triển như tên lửa của Trung Quốc khi nước này luôn đạt mức tăng trưởng trên hai con số, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi giống nhau, về dân số đông, giá nhân công rẻ và lãnh thổ rộng lớn.
Thậm chí Ấn Độ còn được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hẳn Trung Quốc khi sở hữu một đường bờ biển dài gấp đôi Trung Quốc, lại nằm trên con đường hàng hải xuyên Âu – Á rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Nếu như hầu hết hàng hóa của Trung Quốc phải vận chuyển trên một quãng đường rất dài để dồn về các tỉnh duyên hải phía Đông để đưa lên tàu xuất sang nước ngoài, thì ở Ấn Độ nơi biển bao quanh phần lớn lãnh thổ mọi thứ lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Thế nên không lấy gì làm lạ với sự hẫng hụt của thế giới khi chứng kiến sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng, nếu có một mô hình phát triển kinh tế nào đang được Trung Quốc thèm khát nhất ở thời điểm hiện tại, thì đó không gì khác ngoài Ấn Độ.
Nguyên nhân chủ đạo nằm ở việc các nhà lãnh đạo Ấn Độ chọn cách phát triển một cách bền vững thay vì chạy theo tốc độ và quy mô một cách lệch lạc như Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc để đạt mục tiêu tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất đã lao theo những kế hoạch phát triển tràn lan và thiếu tầm nhìn xa, và hậu quả sau ba mươi năm phát triển cao độ ở nước này giờ đây đang hiện ra rõ hơn hết, đó là sự thiếu cân đối giữa các bộ phận của nền kinh tế, ô nhiễm môi trường và một nền kinh tế ẩn chứa nhiều khuyết tật ngầm.
Những điều đó đã không xảy ra ở Ấn Độ. New Delhi đã tỏ ra có tầm nhìn xa hơn so với Bắc Kinh. Mở cửa nền kinh tế chậm hơn Trung Quốc một thập niên, chính phủ Ấn Độ tập trung xây dựng các lĩnh vực then chốt làm đòn bẩy cho nền kinh tế, đó là công nghiệp nhẹ và công nghệ thông tin. 
Các tiêu chuẩn được áp dụng trong phát triển công nghệ và tài chính thương mại ở Ấn Độ cũng cao hơn Trung Quốc khi Ấn Độ áp dụng các tiêu chuẩn của Châu Âu, đồng thời lực lượng lao động của Ấn Độ cũng có trình độ cao hơn Trung Quốc nhờ hệ thống giáo dục dựa theo các tiêu chuẩn phương Tây và việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi trên toàn quốc bắt nguồn từ quá khứ là thuộc địa của Anh.
Chính vì vậy, nếu như Trung Quốc đang rơi vào thế bế tắc trong việc tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế, thì cánh cửa tương lai đang rộng mở với Ấn Độ hơn bao giờ hết. Với chiến lược phát triển bền vững được quy hoạch có chiến lược của mình, Ấn Độ đang còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, trong khi Trung Quốc với sự bừa bãi của mình lại đang cạn dần.
Một trong số đó là nguồn nhân lực, nếu như giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi và trở nên đắt đỏ khiến giá nhân công rẻ không còn là lợi thế của nước này, thì nó vẫn được giữ nguyên ở Ấn Độ. Giới phân tích dự báo một lượng lớn nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc để chuyển sang các khu vực khác có giá nhân công thấp hơn như Đông Nam Á và Ấn Độ.
Tương quan kích thước kinh tế và đi cùng với đó là tương quan sức mạnh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vì thế sẽ ngày càng được rút ngắn. Trung Quốc được dự báo sẽ phát triển chậm lại ít nhất là trong hơn 10 năm tới, trong khi 20 năm tới lại được coi là giai đoạn kinh tế Ấn Độ có bước phát triển mạnh nhất, do Ấn Độ mở cửa nền kinh tế sau Trung Quốc hơn mười năm nên giai đoạn phát triển mạnh nhất của nước này cũng sẽ sau Trung Quốc chừng ấy thời gian.
Theo ADB và WB dự báo, mức tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2015 có thể lên tới 7% dù chính phủ nước này chỉ dự đoán trong khoảng 6,5%. Cùng là mức tăng trưởng 7% trong năm 2015 nhưng nếu như đó là chỉ dấu cho sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc thì đây lại là dấu hiệu cho việc Ấn Độ chuẩn bị đạt tới giai đoạn phát triển mạnh nhất của mình. Và quan trọng hơn hết là Ấn Độ đang đi trên một con đường thênh thang rộng mở trong khi Trung Quốc lại đang rơi vào ngõ cụt của phát triển kinh tế.
Trong tương lai, các chuyên gia dự đoán kinh tế Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ trước năm 2030. Nghiên cứu lịch sử kinh tế cho thấy kinh tế Ấn Độ vừa thoát khỏi giai đoạn nút cổ chai tăng trưởng và có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ tương tự như Trung Quốc đã làm nhưng sẽ bền vững hơn Trung Quốc khá nhiều. 
Thách thức lớn nhất không chỉ với trật tự kinh tế thế giới trong tương lai, mà còn với trật tự sức mạnh và quyền lực trong khu vực Châu Á, vì thế đang nằm ở Ấn Độ. Đối thủ lớn nhất trong tương lai của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn tầm ảnh hưởng trong khu vực không ai khác ngoài Ấn Độ.
Nhàn Đàm (theo The Economic Times)
Tags : Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Á