Trang

19 tháng 10, 2014

Văn mẫu và bác sĩ

BTTD: Hãy dạy sinh viên cách LÀM NGƯỜI !

Ý kiến về việc bổ sung môn Văn vào danh mục thi tuyển đầu vào trường y đang gây xôn xao dư luận. Ý tưởng ban đầu của Bộ Y tế là để cho nhân viên y tế gia tăng khả năng viết lách, lý luận; sau đó, được dư luận chuyển sang thành học văn để nhân văn hơn, để có y đức tốt hơn.
Kiến thức về văn học là rất cần thiết, không riêng gì cho ngành y mà cho tất cả mọi ngành. Khả năng văn học hạn chế làm cho khá nhiều bác sĩ không biết làm sao giải thích ngắn gọn, dễ hiểu cho người bệnh, dẫn đến việc người bệnh không thể hiểu được vấn đề của mình.
Tại một số nước châu Âu, thi tuyển sinh vào trường y có một vòng vấn đáp, những thí sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyên môn nhưng khả năng ngôn ngữ kém có thể bị loại. Trong khi những thí sinh đó thi vào một trường khác lại trúng tuyển vì đòi hỏi kiến thức về ngôn ngữ của trường đó không cao bằng trường y. Cá nhân tôi ủng hộ ý tưởng đưa môn Văn vào chương trình thi đầu vào ngành y. Tuy nhiên, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa một ý tưởng vào thực tế.
Hiện nay, cách học văn của học sinh chúng ta chủ yếu là làm văn theo mẫu, cách dạy văn trong nhà trường phổ thông của chúng ta ngăn chặn những ý tưởng sáng tạo. Không riêng gì ngành y, hầu như ở tất cả những ngành khác, thậm chí ngay cả những ngành liên quan đến văn học, hiện tượng tư duy xơ cứng, hiện tượng chỉ biết tư duy theo lối mòn, chạy theo đám đông là rất phổ biến.
Khác với nhiều ngành nghề khác, y khoa bắt buộc phải là ngành khoa học sáng tạo. Triệu chứng học là như thế, nhưng với mỗi người bệnh, biểu hiện lại khác nhau. Từ các triệu chứng lộn xộn, người thầy thuốc phải xác định được các triệu chứng chủ chốt, tìm thêm các dấu hiệu khác để đưa ra chẩn đoán phù hợp. Có chẩn đoán rồi thì việc điều trị cũng là một bước sáng tạo vì không cá thể nào giống cá thể nào cả, không thể rập y nguyên một khuôn mẫu cho mọi bệnh nhân.
Nếu ngay bây giờ chúng ta tổ chức thi môn Văn đầu vào trường y, không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Với những học sinh giỏi văn theo khuôn mẫu, kém sáng tạo, tư duy theo lối mòn, không biết các trường y làm sao để đào tạo họ thành những bác sĩ giỏi, những người luôn bị bắt buộc phải tư duy đa chiều, luôn phải phá vỡ mọi lối mòn, mọi định kiến để có khả năng đưa ra chẩn đoán chính xác, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp?
Nếu chúng ta tuyển những người giỏi làm văn theo mẫu vào trường y, nguy cơ đào tạo ra những bác sĩ robot là hiển nhiên. Lúc đó ngoài những bài diễn văn giải thích mẫu chúng ta sẽ có chẩn đoán theo mẫu, điều trị theo mẫu, toa thuốc theo mẫu, mổ theo mẫu… và cuối cùng là chia buồn theo mẫu và mai táng theo mẫu.
Bản thân ngành y là một ngành nhân văn. Để có thể trở thành một thầy thuốc, các bác sĩ phải có đủ tình yêu nghề nghiệp, tình yêu người bệnh, có đủ tính nhân văn để theo nghề. Văn học được học theo cách mà chúng ta đang dạy trong nhà trường phổ thông không thể làm cho các bác sĩ và nhân viên y tế nhân văn hơn, càng không thể ngăn chặn được sự xuống cấp của đạo đức.
Trên thực tế, ngành nào, nghề nào cũng có những người thiếu nhân văn, vô đạo đức. Ngay cả trong giới văn sĩ, không ít nhà văn, nhà báo thể hiện rõ sự thiếu nhân văn, sự suy thoái đạo đức. Sự lệch lạc về đạo đức của một bộ phân nhân viên y tế (cũng như nhân viên của những ngành khác), là sản phẩm của một xã hội suy đồi về đạo đức, chai sạn với sáng tạo, vô cảm với bất công, đầy rẫy lừa dối và cướp, giết, hiếp...
Ý tưởng đưa môn Văn vào danh mục thi tuyển sinh của ngành y là đúng, nhưng ở thời điểm hiện nay, đó là một việc làm lợi bất cập hại. Chúng ta nên chờ khoảng 10, 12 năm nữa (hoặc có thể lâu hơn), khi môn này được dạy và học theo cách thúc đẩy tư duy sáng tạo.
Nên chăng, trong thời gian chờ đợi cải cách giáo dục thành công, các trường y tổ chức dạy môn ngữ văn cho sinh viên? Hoặc xem xét lại chương trình và cách thức giảng dạy môn Triết học, giảm bớt những triết lý cao siêu và ít thực tế, dành thời gian trang bị cho sinh viên khả năng lý luận, khả năng trình bày?
Võ Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét