TTO - Vất vả bươn chải kiếm tiền nuôi con, cộng với bệnh tật hành hạ và nỗi đau mất con khiến chị Huỳnh Thị Kiều ở ấp 18, xã Tân Long (huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) trông già hơn rất nhiều so với cái tuổi 35 của mình.
Chị Huỳnh Thị Kiều và các con thơ
Bà Tô Thị Thìn (mẹ của chị Kiều), chỉ tay ra phía sau vườn, giọng trầm buồn: “Nó đang nói chuyện với con. Từ ngày con nó chết, nó như người mất hồn. Chiều tối nào cũng ra mộ con ngồi một mình, có hôm còn dắt 3 đứa con của nó ra thăm chị, thăm em”. Theo lời bà Thìn, ngày 31-3 vừa qua, con thứ hai của chị Kiều là H.Th (10 tuổi, học lớp 2) đi học nhưng không về. “Cháu tôi chết thảm lắm, nó bị người ta cưỡng hiếp, đâm chết rồi vứt xác xuống kênh”.
Ông Quách Văn Hải, trưởng ban nhân dân ấp 18, xã Tân Long cho biết tuy bệnh tật nhưng chị Kiều rất siêng năng, kiếm đủ chuyện để làm. Dù đã vắt hết sức lực kiếm tiền nuôi con ăn học, nhưng cuộc sống của gia đình chị vẫn túng thiếu. “Mới đây lại xảy ra chuyện thương tâm với cháu H.Th. Những ngày phía trước của chị ấy sẽ còn rất vất vả”, ông Hải nói.
|
Chồng chị Kiều bỏ đi khi chị đang mang thai đứa con út. Nhà không có đất sản xuất, chị phải đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác để bắt ốc. Có hôm vì lạnh và kiệt sức, chị ngồi gục trên bờ kênh, những người đi làm đồng phát hiện, đưa chị về nhà. Vậy mà khi khỏe lại, thấy các con chưa no bụng, chị lại vác thau đi bắt ốc. Hết ốc, chị đi làm cỏ mướn.
“Tôi muốn đi làm thuê nhiều việc để kiếm tiền nuôi con, dựng lại vách nhà. Nhưng ngặt nỗi hay bị ngất xỉu. Bác sĩ nói tôi bị tim, gan… để lâu sẽ không hay. Nhưng chạy ăn từng bữa đã vã mồ hôi, đành phó mặc cho số phận”, chị Kiều bộc bạch.
Nhà chị Kiều lợp tôn tolel xi măng, hai bên vách lá nhiều chỗ trống toang được chị che chắn tạm bằng vỏ bao phân bón. Nhà không có cửa sau nhưng chị cũng không lo trộm cắp bởi trong đó chẳng có thứ gì đáng giá ngoài cái giường cũ, vài cái nồi và lu gạo rỗng. Chạy ăn từng bữa, bệnh tật hành hạ triền miên, nhưng chị Kiều vẫn cho các con đến lớp. Chị tâm sự: “Đời tôi đã khổ quá nhiều nên không muốn các con khổ nữa”.
Lúc còn sống, mỗi khi mẹ đi bắt ốc hay làm cỏ mướn vắng nhà, một tay H.Th chăm sóc các em và chị (chị của Th là Yến Nhi bị câm và điếc bẩm sinh từ khi lọt lòng). Hồi đó, dù không có những bữa cơm thịt cá đàng hoàng, nhưng ngôi nhà của chị Kiều lúc nào cũng rộn rả tiếng đánh vần ê a, tiếng hát của trẻ thơ. Từ ngày Th bị sát hại, những âm thanh hồn nhiên này đã tắt lặng. Ngày nào các con cũng hỏi “sao không thấy chị Th về?” khiến chị Kiều không cầm được nước mắt.
CÁT THƠ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét