Trang

20 tháng 10, 2014

5 năm đi kiện, phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh được bồi thường 10 triệu

Đăng Bởi  - 

Ông Hồ Viết Tư, Phó giám đốc Sở tư pháp tỉnh Thừa Thiên-Huế
Ông Hồ Viết Tư, Phó giám đốc Sở tư pháp tỉnh Thừa Thiên-Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế không xem xét điều chỉnh giá, vì các hộ đã nhận đất, nhận tiền bồi thường trước thời điểm ban hành quyết định 369 ngày 30.01.201.
Trên đây nội dung trong công văn trả lời đơn khiếu nại của ông Hồ Viết Tư, Phó giám đốc Sở tư pháp tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Huế ký ban hành. Ông Tư khiếu nại về dự án giải phóng mặt bằng đường vào khu quy hoạch Bàu Vá từ đường Bùi Thị Xuân (phường Đúc, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế).
Riêng đối với nội dung khiếu nại yêu cầu được đền bù thêm 9,8m2 đất ở, công văn trên cho hay, thực hiện đền bù 9,8m2 đất với tỷ lệ 49,5% theo giá đất UBND tỉnh quy định.
Như vậy, theo ông Bùi Tấn Hanh, Trưởng phòng giải phóng mặt bằng (GPMB), Ban đầu tư xây dựng giao thông tỉnh, với việc đền bù này, cái được của ông Tư sau 5 năm khiếu nại là được đền bù hơn 10 triệu đồng.  
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, ông Bùi Tấn Hanh, trưởng phòng GPMB, Ban đầu tư xây dựng giao thông tỉnh cho biết: “5 năm qua, ông Tư đã nhận tiền đền bù, đã xây nhà cửa ở ổn định, nhưng vẫn đi kiện khiến cho đoạn đường thi công bị chậm trễ, đọan đường hơn 500 m mà thi công mất hơn 5 năm. Việc một quan chức đầu tỉnh như ông Tư đi kiện để đền bù thêm 9,8m2 đất và áp giá đền bù đã ảnh hưởng không nhỏ đến thi công tuyến đường này”.
Vậy thì vì lý do gì, ông Tư lại liên tục khiếu nại đòi bồi thường thêm khoảng tiền khoảng 200 triệu với áp giá mới theo quyết định 369 ngày 30.01.2011 của tỉnh, trong khi ông đã lấy đất tái định cư?
Về vấn đề này, Trưởng phòng giải phóng mặt bằng (GPMB), Ban đầu tư xây dựng giao thông tỉnh TT-Huế, ông Bùi Tấn Hanh cho biết: “Việc ông Tư khiếu nại là quá đáng, bởi thời điểm áp giá đền bù là năm 2009. Ngay cả khi áp giá, gia đình ông đã cam kết viết đơn chấp hành quyết định của thành phố Huế, giao mặt bằng trước 15 ngày kể từ ngày nhận đất tái định cư để được hưởng tiền thưởng ký ngày 13.10.2009, đã ở  ổn định cả 4 năm nay. Vậy mà cho đến nay, vẫn cứ chây ì, không chịu giao mặt bằng, làm chậm tiến độ cả 5 năm. 
Đây là nhà “quan”, chứ dân thường thì đã… xúc bảy đời rồi. Đã kiện thì phải kiện cho đúng. Trong khi dự án tỉnh giao trong 1 năm phải hoàn thành. Vậy tính gương mẫu đảng viên đâu?”. Một ông thì lấn chiếm đất đường Bùi Thị Xuân cả 1,8m(ý nói ông Trần Phùng, Chủ tịch  UBMTTQVN tỉnh), một ông thì chây ì chờ đền bù hỗ trợ.
Còn Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Có nhiều chuyện khó nói lắm. Năm 2009, anh Tư đã nhận tiền, đất đền bù rồi nhưng chúng tôi không đập cái nhà đi là vì xung quanh vẫn còn mấy hộ đang khiếu nại, sau khi anh Tư nhận rồi thì vào làm nhà ở trong đó, cách khu Bàu Vá mấy đoạn. 
Ở chỗ đồng chí, đồng đội với nhau thì không ai eo hẹp làm chi chuyện đó. Vợ ông là bà Trương Thị Thu, cũng là kế toán ở Ban Đầu tư xây dựng giao thông tỉnh nên có nhiều chuyện khó nói lắm. Ông Tư là phó giám đốc Sở Tư pháp đã nhận tiền đền bù, nhận lô đất đã ở ổn định 4 năm rồi vẫn kiện”.


Công văn trả lời đơn khiếu nại của ông Hồ Viết Tư, Phó giám đốc Sở tư pháp tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Huế ký ban hành.
Trước đó, liên quan đến vấn đề trên, phóng viên báo Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Hồ Viết Tư, Phó giám đốc sở Tư pháp. Ông Tư nói: “Từ khi dự án mở rộng đường triển khai cho đến nay, tui đã có 6 lá đơn kiến nghị và khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng vẫn chưa được chấp đơn giải quyết”.
Dự án mở rộng Kiệt 211 từ đường Bùi Thị Xuân vào khu quy hoạch Bàu Vá được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định phê duyệt vào năm 2009. Đường quy hoạch có chiều dài hơn 50m và chiều rộng 29m; phải giải phóng mặt bằng hai bên, ảnh hưởng và di chuyển tái định cư cho hơn 10 hộ gia đình.
Ông Tư kể rằng năm 2009, gia đình ông đã có đơn kiến nghị gửi hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư TP.Huế. Đến lá đơn thứ 6 ký vào tháng 6.2014 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế để khiếu nại, gia đình ông Tư kiến nghị 3 điểm (là nguyên nhân mà ông không phá dỡ nhà giải phóng mặt bằng) gồm: tài sản trên đất như nhà cửa, các công trình xây dựng khác cần được áp dụng giá đền bù mới của tỉnh để ngang bằng với các gia đình giải tỏa để khỏi thiệt thòi; thứ hai là khi đo đạc, hội đồng đền bù GPMB đền thiếu gần 10 m2 đất khuôn viên nên gia đình ông Tư đề nghị đền bù đủ.
Với 6 lần đơn, ông Tư cho biết sẽ chấp nhận giải phóng mặt bằng nếu UBND TP Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chấp thuận giải quyết đơn cho ông chứ chưa cần phải nhận đủ tiền đền bù mới phá nhà.
“Tui trước là Chánh án tòa hành chính rồi chuyển qua sở Tư pháp nên tui hiểu rõ luật. Nếu tui mà làm sai trái tầm bậy thì anh Cao (ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã gọi lên mà cách chức rồi. Nếu không vì lá đơn kiến nghị đầu tiên thì tui đã không theo như thế này. Chừ tui liều mạng luôn. Nếu TP Huế không giải quyết thì tui sẽ kiện lên tỉnh. Nếu tỉnh không giải quyết thì tui sẽ qua thanh tra tỉnh”, ông Tư nói.
Ông Tư nói: “Làm lãnh đạo là không có quyền khiếu nại à? Trước khi làm lãnh đạo thì tôi phải làm công dân đã, tôi khiếu nại với tư cách công dân chứ không phải làm lãnh đạo là cúi đầu chịu thiệt, bởi pháp luật là công bằng, ai cũng được hưởng. Tôi là lãnh đạo thì tôi phải càng khiếu nại hơn nữa, bởi vì mình đã từng đi giải quyết việc người ta mà tại sao việc mình không giải quyết được”.
Tại sao đảng viên phải chịu thiệt. Mà thiệt của anh không ít mô, xin lỗi em làm gì kiếm được vài trăm triệu, ai ăn cướp của em vài đồng em chịu được không? Đây là tài sản của anh, được nhà nước bảo hộ như pháp luật nói nên không có quyền lực nhà nước nào đem đi cướp tài sản của anh hết.

  Căn nhà của quan đầu tỉnh Hồ Viết Tư ở 2 mặt tiền thành phố Huế
"Chính con người biết pháp luật như anh không thể khuất phục sai trái được. Anh khuất phục nữa thì răng, anh còn làm gương cho thiên hạ nữa chứ. Nếu thành phố chỉ giải quyết cho anh một phần, nếu không giải quyết hết thì anh lên tỉnh, tỉnh không giải quyết thì anh đi Trung ương. Không ai cấm phó giám đốc đi kiện ở Trung ương cả. Bởi vì khi đi làm việc thì anh là phó giám đốc, còn khi đi kiện thì anh là công dân” - ông Tư nói.
Nguyễn Phương -TH                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét