Trang

17 tháng 3, 2015

Công chức cắp ô là tham nhũng: Quan kêu khó xử

(Tin tức thời sự) - Xử lý công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về từ trước đến nay chưa có trong quy định của Bộ Luật hình sự nên chắc chắn không khả thi.

Trừu tượng, khó thực hiện
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 16/3, trước nhiều ý kiến cho rằng, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, hay đến cơ quan nhưng không làm việc, đó cũng là tham nhũng, ông Sùng Minh Sính - Trưởng ban nội chính Hà Giang cho rằng: "Đây là nhận định khá trừu tượng".
Theo phân tích của ông Sính thì nếu căn cứ Luật hình sự để xử phạt hành vi tham nhũng thì phải có chủ thể, khách thể, nhưng trong Bộ Luật hình sự lại chưa có quy định nào cụ thể cho hành vi này, tất cả chỉ mới xử theo vi phạm được quy định trong lĩnh vực hành chính, theo Luật công chức, Luật lao động.
Cụ thể là không chấp hành giờ giấc làm việc, lãng phí thời gian, chứ gọi là tham nhũng thì không biết là xét theo yếu tố nào cấu thành hành vi, theo điều Luật nào mà xử phạt.
Bên cạnh đó, ông Sính nhấn mạnh: "Hiện nay, chưa có điều Luật nào quy định cụ thể về hành vi này, mới chỉ có ở Luật công chức, nhưng lại không quy định hành vi này là tham nhũng, mà chỉ quy định hành vi này là vi phạm quy định làm việc, hành chính, theo Luật lao động".
Mặt khác, đây là chuyện liên quan đến ý thức của cán bộ, của người quản lý, nên muốn thay đổi thì phải điều chỉnh bằng cách quản lý, các cơ quan tổ chức, đơn vị quản lý phải điều chỉnh, còn nếu bổ sung vào Luật hình sự thì hơi khó khăn.
Khó thực hiện được việc quy định công chức cắp ô là tội phạm tham nhũng
Khó thực hiện được việc quy định công chức cắp ô là tội phạm tham nhũng
Bởi vì, nếu muốn xử thì phải thuộc quy định trong Bộ Luật hình sự xác định rõ chủ thể vi phạm cũng như khách thể bị xâm hại, ở đây nếu Luật hình sự quy định vấn đề này, chủ thể phải nói đến người vi phạm, khách thể bị xâm hại là các quy định của nhà nước, thiệt hại được tính bằng ngày công làm việc.
Nhưng ông Sính khẳng định: "Khó lắm, kể cả có Luật quy định thì cũng khó thực hiện".
Trung ương đã khó, địa phương càng khó hơn
Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Sính cho rằng, bây giờ cơ bản cũng là do công tác quản lý, ý thức của cán bộ công chức trong trách nhiệm được giao, văn minh công sở, đi làm đúng giờ, hiệu quả cao, ý thức trách nhiệm sao cho hiệu quả, còn Luật quản lý cũng chỉ là một phần.
Hơn nữa, có lẽ đối với những vi phạm này thì xử lý bằng Luật công chức vẫn tốt, nếu nhiều lần vi phạm thì xem xét nâng cao hình thức kỷ luật, nếu tái phạm nhiều lần có thể xem xét cho thôi việc hoặc hạ bậc lương, nếu không tham gia công tác được nữa.
"Chúng ta đang thực hiện đề án sắp xếp vị trí việc làm, thực hiện theo Nghị định của chính phủ cơ cấu lại tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, thực hiện tinh giản biên chế, nên xem xét tinh giản dần, nếu đưa vào hành vi tham nhũng chưa hợp lý, chưa đến mức", ông Sính cho hay.
Bởi nếu xét là tội tham nhũng thì mới chỉ là quan điểm cá nhân, đặc biệt trong khi trung ương còn khó thực hiện, nói gì đến các địa phương.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Văn Khôi - Trưởng phòng theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính tỉnh ủy Hải Dương cho biết: "Hiện nay, chưa có quy định nào nêu rõ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về là tội phạm tham nhũng, nên không thể xử phạt".
Ông Khôi cũng cho biết thêm: "Đây cũng chỉ là nhận định theo quan điểm cá nhân, chứ việc đưa vào Luật là vô cùng khó khăn".
Trước đó, cùng chung nhận định, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho rằng đây chỉ là những câu nói, nhận định cửa miệng.
Ông Đạt cho biết: "Hiện nay, trọng Luật hình sự chưa có điều Luật nào quy định về hành vi tham nhũng thời gian, nên không dựa theo để xử lý được".
Cho nên nếu như muốn làm mạnh để có hiệu quả, xử lý hình sự, thì cần có sự nghiên cứu, sau đó sửa Luật hình sự.
Hơn nữa, Luật công chức hiện nay cũng có kỷ luật lao động, cũng có nhiều chế tài xử phạt, còn muốn nâng lên xử lý hình sự thì cần nhiều thời gian nữa. Đặc biệt, ở VN thì việc sửa đổi chắc chắn rất khó.
  • Tuyết Gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét