Trang

27 tháng 4, 2014

Trả giá vì coi thường công luận


Có đến bốn câu chuyện cùng xảy ra trong tuần và cùng chỉ ra bài học về phát ngôn và ứng xử với truyền thông, cũng đồng nghĩa là ứng xử với những người đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước.
Thứ nhất là câu chuyện Bộ VH-TT&DL “việt vị” khi dốc sức đăng cai ASIAD 18 mà chưa có đề án khả thi được Chính phủ thông qua. Đáng nói là sự tự tin của quý Bộ mạnh mẽ đến mức cử đại diện đến cuộc họp của cơ quan chỉ đạo báo chí để yêu cầu các báo “chỉ bàn việc tổ chức ASIAD thế nào chứ không bàn tổ chức hay không nữa”. Trong khi đó tờ báo của bộ này thì ra sức phản bác ý kiến trên các báo khác, cũng chỉ nhằm tổ chức sự kiện tốn kém hơn 150 triệu USD này bằng mọi giá!
Thứ hai là câu chuyện bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải lên truyền hình quốc gia và đến cuộc họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để nhận thiếu sót và xin khất đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa trị giá lên đến hơn 34.000 tỉ đồng! Đáng nói là trước khi có sự xuất hiện của ông bộ trưởng, đại diện bộ này và các lãnh đạo cục, vụ chuyên môn đã đến cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lên truyền hình ra sức truyền thông cho một đề án quốc gia “thực hiện nghị quyết của Trung ương”. Trong các cuộc xuất hiện này, số tiền chi cho việc biên soạn sách giáo khoa (là dạng chi phí dễ điều chỉnh nhất, cũng dễ kê khống nhất trong các gói thầu nghiên cứu) thay đổi liên tục và nó từng xuất hiện rất “chính thống” tại cuộc họp báo ở trụ sở của Bộ.
Thứ ba là câu chuyện Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải thân chinh xin đến cuộc họp của cơ quan chỉ đạo báo chí để “xin các tổng biên tập giúp Chính phủ tạo nên sự đồng thuận chống lại dịch sởi”, dù trước đó chính ông đã phải “vi hành” đến bệnh viện nắm tình hình sau khi mạng xã hội đăng tải. Đáng nói là việc làm này của lãnh đạo Chính phủ diễn ra khi cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế đang ra sức “phản pháo” truyền thông bằng hàng loạt cụm từ miệt thị, nhục mạ những ý kiến đang chỉ trích Bộ Y tế. Trước đó thì lãnh đạo bộ này lên truyền hình điềm nhiên công bố những con số khác xa sự thật; đến khi báo chí phanh phui thì lại thực hiện nhiều biện pháp cản trở tác nghiệp của phóng viên...
Thứ tư là câu chuyện Cục trưởng Cục Đường sắt bị tạm đình chỉ công tác vì phát biểu “có tý mà đã ầm ĩ lên” khi báo chí đề cập đến việc đội trên 300 triệu USD vốn dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội. Đáng nói là phát biểu này diễn ra khi dự án đang bị xầm xì về việc gần như “khoán trắng” việc thực hiện dự án cho tổng thầu Trung Quốc và tiến độ dự án chậm hàng năm trời. Song điều dư luận bức xúc hơn chính là khi khoản tiền “đội vốn” đã không được giải trình minh bạch thì lại bị người có trách nhiệm xem thường!

 Ông Nguyễn Hữu Thắng
Trong thực tế, hằng ngày cơ quan nhà nước thực hiện hàng ngàn công việc, song không phải việc nào người dân cũng quan tâm kỹ càng. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn thì những đề xuất trời ơi, hời hợt, vô cảm nhưng lại tiêu tốn cả ngàn tỉ đồng thì rõ ràng không ai có thể dửng dưng. Không thể dửng dưng thì việc đưa ra các kiến nghị, phản biện về việc tiêu xài những đồng tiền ấy thế nào, ở đâu, cho ai, vì mục đích gì, có hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội hay không... là việc bình thường và là điều cần khuyến khích trong một xã hội dân chủ.
Vì vậy trong bốn câu chuyện kể trên, tuy có nhiều điểm khác nhau, song có vấn đề nổi bật lên khá giống nhau là cá nhân nào, cơ quan nào tôn trọng ý kiến nhân dân, hành động thực sự vì quyền lợi người dân sẽ được dân trọng, dân tin, như chuyện Thủ tướng quyết rút tổ chức ASIAD hay bộ trưởng Đinh La Thăng bác đề án sửa mặt cầu Thăng Long trị giá 300 tỉ đồng!
Và dĩ nhiên là hậu quả sẽ ngược lại với bất cứ ai, tổ chức nào coi thường ý kiến nhân dân!
BẰNG LĨNH (PLO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét