TP- Báo cáo Phát triển Việt Nam (VDR) của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 12/2008 tính toán 158 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.
Khoảng cách trên lại hâm nóng dư luận dù cách đây hơn 2 năm vào dịp tổng kết thành tựu sau 20 năm đổi mới, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam ông Il Houng Lee từng “gây sốc” trong bài trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong khi cho Việt Nam có thể mất 197 năm để đuổi kịp Singapore, 34 năm với Thái Lan và 18 năm với Indonesia.
Trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông Il Houng Lee nhắn nhủ rằng khoảng thời gian trên chỉ là kết quả của những tính toán đơn thuần về mặt cơ học và nó không phản ánh đúng sự chênh lệch thực sự giữa kinh tế Việt Nam với Singapore.
Tiêu chí khác, kết quả khác
Theo báo cáo của WB, năm 2007, thu nhập trên đầu người của Việt Nam là 836 USD, Indonesia là 1.918 USD, Thái Lan là 3.850 USD và Singapore là 35.163 USD. Trong giai đoạn 2001 – 2007, tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người (tính theo giá cố định) tương ứng là 6,6%, 4,8%, 4,8% và 4%.
Dựa vào những con số trên, các chuyên gia WB tính toán Việt Nam phải mất rất lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á: 158 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.
Riêng với Singapore, nếu bỏ qua phương pháp tính toán của IMF và WB, khoảng cách về thời gian giữa Việt Nam và Singapore đã được rút ngắn đáng kể từ 197 năm còn 158 năm dù thời điểm tính toán chỉ cách nhau hơn 2 năm. Tuy nhiên, IMF và WB đều có cách tính khác khiến khoảng cách này ngắn hơn.
Theo WB, nếu tính bằng USD, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lại nhanh hơn các nước khác nên thời gian đuổi kịp 3 nước trên sẽ ngắn hơn: 63 năm với Singapore, 22 năm với Thái Lan và 15 năm với Indonesia. Điều này có nghĩa khi tỷ giá USD thay đổi, khoảng cách cũng thay đổi.
Đuổi kịp sau một thế hệ
Rõ ràng việc sử dụng tiêu chí khác nhau đã cho kết quả khác nhau. Các chuyên gia Liên Hợp Quốc (UN) thậm chí cho rằng việc sử dụng mức thu nhập bình quân đầu người để xác định sự giàu có của một quốc gia nhiều khi là một phương pháp lệch lạc.
IMF có cách tính dựa trên “tỷ giá sức mua tương đương” (PPP) hơn là tỷ giá thực. Nghĩa là việc so sánh thu nhập dựa trên lượng tiền bỏ ra để mua cùng một loại hàng hóa ở những quốc gia khác nhau.
Theo cách tính dựa trên PPP của IMF, mức chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và các nước khác được giảm xuống nhiều lần: Với Singapore từ 43,9 xuống còn 9,3 lần và với Indonesia từ 2,1 xuống còn 1,5 lần.
Trong báo cáo của WB cũng khẳng định: “Tất cả những điều này dĩ nhiên hoàn toàn là giả thuyết”. Các chuyên gia WB nghiêng về khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ thành công như trường hợp của Mauritius, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết sách kinh tế được đưa ra trong những năm tới.
“Song nếu Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ như hiện nay, thì triển vọng theo kịp với các nước láng giềng trong vòng một thế hệ không phải là một điều không tưởng”, báo cáo của WB nhấn mạnh.
Thu nhập bình quân đầu người tính theo tỷ giá sức mua tương đương (PPP) năm 2007:
Việt Nam: 3.100 USD
Singapore: 31.400 USD Thái Lan: 9.200 USD Indonesia: 3.900 USD Việt Nam đứng thứ 143 trên thế giới; Singapore đứng thứ 27; Thái Lan ở vị trí 82 và Indonesia đứng thứ 134.
Nguồn: GeographyIQ
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét