Một sự kiện đáng chú ý và mang nhiều ý nghĩa diễn ra trong những ngày qua trên thế giới là việc Nga đồng ý bán hệ thống phòng không hiện đại nhất của mình là S-400 lần đầu tiên cho Ấn Độ. Thỏa thuận giữa hai nước đã được ký kết sau chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nga vào hôm thứ Tư vừa qua.
Việc Nga lần đầu tiên chấp nhận xuất khẩu S-400 vượt ra ngoài ý nghĩa của việc phổ biến ra thế giới một khí tài có tầm ảnh hưởng rất lớn, mà nó còn nói lên nhiều điều quan trọng hơn thế. Đặt trong bối cảnh nước Nga và bối cảnh thế giới ở thời điểm hiện tại, người ta mới thấy hết được những mục tiêu đa dạng và phức tạp mà Vladimir Putin đang hướng tới thông qua việc bán S-400 cho Ấn Độ. Chưa bao giờ thế giới được thấy một nước Nga đa diện đến thế, và một Putin thực dụng đến thế.
Theo đó, những thông tin chính thức đã được khẳng định. Chuyến công du Nga của thủ tướng Ấn Độ Modi đã công bố những kế hoạch hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nga và Ấn Độ sẽ hợp tác sâu rộng hơn trong hàng loạt các lĩnh vực, chủ yếu là năng lượng và khí tài quân sự. Trong đó, đáng chú ý nhất là hợp đồng mua 5 hệ thống S-400 với giá 4,5 tỉ USD. Cùng với đó là các hợp đồng về trực thăng quân sự và tàu chiến. Tổng giá trị các bản hợp đồng được ký kết giữa hai bên trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Moscow lần này là khoảng trên 7 tỉ USD.
Việc Nga chấp nhận bán hệ thống phòng không hiện đại nhất của mình và là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới cho Ấn Độ mang nhiều ý nghĩa, dàn trải ở nhiều phương diện. Với một vũ khí chiến lược và hạn chế xuất khẩu cao độ như S-400, thì việc Nga đồng ý bán nó dĩ nhiên là vượt ra ngoài ý nghĩa của một vụ giao dịch khí tài đơn thuần.
Trước hết, nó diễn ra ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) vừa tuyên bố gia hạn các lệnh trừng phạt với kinh tế Nga thêm 6 tháng nữa, trong khi Nga thì đang rơi vào một cuộc chiến kinh tế với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỹ. Việc ký kết hợp đồng bán khí tài quân sự có giá trị lớn như thế cho Ấn Độ là một động thái có chủ đích của Vladimir Putin. Nó có ý nghĩa rằng Nga có nhiều cách để hóa giải những sức ép kinh tế tổng hợp mà EU, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đang cùng lúc gây áp lực với nước này.
Dĩ nhiên, việc bán S-400 cũng đang phần nào cho thấy những khó khăn không nhỏ mà kinh tế Nga đang vấp phải. Không phải ngẫu nhiên mà Nga lại chấp nhận bán S-400 chỉ hơn một tháng sau khi nước này đồng ý bán chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc hồi giữa tháng 11. Việc Nga chấp nhận bán đi hai khí tài quan trọng nhất vốn được xem là các vũ khí chiến lược tạo nên ưu thế cho quân đội Nga những năm gần đây cho thấy nhu cầu về tài chính của Nga đang lớn đến mức nào.
Nhưng, những lợi ích mà Nga thu lại được từ thương vụ này thì rất nhiều, đến mức có thể lập cả một danh sách dài nếu cần thiết. Trước hết là với phương Tây. Việc bán S-400 cho Ấn Độ ngoài ý nghĩa hóa giải những khó khăn kinh tế mà EU, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đang gây áp lực cho Nga, thì nó còn đang giúp Nga phản đòn lại EU và Mỹ. Nga bán S-400 cho Ấn Độ cũng đồng nghĩa với việc Moscow có thể bán S-300 cho Iran bất cứ lúc nào. Điều này là một tin "sét đánh" với Israel và các đồng minh Ả Rập của Mỹ ở Trung Đông.
Nếu muốn ngăn chặn kịch bản theo kiểu đổ thêm dầu vào lửa ở Trung Đông như thế, Mỹ có lẽ phải điều đình với EU giảm sức ép kinh tế với Nga. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố gia hạn các lệnh trừng phạt thêm 6 tháng, thì một nghị sĩ trong ủy ban của EU đã phát biểu trước báo giới rằng, đây sẽ là lần gia hạn cuối cùng. Ở thời điểm hiện tại, EU cần Nga phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố hơn bao giờ hết và gây hấn kiểu này với Nga cũng không có lợi gì cho EU.
Về phía Ấn Độ và tình hình châu Á, tác động từ việc Nga bán S-400 còn lớn hơn nhiều lần. Thứ nhất, với riêng Ấn Độ, hợp đồng chuyển nhượng S-400 đánh dấu việc Nga chính thức quay lại vị thế nhà cung cấp khí tài hàng đầu cho Ấn Độ kể từ năm 2011. Trong ba năm từ 2011 đến 2014, Mỹ đã soán ngôi Nga trờ thành nhà cung cấp số một ở Ấn Độ, nhưng sau 2014 New Delhi có xu hướng quay trở lại với khí tài Nga.
Ngoài S-400, Ấn Độ cũng đang hứng thú với chiến đấu cơ Su-35 cùng các khí tài khác như tàu khu trục và trực thăng quân sự. Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua khoản ngân sách trị giá 150 tỉ USD cho việc hiện đại hóa quân đội trong những năm tới. Đây rõ ràng là một cơ hội tuyệt vời cho ngành thương mại quân sự vốn đang tăng trưởng mạnh của Nga những năm gần đây.
Thứ hai, việc Ấn Độ sở hữu S-400 cũng tạo nên một tác động lớn tới cân bằng ở khu vực châu Á, mà đặc biệt là Đông Á. Với người Trung Quốc, việc Nga bán hệ thống phòng không tiên tiến như S-400 cho Ấn Độ chỉ hơn một tháng sau khi bán 24 chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc chẳng khác nào một cú chơi khăm. Chỉ hơn một tháng sau khi Trung Quốc tạo ưu thế trong lĩnh vực không quân khi sở hữu Su-35, thì nó đã nhanh chóng bị dập tắt khi Ấn Độ sở hữu S-400. Việc một láng giềng khác của Trung Quốc là Việt Nam cũng đang có khả năng sở hữu S-400 trong thời gian tới cũng là một cơn ác mộng không kém.
Cả thế giới nghĩ rằng Nga bắt tay Trung Quốc với các hợp đồng năng lượng hàng trăm tỉ USD và bán Su-35. Nhưng giờ đây Nga cũng đang xích lại gần Ấn Độ với các hợp đồng năng lượng và bán một khí tài có thể khắc chế Trung Quốc là S-400. Một nước Nga coi lợi ích quốc gia là trên hết với mối quan tâm rộng lớn và đa dạng có vẻ như đang được định hình.
Tất nhiên, mối quan tâm rộng lớn và đa dạng của Nga không phải vì những mục tiêu viển vông. Nước Nga và Vladimir Putin đang hướng tới những mục tiêu thực dụng như một chú tắc kè hoa thực thụ. Bán S-400 cho Ấn Độ và trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ là một chiến lược vừa đấm vừa xoa để có thể nối lại quan hệ kinh tế thương mại với EU.
Đồng thời, việc bán S-400 cho Ấn Độ có thể khiến Trung Quốc lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi sau sự kiện này có thể Bắc Kinh sẽ ngay lập tức hỏi mua S-400 để cân bằng với Ấn Độ. Và khi mà Trung Quốc có S-400 thì có thể các nước láng giềng có tranh chấp biển Đông cũng sẽ hỏi mua. Dĩ nhiên, đây sẽ là một cách thức tiếp thị mang lại hiệu quả tuyệt vời nhất cho ngành thương mại quốc phòng Nga.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)