Trang

22 tháng 9, 2014

Ngăn hiện tượng cán bộ "lót ổ"


Không nên xem thường hiện tượng “lót ổ”

23/09/2014 03:15 GMT+7
TT - Nhiều ý kiến phản hồi bài “Ngăn hiện tượng cán bộ “lót ổ” cho rằng việc nhiều cán bộ “lót ổ” đã có từ lâu và tạo ra những hậu quả tiêu cực nên cần phải ngăn chặn.
Đã có từ lâu
Tôi rất đồng tình và chia sẻ với ý kiến của ông Nguyễn Đình Hương. Việc này không phải mới mà có từ rất lâu. Theo tôi, không phải các bộ, các địa phương không biết, không thấy, mà chỉ vì họ không nói hoặc không dám nói mà thôi. Tôi nghĩ không nên xem thường những hiện tượng “lót ổ” rất phổ biến này vì nó diễn biến âm thầm ở mọi nơi.
Trọng Minh
“Sân sau” rất nhiều
Tôi thấy nhiều cán bộ có chức quyền đều có doanh nghiệp sân sau. Điều này tạo nên tình trạng bất bình đẳng trong xét duyệt dự án, ra văn bản chỉ đạo, điều hành, làm sai... Nói tóm lại, hậu quả của tình trạng này là tiền ngân sách, tài sản của nhân dân bị sử dụng kém hiệu quả, tham nhũng, tạo bất bình đẳng trong các hoạt động kinh tế, khoa học.
Nhân Hoa
Một dạng tham những
Vừa qua, trong cao điểm kiểm tra, xử lý ôtô chở quá khổ, quá tải, người ta phát hiện nhiều xe, thậm chí đoàn xe “vua”, do có dấu hiệu của bảo kê, dung túng, thậm chí nghi vấn một vài cán bộ có “cổ phần” trong đó. Mới đây nhất là qua vụ tai nạn thảm khốc của xe khách giường nằm ở Lào Cai, báo chí đã tìm hiểu và được biết một trong những người đóng vai trò quản lý, điều hành thương hiệu xe khách này là thân nhân của cán bộ đang công tác trong cơ quan có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến an toàn giao thông. Tôi nghĩ đây chính là một loại “ổ” được “lót” sẵn khi đương chức, lúc “hạ cánh” sẽ chính thức nhảy vào. Suy cho cùng đó cũng là một thứ tham nhũng - tham nhũng quyền lực.
HỮU CHƠN
Tạo bất bình đẳng
Ông Nguyễn Đình Hương đã nói thẳng, nói thật và quá đúng. Tình trạng cán bộ (đặc biệt là cán bộ cấp cao) về hưu sau đó một thời gian ngắn tham gia ban lãnh đạo các doanh nghiệp trước đây thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị mình bây giờ không phải ít, chỉ có điều ai kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn thì không có. Cái nguy hại của tình trạng “lót ổ” này dẫn đến việc một nhóm cá nhân được lợi, trong khi lại tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, sản xuất với các doanh nghiệp cùng ngành khác.
Minh Toàn
Dân phải gánh hậu quả
Trước khi về hưu, một số quan chức ở các bộ được rót vốn viện trợ phát triển (ODA) nhiều nhất thường phát biểu trước Quốc hội rằng nước ta bắt buộc làm dự án này, công trình kia, bất kể số vốn của các dự án đó lớn khủng khiếp như thế nào. Số tiền ODA phải trả nợ thì đời con cháu của người dân phải trả, còn các vị có “hạ cánh” thì vốn ODA ấy lại tiếp tục đổ vào công trình của các vị, bởi khi đó các vị là một thành viên lãnh đạo của doanh nghiệp. Như vậy đúng là tiền của dân đã phải rót vào túi quan, điều này không thể chấp nhận được.
Hoài Lê
Cần phải ngăn chặn
Đọc bài viết tôi thấy nhà báo Võ Văn Thành đã nêu rất đúng những thắc mắc của nhân dân ta nói chung về các cán bộ cao cấp khi nghỉ hưu. Tôi cũng nhất trí là sau khi nghỉ hưu, nếu các vị còn sức khỏe mà tham gia công cuộc xây dựng đổi mới đất nước là rất tốt. Nhưng hiện tượng “sân sau” của các vị lãnh đạo cấp cao thì nếu mổ xẻ sẽ khá nhiều. Không phải chỉ có ông Trần Xuân Giá hay Hồ Nghĩa Dũng mà có thể còn khá nhiều vị nữa. Nhiều vị không trực tiếp đứng tên mà cho người thân như em trai, con... đứng tên. Vì vậy các văn bản đã ban hành cần phải có các quy định rõ ràng và cụ thể hơn để ngăn chặn tình trạng này.
ĐẶNG BÙI LÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét