Trang

27 tháng 3, 2014

Giới thiệu cơ bản về LB Nga

 (thời điểm đầu năm 2013)
LB Nga có diện tích lớn nhất thế giới, khoảng 17 triệu km2, dân số khoảng 143 triệu người.
 Liên bang Nga là siêu cường quốc nhất nhì thế giới về quân sự và khoa học kỹ thuật, cùng với Mỹ là thống soái về vũ khí hạt nhân. Về chính trị, ảnh hưởng của Nga trên thế giới chỉ đứng sau Mỹ, Nga là đối cực của Mỹ. Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới với GDP năm 2011 đạt 1.885 tỷ USD (theo IMF) và hiện là nước nằm trong nhóm các nước công nghiệp phát triển nhanh BRICS, (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).  
 
Liên bang Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 2000-2008, GDP của Nga tăng trung bình khoảng 7%/năm; do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, GDP năm 2009 giảm 7,9%, năm 2010 chỉ tăng 4%, năm 2011đạt 4,2%.
Từ khi Tổng thống Nga V. Pu-tin lên cầm quyền (2000-2008) và tiếp đó là Tổng thống Đ. Mét-vê-đép (từ 2008), tình hình chính trị - xã hội Nga dần đi vào ổn định, kinh tế phục hồi và phát triển. Vai trò của Nhà nước và chính quyền Trung ương được tăng cường, xu thế ly khai bị đẩy lùi, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Thời gian vừa qua, Liên bang Nga đã triển khai các biện pháp nhằm cải cách hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chấn chỉnh quan hệ Trung ương - địa phương; trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo địa phương; chống tham nhũng... Với chủ trương hiện đại hóa toàn diện đất nước, Liên bang Nga tiếp tục tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực, như: hành chính (tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động), tư pháp (tăng cường vai trò của pháp luật và tòa án), an ninh và quốc phòng (tinh giảm, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, an ninh, cảnh sát)... Đồng thời, chính quyền Liên bang Nga tiếp tục dành ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội thông qua việc triển khai các Dự án ưu tiên quốc gia về dân số, y tế, giáo dục và nhà ở...

Tuy nhiên, Liên bang Nga cũng phải đối mặt với một số nguy cơ bất ổn như tình trạng suy giảm dân số, chủ nghĩa khủng bố, tình hình bất ổn tại Bắc Cáp-ca-dơ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan... Tháng 12/2011, Liên bang Nga đã tiến hành bầu cử Đu-ma quốc gia, Đảng Nước Nga thống nhất giành được 49,3% số phiếu. Tháng 3/2012, Liên bang Nga tiến hành bầu cử Tổng thống với chiến thắng áp đảo ngay tại vòng một của ông V. Pu-tin. Ông Mét-vê-đép đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng và được bầu làm Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất.
Chính quyền Tổng thống Pu-tin đã một mặt triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với diện chính sách như hưu trí, giáo viên, bác sĩ, quân nhân sinh viên; mặt khác tăng cường kiểm soát nhằm củng cố ổn định xã hội và hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài thông qua việc phê chuẩn 04 bộ luật bổ sung về “đặc vụ nước ngoài”, mít tinh - tuần hành, tội vu khống và ngăn chặn các trang thông tin điện tử có nội dung độc hại. Đu-ma quốc gia đã thông qua Dự luật bổ sung vào Bộ luật hình sự về tội phản quốc và làm gián điệp.
Ngày 1/10/2012, Luật bầu cử trực tiếp người đứng đầu các chủ thể liên bang bắt đầu có hiệu lực, và bước cải cách quan trọng trong tiến trình dân chủ hoá đời sống chính trị tại Nga. Luật đảng phái chính trị mới với việc giảm số lượng thành viên bắt buộc từ 40.000 xuống 500 người cũng đã được Tổng thống Pu-tin ký phê chuẩn tháng 5/2012.
Cơ cấu GDP Nga năm 2011, nông nghiệp đạt 4,2%, công nghiệp là 37,1%, dịch vụ đạt 58,8%. Kinh tế Liên bang Nga hiện nay dựa nhiều vào khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, với các ngành kinh tế chính là: dầu khí, khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, hóa chất. Đến nay Liên bang Nga là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, năm 2011 đạt sản lượng 511,4 triệu tấn dầu, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất khí đốt, đạt 670,5 tỷ m3 khí đốt và giữ một trong những vị trí hàng đầu về sản xuất thép, kim loại màu, phân bón...
Theo số liệu mới nhất, trong 9 tháng của năm 2012, GDP của Nga tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011; sản xuất công nghiệp tăng 2,9%, đầu tư vốn cơ bản tăng 7,2%. Bộ Tài chính Nga dự báo thâm hụt ngân sách năm 2012 sẽ ở mức 0,07% GDP (68 tỷ rúp, tương đương 2,3 tỷ USD).
Chính sách thương mại của Liên bang Nga vẫn mang tính bảo hộ cao, đặc biệt đối với các mặt hàng nhạy cảm như ô-tô, sắt, thép và nông sản... Năm 2011, tổng kim ngạch thương mại của Nga đạt 821,3 tỷ USD (43,3% GDP), trong đó xuất khẩu đạt 516 tỷ USD và nhập khẩu đạt 305,3 tỷ USD, trong 9 tháng của năm 2012, xuất khẩu đạt 391,3 tỷ USD, nhập khẩu 240,8 tỷ USD, xuất siêu 150,5 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011. Các đối tác thương mại chính của Nga hiện nay là EU, Trung Quốc...Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga gồm dầu mỏ và khí đốt, máy móc và thiết bị, sản phẩm kim loại, vũ khí, phân bón... Các mặt hàng nhập khẩu chính của Nga gồm máy móc và thiết bị, ô-tô, nông sản, hàng may mặc...Nga là thành viên Không gian kinh tế thống nhất với Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (từ 1/1/2012), Liên bang Nga đã hoàn thành đàm phán WTO tháng 12/2011 và đang tiến tới gia nhập tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD).
Tính đến hết năm 2011, Liên bang Nga đã thu hút được 457,5 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư lớn vào Nga gồm có Đảo Síp, Đảo Virginia (Anh), Hà Lan, Lúc-xăm-bua... Lĩnh vực chính thu hút đầu tư là, công nghiệp chế biến, khai khoáng, bán lẻ...
Tổng giá trị đầu tư ra nước ngoài của Liên bang Nga tính đến hết năm 2011 là 106,7 tỷ USD, các nước Nga đầu tư nhiều nhất gồm: Hà Lan, Đảo Síp, Mỹ... Chính sách ODA Viện trợ phát triển (ODA) duy trì ở mức 500 triệu USD/năm, trong đó hầu hết là thông qua các cơ chế đa phương và và mục đích xóa đói, chống bệnh dịch...
Theo “Luận điểm về sự tham gia của Nga vào hỗ trợ phát triển quốc tế” thông qua tháng 11/2007, Liên bang Nga đặt mục tiêu dành 0,7% GDP cho viện trợ phát triển, trong đó 70% cho mục đích song phương và 30% cho mục đích đa phương. Thứ tự khu vực được Nga ưu tiên viện trợ là: Các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Châu á - Thái Bình Dương, Châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ La-tinh. Thứ tự lĩnh vực được Liên bang Nga ưu tiên viện trợ là: năng lượng (đặc biệt là điện năng), y tế, giáo dục... Tuy nhiên, đến nay Nga chưa có các thể chế và quy định pháp lý để thực hiện Luận điểm này. Nga đang xem xét, thành lập Cơ quan viện trợ phát triển, tương tự như nhiều nước khác trên thế giới.
Hiện Liên bang Nga là một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và thành viên Nhóm G8, G20, BRICS và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét