Trang

17 tháng 11, 2013

“Điểm nghẽn chí tử của nền kinh tế”

- Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Dương nói rào cản từ nhóm lợi ích cục bộ là đáng ngại nhất, khó dỡ bỏ nhất...


“Điểm nghẽn chí tử của nền kinh tế”
TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Dương.
In
Theo TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Dương, trong mọi rào cản hiện  nay kìm hãm sự phát triển nền kinh tế, rào cản từ nhóm lợi ích cục bộ là đáng ngại nhất, khó dỡ bỏ nhất. Nó đã tạo nên điểm nghẽn chí tử và đẩy nhanh nền kinh tế vào sự tụt hậu.

Nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhung còn quá nhiều nỗi lo chưa có cách giải tỏa. Xin cho biết tâm trạng của ông trước tình trạng này?

Tình hình kinh tế năm qua cho thấy những nỗ lực của chúng ta đã có kết quả nhất định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô  dần đi vào ổn định và nền kinh tế  đã có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, xét tổng thể thì tình hình vẫn rất đáng lo. Các chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, đều là các chỉ tiêu cốt lõi của hệ thống 15 chỉ tiêu, trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP ước tăng khoảng 5,4%, đưa chỉ tiêu này bình quân trong 3 năm 2011-2013 chỉ ở mức tăng 5,6%, thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, một hiện tượng đáng ngại nữa lần  đầu tiên xuất hiện trong nhiều năm qua là thất thu ngân sách. Đây là hiện tượng xấu cho thấy thực chất thiếu bền vững của tăng trưởng GDP và hạn chế của chính sách tài khóa, cũng như năng lực trong điều hành ngân sách.

Tôi chỉ nói riêng trong việc xử lý hành vi chuyển giá mà cơ quan chức năng đã tỏ ra lúng túng với các thủ đoạn chuyển giá, báo lỗ, gian lận trong thuế, thu thuế, trốn nợ thuế của doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... khiến cho việc này chưa được xử lý triệt để và có hiệu quả. Như vậy thì ngân sách không thất thu sao được!

Cũng trong bức tranh kinh tế của ta hiện nay ngành nông nghiệp đã cố gắng hết mức để giữ  được nhịp độ phát triển ổn định, làm chỗ dựa no ấm cho đại đa số dân nghèo. Nhưng phải thấy rằng ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự dao động về động lực sản xuất khi nông dân trồng cây, nuôi con gì cũng lỗ đơn, lỗ kép. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này từ 3,3% giai đoạn 2006-2010 dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013.

Tôi cho rằng phải quan tâm đến nông nghiệp nhiều hơn bằng chính sách cụ thể đột phá nếu nông nghiệp rơi vào khủng hoảng suy thoái thì hậu quả không lường hết được.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tiến trình tái cơ  cấu nền kinh tế gần như giậm chân tại chỗ  cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế khó thoát khỏi bế tắc. Ông nghĩ sao?


Tôi hoàn toàn chia sẻ với những nhận định như vậy. Chúng ta đều thấy sốt ruột với tiến triển còn rất chậm của việc tái cơ cấu nền kinh tế  gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng khi kết quả chưa đạt mục tiêu theo tinh thần Nghị  quyết của Quốc hội là “năm 2012 chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt”.

Với việc triển khai ba đột phá chiến lược, tình hình cũng không có gì chuyển biến rõ hơn. Có thể nói rằng, nếu cứ duy trì tình trạng thế này thì kinh tế đất nước càng nhanh tụt hậu, các rào cản kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế càng khó được dỡ bỏ.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm một điều nữa rằng trong mọi rào cản hiện nay kìm hãm sự phát triển nền kinh tế thì rào cản từ nhóm lợi ích cục bộ là đáng ngại nhất, khó dỡ bỏ nhất. Nó đã tạo nên điểm nghẽn chí tử của nền kinh tế và đẩy nhanh nền kinh tế vào sự tụt hậu.

Vấn đề lợi ích nhóm đã trở thành nỗi bức xúc của ông trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Vậy, ông có thể đưa ra một dẫn chứng về sự tồn tại của nhóm lợi ích trong đời sống xã hội hiện nay?


Tôi muốn đề cập đến tình trạng lợi ích nhóm hoành hành ở ngay nơi vốn được coi là  yếu thế nhất trong xã hội ta hiện nay là  nông dân.

Qua những nghiên cứu đôi chút về lịch sử sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long dưới thời Pháp, ta thấy trong huy động lúa gạo xuất khẩu dưới thời kỳ này không hình thành những nhóm thương lái đi thu gom như hiện nay. Bởi vì cả địa chủ Nam Bộ và nông dân sản xuất lúa gạo đều thấy rằng đây chỉ là các nhóm trung gian trục lợi.

Nhưng thật ngạc nhiên và cũng đáng tiếc rằng hiện nay, trong phương thức huy động lúa gạo xuất khẩu của chúng ta, số thương lái quá lớn và họ  vơ vét không thương tiếc lợi ích của người sản xuất.

Kết quả là người nông dân vất vả  nhiều nhất lại không có vai trò, vị trí gì trong các khâu của quy trình xuất khẩu gạo và lợi ích của họ thì bị bóp nặn, rút tỉa gần hết bởi mấy công ty độc quyền xuất khẩu gạo và thương lái trung gian. Kết quả là người trồng lúa nghèo vẫn hoàn nghèo.

Và hậu quả có thể nhìn thấy ngay với việc hoành hành của nhóm lợi ích trong lĩnh vực xuất khẩu gạo này, thưa ông?


Nông dân còn nghèo và cứ mãi nghèo như vậy thì dù chúng ta có hô hào kiểu gì cũng chưa thể có nông thôn mới thực sự và  nông nghiệp cũng chưa thể cất cánh vì thiếu động lực, dù chúng ta luôn tự hào mỗi năm góp phần quan trọng vào an ninh lương thực thế giới, hay luôn tự hào vì chúng ta là cường quốc về lúa gạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét