Ông Lê Như Tiến |
Từ chức đúng lúc là tự trọng
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đánh giá như vậy khi trao đổi với Báo Người Lao Động xung quanh nghị định về từ chức đang dự thảo.
* Phóng viên: Xin ông cho biết quan điểm của mình về dự thảo nghị định đang được Bộ Nội vụ xây dựng, trong đó có đề cập công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên được từ chức?
- Ông Lê Như Tiến: Lâu nay, việc cán bộ xin từ chức vì mất uy tín ở nước ta rất hãn hữu. Phần lớn từ chức là để xin thôi việc, vì lý do sức khỏe, về quê hợp lý hóa gia đình… Còn từ chức do năng lực quản lý có hạn, do tín nhiệm thấp là gần như không có. Từ khi có Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là nhằm vào vấn đề “tín nhiệm”.
Một cán bộ không đủ năng lực hay không đủ tín nhiệm thì nên từ chức. Tôi đã nhiều lần bày tỏ trước Quốc hội là ở Việt Nam, việc cán bộ, công chức nhà nước từ chức là khó khăn; chứ ở nước ngoài, đây là việc hết sức bình thường và trở thành “văn hóa từ chức”. Không làm được việc, từ chức thì có gì đâu, còn cố níu kéo chẳng qua chỉ vì lợi ích riêng.
* Nhiều ý kiến nghi ngờ tính khả thi của nghị định này bởi ở Việt Nam chưa có “văn hóa từ chức” mặc dù không ít bộ, ngành đang gây ra nhiều bức xúc, không nhận được sự đồng thuận từ người dân qua các vụ: vắc-xin, dịch bệnh, sách giáo khoa, bệnh thành tích trong giáo dục và đào tạo hay chuyện đề xuất đăng caiASIAD?
- Việt Nam chưa có thói quen từ chức. Việc gì cũng phải có lúc bắt đầu, nếu có vài trường hợp dũng cảm đi đầu sẽ tạo được hành động văn hóa này.
Lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, tháng 5-2013Ảnh: Thế Dũng
Ở phương Tây, cán bộ quản lý từ chức không phải vì tiêu cực, tham nhũng mà chỉ đơn thuần là do sai sót, thiếu bao quát dẫn đến quản lý không hiệu quả trong bộ phận do mình quản lý. Như việc Thủ tướng Hàn Quốc vừa từ chức sau vụ đắm phà. Hay người đứng đầu ngành y tế để dịch bệnh bùng phát do không có năng lực dập dịch kịp thời thì cũng phải nghĩ đến từ chức. Từ chức là để dành cơ hội cho người có năng lực, uy tín hơn thay thế nhằm giúp dân, giúp nước.
Còn ở Việt Nam, cán bộ được bầu ra sẽ làm việc cho đến khi nghỉ hưu hoặc lên chức thì mới thôi. Chúng ta cần nhìn nhận từ chức khi bộ phận của mình quản lý có biến cố, người đời không những không cười chê mà còn thiện cảm và trân trọng.
Thật ra, trong thể thao, nhiều lãnh đạo đội bóng đã xin từ chức vì tự thấy không thể dẫn dắt đội quân của mình giành được thành tích tốt hay uy tín không còn. Thời chiến, chúng ta đã có nhiều vị chỉ huy từ chức vì để chiến sĩ thương vong nhiều, kỷ luật bất ổn. Khi đã xem là bình thường thì từ chức đúng lúc là người có tự trọng.
* Để nghị định này đi vào đời sống, theo ông cần quy định cụ thể như thế nào?
- Theo tôi, để khả thi thì nghị định và thông tư hướng dẫn cần quy định rất cụ thể, phải đưa ra quy trình, thủ tục chặt chẽ, từ việc lấy phiếu tín nhiệm trong cơ quan đến đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm trong năm… Việc đánh giá thang điểm “uy tín” của cán bộ phải đưa ra đáp số chính xác. Từ đáp số “uy tín” thấp, cán bộ có tự trọng không có lý gì để “bám trụ” hoặc cơ quan quản lý phải có chế tài. Cán bộ không đủ 50% số phiếu tín nhiệm ở nơi mình công tác thì nên nghĩ ngay đến việc từ chức.
Những trường hợp được từ chức
Trước khi xây dựng dự thảo nói trên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát các quy định của Đảng và pháp luật hiện hành, xây dựng các nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động và luân chuyển cán bộ tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo hướng thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên được từ chức trong 4 trường hợp, trong đó có do nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cũng được xin từ chức do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình.
So với các văn bản liên quan trước đây, điểm mới của dự thảo nghị định là quy định rõ quy trình xem xét cho từ chức. Trong quy trình này, người xin từ chức phải làm đơn trình bày lý do, nguyện vọng, sau đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho từ chức.
Không" từ" thì ai " xử"
Dương Ngọc thự hiện
“Khi nào chức vụ không còn là nơi họ có thể tranh thủ làm giàu thì khi đó việc từ chức sẽ trở nên bình thường” - ý kiến ngắn gọn của bạn đọc Trần Thành Công được nhiều người đồng tình nhất khi bàn về dự thảo nghị định từ chức.
Có bạn đọc cho rằng "chỉ cần thực hiện tốt Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm là đủ, cứ trên 50% không tín nhiệm thì cơ quan cấp trên quản lý ra quyết định bãi là xong" Ảnh: Lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, tháng 5-2013
Không “từ” thì ai “xử”?
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Từ chức đúng lúc là tự trọng”, hàng loạt ý kiến độc giả của báo từ khắp nơi gửi về bày tỏ ý kiến quanh vấn đề này. Theo thăm dò ý kiến trên Báo Người Lao Động Online, có 82% bạn đọc đồng ý nên có nghị định từ chức.
Đồng tình với quan điểm từ chức đúng lúc là tự trọng, nhiều độc giả nhấn mạnh:
“Người có lòng tự trọng thì tự từ chức nếu cảm thấy không làm tròn trách nhiệm hay đau xót trước sự kiện đau lòng nào đó...” (bạn đọc lấy nickname Tư tèo tèo) hay “Lòng tự trọng tự tâm khảm nhận thức, nó không đến từ văn bản pháp luật” (bạn đọc Lê Uy Lực).
Bạn đọc Trần Dân Việt đồng tình “Từ chức là hành động tự trọng” và “bây giờ đề cập đến văn hóa từ chức cũng tốt” nhưng cũng thẳng thắn nhận định: “Khái niệm từ chức đã có từ quá lâu nhưng hành động từ chức sao mà quá mới. Từ chức là hành động tự trọng, nhưng lâu nay thấy quá ít mặc dù người đáng ra phải từ chức thì lại không ít.”
Bạn đọc Đoàn Công Thành nêu so sánh: “Hãy nhìn về nước bạn, Thủ tướng Hàn Quốc đã cúi đầu xin lỗi nhân dân và xin từ chức sau khi chỉ đạo cấp cứu các nạn nhân trong vụ chìm phà”.
Nhận định thực tế “từ chức là rất khó”, bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về tính khả thi của nghị định. Bạn đọc Mạnh Dũng nghi ngờ: “Tôi không hiểu sao phải ra cái Nghị định từ chức này, rồi các ông quan không "từ" thì ai xử…". “Yếu kém, thờ ơ, nhũng nhiễu, hách dịch trong quản lý phải bị sa thải chứ sao lại có Nghị định "được phép từ chức"” - bạn đọc Minh Luân gay gắt.
Khi nào từ chức trở nên bình thường ?
Đi sâu phân tích, bạn đọc Hoàng Trung Thành thẳng thắn: “Về nguyên tắc nếu cán bộ biết trọng danh dự, nhân phẩm và làm việc vì dân, vì nước khi thấy mình không đủ năng lực hoặc không còn được dân tín nhiệm nữa thì tự nguyên làm đơn xin từ chức. Hiện nay tại sao cán bộ của ta yếu kém, không đủ năng lực lãnh đạo nhưng nhất quyết không từ chức, cứ cố bám lấy ghế lãnh đạo? Câu trả lời rất đơn giản. Họ có quyền lực và quá nhiều "bổng, lộc".”
Cùng đi tìm giải pháp, bạn đọc Mạnh Dũng cho rằng: “Chỉ cần thực hiên tốt Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm là đủ, cứ trên 50% không tín nhiệm thì cơ quan cấp trên quản lý ra quyết định bãi là xong”. Bạn đọc Minh Luân nêu ý kiến: “Lãnh đạo cơ quan phải được toàn thể nhân viên bỏ phiếu "tín nhiệm" hoặc "không tín nhiệm hàng năm". Hai năm liên tiếp bị bỏ phiếu "không tín nhiệm" là phải buộc từ chức và không được chuyển sang các vị trí tương đương ở bất kỳ cơ quan nào”.
Đặt vấn đề chức vụ “là thứ kim chỉ nam để "phấn đấu" có được cho nên việc từ chức là rất khó”, bạn đọc Nguyễn Quang khẳng định “Chỉ khi nào chức vụ là trách nhiệm chứ không đem lại lợi lộc gì thì chuyện từ chức mới có, và khi trách nhiệm bị ràng buộc cụ thể, không từ chức sẽ bị cách chức thì từ chức còn được tiếng là có tự trọng”.
Đồng tình với quan điểm này, ý kiến ngắn gọn của bạn đọc Trần Thành Công được nhiều người đồng tình nhất: “Khi nào chức vụ không còn là nơi họ có thể tranh thủ làm giàu thì khi đó việc từ chức sẽ trở nên bình thường”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét