Việt Nam: Phí 'ngủ đêm', phí 'tắc nghẽn' và 432 loại phí
Việc người dân, doanh nghiệp Việt Nam phải "cõng" hàng trăm loại phí, phụ phí đã không còn là chuyện lạ nữa. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dân bức xúc chính là việc kinh tế đang đối diện với muôn vàn những khó khăn, nhưng các loại "phí kỳ quặc" vẫn thi nhau ra đời. Điều đáng nói, những phụ "phí siêu lạ" đều ra đời từ các địa phương.
Người Việt hoảng hồn giữa 'mê hồn trận' phí 'siêu lạ'
TS. Ngô Trí Long, phó viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, trên cả nước có đến 432 khoản phí và lệ phí đang được triển khai thu. Trong đó, 357 khoản phí và 75 khoản lệ phí; trong số này có 393 khoản thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương, còn lại phân cấp cho địa phương. Theo TS. Long, ở nước ta, việc thu phí và lệ phí đang bị lạm dụng. Từ trong kinh doanh, giao thông đến đời sống, các loại phí đang "nhảy múa". Điều này thể hiện cho tình trạng "phép vua thua lệ làng". Nhiều địa phương, ban quản lý bến bãi, khu công nghiệp... họ tự đặt ra các loại phí để thu tiền của người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, có những địa phương kêu gọi đóng góp tự nguyện nhưng thật ra, người dân không đóng không được.
Cuối tháng 8, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Việc tăng mức thu phí ở các địa điểm du lịch này không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên, ở lần này (được áp dụng từ 1/1/2014), mức phí chia thành hai phần riêng biệt: Phí tham quan và "phí ngủ đêm" trên vịnh. Cụ thể, "phí ngủ đêm" trên vịnh Hạ Long là 200.000 đồng/khách/đêm; ngủ 2 đêm sẽ có phí 350.000 đồng/khách; 3 đêm là 400.000 đồng/khách. Phí ngủ đêm trên vịnh Bái Tử Long là 150.000 đồng/khách/đêm, 2 đêm 300.000 đồng/khách và 3 đêm giá 350.000 đồng/khách. Khách du lịch và các công ty lữ hành đều phẫn nộ vì việc, từ năm 2014, ngoài chi phí thuê phòng họ còn phải trả thêm "phí ngủ đêm" trên vịnh. Đây là loại "phí kỳ quặc" mà các khách tham quan có nằm mơ cũng không thể nghĩ ra được.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thanh Lan (Trưởng phòng Hành chính công ty du lịch Trường Tồn) bức xúc: "Chúng tôi không thể ngờ lại có khoản phí kỳ cục đến như vậy. Các hợp đồng du lịch cả trong nước và quốc tế công ty đã tiến hành ký từ mấy tháng, thậm chí cả năm trước. Đến bây giờ, UBND tỉnh Quảng Ninh đòi tăng và thêm loại phí mới, chúng tôi không biết giải thích với khách thế nào. Mà có giải thích, chắc gì họ đã chấp nhận. Nhiều du khách trong nước, khi nghe đến loại "phí kỳ quặc" này cũng đã đến công ty hủy tour".
Giao thông là ngành "nổi tiếng" với nhiều loại phí chồng phí khiến người dân bức xúc. (Ảnh minh họa).
Từ trước đến nay, nhiều loại thuế, phí "kỳ lạ" cũng khiến nhiều người "sốc". Cách đây không lâu, hàng loạt hãng tàu biển đồng loạt thông báo thu "phí tắc nghẽn cảng" tại TP.HCM với mức từ 50-100 USD tùy theo container. Việc bất ngờ "đẻ" thêm loại phí đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu. Đang điêu đứng và khó hiểu vì "phí tắc nghẽn cảng", nhiều doanh nghiệp vận tải lại "choáng" về "phụ phí mất cân đối vỏ container" với giá 30USD/container... Lúc đó, nhiều chuyên gia đã khẳng định, việc xuất hiện nhiều loại "phí lạ hoắc" là do "lệ làng" quá lớn ở các bến bãi.
Trao đổi với PV về gánh nặng thuế, phí của người dân, doanh nghiệp, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông khẳng định: "Đây là một trong những vấn đề gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Việc một lúc phải đóng nhiều loại phí, phí chồng phí là hiện tượng tồn tại trong vài năm trở lại đây. Thực tế cho thấy, có khoản phí do Nhà nước thu nhưng cũng không ít loại phí do địa phương sinh ra. Điều đặc biệt, nhiều loại phí rất kỳ quặc mà chẳng ai có thể nghĩ ra được. Theo quy định, chỉ có hội đồng nhân dân cấp tỉnh mới có quyền ban hành thu phí, nhưng trên thực tế, ở nhiều địa phương, hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã vẫn ban hành bình thường".
Người nông dân "còng lưng" cõng 93 loại phí
Theo viện Nghiên cứu thị trường và Giá cả, Việt Nam nằm trong số những nước có mức thu thuế và phí rất cao so với khu vực. Trung bình trong 5 năm qua, tỷ lệ thu thuế, phí tính trên GDP (không kể dầu thô) của Việt Nam là hơn 20%, trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan chừng 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1%... hiện nông dân phải gánh đến 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước và 38 khoản đóng góp xã hội khác.
|
Cũng theo vị nguyên ĐBQH, thì nhiều nơi, chính quyền các cấp hiện nay ra chiêu bài vận động các khoản thu tự nguyện. Nhưng trên thực tế, đó là cách thu phụ phí một cách hợp pháp. Người dân không đóng không được. Nhiều người cho rằng, hiện nay nguồn ngân sách Nhà nước ta nói chung và các địa phương đang gặp khó khăn là nguyên nhân dẫn đến chính quyền các cấp đang tìm cách hợp thức hoá các khoản thu. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế, chính quyền thiếu tiền để hoạt động, nhân dân cũng rất khó khăn trong việc tăng thêm thu nhập. Chính vì vậy, các công bộc phải nghĩ đến “khoan thư sức dân”, không thể, cứ thiếu kinh phí là tăng thu.
Qua nhiều năm công tác, tiếp xúc với cử tri, ông Cuông cho biết, thực trạng loạn thu hiện nay tại nhiều địa phương. Trong khi, thu nhập người dân không cao hơn trước, cuộc sống người dân khó khăn, nhiều nơi vẫn quy định nhiều khoản đóng góp. Ở nông thôn, có nhiều nơi đóng góp tới vài chục khoản thuế, phí, thậm chí có nhiều nơi có từ 20 đến 30 loại phí. Vị nguyên ĐBQH này cho rằng: "Nhà nước nên quy định rõ các loại phí nào là cần thiết phải thu chứ không nên thu tràn lan. Hiện nay, không chỉ có thuế trung ương, phí tỉnh và còn có cả phí huyện, phí xã, phí thôn".
Ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng, việc loạn phí không chỉ tồn tại ở những địa bàn dân cư, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước cũng đưa ra nhiều loại thuế phí bất hợp lý. Nhiều ví dụ cho thấy, nhiều loại thuế phí chỉ đọc tên ra đã khiến người dân bất bình. Như "phí tắc nghẽn cảng", "phí mất cân đối vỏ container" ở một cảng Hải Phòng. Những trường hợp cơ quan chủ quản đặt lợi ích kinh tế cục bộ như trên mà gây phiền hà cho doanh nghiệp thì chính quyền địa phương cần phải xem xét kỹ. Muốn ban hành một khoản thuế, phí nào có ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, sự lưu thông hàng hoá cần thiết phải hỏi ý kiến của người dân xem như vậy có hợp lý, có gây cản trở đến sự tăng trưởng, doanh thu, lợi nhuận, vận chuyển của doanh nghiệp.
“Phí kỳ cục” sinh ra từ lợi ích cục bộ?
Theo nhiều chuyên gia, không chỉ dừng lại ở việc xuất hiện nhiều loại thuế, phí lạ kỳ, bất hợp lý mà còn tồn tại lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích ngành, khiến các loại phí được thông qua gây bức xúc dư luận. Đây chính hiện tượng nhiều địa phương, nhiều ngành chỉ nhìn vào cái lợi trực diện để tăng thu. Bên cạnh đó, pháp luật quy định chưa chặt chẽ nên nhiều nơi lợi dụng lách luật để tăng nguồn thu lên.
Khi được hỏi về "phí ngủ" ở Hạ Long (Quảng Ninh), nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông cho rằng đây là loại "phí kỳ lạ" thể hiện sự cục bộ địa phương. Theo tính toán, việc tăng phí cho khách tham quan lên sẽ thu về số tiền không nhỏ cho ngân sách địa phương, nhưng Hạ Long là thương hiệu du lịch quốc gia, không thể tuỳ tiện nâng phí được. Việc tăng phí du lịch ở vịnh Hạ Long cần thiết phải có điều tra khách hàng, không thể có chuyện thấy cần tiền thì đặt ra phí để tăng thu. "Tất cả khoản thu phí vì lợi ích ngành, địa phương mà ảnh hưởng đến bối cảnh chung, cần thiết phải huỷ bỏ", ông Cuông nhấn mạnh.
Phép vua thua lệ làng
Trao đổi với PV, bác Nguyễn Văn Trung (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất bất ngờ khi bộ Tài chính công bố các khoản đóng góp mà người nông dân hiện nay đang phải "cõng" trên lưng 131 khoản đóng góp mà trong đó là 93 loại thuế phí. Từ trước đến nay, vẫn biết là thế nhưng không thể ngờ con số đó lại lớn như vậy. Chẳng nói gì đâu xa, trước đây, tôi làm ban điều hành tổ dân phố nên biết rõ cái kiểu "phép vua thua lệ làng" hiện nay. Mỗi năm, phường đều phát cho tổ thông báo liệt kê những khoản thu và vận động người dân đóng. Nói là vận động nhưng thực ra là một hình thức bắt buộc. Bởi khi vận động, người dân không thích đóng sẽ bị nhắc nhở trước cuộc họp tổ dân phố. Và, chính tổ dân phố không thu đủ sẽ bị cấp trên cắt thi đua".
|
Phúc Chương ( Người Đưa Tin )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét