Trang

28 tháng 4, 2014

Bà giáo già ươm chữ xứ biển


KTĐT - Gần 40 năm trên cương vị là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Thông, 68 tuổi ở xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa những tưởng bà dành thời gian để nghỉ ngơi sau những năm tháng tận tâm với sự nghiệp. Ấy vậy, vừa cầm sổ hưu, cô lại tiếp tục bước vào trận tuyến mới, mở lớp học tình thương, đi gõ cửa từng nhà để vận động người dân ở xã nghèo vùng biển cho con đi học. Ròng rã hơn 12 năm qua, lớp học tình thương vẫn bền bỉ duy trì, hàng trăm trẻ em đã biết mặt chữ…
Trên đường về thôn Thành Lập quanh co, độc đạo, ngập trắng nước được người dân kể về cô giáo Nguyễn Thị Thông với tấm lòng biết ơn vô hạn. Để tìm gặp cô, chúng tôi đã phải quần xắn móng lợn, vật lộn với con nước. Ngồi đối diện với chúng tôi, gương mặt cô hiện lên nhiều nếp nhăn, sạm đen vì gió biển. Cô ít nói về mình. Ngay đến những công việc mở lớp học tình thương miễn phí, cô cũng không nghĩ nhiều. Dường như, đối với cô đó là bổn phận và lương tâm của một nhà giáo đối với cái chữ dành cho người dân ở địa phương. Khi chúng tôi gợi chuyện về cuộc sống gia đình riêng, đôi mắt cô đượm buồn. Cô bảo, hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là có một tổ ấm, có một người chồng để nương tựa, có những đứa con để vỗ về, nhưng điều đó đã không đến với cô! Ở tuổi gần thất thập, cô vẫn đi về lẻ bóng. Nhưng niềm hạnh phúc nhất của cô khi được người dân quê luôn tôn kính, trân trọng và biết ơn mình đã dành trọn lòng yêu nghề, đem tình thương đến với những trẻ nghèo xứ Thanh.
 
Bà giáo già cẩn thận hướng dẫn các em nhỏ từng nét bút.
Bà giáo già cẩn thận hướng dẫn các em nhỏ từng nét bút.
Cô yêu nghề dạy học từ nhỏ, học hết lớp 7 đã nài nỉ xin bố mẹ cho bằng được để đi dạy lớp vỡ lòng của thôn. Làm cô giáo làng sau một năm, chính quyền địa phương thấy cô yêu nghề, nên đã động viên cô đi học trường sư phạm. Năm 1966 ra trường, theo nguyện vọng, cô được điều về quê dạy cấp 1. Với lòng yêu nghề, tình thương với học sinh, cô đã dành hết tâm huyết của mình dạy học. Năm nào cô cũng đạt giáo viên dạy giỏi, rồi vinh dự được kết nạp Đảng khi vừa tròn 23 tuổi. Cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc, rồi Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Minh (Đông Sơn) và đến năm 1987 cô về Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, nhận chức Hiệu trưởng cho đến khi về hưu (năm 2001). Nhiều năm liền, cô đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp. Năm 1996, cô đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Lý giải về việc mở lớp học tình thương, cô chia sẻ: Năm 1996, một cơn bão tràn đến Ngư Lộc đã san phẳng những ngôi nhà, tài sản của ngư dân ky cóp cả đời đi biển. Những vành khăn tang trắng cả một vùng, những đứa trẻ mất người thân, trụ cột của gia đình, miếng ăn còn không đủ, huống chi cái sự học. Những đứa trẻ nghỉ học hàng loạt, nhiều đứa phải lao động kiếm tiền để phụ giúp gia đình khi chưa từng được biết đến cái chữ. Và kể từ đó cô ấp ủ một ước mơ - xóa mù cho những mảnh đời tội nghiệp ấy. Trăn trở với những hoàn cảnh khó khăn, lo cho tương lai của những đứa trẻ nghèo vì ở Ngư Lộc, nhiều gia đình nghèo lại đông con. Việc đảm bảo đủ cái ăn, cái mặc đã khó nói gì đến ước mơ xa xỉ là đi học chữ. Nhiều đứa trẻ lớn lên không biết mặt chữ, bố mẹ không dạy dỗ đến nới đến chốn, dễ đi vào con đường tệ nạn xã hội. Chứng kiến nhiều cháu đến tuổi đi học không được đến trường, nhiều người lớn chưa biết mặt chữ, lòng cô quặn thắt.
Ngày nghỉ hưu, cô quyết định đứng ra mở lớp học tình thương để dạy chữ cho những trẻ em nghèo mù chữ, trẻ em bị khuyết tật… Đối tượng học không chỉ trẻ em, mà cả những người ngư dân mải đi biển, không biết chữ. Việc đầu tiên là cô làm đơn báo cáo với chính quyền và trường học, đứng ra xin bảo lãnh cho các em đi học. Cô tự mình lặn lội xuống tận các thôn xóm trong xã, thuyết phục các gia đình cho các em đi học. Đến tận nhà các cháu, cô chứng kiến có những em đã 10 tuổi mà không có được cơ hội đến trường. Tìm hiểu nguyên nhân, cô mới vỡ lẽ, bố mẹ các em đi biển quanh năm, không ai quan tâm đến việc học hành của con cái. Có khi cả tháng trời, các em sống thui thủi trong nhà vì bố mẹ ngoài khơi xa. "Thậm chí, khi tôi đi thuyết phục phụ huynh cho con em đi học, có người còn đuổi đánh. Họ sợ rằng con mình đi học sẽ không về nhà làm việc nữa. Nhiều khi, tôi phải cho tiền, cho gạo phụ huynh để họ đồng ý cho con mình đi học" – hai vạt nước mắt cô lăn dài, ngậm ngùi nhớ lại.
Những ngày đầu mới mở lớp gặp nhiều khó khăn. Bàn ghế không có, cô lặn lội đến xin trường cấp I được ít bàn ghế đã gãy, nhờ thợ mộc sửa sang lại cho các cháu ngồi tạm. Nhiều hôm, cô trò đang học trên lớp thì trời đổ mưa, mái nhà bị mưa hắt vào, mấy cô trò mang áo mưa che đậy để nước đỡ chảy ra nền nhà. Từ lớp học đầu tiên, ngay ở căn nhà hai gian của mình, với 16 em, đứa 8 tuổi, đứa 13 tuổi, cũng có đứa 22 tuổi... Đến nay, nhờ lớp học tình thương này mà hàng trăm em có hoàn cảnh khó khăn biết đọc, biết viết. Có thời gian, cô còn dạy chữ cho những ngư dân bị mù chữ, lớp học được mở ra vào buổi tối với sự tận tình của cô, nhiều người rất hăng say đến lớp. Ban ngày lam lũ mưu sinh, tối đến họ lại cắp sách vở đến lớp học chữ. Có thời điểm lớp học xóa mù chữ của cô lên đến 60 người. Nhờ lớp học tình thương của cô mà hàng trăm các em và người dân mù chữ ở xã Ngư Lộc và các địa phương lân cận đã đọc thông viết thạo. Đến nay, UBND xã đã cho mượn phòng học khang trang hơn tại Trung tâm học tập cộng đồng, nhờ đó, cô và học sinh không còn phải ngồi trong lớp học tạm bợ nữa. Sau khi học ở đây, các em đọc thông viết thạo, cô lại xin để chuyển cho các em qua trường để đi học như những em bình thường khác.
Những vệt nắng cuối trời dần tắt, các em lại đến lớp học tình thương, mặt mày lấm lem, nhưng lại  rạng ngời vẻ háo hức. Cô lại tất tả, chuẩn bị buổi học mới. Những nếp nhăn, hằn lên trên khuôn mặt cô. Nhưng tình thương yêu học sinh, vì sự học của các em của NGƯT Nguyễn Thị Thông như những ngọn hải đăng trên biển, không bao giờ tắt.
Tuấn Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét