Trang

27 tháng 4, 2014

Thuần phục con gấu Trung Quốc


Thị trường luôn muốn tìm kiếm một câu chuyện và các nhà đầu tư nghĩ rằng họ đã tìm thấy một điều gì đó mới mẻ tại Trung Quốc trong năm nay.

Những dự báo thảm khốc đối với Trung Quốc đã đầy rẫy trong 30 năm qua và chưa khi nào trở thành hiện thực. Vậy thì những dự báo hiện nay đối với Trung Quốc có khác so với trước kia?
Câu trả lời ngắn gọn là không. Giống như dự đoán trong quá khứ, cảnh báo hiện nay được dựa trên tiền lệ lịch sử. Tuy nhiên với những chức năng kinh tế của riêng mình thì khó có thể đưa ra những dự báo chính xác đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Bắt mạch sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc
Điểm mấu chốt là sự phức tạp và đặc điểm riêng biệt của nền kinh tế Trung Quốc, có nghĩa là đánh giá hiện trạng và hiệu suất hiện tại của kinh tế Trung Quốc đòi hỏi phải có phân tích chi tiết theo hướng có càng nhiều yếu tố bù trừ càng tốt. Dự đoán phần lớn là vô nghĩa, bởi vì các giả định cơ sở cho các dự đoán luôn thay đổi.
Xét đến tỷ lệ đòn bẩy cao của Trung Quốc, nhiều người cho rằng, đây sẽ là một yếu tố quan trọng gây ra một cuộc khủng hoảng. Rốt cuộc, các nước đang phát triển đều trải qua sự bùng nổ tín dụng quy mô lớn và kết thúc là các nước đó phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng và nền kinh tế hạ cánh khó khăn.
Nhưng một số yếu tố cụ thể phải được tính toán vào trong đánh giá liệu đây là số phận của Trung Quốc. Trong khi tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc là rất cao, điều này cũng là tình trạng chung của nhiều nền kinh tế Đông Á thành công như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia. Và tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc cũng rất cao.
Trong trường hợp các điều kiện khác không thay đổi thì khi tỷ lệ tiết kiệm cao, ít có khả năng việc tỷ lệ nợ/GDP cao sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính.
Trên thực tế, tỷ lệ nợ/GDP cao của Trung Quốc ở một mức độ nhất định là kết quả đồng thời của việc tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư ở mức cao. Và việc không có khả năng hoàn trả vốn vay có thể khiến gánh nặng nợ nần thêm cao. Hiện tỷ lệ các khoản nợ xấu của các ngân hàng lớn của Trung Quốc duy trì dưới mức 1%.
Nếu căn cứ vào những điểm trên, có thể kết luận rằng tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đe dọa đáng kể cho sự ổn định tài chính của nước này. Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi liệu một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra? Chỉ khi tất cả các mối liên hệ cụ thể giữa gánh nặng nợ nần cao và dấu hiệu khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính được xác định thì mới có thể đưa ra được kết luận ban đầu.
Những bất ổn hệ thống bộc lộ
Bong bóng giá bất động sản của Trung Quốc thường được điểm mặt chỉ tên như một chất xúc tác có khả năng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng một cuộc suy thoái như vậy sẽ lan rộng?
Chúng ta hãy giả định rằng bong bóng bất động sản đã nổ ra. Ở Trung Quốc, không có thế chấp dưới chuẩn và các khoản thanh toán được yêu cầu cần phải nhiều hơn 50% giá mua. Với nhận định rằng, giá bất động sản khó có khả năng giảm một biên độ lớn như vậy, sự sụp đổ của bong bóng nhà đất sẽ không làm các ngân hàng của Trung Quốc thiệt hại nhiều.
Ngay cả khi giá bất động sản đã giảm hơn 50%, các ngân hàng thương mại vẫn có thể sống sót – bởi vì các khoản thế chấp chỉ chiếm khoảng 20% tổng tài sản của ngân hàng.
Đồng thời, giá bất động sản giảm mạnh sẽ thu hút người mua nhà mới ở các thành phố lớn, làm ổn định thị trường. Và chiến lược đô thị hóa của Trung Quốc vừa công bố phải đảm bảo rằng cơ cấu dân số thành phố hỗ trợ nhu cầu nội tại. Nếu điều đó là không đủ để tránh khỏi thảm họa, chính phủ có thể mua bất động sản không bán được và sử dụng chúng cho mục đích nhà ở xã hội.
Hơn nữa, nếu cần thiết, các ngân hàng có thể thu hồi vốn bằng cách bán tài sản thế chấp. Như một phương sách cuối cùng, chính phủ có thể nhảy vào xóa bỏ nợ xấu từ bảng cân đối của các ngân hàng như đã từng làm vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Thật vậy, Trung Quốc có một lượng dự trữ ngoại hối cực lớn và nước này sẽ không ngần ngại sử dụng chúng để bơm vốn vào các ngân hàng thương mại.
Vẫn còn là một kịch bản rất khó xảy ra. Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc phải đối mặt với những rủi ro xuất phát từ sự mất cân đối giữa các khoản vay kỳ hạn và tiền gửi. Nhưng sự mất cân đối này được các nhà quan sát nhận định là ít nghiêm trọng.
Trên thực tế, thời hạn tiền gửi bình quân tại các ngân hàng của Trung Quốc là khoảng 9 tháng, trong khi các khoản vay trung và dài hạn chiếm hơn một nửa tổng dư nợ tín dụng.
Một mối đe dọa nổi bật hơn sẽ xảy ra nếu chính phủ Trung Quốc theo đuổi tự do hóa tài khoản vốn quá nhanh. Nếu Trung Quốc giảm bớt hạn chế về dòng vốn xuyên biên giới, có thể sẽ có một cú sốc bất ngờ đối với dòng vốn lớn chảy ra ngoài đất nước, làm suy sụp toàn bộ hệ thống tài chính.
Chính vì vậy, điều quan trọng là Trung Quốc phải duy trì kiểm soát đối với các dòng vốn xuyên biên giới ngắn hạn.
Tương tự như vậy, chính phủ Trung Quốc phải giải quyết một mâu thuẫn cơ bản. Lãi suất tiền tệ đã tăng lên đều đặn, do các ngân hàng tìm kẽ hở cho phép họ tránh các quy tắc không thuận lợi và sự chia rẽ của thị trường tín dụng, trong khi lợi nhuận trên vốn đã giảm nhanh chóng do dư thừa.
Nếu chính phủ Trung Quốc không thể đảo ngược xu hướng này, một cuộc khủng hoảng tài chính theo dạng này hay dạng khác sẽ khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với việc chính phủ can thiệp chính sách trên diện rộng thì sự sụp đổ của thị trường tài chính sẽ chưa thể xảy ra ngay trừ khi tất cả những điều trên xảy ra cùng lúc.
Theo Hạnh Nguyên
Thời báo Ngân hàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét