Trang

20 tháng 11, 2013

Khi thầy Nguyễn Thiện Nhân lặng người xấu hổ


NhanPhải chăng là ngay cả các nhà quản lý cũng đang mặc định rằng muốn đủ sống, chứ đừng nói tới thu nhập cao, thì đừng có làm nghề “bán cháo phổi”!
“Thầy cô thu được 50 triệu đồng mỗi tháng. Với số tiền này, không thể nói là đời sống giáo viên khó khăn”. Đây là lời của một cử tri trong buổi lãnh đạo TP Hà Nội tiếp xúc cử tri hôm 12.11.
Vẫn biết vị cử tri tuổi cổ lai hy này lấy dẫn chứng từ chính gia đình mình, và chỉ sử dụng một phép cộng đơn giản “tiền học chính của các cháu mỗi tháng 40.000 đồng song nếu học thêm 5 môn thì phải nộp tới 2 triệu đồng. Mỗi lớp 50 học sinh, mỗi cháu học 2-3 môn và nộp 1 triệu đồng thì thầy cô thu được 50 triệu đồng mỗi tháng”. Nhưng phải xin cải chính rằng ông đã sai, ngay cả trong một phép cộng. Nhưng vẫn xin phải hỏi lại ông rằng: Thầy cô nào, ở đâu thu nhập được 50 triệu đồng mỗi tháng vậy! Ngay cả khi có một vài thầy cô như thế, thì nó chiếm bao nhiêu phần ngàn mà từ đó quy đồng để kết luận về đời sống giáo viên, liên quan đến cuộc sống, hiện tại, và tương lai của hơn 200 ngàn thầy cô giáo trên cả nước?
Và câu hỏi lớn nhất xin được đặt ra là từ bao giờ chúng ta đã mặc định ngay từ trong tư duy rằng đã là nhà giáo thì phải cao quý, và đã cao quý thì phải nghèo?
Ngày hôm qua, trong buổi tuyên dương 170 giáo viên tiêu biểu, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đã gây bất ngờ khi kể lại một câu chuyện khiến ông “không nói nên lời”, khiến ông “cảm thấy xấu hổ”.
“Cách đây hơn 2 tháng, tôi có gặp một người mẹ có hai con đang học tiểu học và THCS. Chị nói “Thầy ạ, con em đang học lớp 7, hầu như cả lớp phải học thêm 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh, mỗi tháng đóng 900 ngàn đồng. Em còn một cháu tiểu học nữa, khó quá thầy ạ.
“Tháng vừa rồi chị gặp tôi lại nói: Từ tháng 10 là đóng 950 ngàn đồng thầy ạ”.
Cái kết của câu chuyện của vị Chủ tịch Mặt trận, một người thầy, và từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo là lời mong mỏi dấn thân”: “Tôi rất mong các thầy cô hiệu trưởng các trường phổ thông mãi mãi là tấm gương dấn thân trong sự nghiệp giáo dục”.
Hết.
Vị cử tri đã nói đúng, rằng quy định là quy định, “mặc dù trường yêu cầu phụ huynh viết đơn tự nguyện học thêm song nếu phụ huynh không làm thì lại sợ con mình bị cô giáo gây khó dễ. Vì thế không muốn vẫn phải đăng ký cho con học thêm”. Thầy Nhân nói cũng không sai về sự dấn thân. Nếu như những người thầy không dấn thân thì làm sao có đủ tư cách để dạy cho học trò sự cao đẹp của những dấn thân, hy sinh, vị tha, nhân ái.
Và nếu nói về sự xấu hổ, có lẽ, chính các thầy cô là người đang thấm thía nhất ý nghĩa của sự xấu hổ, ngay trước mặt học trò của mình.
Nhưng dấn thân không phải là thứ có thể ăn thay cơm, không thể thay tiền mỗi khi ra chợ, càng không phải là biện pháp để họ tĩnh cái tâm mà phụng sự, mà cống hiến.
Cũng ngày hôm qua, báo chí tìm gặp một thày giáo ở Đắc Lắc, kể lại tâm sự nước mắt lưng tròng rằng “Cả hai vợ chồng nghề giáo mỗi tháng kiếm chưa nổi 7 triệu mỗi tháng” trong khi phải nuôi con thơ, chăm sóc cha mẹ già. “Nếu được chọn lại, tôi sẽ không chọn nghề giáo”.
Thầy Trọng Đắc Lắc không phải là một thiểu số khi một nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy có gần 40,9% giáo viên bậc tiểu học, 59% bậc THCS và 52,4% bậc THPT cho biết nếu được chọn lại sẽ không chọn nghề giáo. Chưa kể “một bộ phận đáng kể” giáo viên trẻ đang chán nghề.
Nguyên nhân thì hỏi một đứa trẻ lớp một cũng biết là vì sao. Họ đã chờ đợi lời hứa “năm 2010 có thể sống được bằng lương” đã đến 2013 rồi, và vô vọng là không còn biết phải chờ đến bao giờ nữa.
Nói thêm là sau khi nghe câu chuyện “Thu nhập 50 triệu” được nêu ra trong buổi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Thành phố đã không có bất cứ một ý kiến phản hồi nào.
Phải chăng là ngay cả các nhà quản lý cũng đang mặc định rằng muốn đủ sống, chứ đừng nói tới thu nhập cao, thì đừng có làm nghề “bán cháo phổi”!
Theo Đào Tuấn bloger

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét