- Mười ngày sau, cô gọi điện lại cho tôi. Cô tả lại tối hôm ấy, chồng cô buồn
lắm và tỏ ra ân hận. Cô cũng đã bật khóc khi chồng cô âu yếm gắp cho cô
miếng lườn gà quay mà hồi yêu nhau cô rất thích.
Người phụ nữ ấy muốn đích thân tôi tư vấn, không chọn các cô trẻ hơn, không muốn đến phòng tư vấn mà muốn đến nhà riêng của tôi với điều kiện chỉ mình tôi với cô ta. Tất nhiên tôi chấp nhận mọi điều kiện vì tôi sống một mình. Cô đến rất đúng hẹn: 8 giờ tối thứ Bảy. Dưới ánh đèn phòng khách cô xuất hiện như một thí sinh hoa hậu quý bà. Bộ váy giản dị đúng mốt, dáng người mảnh mai xinh đẹp, trang điểm nhẹ nhàng, đặc biệt là mùi nước hoa Pháp sang trọng tỏa lan thơm dịu cả gian phòng.
Cô bắt đầu ngay vào vấn đề riêng tư cần tôi tư vấn.
Cô năm nay 37 tuổi (tôi chỉ đoán độ 32, 33). Chồng là thạc sỹ kinh tế, doanh nhân thành đạt ngành kiến trúc. Con trai 12 tuổi, học trường chuyên, mới giành giải thưởng cuộc thi Tiếng Anh và Toán của Thành phố. Tuy gia đình nhà chồng giàu có nhưng vợ chồng cô đã xây biệt thự ven Hồ Tây, ở riêng, có ô tô đưa vợ chồng đi làm, đón con đi học.
Ảnh minh họa
Chồng ngoại tình chăng? Đầu tôi xuất hiện câu hỏi nhưng chưa kịp nói ra, cô đã hỏi ngược lại tôi
- “Chắc chị ngạc nhiên tại sao sướng như em mà còn cần chị tư vấn? Em xin thưa là em rất sướng: Chồng đẹp trai, chung thủy, yêu quý vợ con, tiền nong giao hết cho em chi tiêu định liệu, chồng chẳng bao giờ hỏi han thắc mắc. Nghề của chồng em đang là hot, kiếm tiền dễ nên chồng em còn có ý định bảo em ở nhà nội trợ, trông con và đẻ thêm đứa nữa cho vui nhà. Vậy thì em còn gì phải phàn nàn khúc mắc nữa?
- Còn em đang làm ở đâu? – Tôi ngắt lời cô.
- Em học đại học ngoại ngữ, ra trường làm cho một tổ chức quốc tế lớn tại Hà Nội. Rắc rối đời em lại sinh ra từ đây.
Cô cho biết, ông sếp của cô người Bắc Âu, 50 tuổi nhưng trẻ hơn tuổi, chơi thể thao, khỏe mạnh, thông minh, hài hước, sống rất mẫu mực, yêu quý chăm sóc nhân viên, đặc biệt là chăm sóc quý trọng nhân viên nữ.
Có lần, ông tâm sự với cô rằng, ông đã đi và làm việc ở nhiều nước nhưng không ở đâu ông thấy phụ nữ đặc biệt như ở Việt Nam: Họ đẹp, thanh mảnh, dịu dàng, làm việc tốt, chu đáo với bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt họ rất chu đáo tận tình với gia đình, cha mẹ, chồng con, với họ hàng thân thích của chồng. Cô hỏi sao ông biết, có phải ông đánh giá quá mức hoàn hảo theo cảm tính không, bởi vì theo cô, họ và cả bản thân cô cũng có rất nhiều điều chưa tốt cần phải chê nhiều hơn.
Ông cãi là ông có thực tế ở ngay cơ quan này. Đó là những bận rộn gia đình, thông qua những lý do xin nghỉ việc của phụ nữ, trong đó có những lý do rất lạ như thăm bố hoặc mẹ chồng ở bệnh viện, đi đám cưới, dự đám tang xây mộ, cúng giỗ người bên nhà chồng ở quê, dẫn em chồng đi hỏi vợ, thay em gái chồng bị ốm chăm cháu mới sinh…. Chỉ cần quan sát chị em ông cũng thấy sự bận rộn của họ như đưa con đi học, đón con về nhà, đi chợ mua thức ăn, tất cả dồn lên chiếc xe máy trước và sau giờ làm việc. Vây mà nhiều chị vẫn mang việc cơ quan về nhà làm bù vào buổi tối, các ngày nghỉ lễ để không lỡ kế hoạch sếp giao cho.
Và ông kết luận, ông ước gì được làm chồng Việt Nam, ông còn tâm sự: Bố mẹ ông chỉ có ông là con trai duy nhất, ông đã lấy vợ năm 30 tuổi nhưng đã ly hôn vì vợ ông không quan tâm đến bố mẹ ông, không chịu đi làm mà chỉ thích ăn chơi nhảy múa, thậm chí có bồ bịch thường trực khi ông vắng nhà. Những cuộc tâm sự rỉ rả của ông lúc đầu chỉ là trút nỗi buồn, lâu dần ông thể hiện mơ ước có tình yêu, có người vợ như cô. Nếu được như thế, ông có đầy đủ tất cả: người yêu, vợ, con trong gia đình ấm cúng với cha mẹ - cũng là những người vô cùng thân yêu của ông.
Một lần ông cử cô đi công tác, tranh thủ đưa cô về nhà thăm bố mẹ ông. Không hiểu ông có báo trước không mà hai cụ đón tiếp như con, còn hỏi con trai cô sao không sang, ảnh nó đâu? Khi chia tay, bà già gục vào vai cô khóc, ước ao được nhận cô làm con, được làm người mẹ Việt Nam sống cùng con cháu quay quần. Biết sếp và gia đình như thế, cô phải giữ ý xa lánh sếp. Thậm chí cô còn có ý định chuyển công tác. Sếp cũng biết ý của cô, nhận mình sai, dám “hái sao trên trời”, phá hoại hạnh phúc của cô. Ông thề sẽ dứt bỏ ý định điên rồ của mình, chỉ xin cô ở lại cho ông được làm người anh kết nghĩa của cô, giữ đúng cương vị ấy, không đi xa hơn. Nhưng cái cách chăm sóc, quan tâm của ông với cô thì như tình cảm của người anh, người em, người chồng và bố mẹ cộng lại. Chăm sóc từ công việc, sức khỏe và các nhu cầu khác của cô em gái yêu quý. Cô kể những chuyện này nhiều lắm, như có lần cô ốm phải vào bệnh viện Việt Pháp, người báo tin nói nhầm là Việt Đức, thế là ông lao vào bệnh viện Việt ĐỨc sục sạo tìm. Sau nhớ ra cô có bảo hiểm y tế ở Việt Pháp, ông lao đến tìm rồi cứ ngồi nhìn cô khóc như mưa, sợ cô chết hay phải mổ sẻ….
Tất cả những chuyện đó bắt đầu làm cô khó xử, khó chịu nhưng dần dần cô xiêu lòng khi nghĩ đến cuộc sống vợ chồng của mình. Tình cảm của ông sếp như tấm gương soi rọi vào những thiếu sót của chồng cô. Anh ấy nghĩ lấy cô làm vợ là xong, sau đó lào vào học hành, thăng tiến, công việc, tiền bạc. Anh ấy luôn tự hào mình là người chồng mẫu mực, bao được vợ con sung sướng, luôn muốn vợ ở nhà hưởng thụ và thay anh chăm sóc bố mẹ, anh hem. Bố mẹ anh cũng luôn tự hào về con trai mình, luôn tìm cách nhắc nhở về may mắn của cô được “chuột sa chĩnh gạo” của nhà chồng.
Cô đã lung lay và bây giờ muốn ngả vào phía ông sếp. Ở ông cô thấy được tình yêu đích thực, cô thấy được giá trị đáng được trân trọng của mình, cô được hưởng quyền của người phụ nữ tự do, bình đẳng…
Tôi – nhà tư vấn – rất thông cảm và đồng tình với cô bởi vì qua hàng ngàn ca tư vấn cho phụ nữ và chiêm nghiệm của bản thân, điều mơ ước nhất của chị em vẫn là được chồng yêu thương, quý trọng, chăm chút, che chở, thông cảm, biết ơn. Tình yêu ấy vượt lên tiền bạc, và vì tình yêu ấy chị em dám xông vào mọi khó khăn để đền đáp lại.
Khi hỏi cô định khi nào thì nói chuyện với chồng, với con? Cô cho biết đã thăm dò ý kiến con, cháu bảo cháu thích ở với mẹ vì bố không quan tâm đến con. Còn chồng, cô định chủ nhật tới sẽ rủ chồng ăn tối ở nhà hàng, sẽ nói hết mọi chuyện.
Mười ngày sau, cô gọi điện lại cho tôi. Cô tả lại tối hôm ấy, chồng cô buồn lắm và tỏ ra ân hận. Cô cũng đã bật khóc khi chồng cô âu yếm gắp cho cô miếng lườn gà quay mà hồi yêu nhau cô rất thích.
Cô lại hỏi:
- Chị ơi, nếu chồng em hối hận thật lòng, từ nay chăm sóc tôn trọng và yêu em nồng thắm như hồi chưa lấy nhau thì em có nên tin tưởng, từ bỏ ý định ly hôn, chuyển công tác ngay, xa lánh ông sếp không?
Tôi trả lời: Nếu chồng em thay đổi thì còn gì bằng. Em cũng có thể chuyển công tác rời xa ông sếp. Nhưng miếng thịt gà quay gắp cho em và lời nói ân hận chưa tạo niềm tin vững chắc. Bởi đây là cả một vấn đề về văn hóa tình yêu, về triết lý sống của con người, về thói gia trưởng coi thường vợ, coi thường phụ nữ thâm căn cố đế lịch sử phong kiến để lại.
Vì vậy, muốn thay đổi phải có thời gian thử thách bằng suy nghĩ, hành động, lời nói…
Hãy chờ sự chuyển biến một thời gian nữa có thể là 1 năm. Em cũng có thể nói tất cả với “anh kết nghĩa” của em kế hoạch của mình. Người văn minh như sếp em sẽ hiểu và tôn trọng cách xử lý vấn đề của em.
Và bây giờ nhà tư vấn vẫn đang chờ kết quả nhưng thẳm sâu suy nghĩ tôi chưa tin anh chồng cô gái này không hiểu được tình yêu đích thực là gì đâu. Vì đây là cả 1 nền văn hóa, trong đó có văn hóa tình yêu.
Theo Phụ nữ thủ đô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét