Một trong những nhà quan sát Việt Nam có uy tín nói Hà Nội không nên có quan điểm quá cứng rắn về Hoàng Sa và Trường Sa, điều mà ông xem là không đảm bảo lợi ích tối đa cho Việt Nam.
Tiến sỹ Vũ Quang Việt, cựu quan chức thống kê cao cấp của Liên Hiệp Quốc, nói ông đã nghĩ tới chuyện hủy hợp đồng tư vấn với Trung Quốc khi có diễn biến giàn khoan hồi tháng Năm.
Nhưng ông cũng không ủng hộ cách tiếp cận Biển Đông nói chung của Việt Nam.
Vị Tiến sỹ nói:
"Trong Á châu ít nhất có bốn nước có lợi ích đối với Trường Sa, đó là Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và một phần liên quan tới Indonesia.
"Ngoài lợi ích của mấy nước này còn có lợi ích của các cường quốc trong đó có Mỹ, có Trung Quốc, có Nhật và nhiều nước khác phải buôn bán, phải đưa hàng hóa qua Biển Đông và phải có quyền tự do đi lại.
"Do đó hòa bình ở khu vực là quan trọng. Vì vậy bắt buộc những nước trong khu vực nếu có tranh chấp phải đặt lợi ích không chỉ của mình mà của nhiều người [lên bàn cân] mà đặc biệt đối với Trường Sa là lợi ích của những nước ASEAN nữa.
"Còn nêu khẩu hiệu Trường Sa là của ta thì còn gì mà nói chuyện với các nước khác nữa."
'Hợp tác để có hòa bình'
Ông Việt cho rằng Hà Nội nên theo đuổi chính sách "liên minh để quyền lợi của mọi người được tôn trọng" và nói thêm:
"Chuyện không phải chỉ có đảo nhỏ mà là sự đi lại. Nếu Trung Quốc lấy hết Biển Đông theo đường lưỡi bò thì tất cả quyền lợi của các nước khác đều không còn ngoại trừ quyền lợi của Trung Quốc.
"Như vậy quyền lợi của mình gắn liền với các nước khác chứ không phải là mấy cái đảo.
"Giả dụ mình mất một hai đảo mà giờ mình gọi là của mình thì nếu mình được khai thác khi đường lưỡi bò không còn hiện diện ở đó nữa, rồi EEZ xung quanh mình được khai thác thì có phải là nhiều hơn không."
"...Nếu muốn có hòa bình thì phải hợp tác để chia sẻ chứ không thể mỗi người tự bảo của mình được.
"Trung Quốc bảo của họ hết, Việt Nam bảo của mình hết thì không giải quyết được gì và cũng không anh nào ủng hộ mình," ông Việt nói.
'An ninh khu vực'
Chia sẻ quan điểm với ông Việt, giáo sư kinh tế có hơn 30 năm giảng dạy ở Hoa Kỳ, ông Trần Hữu Dũng nói:
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam hơi sai khi đặt nặng vấn đề về chủ quyền hơn là vấn đề an ninh khu vực và tự do khu vực."
Trong khi đó giáo sư Ngô Vĩnh Long, giáo sư sử học ở Đại học Maine từ năm 1985, nói rõ hơn về cách nhìn Biển Đông từ Hoa Kỳ
"Mỹ không để ý tới Việt Nam quá đâu nhưng vấn đề Biển Đông ấy, nơi đó là 60% tất cả mậu dịch đi trên biển qua bên đo cho nên sự đe dọa trên Biển Đông không chỉ đe dọa Việt Nam mà đe dọa cả các nước khác trên thế giới.
"Nếu Việt Nam nhìn vấn đề Biển Đông qua vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa thì không có thể thuyết phục Mỹ hay các nước khác ủng hộ Việt Nam.
"Nhưng nếu Việt Nam thấy rằng an ninh hàng hải trong khu vực thật là quan trọng và đẩy Mỹ và các nước khác chú ý thêm thì Việt Nam lúc đó mới được người ta chú ý.
Ông Long nhấn mạnh quan tâm của Mỹ và đồng minh là vấn đề thông thương trên biển:
"Gần như 100% dầu cho Nhật qua vùng đó, gần như 100% dầu cho Đài Loan qua vùng đó, 80% dầu cho Hàn Quốc qua vùng đó.
"Những nước này là những nước đồng minh với Mỹ.
"Thành ra nếu muốn Mỹ mà để ý là Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa vì đường lưỡi bò thì Việt Nam phải thuyết phục các đồng minh của Mỹ cũng như Mỹ rằng an ninh trên biển rất quan trọng và vì có sự tranh chấp ở các hòn đảo đó nên sự tranh chấp đó có thể gây mất an ninh thì như vậy ta mới có thể kéo vấn đề biển vào đảo chung được.
"Chứ còn nếu chỉ nói về đảo thì người ta không để ý đấy. Thì Việt Nam bây giờ chỉ nói tới vấn đề đảo thôi, rằng Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam."
'Một phần trong bàn cờ'
Giáo sư Trần Hữu Dũng nhận định "Việt Nam chỉ là một phần trong cả bàn cờ Đông Á" và nói:
"Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam có cái nhìn xa về địa chính trị hơn là chỉ một vài hòn đảo, địa chính trị thế nào, liên minh về lâu về dài cho Việt Nam, cũng như khu vực và thế giới.
"... Trước hết phải nhận thấy Hoa Kỳ có nhiều quyền lợi ở khắp nơi trên thế giới, thí dụ hôm nay chẳng hạn thì có bao nhiêu chuyện từ Ukraine tới Syria… biết bao nhiêu chuyện
"Thành ra Biển Đông, mặc dù quan trọng, nhưng chỉ là một phần nhỏ thôi.
"Một trong những nhận định có thể hơi sai lầm của đa số các quan sát viên là tưởng Mỹ tối ngày nghĩ tới Việt Nam.
"Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam có cái nhìn xa về địa chính trị hơn là chỉ một vài hòn đảo, địa chính trị thế nào, liên minh về lâu về dài cho Việt Nam, cũng như khu vực và thế giới."
Giáo sư Trần Hữu Dũng
"Không phải họ không chú ý tới Việt Nam hay không chú ý tới Biển Đông nhưng mà có rất nhiều vấn đề quan trọng khác để lo, chú ý tới bất kỳ lúc nào đó," ông Dũng nói.
Còn giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng thời thế đã thay đổi so với thời mà Hoa Kỳ bị xem là đã "đứng nhìn" Trung Quốc lấy phần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam Cộng hòa lúc đó đang chiếm giữ hồi năm 1974.
Ông nói: "Xin nói hai thời điểm nó khác nhau. Cái thời điểm Trung Quốc lấy Hoàng Sa là thời điểm sau khi cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger và Tổng thống Nixon sang Trung Quốc.
"Lúc đó Mỹ chơi lá bài Trung Quốc và Mỹ thương lượng với Trung Quốc cả một dãy hòn đảo từ Điếu Ngư/Senkaku cho đến Đài Loan và cho đến vùng Hoàng Sa và Trường Sa phía dưới này, một sự nhượng bộ, không phải là nhượng bộ hẳn, nhưng để Trung Quốc ủng hộ chính sách của Mỹ lúc đó.
"Bây giờ nó khác rồi. Mỹ đã thấy vì Mỹ nhượng bộ Trung Quốc như vậy mà bây giờ nó gây ra một số khó khăn chưa thể giải quyết được."