òa
Tổ chức Freedom House vừa công bố bản báo cáo về tự do báo chí toàn cầu năm 2013 với tựa Tự Do Báo Chí 2014. Theo đánh giá chung của Freedom House, tự do báo chí trên toàn thế giới trong năm qua đã xuống thấp tới mức kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua.
Thấp nhất trong thập kỷ qua
Tự do báo chí trên toàn thế giới trong năm 2013 đã xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, với tỷ lệ cứ 6 người dân thì có một người sống trong một môi trường không có tự do báo chí. Đó là kết luận được đưa ra trong bản báo cáo thường niên về tự do báo chí của tổ chức Freedom House, công bố vào ngày 1 tháng 5 tại Washington DC, chỉ một ngày trước ngày Tự do báo chí Thế giới, 3 tháng 5.
Những chuyên gia của Freedom House gọi bức tranh tự do báo chí toàn cầu năm 2013 là một bức tranh ảm đạm với nhiều điểm tối hơn là những điểm sáng. Phát biểu tại buổi công bố bản báo cáo, bà Karin Karlekar, Giám đốc dự án báo cáo tự do báo chí 2014 của Freedom House, cho biết:
Báo cáo tự do báo chí 2014 thực chất là về tự do báo chí năm 2013 cho thấy tự do báo chí đã xuống mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Phần trăm người dân có tự do báo chí vẫn ở mức 14% trong khi phần lớn người dân trên thế giới vẫn sống trong tình trạng có một phần tự do báo chí hoặc không có tự do báo chí.
Mặc dù nhìn nhận có những tiến bộ nhất định tại một số nước Nam Phi và vùng hạ Sahara trong vấn đề tự do báo chí, báo cáo của Freedom House cũng cho thấy xu hướng chung trên toàn cầu tiêu cực nhiều hơn tích cực, với số nước tụt hạng nhiều hơn số nước lên hạng, với tỷ lệ là 15 trên 11. Tự do báo chí bị đe dọa nhiều nhất là tại các nước độc tài như Trung Quốc và Nga. Nhưng ngay cả ở những nước được coi là có tự do báo chí tốt cũng tụt hạng đáng kể, đặc biệt là Mỹ. Bà Karin Karlekar nói:
Báo cáo tự do báo chí 2014 thực chất là về tự do báo chí năm 2013 cho thấy tự do báo chí đã xuống mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua.
- Bà Karin Karlekar
Xu hướng chung là tiêu cực. Chúng tôi thấy quyền tự do báo chí bị tấn công tại nhiều môi trường khác nhau, đặc biệt là ởcác nước độc tài như Trung Quốc và Nga là những nước tiếp tục có hạn chế rộng khắp với báo chí. Sự xuống dốc cũng xuất hiện ở các nước then chốt như Ai Cập, Syria, Ukraine và một số nước khác ở Đông Phi và thậm chí ngay ở các nước có tự do báo chí. Ví dụ như Mỹ cũng cho thấy sự xuống dốc đáng kể, thấp nhất trong một thập kỷ qua chủ yếu là do những cố gắng của chính phủ trong việc kiểm soát thông tin về an ninh quốc gia và ảnh hưởng của nó đến các nhà báo trong việc bảo vệ các nguồn tin của mình và có thể làm việc tự do không bị giám sát và bị đe dọa về mặt pháp lý.
Xếp hạng tự do báo chí năm nay xếp Mỹ ở hạng 32 với số điểm là 21, tức là có tự do báo chí hoàn toàn. Năm ngoái, Mỹ được xếp hạng ba với điểm số là 18. Hoa Kỳ bị xếp hạng thấp hơn trong năm nay chủ yếu là do vụ tiết lộ thông tin về chương trình nghe lén điện thoại của cơ quan an ninh quốc gia NSA. Vụ scandal này, theo đánh giá của các nhà báo Mỹ có mặt tại buổi công bố bản báo cáo, cũng ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trong việc tuyên truyền, cổ vũ cho tự do báo chí trên toàn cầu.
Báo cáo năm nay của Freedom House cũng cho thấy không có chuyển biến gì trong 8 nước đội sổ là những nước có điểm số từ 90 đến 100, bao gồm Belarus, Cuba, Equatorial Guinea, Eritrea, Iran, Bắc Hàn, Turkmenistan và Uzbekistan.
Nhà báo, blogger tiếp tục bị tấn công
Năm 2013, các nhà báo và các blogger tiếp tục tinh thần làm việc sáng tạo để tìm cách đưa tin nhanh nhất và đa chiều đến người dân. Nhưng chính họ lại bị đàn áp và trừng phạt mạnh tay. Ông David Kramer, Giám đốc Freedom House nhìn nhận:
Vấn đề là tinh thần sáng tạo của các nhà báo bị đàn áp bởi các chính phủ độc tài trên toàn thế giới. Họ cũng tìm ra các cách mới để kiểm soát các nội dung và thông tin và thông điệp. Họ theo dõi các nhà báo và trừng phạt các nhà báo. Và đó là những gì mà chúng ta thấy ngày một nhiều trên khắp thế giới.
Ở một số nước, đặc biệt là các nước độc tài, chính phủ đã ban hành và mở rộng các điều luật hiện có để hạn chế hoạt động của nhà báo, áp dụng các điều luật này để bỏ tù họ. Bà Karin Karlekar nói:
Trên mức độ toàn cầu, chúng tôi thấy việc sử dụng các luật hạn chế đã khiến các nhà báo bị bỏ tù, bị trả thù, bị tấn công thậm chí bị giết hại và đi kèm đó là những người được miễn trừ trách nhiệm, đã đạt mức kỷ lục và vẫn là nhân tố chính trong việc giới hạn tự do báo chí. Con số những nhà báo bị bỏ tù và bị giết hại đã đến mức kỷ lục theo các tổ chức bảo vệ phóng viên.
Theo thống kê của Tổ chức bảo vệ các phóng viên quốc tế CPJ, con số các nhà báo bị cầm tù trong năm 2013 trên toàn thế giới là 211 người. Việt Nam có 18 nhà báo bị cầm tù trong năm 2013.
Tinh thần sáng tạo của các nhà báo bị đàn áp bởi các chính phủ độc tài trên toàn thế giới. Họ tìm ra các cách mới để kiểm soát các nội dung và thông tin và thông điệp. Họ theo dõi các nhà báo và trừng phạt các nhà báo.
- Ông David Kramer
Việc mở rộng không gian thông tin trên mạng trong năm 2013 cũng gặp phải những trở ngại là sự đàn áp của chính phủ các nước thông qua việc kiểm duyệt nội dung mạng và đàn áp các bloggers. Các nước được Freedom House điểm tên tại buổi công bố báo cáo năm nay bao gồm Việt nam và Trung Quốc:
Chúng tôi cũng thấy những đàn áp với những dạng truyền thông mới. Mặc dù chúng ta thấy việc trải rộng thông tin đang mở rộng trên toàn thế giới với sự tham gia của truyền thông xã hội, chúng tôi cũng thấy nhiều cố gắng để kiểm soát phát ngôn trên mạng như ở Trung Quốc và Việt Nam. Một số nước chúng tôi thấy đã áp dụng các hạn chế qua việc giới thiệu hoặc sử dụng luật hiện có để hạn chế các nội dung trên mạng hoặc kiểm duyệt trang mạng. Ở một số nước như Việt Nam chúng tôi thấy những tấn công cố tình và bỏ tù đối với những người viết blog.
Theo xếp hạng của Freedom House năm 2013, Việt Nam xếp hạng 186, tức là không có tự do báo chí. Điểm số của Việt Nam trong năm 2013 là 84. Thứ hạng của Việt Nam năm 2012 là 182 với 84 điểm.
Báo cáo tự do báo chí toàn cầu do Freedom house thực hiện định kỳ hàng năm bắt đầu từ năm 1980, với số lượng các nước điều tra lên đến 197 nước. Báo cáo đánh giá khả năng các nhà báo có thể tác nghiệp trong môi trường làm báo và khả năng người dân mỗi nước có thể tiếp cận được các nguồn thông tin đa chiều. Báo cáo đánh giá các nước theo thang điểm và chia thành ba loại nước gồm những nước có tự do báo chí hoàn toàn, có một phần tự do báo chí và hoàn toàn không có tự do báo chí.
Theo Việt Hà, phóng viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét