Trang

13 tháng 3, 2014

Việt Nam trong vòng xoáy cuộc đối đầu Mỹ - Trung

Việt Nam trong vòng xoáy cuộc đối đầu Mỹ - Trung
2013 đã thể hiện hai thái cực hoàn toàn khác biệt từ hai cường quốc hàng đầu thế giới. Một quốc gia  cho rằng có công trong việc “phát triển hòa bình” gần hai thập kỷ tiếp tục có những hành động phi hòa bình trong khi một “đế quốc đầu sỏ” lại đóng vai như một người dàn xếp ổn định trong khu vực.
Trung Quốc: người láng giềng đầy toan tính
Với tham vọng bá quyền và mong muốn củng cố quyền lực sau nhiệm kỳ mới, Trung Quốc đã tăng cường các hành động kiểm soát và gây hấn, bất chấp luật pháp quốc tế ở biển Đông và Hoa Đông.
Về mặt luật pháp, Trung Quốc tiếp tục "nói một đằng, làm một nẻo". Một mặt yêu cầu các quốc gia ASEAN phải tuân thủ UNCLOS và DOC, mặt khác họ lại từ chối việc tham dự tòa án quốc tế của UNCLOS vào tháng 2.2013 do Philippines đưa đơn. Còn về COC, dù đã chấp nhận đàm phán với ASEAN từ tháng 4.2012 nhưng mãi đến tận tháng 9.2013, Trung Quốc mới tham gia phiên đàm phán đầu tiên.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh gây hấn khi bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam vào tháng 5, tấn công hai tàu cá Việt Nam vào tháng 7, “ép” Philippines phải rút đơn kiện 'đường lưỡi bò' và rút quân đồn trú tại bãi Cỏ Mây, nếu không sẽ không tiếp Tổng thống Aquino tại Triển lãm Trung Quốc – ASEAN vào tháng 8.[1] Đến tháng 9, Trung Quốc đã đưa 75 cọc bê tông tới bãi cạn Scarborough chiếm giữ của Philippines từ tháng 4.2012 để chuẩn bị xây dựng cơ sở quân sự.
Đặc biệt, Trung Quốc đã nâng cấp chiến lược kiểm soát khi đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông vào cuối tháng 11 với các chế tài xử lý cụ thể.
Còn tại Hoa Đông, tình hình cũng diễn ra tương tự khi Trung Quốc thường xuyên đưa máy bay và tàu cá xâm phạm quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Vào tháng 11, Trung Quốc còn đẩy căng thẳng lên cao hơn khi thể hiện tham vọng kiểm soát cả vùng trời Đông Á với ADIZ mới, bao trùm lên các quần đảo của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, có một sự kiện rất bất ngờ cũng xảy ra vào tháng 12, đó là việc tàu chiến Trung Quốc định đâm vào tàu tuần duyên của Mỹ trên biển Đông, thể hiện thái độ rất hiếu chiến và liều lĩnh, may mắn là không xảy ra va chạm.
Người khổng lồ thân thiện
Trong khi đó, dù là một siêu cường nổi tiếng với các hành động xâm lược bất chấp Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Mỹ lại đang tự chuyển mình theo xu hướng mềm dẻo hơn và luôn thể hiện thái độ của người bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong năm 2013, Mỹ đã liên tục đưa ra các tuyên bố ngoại giao như cảnh báo về "Những nỗ lực gây chia rẽ và chế ngự, kết thúc bằng tranh chấp giữa các bên, sẽ không đi đến kết quả nào" sau những hành động lợi dụng quan hệ song phương của Trung Quốc; hay “phản đối bất kì hành động vũ lực hay đe dọa ở biển Đông” sau sự kiện Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam. Ngay sau khi Trung Quốc đưa ra ADIZ tại Hoa Đông, Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối và kêu gọi Trung Quốc hạn chế các hành động leo thang căng thẳng, đồng thời tổ chức phái đoàn đến ba nước Đông Á vào đầu tháng 12 để giải tỏa mâu thuẫn giữa các bên.
Không chỉ đưa tuyên bố, vào tháng 6 và tháng 7, Mỹ đã đưa ra hai nghị quyết lên án việc sử dụng vũ lực để xác lập các tuyên bố chủ quyền tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đồng thời tái khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại của tàu thuyền và máy bay trên vùng biển châu Á - Thái Bình Dương,[2] ủng hộ việc xây dựng COC và kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế tại biển Đông.
Hơn nữa, quan điểm trung lập của Mỹ đối với tranh chấp biển Đông dường như cũng đang chuyển đổi sang hướng thực tế hơn khi Mỹ công khai ủng hộ hành động đưa tranh chấp ra toà án quốc tế của Philippines và cho rằng các nước nên thúc đẩy hành động này.[3]
Trong các hội nghị quốc tế như EAS, Shangri –La, APEC,… Mỹ cũng luôn lên tiếng phê phán các hành động gây hấn của Trung Quốc, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp và tuyên bố hỗ trợ xây dựng COC.
Đặc biệt là sự kiện Mỹ huy động tàu sân bay, tàu chiến, máy bay và đưa 1.000 binh sỹ tới cứu trợ Philippines sau bão Haiyan đã khiến hình ảnh nước này tại Philippines và Đông Nam Á được cải thiện đáng kể, trái ngược với hình ảnh một Trung Quốc “keo kiệt và nhỏ mọn” khi hạn chế giúp đỡ nhân đạo vì tranh chấp chủ quyền.
Chỉ dấu cho Việt Nam
Chiều hướng trái ngược trong hành xử của Trung Quốc và Mỹ có thể cho thấy hai điểm đáng chú ý đối với Việt Nam trong 2014.
Thứ nhất, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì việc lên án Trung Quốc và ủng hộ đàm phán COC bởi lẽ điều này không làm mất đi lợi ích, mà còn giúp Mỹ có thể dần dần gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng điều này để đưa các biện pháp ngoại giao phù hợp nhằm giành lợi thế nhưng không bị cuốn vào đối đầu giữa hai cường quốc.
Thứ hai, dù Mỹ luôn lên tiếng ủng hộ, nhưng chắc chắn Mỹ sẽ không sớm có hành động can thiệp nếu tranh chấp nổ ra, vì kế hoạch xoay trục của Mỹ đến tháng 4.2014 mới bắt đầu triển khai bước kế tiếp. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang hành động liều lĩnh và đầy tham vọng. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng phát triển các kế hoạch đối phó cả về ngoại giao và quân sự trước các biến cố có thể xảy ra.
Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng tại biển Đông, và Mỹ cũng không bao giờ là một đồng minh hoàn toàn tốt. Chính vì vậy, tự lực tự cường kết hợp cảnh giác cao độ là hai vũ khí hữu hiệu nhất của Việt Nam trong 2014.
Vũ Thành Công (Motthegioi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét