Trang

14 tháng 3, 2015

Đổi lấy danh hiệu 'lạc quan nhất', chúng ta mất gì?

BTTD: Khi gian dối đã thành thói quen.

 - Phải chăng chúng ta đã vô tình tự tước đi quyền được cảm thấy tổn thương, quyền được bày tỏ tổn thương trong một môi trường văn hoá “đóng cửa bảo nhau”, “chớ vạch áo cho người xem lưng”?
Nhân dịp bố mẹ chồng từ Mỹ qua thăm, tôi đưa các cụ đến một trung tâm mua sắm trên đường Đồng Khởi để mua mấy món quà cho bạn bè ở Mỹ. Đáp lại những cái mời mọc, thậm chí là giằng co, níu tay từ những người bán hàng nhiệt tình thái quá, mẹ chồng tôi cứ nhã nhặn khen đồ đẹp lắm, cảm ơn.
Những người bán hàng “nhiệt tình” đó cũng rất nhiệt tình “cắt cổ” hai cụ già Tây khi thấy các cụ hỏi đến món đồ nào, họ cũng thét giá trên trời. Họ lại còn nhấm nháy bảo tôi: em dụ mấy ông bà này mua giùm chị đi, rồi chị chia phần trăm đàng hoàng, làm ăn lâu dài mà em. Thì ra họ nhầm tôi là hướng dẫn viên du lịch đưa khách đi mua sắm. Và hình như, việc ăn chia thế này đã thành luật bất thành văn. Tôi lắc đầu, ngán ngẩm đáp: chị ơi, đây là bố mẹ chồng em đấy! Chị nói giá cho chuẩn, nếu không thì em đi ngay sang hàng khác! Giá cả mọi mặt hàng lập tức tự động giảm xuống còn 1/3 so với giá ban đầu.
Mẹ chồng tôi ngạc nhiên khi nghe giá mới từ miệng tôi bèn thắc mắc. Tôi cười giải thích với bà về việc những người bán hàng nhầm tôi là hướng dẫn viên du lịch và bày trò ăn chia. Nghe thế, bà hốt hoảng nắm lấy tay tôi hỏi: Ôi, con cảm thấy thế nào khi bị người ta nhìn nhầm là hướng dẫn viên du lịch?
Tôi lại cười trấn an bà rằng không sao hết. Chuyện đó quá nhỏ so với những việc tôi vẫn gặp hàng ngày, ví dụ như rất nhiều lần đưa con đi công viên chơi, mọi người cứ níu chân tôi lại chỉ để hỏi rằng: lương tôi làm ôsin cho bọn Tây có cao không? Nghe đến đó, mẹ chồng tôi trợn tròn mắt bất bình: bọn trẻ con giống con thế cơ mà, sao người ta có thể dám hỏi một câu hỏi sỗ sàng đến vậy?
Lần này, đến lượt mẹ chồng tôi làm tôi ngạc nhiên vì phản ứng của bà. Tôi nghĩ bụng: nếu ở Việt Nam mà cứ nhạy cảm và dễ tổn thương như bà thì rất mệt. Rồi tôi chợt nhận ra, tôi đã được dạy dỗ để thấy những câu hỏi như thế là bình thường - những câu hỏi bị cho là không thể chấp nhận được ở nơi đề cao quyền riêng tư cá nhân như nước Mỹ. Phương châm sống “dĩ hoà vi quý” của người Việt dường như buộc chúng ta phải chọn nhìn sự việc ở góc tươi sáng nhất, lờ đi những ngóc ngách tối tăm, ngay cả khi gốc của vấn đề nằm ở chính những góc tối ấy.
Người Việt, dĩ hòa vi quý, hướng dẫn viên du lịch, ôsin, Mỹ, chỉ số lạc quan
Ảnh minh họa
Có lẽ một phần cũng chính vì quan niệm xử lí tình huống như vậy mà theo một cuộc điều tra khảo sát vào năm 2014 của tổ chức nghiên cứu Pew Research trên 44 nước, Việt Nam được đánh giá là quốc gia lạc quan nhất. Năm 2012, Quỹ Kinh tế mới (NEF) - một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh cũng từng đưa ra báo cáo, Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI).
Tôi đã từng ngờ vực những khảo sát này, nhưng ngẫm lại, nếu mỗi cá nhân tham gia khảo sát là một người “dĩ hoà vi quý” như vẫn được dạy thì những chỉ số kia có lẽ hoàn toàn xác đáng. Song, để đổi lấy cái danh hiệu ấy, người Việt đã mất gì? Phải chăng chúng ta đã vô tình tự tước đi quyền được cảm thấy tổn thương, quyền được bày tỏ tổn thương trong một môi trường văn hoá “đóng cửa bảo nhau”, “chớ vạch áo cho người xem lưng”?. Đã kín tiếng thế rồi, nhưng hễ có việc gì xảy ra, lại nhắc nhủ nhau: thôi, “chín bỏ làm mười”, “một sự nhịn chín sự lành”… Từ đời các cụ đã vậy, đến đời nay, câu cửa miệng của thanh thiếu niên cũng là: “chuyện nhỏ như con thỏ”.
Dường như, để bảo tồn phương châm sống dĩ hoà vi quý, người Việt mình đã đề cao thái quá các sự vụ, các ràng buộc xã hội mà coi nhẹ yếu tố con người cá nhân. Mọi sự rồi sẽ êm nhờ sự nhẫn nhịn của người tham gia, nhưng mỗi cá nhân ấy có cảm thấy thanh thản bình yên không, nếu họ không được quyền tỏ bày cảm giác, không được quyền cảm thấy tổn thương chỉ để giữ hoà khí chung? Ngẫm cho cùng, chẳng phải con người mới là yếu tố đáng quan tâm hàng đầu trong mọi vấn đề sao.
Vẫn trong cuộc đi mua sắm, mẹ chồng tôi hỏi tôi: Tại sao những người bán hàng đó lại dám gợi ý con làm việc lừa dối người khác dễ dàng đến thế? Họ có biết con là ai đâu.
Lúc đó, tôi không có câu trả lời nào cho bà ngoài một cái cười trừ đặc trưng. Giờ nghĩ lại, câu trả lời nằm trong chính câu hỏi của bà. Vì họ không biết tôi là ai. Vì người Việt quan tâm đến sự vụ, các ràng buộc, quan hệ hơn là yếu tố cá nhân.
Nguyễn Thị Thanh Lưu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét