Không mất quá lâu để người dân trên thế giới kiểm chứng dự đoán nhiệt độ trái đất đang tăng nhanh, mà chính họ đang phải trải nghiệm bằng điều kiện sống, sức khỏe và sinh mạng của mình.
Có thể bạn quan tâm
Lặng người bên thi thể người chồng tử vong vì đột quỵ do nắng nóng, chị Nagama (bang Andhra Pradesh, Ấn Độ) bất lực chẳng biết phải đổ lỗi cho ai. Chị hiểu, đây là tai ương mà mọi người phải cùng hứng chịu. Tính tới ngày 26.5, có ít nhất 750 người chết bởi nhiệt độ khắc nghiệt có khi lên đến 48°c ở đất nước Nam Á này.
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo, nếu không thay đổi quy trình sản xuất công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính, chính loài người tự đẩy mình đến viễn cảnh nhiệt độ trung bình tăng 5°c trong thế kỷ tới. Những cảnh báo tưởng chừng còn xa vời với cuộc sống hiện tại, nhưng thực tế đáng sợ lại đến quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát của con người. Không chỉ ở Ấn Độ, quốc gia quá quen thuộc với cái nóng ngột ngạt mà ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, người ta cũng cảm nhận được sự thay đổi thời tiết qua từng ngày.
Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân Australia vài năm gần đây là sự biến đổi khí hậu không theo nguyên tắc nào. Đầu năm nay, thủ phủ Adelaide của bang Nam Australia trải qua trận cháy rừng lớn nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng lên diện tích rừng 11.000 ha. Nhiệt độ trên 40°c, hạn hán và gió lớn là nguyên nhân khiến đám cháy bùng phát dữ dội, cản trở công tác chữa cháy.
Đầu năm, bang New South Wales và Victoria đã trải qua đợt nóng kinh hoàng, nhiều nơi đạt nhiệt độ kỷ lục lên tới trên 47°c. Kéo theo đó là cháy rừng và hàng chục người đột tử. Chính quyền bang Victoria phải triển khai ngay kế hoạch mở cửa đón người vô gia cư đến các trung tâm có máy lạnh hoặc hồ bơi để giúp họ... hạ nhiệt.
Nắng nóng làm nhiều người kiệt sức... (Ảnh: NDTV) |
Những nơi thuộc khu vực châu Âu vốn có nhiệt độ thấp cũng phải "chạy theo" nhiệt kế toàn cầu, tăng lên gần 30°c như Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg...
Năm 2003, châu Âu chứng kiến đợt nóng bất thường và Pháp là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Không thể tưởng tượng được nhiệt độ cao nhất lúc ấy là 40°c. 70.000 người dân châu Âu đã không qua khỏi mùa hè năm ấy.
Mỹ, một trong những quốc gia góp phần lớn nhất phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu cũng trở thành nạn nhân của chính mình. Theo Cơ quan nghiên cứu chất lượng và chăm sóc sức khỏe Mỹ thì có 6.200 người Mỹ nhập viện mỗi đợt hè về. Chính quyền ở các bang liên tục kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ người dân nước lạnh hoặc nước đóng chai trong những ngày nắng nóng, đồng thời lập ra những "trạm tránh nóng", chuyển những người đuối sức về đây để chăm sóc họ.
Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho các con vật truyền nhiễm như muỗi, chuột... sinh sôi nảy nở, truyền nhiễm bệnh gây nguy hại đến sức khỏe nhiều người trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các dịch bệnh nguy hiểm lan tràn ở khắp thế giới nhiều hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới. Mỗi năm có khoảng 150.000 người chết, năm triệu người gặp các chứng bệnh do nhiệt độ cao gây ra. Con số này nhiều khả năng có thể tăng lên gấp đôi trong năm 2030.
Nhiều năm trở lại đây, các nhà khoa học chú ý đến mối liên hệ nhân quả giữa nắng nóng và hiện tượng tăng mạnh các hành vi phạm tội. Những lập luận khoa học được đưa ra để chứng minh cho giả thiết này. Ở Mỹ, Anh, New Zealand... đều có những nhóm nhà khoa học nghiên cứu độc lập về vấn đề này. Năm 2001, Đại học Iowa (Mỹ) từng thực hiện đề tài "Sức nóng và bạo lực".
Kết quả chỉ ra, số vụ ám sát, xâm phạm bạo lực ở Mỹ trong mùa hè tăng gấp 2,6 lần so với mùa đông. Những mùa hè càng có nhiệt độ cao thì số vụ phạm pháp càng tăng. Một nghiên cứu khác thực hiện năm 2010, đánh giá tình hình tội phạm ở thành phố Cleveland (bang Ohio, Mỹ) trong giai đoạn 1999-2004 có tựa đề "Thời tiết, nhiệt độ và xã hội" đã rút ra kết luận là thời tiết nóng nực dẫn đến bạo hành gia đình và các vụ xô xát không đáng có.
Cơ sở khoa học để củng cố giả thiết trên là thuyết Hành động theo thói quen (Routine Activity Theory). Theo đó, có những loại tội phạm dễ dàng xuất hiện khi một cá nhân ở ngoài đường trong đúng bối cảnh dễ dàng thực hiện tội phạm ấy, đủ điều kiện tác nhân ảnh hưởng. Trong trường hợp này, nắng nóng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp khi con người phải tiếp xúc với nó và họ trả lại môi trường sự bức bối của chính mình.
Khi thời tiết nắng nóng, những chỉ số liên quan đến sức khỏe cá nhân cũng thay đổi. Nhịp tim tăng, huyết áp tăng, họ căng thẳng hơn, sinh ra chất testosterone, dễ dàng có thái độ đáp trả bất cứ điều gì làm mình khó chịu. Những phản ứng tiêu cực dễ nảy sinh ở thời điểm này.
“Biến đổi khí hậu chẳng nể nang vùng lãnh thổ hay quốc gia nào. Nó chẳng quan tâm bạn giàu hay nghèo, mạnh khỏe hay yếu đuối. Đây là vấn đề toàn cầu và chỉ có thể giải quyết bằng sự chung tay đoàn kết của tất cả mọi người.
Nhiệt độ cao còn là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cuộc khủng hoảng khác. Trong những đợt nắng kỷ lục ở Australia, hàng chục ngàn hộ dân phải chịu cảnh mất điện nhiều ngày vì nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng vọt.
Hay ở Nhật Bản, trong tuần lễ nhiệt độ ở mức cao nhất, có 8.500 người phải nhập viện vì có triệu chứng sốc nhiệt, kiệt sức, 15 người đã tử vong. Cạn kiệt điện phục vụ người dân trong mùa hè là áp lực lớn nhất khiến những nhà quản lý muốn khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân, dù đây vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi liên quan đến tiêu chuẩn an toàn.
Theo các chuyên gia khí hậu, các đợt nắng nóng khủng khiếp diễn ra thường xuyên hơn gấp khoảng bốn lần so với trước đây. Dự đoán trong vòng 40 năm tới, mức độ thường xuyên của chúng sẽ gấp 100 lần so với hiện nay.
Biến đổi khí hậu và lượng khí thải ngày càng tăng cao đang thách thức hệ sinh thái, gây mất cân bằng rõ rệt. Khoảng 50% các loài động thực vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4°c nữa. Đây là hệ quả tất yếu khi môi trường sống bị hoang hóa.
Tháng Hai vừa qua, các nhà đàm phán Liên Hiệp Quốc đã thông qua kế hoạch chi tiết về chống biến đổi khí hậu, hướng tới việc ký kết một hiệp ước toàn cầu liên quan đến vấn đề trên vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều mà cả thế giới lo ngại là sự do dự của các nước phát triển trong việc thực hiện cam kết vì sợ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó là những quốc gia phát triển vốn sản sinh lượng khí thải lớn ra môi trường nhưng không bị ràng buộc nhiều bởi chưa đủ tiêu chuẩn được đánh giá là nền kinh tế mạnh, không đủ cơ sở để phải chịu trách nhiệm rõ ràng hơn.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhận định: "Biến đổi khí hậu chẳng nể nang vùng lãnh thổ hay quốc gia nào. Nó chẳng quan tâm bạn giàu hay nghèo, mạnh khỏe hay yếu đuối. Đây là vấn đề toàn cầu và chỉ có thể giải quyết bằng sự chung tay đoàn kết của tất cả mọi người".
Theo THIÊN NHƯ / Phụ Nữ