Trang

19 tháng 10, 2014

Đằng sau cú xả hàng của khối ngoại

1.030 tỷ đồng giá trị chứng khoán đã được nhà đầu tư nước ngoài bán ra trên sàn TP HCM tuần qua, mạnh nhất từ đầu năm và là tác nhân chính khiến Vn-Index có phiên sụt kỷ lục trong vòng 5 tháng.
Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), trong tuần 13/10 – 17/10, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.030 tỷ đồng, mạnh nhất kể từ đầu năm. Việc xả hàng của khối ngoại là tác nhân chính khiến Vn-Index giảm hơn 32 điểm (5,3%) trong tuần. 17 điểm trong số này đã rơi trong phiên 16/10.
Khác với ngày 12/5, khi chỉ số sàn TP HCM sụt hơn 25 điểm nhưng khối ngoại vẫn tích cực mua ròng (tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng), hành xử lần này của nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn trái ngược. Động thái bán mạnh càng bất ngờ khi trong chính ngày 16/10, nhiều đại diện khối ngoại đã có mặt trong hội thảo của một quỹ đầu tư lớn cùng nhiều nhận định tích cực về chứng khoán Việt Nam.
khoi-ngoai-5201-1413712570.jpg
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm đã khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trong tuần qua.
"Việc khối ngoại bán ròng sẽ khiến nhà đầu tư trong nước thất vọng. Hiện tại nhà đầu tư nội chủ yếu mua bán theo chiều các quỹ này bởi trong tay họ chủ yếu nắm các mã vốn hóa lớn. Do đó, nhà đầu tư trong nước sẽ mua vào nếu quỹ ngoại mua ròng và bán ra khi có diễn biến ngược lại", chuyên viên tư vấn tài chính Từ Minh Thiện của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) phân tích. Theo vị này, dù nhà đầu tư luôn được giới phân tích khuyến nghị hãy "bình tĩnh xử lý", song đà bán tháo tuần qua là yếu tố tiêu cực, khiến sắc đỏ bao trùm hai sàn chứng khoán.
khoi-ngoai-JPG-6731-1413712571.jpg
Giá trị mua ròng (bán ròng) của nhà đầu tư nước ngoài tại HoSE từ đầu năm đến nay. Đơn vị: tỷ đồng
Theo các nhà phân tích, hiện khó xác định nguyên nhân trực tiếp khiến các nhà đầu tư ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mà chủ yếu do những nguyên nhân gián tiếp. Một chuyên viên môi giới tại Công ty chứng khoán SSI nhận định, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm đã khiến một số quỹ đầu tư chỉ số (ETF) tái cơ cấu, bán ra thị trường lượng lớn cổ phiếu. Gói nới lỏng định lượng (QE3) đang dần thu hẹp cũng khiến một số nhà đầu tư nước ngoài rút tiền về.
Cụ thể, bản tin phân tích của Công ty chứng khoán FPTS thông tin chỉ số VIX - thước đo về mức độ sợ hãi tại thị trường phối Wall đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần qua đã đạt mức kỷ lục từ tháng 6/2012, cho thấy tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Mỹ khá bi quan.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2012, chỉ số Dow Jones đã cùng lúc phá vỡ hoàn toàn cả 3 đường trung bình động (MA) dài hạn (SMA50, SMA100, SMA200), phản ánh thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh sau thời gian bứt phá liên tục và mạnh mẽ.
Market Vector Vietnam ETF - một trong những quỹ đầu tư chỉ số lớn nhất hoạt động tại thị trường Việt Nam tuần qua đã bán ra 9,5 triệu cổ phiếu, tương đương 36 triệu USD trong danh mục đầu tư. Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam, quỹ này bán ròng 8,1 triệu cổ phiếu, tương đương 28 triệu USD, với nhiều mã có giá trị vốn hóa lớn như VIC, MSN, BVH, VCB...
STTMã CKSố lượng cổ phiếu (triệu CP)Giá trị (triệu USD)Thay đổi so với cuối tuần trước (triệu USD)
1MSN12,445,9-2,8
2VIC18,740,8-3,1
3VCB31,539,1-1,9
4STB41,836-1,9
5PVS16,732,3-2,3
6BVH1425,6-1,7
7DPM17,123,6-1,7
8HAG19,222,5-0,9
9PVD5,120,9-4
10ITA43,117,5-0,9
11PPC14,916,1-0,9
12FLC27,714,6-0,8
13SHB34,914,3-1,4
14VCG1911,4-1,4
15OGC19,110,9-0,7
16PVT129,8-0,6
17DRC25,5-0,5
18IJC5,63,4-0,3
19PVX   
20GMD   
Tổng 355390,4-28,1
Nguồn: VanEck
Ngoài ra, áp lực hạ đòn bẩy tài chính (margin) của một bộ phận nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến Vn-Index và HNX-Index có những thời điểm giảm mạnh ngoài dự kiến. "Lực cầu của thị trường không có sự đồng thuận giữa khối ngoại và khối nội, do vậy khi margin căng, nhà đầu tư trong nước sẽ bán ra", ông Từ Minh Thiện cho biết. Vị này cũng chia sẻ, trong tuần trước, có thời điểm margin của các công ty chứng khoán lên mức đỉnh điểm, thậm chí vượt qua cả giai đoạn xảy ra sự kiện Biển Đông.
"Khi margin lớn như vậy mà không có thông tin hỗ trợ, chỉ một thông tin xấu như nhà đầu tư nước ngoài bán ròng sẽ có thể tạo ra xu hướng bán tháo trên thị trường, nhất là trước đó họ đã đầu tư mạnh vào các mã Blue-chip và bất động sản", anh Hoàng Xuân Nam - một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội cho hay.
Theo báo cáo tài chính của một số công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần môi giới trên sàn, tổng giá trị các khoản phải thu khách hàng, trong đó có hoạt động margin vào cuối tháng 9/2014 đã lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đầu năm và tăng mạnh so với hồi cuối tháng 6/2014.
Chẳng hạn, tại Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), giá trị đầu tư hoạt động giao dịch ký quỹ tại 30/9/2014 lên tới 992,9 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm. FPTS cũng có các khoản phải thu khách hàng về giao dịch chứng khoán lên tới 939 tỷ đồng, tăng 340 tỷ đồng so với cuối quý II/2014. Các công ty chứng khoán khác như Ngoại thương Việt Nam (VCBS), Maybank - KimEng (MBKE) cũng lần lượng tăng 195 tỷ đồng và 178 tỷ đồng trong quý III.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng lưu ý thông tin giá hợp đồng hoán đổi nợ xấu (CDs) của Việt Nam đang tăng trở lại từ đầu tháng 10, phản ánh rủi ro tín dụng tăng lên. Tuy nhiên, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán đánh giá động thái này chưa đáng lo ngại vì CDs của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với thời kỳ trước.
cds-vietnam-3809-1413712571.jpg
Biểu đồ biến động CDs của Việt Nam. Nguồn: Reuters
Đánh giá về triển vọng tuần tới, vị chuyên viên tư vấn tài chính của HSC cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại có thể vẫn còn, bởi thông thường tình trạng này sẽ kéo dài khoảng nửa tháng để nhà đầu tư tái lập lại trạng thái cân bằng mới trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ tiêu cực.
"Lo ngại về xu hướng tiếp tục giảm mạnh của các thị trường chứng khoán quốc tế sẽ có thể làm giảm vai trò tích cực của khối ngoại tại Việt Nam, đặc biệt khi họ vẫn đang ở trạng thái bán ròng", bản tin của công ty chứng khoán FPTS cho biết.
Tuy nhiên, theo chuyên viên phân tích Trần Hải Yến của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong thời gian tới, kết quả kinh doanh quý III của các công ty sẽ lần lượt được công bố và đây sẽ là nhân tố được kỳ vọng có thể nâng đỡ thị trường trong ngắn hạn với một vài ngành có triển vọng khả quan như chứng khoán, hàng tiêu dùng, cao su chế biến và một vài doanh nghiệp bất động sản. Theo dõi thị trường, đây cũng là quan điểm chung của bộ phận phân tích các công ty chứng khoán như SSI, HSC, FPTS...
Trong bối cảnh khối ngoại bán ròng, công ty quản lý quỹ VinaCapital - một nhà đầu tư ngoại dài hạn đã hoạt động tại thị trường hơn 10 năm với tổng tài sản 1,5 tỷ USD vẫn đánh thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những địa điểm hấp dẫn trong khu vực khi môi trường vĩ mô ổn định, GDP tăng trở lại và P/E vẫn ở mức thấp so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore. Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital khẳng định quỹ này chưa có ý định thoái vốn khỏi Việt Nam.
Phương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét