Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, DN đã nỗ lực tái cơ cấu, tài chính, nguồn vốn để đón đầu xu hướng phục hồi. Đây cũng là điều đáng ghi nhận để cổ phiếu sẽ tăng giá lên mức cao mới.
Thị trường đang trong xu thế giằng co, đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh, tăng giảm rất khó lường. Qua phân tích, xu hướng tăng có thể sẽ tiếp tục khi mà có khá nhiều tín hiệu tích cực từ các mô hình xuất hiện. Thanh khoản cũng dần gia tăng trở lại giúp cho khả năng giảm sâu được hạn chế. Việc mua vào trong các phiên giằng co đang được ủng hộ. Tuy nhiên, chọn cổ phiếu nào để sinh lời, chiến thắng thị trường là điều không hề dễ dàng.
Theo thống kê của các CTCK, có rất nhiều cổ phiếu tốt, tiềm năng trên thị trường vẫn cho cơ hội đầu tư tốt. Theo đó, Tổng Công ty CP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) được đánh giá tiềm năng tăng trưởng tốt trong lĩnh vực dầu khí, chuyên về khoan, cho thuê dàn khoan; giá cổ phiếu đang trong xu thế tích cực. Trong mọi hoàn cảnh, PVD luôn có nền tảng tăng trưởng cực tốt, tài chính lành mạnh và đang có mức giá hợp lý.
Cổ phiếu tăng trưởng tốt
Trong năm 2013, mức tăng trưởng doanh thu và thu nhập cho cổ đông tăng ấn tượng lần lượt là 25% và 42% so với năm 2012, tạo ra EPS 6.822 đồng/cp. Dự kiến, PVD tiếp tục sẽ tăng trưởng EPS 20% lên 8.186 đồng/cp trong năm 2014.
Cổ tức cao và phát hành cổ phiếu thưởng sẽ thu hút các NĐT mua vào cổ phiếu này. Hiện cổ phiếu PVD đang nằm ở mức giá 80.000 đồng/cp, nếu vượt qua ngưỡng cản này có thể tăng trưởng lên mức cao mới.
Trong thời gian qua, cổ phiếu ngành dược tăng trưởng khá tốt, nhưng lại rất được chú ý. Cổ phiếu DCL của Công ty CP Dược Cửu Long đã có mức tăng trưởng cao và nỗ lực cải thiện cắt giảm chi phí và tăng cường bán hàng.
DCL là công ty dược duy nhất có nhà máy sản xuất vỏ viên nang Capsule (con nhộng) tại Việt Nam. Sản phẩm này chiếm 40% thị phần cả nước với mức lợi nhuận biên rất cao lên đến 45%. Năm 2013, DCL tạo ra doanh thu và thu nhập tăng trưởng mạnh lần lượt là 14,27% và 86,32% so với năm 2012.
Chiến lược 2014, DCL tập trung vào phát triển những sản phẩm có lợi nhuận biên cao sẽ thúc đẩy EPS tăng trưởng 18,9% so với năm 2013, đạt 4.201 đồng/cp. Cổ phiếu DCL được cho là đang giao dịch dưới mức định giá khá cao, nên mục tiêu kỳ vọng đạt 46.900 đồng.Một cổ phiếu BĐS được cho là còn tiềm năng phát triển lớn là Công ty CP Xây dựng Bình Chánh (BCI) với quỹ đất lớn, nhiều dự án được rót bởi dòng tiền mạnh tạo ra từ các KCN, Big C An Lạc và các dự án căn hộ cho người thu nhập trung bình (60 - 80 m2/căn) đang bán rất tốt.
Ban quản trị của BCI được các đồng nghiệp trong ngành BĐS đánh giá là có kinh nghiệm và thích ứng nhanh với tình hình kinh doanh với phương thức thanh toán linh hoạt, chỉ cần trả 50% để nhận nhà, phần còn lại thanh toán không lãi suất trong 4 năm.
TTF đang trong quá trình tái cơ cấu nguồn vốn nhưng đã có mức tăng trưởng đột biến
Năm 2013, BCI đạt lợi nhuận 95 tỷ đồng, vượt kế hoạch 105% và thu nhập này được tạo ra từ ngành kinh doanh chính - BĐS - chiếm đến 90% trong tổng doanh thu 246 tỷ đồng. Dự báo, doanh thu và lợi nhuận năm 2014 tăng lần lượt 56,3% và 40% so với năm 2013.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tập trung vào chiến lược toàn cầu hóa, 70% doanh thu và lợi nhuận sẽ đến từ bên ngoài Việt Nam, dựa vào lĩnh vực nông nghiệp (cao su, đường, bắp) có lợi nhuận biên cao và BĐS từ Myanma. Dự báo những năm tới, các lĩnh vực trên sẽ tạo ra lợi nhuận tăng 65,5% nhờ sản lượng cao su và mía đường khai thác tăng mạnh.
Công CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là nhà sản xuất thép duy nhất có dây chuyền sản xuất khép kín từ chế biến quặng. Năm 2013, HPG đạt doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch lần lượt 14,8% và 95,7%.
Dự báo sinh lời tốt
Lợi nhuận có sự tăng trưởng mạnh nhờ được ghi nhận từ Dự án Mandarin Garden, khoảng 190 tỷ đồng, chiếm 26% tổng lợi nhuận của dự án này trong năm 2013. Doanh thu và lợi nhuận được dự báo tăng trưởng 31% và 9,6% trong năm 2014 so với năm trước.
Sắp tới, nhiều khả năng bị loại ra khỏi Quỹ Van Eck Market Vector (VNM). Van Eck hiện đang nắm giữ 5,2 triệu cổ phiếu HPG, chiếm 2,52% tổng tài sản của Quỹ. Nếu cổ phiếu HPG suy yếu, việc tích luỹ được khuyến khích khi tiềm năng tăng trưởng, định giá hấp dẫn, tài chính lành mạnh và kế hoạch cổ tức cao (tiền mặt+cổ phiếu) trong năm 2014 của công ty này.
Cổ phiếu LCG vừa thua lỗ nặng 255 tỷ đồng nhưng vẫn có CTCK nhận định là tiềm năng sinh lời của cổ phiếu LCG là rất tốt thích hợp cho cả NĐT ngắn hạn và dài hạn. Theo phân tích của CTCK này, hoạt động xây lắp có cơ hội tăng trưởng mạnh, nhưng lợi nhuận thì lại là ẩn số. Nếu khả quan thì có thể đạt 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 2014.
Thực tế, LCG khá hấp dẫn với quỹ đất "sạch" khá lớn và có giá vốn rẻ, sẽ có khả năng được hưởng lợi khi thị trường BĐS ấm dần lên. Ngoài ra, cùng với chính sách tăng đầu tư công của Chính phủ, mảng thi công hạ tầng cho các dự án đầu tư công cũng có nhiều cơ hội hơn.
Với việc là đơn vị trúng thầu một phần trong xây dựng hạ tầng cho dự án thép lớn nhất của Việt Nam (NĐT Đài Loan), hoạt động kinh doanh của LCG trong năm 2014 sẽ khởi sắc. Nếu làm tốt phần thi công và tạo được ấn tượng tốt cho chủ đầu tư, thương hiệu LCG sẽ được tín nhiệm hơn đối với khách hàng công nghiệp.
Một doanh nghiệp khác cũng trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng giá cổ phiếu vẫn bật tăng cao, đó là TTF của Gỗ Trường Thành. Công ty đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2014 với tổng doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu kiến khoảng 70 triệu USD.
Cổ phiếu này đang trong quá trình tái cơ cấu nguồn vốn nhưng đã có mức tăng trưởng đột biến, vượt kỳ vọng của NĐT. Dự kiến thời gian tới, TTF sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài với tổng giá trị phát hành 300 tỷ đồng và mức giá trên 10.000 đồng/cổ phiếu.
TTF xuất khẩu khoảng 85% sản lượng sản phẩm gỗ đến hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Mỹ chiếm 41%, EU 33%, Nhật Bản 7%, Hàn Quốc 6%... Tuy nhiên, doanh thu năm 2013 đạt 1,568 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 181%, đạt khoảng 7 tỷ đồng. Đây là mức lãi không đáng kể so với với vốn điều lệ 786 tỷ đồng và cách xa so với kế hoạch 31 tỷ.
Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, các DN đã nỗ lực tái cơ cấu, tài chính, nguồn vốn để đón đầu xu hướng phục hồi. Đây cũng là điều đáng ghi nhận để cổ phiếu sẽ tăng giá lên mức cao mới.
Theo Sơn Long
Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét