Trang

14 tháng 3, 2014

Tiền cứu trợ cho Ukraine có thể chảy vào túi Nga



Thỏa thuận hiện có sẽ buộc chuyển tiền ngay lập tức và trực tiếp 

từ Ukraine sang Nga, và việc chuyển tiền này hoàn toàn hợp pháp...





Giữa lúc chuẩn bị tung cho Ukraine những khoản cứu trợ trị giá hàng tỷ USD nhằm giúp Kiev tránh nguy cơ vỡ nợ, phương Tây phải đối mặt với một sự thật không mấy dễ chịu. Do những ràng buộc trong một thỏa thuận về trái phiếu giữa Ukraine và Nga, một phần không hề nhỏ trong những khoản cứu trợ này gần như chắc chắn sẽ chảy vào quốc khố của Moscow.

Hãng tin CNBC cho biết, thỏa thuận hiện có giữa hai nước sẽ buộc chuyển tiền ngay lập tức và trực tiếp từ Ukraine sang Nga, và việc chuyển tiền này là hoàn toàn hợp pháp.

Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí cho Ukraine vay 15 tỷ USD. Có rất ít chi tiết về thỏa thuận này được công bố vào thời điểm đó, ngoại trừ việc Ukraine sẽ phát hành trái phiếu và Nga sẽ mua trái phiếu này theo đợt cho tới hết năm 2014.

Đợt mua trái phiếu đầu tiên và duy nhất diễn ra vào cuối tháng 12, khi ông Viktor Yanukovych vẫn còn đang là Tổng thống của Ukraine. Đợt mua thứ hai dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2/2014, nhưng không bao giờ được thực hiện, bởi ông Yanukovych đã bị phế truất và chạy sang Nga, một Chính phủ mới thân phương Tây được thành lập ở Kiev.

Số trái phiếu mà Nga đã mua của Ukraine vào tháng 12/2013 có trị giá 3 tỷ USD, với thời điểm phát hành là ngày 24/12. Lãi suất cuống phiếu của số trái phiếu này khá mềm, chỉ ở mức 5%. Tiền lãi trái phiếu sẽ được thanh toàn 1 năm hai lần, vào ngày 20/6 và 20/12. Đây là một khoản nợ ngắn hạn và sẽ đáo hạn vào ngày 20/12/2015.

Một điều gây ngạc nhiên là luật của Anh được áp dụng cho số trái phiếu nói trên, và các vấn đề pháp lý xảy ra sẽ chỉ được xử lý bởi các tòa án của Anh. 

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong thỏa thuận này lại là một điểm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới tiền cứu trợ mà phương Tây dự định sẽ dành cho Ukraine. Điểm này quy định: “Chừng nào số trái phiếu còn lưu hành, bên phát hành [Ukraine] phải đảm bảo rằng, tổng nợ quốc gia và các khoản nợ được nhà nước bảo lãnh không lúc nào được vượt quá mức tương đương 60% GDP danh nghĩa hàng năm của Ukraine”.

Rắc rối nằm ở chỗ, ngay khi phương Tây hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cấp một khoản vay lớn cho Ukraine, nước này gần như chắc chắn sẽ có tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP vượt mức 60%. Ngay lập tức, số trái phiếu bán cho Nga sẽ rơi vào trạng thái “vỡ nợ” (default). 

Diễn biến này cho phép Moscow đòi Kiev phải trả nợ ngay lập tức. Do số nợ này nằm dưới sự kiểm soát pháp lý của các tòa án Anh, nên cả Ukraine và Nga đều không thể thay đổi điều khoản đã có trong thỏa thuận, từ đó rất khó để Ukraine “né” việc trả nợ. Khi đó, việc dùng tiền cứu trợ để trả nợ cho Nga gần như là tất yếu.

Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã tuyên bố sẽ cho Ukraine vay 15 tỷ USD, Mỹ dự định hỗ trợ 1 tỷ USD, còn Ngân hàng Thế giới có thể cho nước này vay 3 tỷ USD.

Theo giới quan sát, ngoài số trái phiếu nói trên, Ukraine còn có thể phải dùng tiền cứu trợ để thanh toán các khoản khác còn nợ Nga, đặc biệt là tiền mua khí đốt. Tập đoàn Gazprom của Nga mới đây cho biết, Ukraine đã nợ họ gần 2 tỷ USD tiền khí đốt. Nga là nguồn cung cấp 60% nhu cầu khí đốt của Ukraine.

Sau cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, giới đầu tư trái phiếu và chủ nợ trên khắp thế giới ngày càng quan tâm tới việc chọn quốc gia và hệ thống luật pháp nào để quản lý nợ. Nếu trái phiếu được phát hành theo luật của nước phát hành, thì lãnh đạo của nước đó có thể thay đổi luật bất kỳ lúc nào, tạo ra tình thế bất lợi cho các chủ nợ. Thực tế này đã xảy ra ở Hy Lạp khi nước này rơi vào khủng hoảng nợ công. Rốt cục, các chủ nợ trái phiếu của Athens đã thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, cũng có một số chủ nợ của Hy Lạp nắm giữ trái phiếu do Athens phát hành theo luật của Anh. Về sau, các chủ nợ này vẫn được trả nợ đầy đủ và kiếm lợi nhuận lớn.

Mới đây, khi phát hành 3,5 tỷ USD trái phiếu, quốc gia Nam Mỹ Puerto Rico cũng phải áp dụng luật của bang New York, Mỹ mới thuyết phục được giới đầu tư. Trước đó, trái phiếu Puerto Rico vẫn được phát hành theo luật của chính nước này.

Liên quan tới tình hình Ukraine, căng thẳng trên bán đảo Crimea của nước này tiếp tục leo thang trong ngày hôm qua, 3 ngày trước cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sẽ gia nhập Nga hay không. Tờ New York Times dẫn lời ông Andriy Parubiy, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cho biết, Nga đã đưa 80.000 quân, 270 xe tăng, 370 hệ thống pháo và 140 máy bay chiến đấu tới sát biên giới Ukraine.

“Ukraine hôm nay đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc xâm lược toàn diện từ nhiều phía”, ông Parubiy nói về hoạt động tập trận ồ ạt của Nga.

Trước đó, Tổng thống tạm quyền của Ukraine, ông Oleksandr V. Turchynov, nói rằng, các lực lượng của Nga tập trung gần khu vực biên giới giữa hai nước “đã sẵn sàng để can thiệp vào Ukraine bất kỳ lúc nào”.

Nền kinh tế Ukraine đã suy thoái từ giữa năm ngoái và còn phải đối mặt với tình trạng giảm phát. Tháng trước, Chính phủ nước này cho biết, thâm hụt ngân sách năm 2013 tăng 21,2% so với năm 2012. Quốc khố Ukraine khi Chính phủ mới được thành lập ở Kiev đã trống rỗng
.
 Theo An Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét