Trang

1 tháng 5, 2014

Vụ “1 câu nói, 5 năm tù”: Dân phải được bồi thường, hỗ trợ


TT - Trong bài trả lời phỏng vấn trên Tuổi Trẻ ngày 30-4, thượng tá Lê Xuân Văn (phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho rằng đất trong dự án mà các bị cáo đòi bồi thường là quỹ đất do UBND xã quản lý, giao cho các hộ sử dụng tạm, khi Nhà nước có quyết định thu hồi thì phải trả và chỉ được hỗ trợ hoa màu trên đất (*).
Dân Mỹ Đức yêu cầu được vào dự phiên tòa xét xử vụ án
Trong khi đó theo Luật đất đai, những người dân này phải được đền bù. Dưới đây là ý kiến của các luật sư.
* Luật sư Hoàng Ngọc Biên (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng ông Đinh Văn Chính):
UBND huyện Mỹ Đức không thực hiện đúng quy trình thu hồi đất
Theo quy định tại điều 32 Luật đất đai năm 2003 thì: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Có nghĩa trong mọi trường hợp cho dù là đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, cũng như đất công ích đang có người sử dụng hay đất do khai hoang, vỡ hóa nếu Nhà nước muốn giao đất đó cho người khác sử dụng hoặc để thực hiện dự án thì UBND huyện Mỹ Đức bắt buộc phải ra quyết định thu hồi đất đó.
Ngoài ra, theo nghị định 69 ngày 13-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi đất, bồi thường đất, hỗ trợ và tái định cư, quyết định 108 ngày 29-9-2009 của UBND TP Hà Nội quy định vấn đề bồi thường hỗ trợ về đất trên địa bàn TP Hà Nội thì đối với các trường hợp người sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 mà sử dụng ổn định, không có tranh chấp, được UBND xã phường xác nhận không có tranh chấp thì được bồi thường về đất. Trong trường hợp đất công ích, đất khai hoang vỡ hóa thì người sử dụng được nhận hỗ trợ về công sức tôn tạo, khai hoang vỡ hóa.
Đối chiếu với trường hợp 10 bị cáo này, họ có thể được hưởng quyền lợi bồi thường và hỗ trợ về đất nếu xác định là đất công ích. Việc UBND huyện Mỹ Đức không thừa nhận quyền lợi của họ trên diện tích đất và không ban hành quyết định thu hồi, không hỗ trợ về đất cho các bị cáo là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
* Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):
Hộ gia đình ông Đinh Văn Chính thuộc diện được bồi thường về đất
Thông tin từ báo chí cho thấy phần diện tích đất bị thu hồi của ông Đinh Văn Chính là 1.152m2. Trong đó có 240m2 ông Chính sử dụng là do trước đây hợp tác xã giao khoán, phần còn lại là do ông khai hoang sử dụng từ năm 1988. Như vậy ông Chính đã sử dụng đất trước ngày 15-10-1993, mặc dù gia đình ông không có bất cứ giấy tờ hợp lệ nào theo quy định tại khoản 1, điều 50 của Luật đất đai.
Tuy nhiên, tại điều 14 nghị định 69/2009/NĐ-CP và điểm c, khoản 1, điều 44 nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định rằng: “Trường hợp thu hồi đối với đất sử dụng trước ngày 15-10-1993 nhưng không có giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, điều 50 của Luật đất đai và được UBND cấp xã xác nhận đất đó không có tranh chấp thì việc bồi thường, hỗ trợ về đất thực hiện theo quy định sau: ...Trường hợp đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp mà người đang sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng”.
Từ quy định trên đây của Chính phủ thì ông Đinh Văn Chính và những trường hợp tương tự phải được bồi thường về đất. Hơn nữa, theo quy định của Luật đất đai năm 2003 thì để thu hồi đất của người dân đang sử dụng, trước nhất UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi tổng thể toàn bộ đất dự án, sau đó UBND huyện Mỹ Đức sẽ ban hành quyết định thu hồi đất cụ thể của hộ gia đình ông Đinh Văn Chính.
Phải thấy rằng chính từ những việc làm chưa đúng pháp luật của UBND huyện Mỹ Đức đã làm người dân bức xúc, dẫn tới chống đối. Chưa kể việc khởi tố, truy tố, xét xử ông Đinh Văn Chính tội chống người thi hành công vụ không có chứng cứ thuyết phục, rõ ràng... Những tài xế thi công công trình không phải là người thi hành công vụ. Không thể bắt một người phải đi tù 5 năm chỉ vì một câu nói bức xúc trước sự sai trái của chính quyền.
------------------
(*) Theo một số người dân xã Hương Sơn, họ không nhận số tiền hỗ trợ hoa màu trên đất vì giá hỗ trợ quá rẻ (10.000 đồng/m2).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét