Ông cho rằng dựa vào sức dân là “bảo bối vạn năng”. Trước đó, ông Vũ Ngọc Hoàng, phó ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, lo lắng tình trạng tụt hậu của Việt Nam. Diễn đàn chủ nhật tuần này xin tiếp nối chủ đề trên.
Cần mục tiêu rõ ràng, hợp lòng dân
DƯƠNG TRUNG QUỐC
|
Ảnh: V.Dũng |
“Làm thế nào khơi dậy sức dân?”, câu hỏi ấy thường là của các nhà chính trị, những người hiểu được nguyên lý người xưa đúc kết “nâng thuyền hay lật thuyền cũng là do dân”.
Nhưng có điều không phải lúc nào nhà chính trị cũng coi trọng nguyên lý ấy chỉ bởi lẽ đơn giản: dân là số người rất đông và nhà chính trị (người cầm quyền) bao giờ cũng chỉ là một số nhỏ. Có cùng suy nghĩ đã khó, mà điều hòa quyền lợi còn khó hơn nhiều.
Vì thế, câu hỏi này thường chỉ được đặt ra khi thế nước đang bị thử thách.
Duy trì và bồi đắp mới là quyết định
Chẳng phải lấy những dẫn chứng lịch sử xa xưa, ngay trong ký ức của những thế hệ đã trải qua thời kỳ Cách mạng Tháng 8-1945 qua các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập tự chủ... đã có biết bao bằng chứng lịch sử phong phú và đúc kết được nhiều bài học quý giá.
Cảnh người giàu trong Tuần lễ vàng những năm đầu nước nhà độc lập đến những người dân bình thường sẵn sàng dỡ nhà lót đường cho xe ra mặt trận thời kháng chiến, hay mới đây thôi cả nước hướng tới các lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc... cho thấy sức mạnh tiềm tàng trong dân một khi được khơi dậy.
Chỉ có được sức mạnh ấy khi người lãnh đạo đưa ra được một mục tiêu đúng đắn hợp lòng dân, mà trước hết là quy tụ được sức mạnh bắt nguồn từ tinh thần dân tộc và ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia đã ăn sâu vào tâm thức của mọi người dân...
Tuy nhiên, lịch sử còn cho thấy bài học: khơi dậy là quan trọng nhưng duy trì và bồi đắp sức dân, điều mà tổ tiên ta đã dạy là kế sách “sâu rễ bền gốc”, mới thật sự là điều quyết định.
Hơn nữa, trong chiến tranh, khi những mục tiêu là rõ ràng và việc thực hiện mục tiêu ấy được mọi người tham gia một cách bình đẳng thì chính sự gương mẫu của thế hệ các nhà lãnh đạo là một động lực thúc đẩy và duy trì nguồn lực ấy.
Nhưng điều chắc chắn trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, những nguồn lực ấy đứng trước những thách thức lớn. Mà những thách thức ấy trước hết và mang tính quyết định lại ở phía những người có trách nhiệm “khơi nguồn”.
Nhớ lại hồi phát động Cách mạng Tháng Tám, chỉ cần đưa ra lời giải thích: “Trong lúc này không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng... thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” là đủ sức mạnh quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân.
Mấu chốt của vấn đề chính là những mục tiêu để quy tụ sức dân ngày nay, theo tôi, chưa đủ rõ ràng. Đó là những câu chữ ít nhiều chưa được xác định đầy đủ, ví như “công nghiệp hóa - hiện đại hóa”...
Sự thay đổi tích cực của xã hội nước ta thời gian qua là điều có thật. Nhưng chính những biểu hiện ưu việt nhất của những ý niệm tốt đẹp mà ở ta đang đặt mục tiêu, như giáo dục và y tế, thì giờ đây lại là những bức xúc nhất của toàn xã hội...
Làm sao cho dân tin vào chế độ, vào lãnh đạo
Mấu chốt của vấn đề chính là những mục tiêu để quy tụ sức dân ngày nay, theo tôi, chưa đủ rõ ràng |
Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC |
Tuy nhiên, theo tôi, điều tác động trực tiếp nhất đối với người dân là họ “soi” vào những người lãnh đạo qua lời nói và việc làm. Và tiêu chí người dân quan tâm nhất trong những mục tiêu chúng ta đưa vào cương lĩnh thành câu chữ, chính là sự “công bằng”.
Hiện tượng gần đây khá phổ biến là mỗi lần người dân, qua các cơ quan truyền thông nêu lên hiện tượng quan chức sở hữu tài sản “khủng” thì gần như bộ máy công quyền đều giải thích là hợp pháp và “đã khai báo đầy đủ với tổ chức”.
Tôi nhớ đến phát biểu đầu tiên của mình trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội (khóa XI), tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về sự khai báo quá khiêm tốn tài sản của các ứng viên đề cử vào các chức vụ của Nhà nước rằng “người nghèo chỉ có thể làm cách mạng đánh thực dân đuổi phát xít... chứ người lãnh đạo đất nước làm giàu thì cũng phải là những người biết làm giàu”.
Nhưng vấn đề làm giàu phải trên một nền tảng công bằng, theo đúng luật pháp và minh bạch. Trường hợp một vị chủ tịch tỉnh bị phát hiện có tài sản khủng bao gồm cả nhà và đất, cơ quan có trách nhiệm biện bạch rằng với mấy chục hecta cao su vào thời điểm được giá thì xây cái nhà ấy có gì là khó và mọi tài sản này đã khai báo với tổ chức và dân cũng chỉ được biết đến thế?!
Cần trả lời thẳng cho câu hỏi trên: Chúng ta luôn gắn dân tộc với chế độ. Khơi nguồn sức dân để góp phần bảo vệ và làm giàu cho dân tộc cũng là bảo vệ chế độ. Dân tộc và Tổ quốc thì dân dễ thấy và sẵn sàng như tổ tiên đã làm.
Nhưng chế độ được biểu thị rõ nhất là bộ máy lãnh đạo và đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì chắc chắn người dân có quyền đắn đo, cân nhắc. Vì thế muốn khơi được nguồn thì phải làm sao cho dân tin vào chế độ, vào lãnh đạo và đội ngũ cán bộ của chế độ.
Ba động lực làm trỗi dậy sức dân
TS VŨ MINH KHƯƠNG (ĐHQG Singapore)
|
Ảnh tư liệu |
Một dân tộc chỉ thật sự bước vào công cuộc phát triển thần kỳ khi sức mạnh tiềm tàng của nó trỗi dậy nhờ ba động lực chủ đạo: xúc cảm, khai sáng và phối thuộc hành động.
Xúc cảm là động lực trung tâm của mọi quá trình cải biến. Nó làm cháy lên khát vọng vươn lên của một dân tộc; làm cả xã hội, từ lãnh đạo đến người dân, thấy lo lắng cho vận mệnh của đất nước và trách nhiệm với thế hệ tương lai; khơi dậy phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người và cháy lên tình cảm đồng bào, đồng chí thân thiết và cao thượng.
Thế nhưng nếu động lực xúc cảm bị đè nén hoặc thui chột, xã hội sẽ bị ngự trị vô hình bởi sự nghi ngờ, giận dữ và vô cảm. Trong trạng thái này, người dân dễ bị kích động, gây phẫn uất, dẫn đến hành động thiếu lý trí, thậm chí đốt phá - bạo loạn.
Động lực xúc cảm thường bột phát mạnh khi đất nước phải đương đầu với những thách thức nghiệt ngã. Vì vậy, nuôi dưỡng và nâng tầm động lực xúc cảm cần là một ưu tiên hàng đầu và một trọng tâm xuyên suốt trong mọi nỗ lực khơi dậy sức mạnh của một dân tộc.
Để làm được điều đó, đất nước cần có những sáng kiến và thiết chế xã hội làm người dân có thể tham gia sâu rộng hơn vào công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.
Khai sáng là khả năng nhận thức và ra quyết định. Nó được cấu thành bởi ba yếu tố: tư duy mới, tri thức thời đại và năng lực học hỏi. Khai sáng giúp xã hội, từ lãnh đạo đến người dân, không chỉ thoát bỏ được ý thức hệ giáo điều mà còn dốc lòng học hỏi cái hay trong kho tàng tri thức nhân loại và quả cảm thử nghiệm cái mới trong nỗ lực vươn lên của chính mình.
Thiếu động lực khai sáng, dân tộc sẽ bị trì trệ vì thiếu tầm nhìn xa cho những bước đi lớn, thiếu tính quyết đoán trong các lựa chọn chiến lược và thiếu tính thử nghiệm sáng tạo cho các nỗ lực đòi hỏi tính đột phá.
Phối thuộc hành động tạo nên sức mạnh cộng hưởng của một dân tộc. Động lực này đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân có sự hợp tác gắn bó.
Chính phủ đóng vai trò không chỉ là người giám sát thực thi pháp luật mà còn là nơi tụ họp để doanh nghiệp và người dân bàn bạc, đánh giá và hoạch định kế hoạch hợp tác phát triển.
Chính phủ không nên đi sâu về chi tiết, mà nên vạch ra các hướng đi chiến lược trên cơ sở thảo luận sâu sắc với trí thức, doanh nhân và các đại diện của xã hội.
Chính phủ cũng cần có các biện pháp hỗ trợ thích đáng cho các nỗ lực phối thuộc và phải là một tấm gương đi đầu trong nỗ lực học hỏi thử nghiệm. Dưới đây là ba ví dụ nhỏ nhưng có tính thiết thực:
1. Lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên. Thay vì chọn ngay ngành cụ thể, Chính phủ nên đặt ra ba tiêu chí để cả xã hội thảo luận: sức mạnh đòn bẩy (nghĩa là phát triển của ngành này tạo sức lan tỏa mạnh sang các ngành khác); tiến bộ kỹ thuật (ngành có tiến bộ kỹ thuật nhanh thường giúp các nước đi sau bắt kịp nhanh và hiệu quả hơn) và tăng năng suất lao động (ngành có năng suất lao động tăng nhanh giúp tăng sức cạnh tranh và nâng cao mức sống người dân mạnh mẽ hơn).
2. Thúc đẩy áp dụng công nghệ thông tin. Nên khuyến khích và hỗ trợ những áp dụng nhỏ nhưng khả thi, có tác dụng lớn trong thay đổi nhận thức và tăng hiệu quả kinh tế.
Chẳng hạn, khuyến khích các nhóm làm thương mại điện tử (TMĐT) kết nối với các quán ăn ngon (chẳng hạn phở gà Lê Văn Hưu ở Hà Nội) làm phần TMĐT giúp họ.
Nhóm TMĐT sẽ lo phần quảng cáo và giao hàng, trong khi chủ hiệu phở chỉ cần lo tổ chức mở rộng sản xuất với chất lượng ổn định mà không phải quá bận tâm vào tìm hiểu các vấn đề kỹ thuật của TMĐT.
3. Quản lý lao động nước ngoài. Nên học tập Singapore việc thu phí trong sử dụng lao động nước ngoài.
Mức phí đủ lớn buộc các chủ doanh nghiệp cân nhắc về hiệu quả kinh tế giữa sử dụng lao động trong nước và nước ngoài. Đồng thời khoản thu từ phí này nên dành cho các địa phương có lao động nước ngoài chi cho đào tạo và phát triển nguồn lao động trong nước.
Chẳng hạn, 10.000 lao động nước ngoài ở Vũng Áng với mức phí tối thiểu 500 USD/năm trong giai đoạn trước đây đã có thể giúp Hà Tĩnh có 5 triệu USD hằng năm cho đào tạo và phát triển nguồn lao động của mình.
Luật sư TRẦN HỮU HUỲNH (chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN):
Biết tin dân và được dân tin
|
Ảnh: Nguyễn Khánh |
Để khơi dậy sức dân, việc đầu tiên Nhà nước phải tin dân, biết lấy dân làm gốc. Chuyện này đã trở thành giá trị được đúc kết qua nhiều thế hệ.
Đáng tiếc là ngày nay không phải lúc nào và ở đâu cũng thấm nhuần tinh thần ấy. Khi Nhà nước tin dân và xác định được tư cách phục vụ của mình, sẽ không bao giờ Nhà nước cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt ý tưởng để khơi dậy sức dân.
Sức dân là một khái niệm rộng lớn, ở đây nếu chỉ xét riêng về nguồn lực vật chất thì người dân Việt Nam nói chung chưa phải là dân giàu. Như vậy, không có cách nào tốt hơn để khơi dậy sức dân là khai phóng con người, phát huy tiềm năng trí tuệ của dân ta.
Nói ngắn gọn muốn đi lên phải dựa vào yếu tố con người. Mà nói đến con người thì ở nước nào và thời đại nào cũng vậy, tiềm năng của con người chỉ có thể nảy nở trên nền dân chủ và tự do cá nhân được tôn trọng.
Không nên hiểu rằng dân chủ đơn thuần là ban phát, hay tự do là cái có thể đem cho được. Đó là những gì gốc rễ trong câu chuyện khơi mạch nguyên khí quốc gia.
Biết tin dân để phát huy dân chủ, đến lượt dân sẽ tin Nhà nước khi Nhà nước được cấu trúc để vận hành hiệu quả và minh bạch. Niềm tin luôn là một trong những động lực lớn nhất để người ta dốc sức vì những điều có nghĩa lý.
Do đó trong nền kinh tế thị trường hôm nay, muốn khơi dậy sức dân thì một trong những điều thiết thực nhất là quyền sở hữu tài sản cá nhân phải được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ như là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của người dân.
Ví dụ như một người dân nào đó bỏ đồng vốn ra lập xí nghiệp nho nhỏ để làm áo sơmi, có thể hôm nay sản phẩm chỉ bán trong tỉnh, nhưng ngày mai là trong cả nước và ngày kia là ra nước ngoài.
ho nên thương hiệu nho nhỏ của xí nghiệp nho nhỏ đó phải được bảo vệ tối đa, bảo vệ không kém gì các nước khác bảo vệ đối với Intel hay Coca-Cola... Bảo vệ đến tận cùng, bảo vệ triệt để, bảo vệ một cách kiên quyết nhất để truyền đi cho người dân thông điệp rằng mọi sáng kiến cá nhân, mọi đồng tiền cá nhân đều được bảo vệ khi đem ra sản xuất kinh doanh.
Đi liền với bảo vệ quyền sở hữu là việc thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Đây cũng là chỗ chúng ta làm chưa tốt chừng nào còn phân biệt thành phần kinh tế này, thành phần kinh tế kia...
Một vấn đề nữa, chúng ta đang có một cuộc cải cách liên hệ mật thiết đến những quyền cơ bản nêu trên của người dân là cải cách tư pháp.
Với tư cách là một “chân kiềng” không thể thiếu, phải đẩy tới công cuộc cải cách tư pháp để quyền và nghĩa vụ của người dân được vun đắp trên những nền móng vững vàng.
V.V.THÀNH ghi
|