Trang

8 tháng 2, 2015

Ở đâu cũng thấy lãng phí vô tội vạ...

(Tin tức thời sự) - Ở đâu, lúc nào, cũng thấy có sự xuất hiện của lãng phí và đôi khi là lãng phí vô tội vạ...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bình luận về việc mới đây Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có chia sẻ ông choáng váng vì các bộ, ngành địa phương trình kế hoạch đầu tư cho các năm tới vượt quá xa so với khả năng tự cân đối.
Tâm lý 'xin -cho' vẫn có hiệu lực
PV: Thưa bà, mới đây dư luận không khỏi bức xúc khi hay tin một công trình nhà hát tại một huyện ở Đan Phượng, Hà Nội có mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng đang bị dừng vì thiếu vốn. Hiện nhiều địa phương vẫn đang lên kế hoạch xây trụ sở với số vốn hàng nghìn tỉ đồng. Cùng với đó việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công lãng phí được nhắc đến nhiều trong suốt thời gian qua, song mới đây các 'trát' gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin kế hoạch đầu tư cho các năm tới vẫn tiếp tục tăng. Trong đó của các địa phương cao gấp 10 lần, các bộ thì gấp 20-30 lần khả năng cân đối khiến Bộ trưởng cũng phải choáng váng. Bà bình luận gì về điều này?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá:- Trước hết phải thấy rằng không có chuyện khi không mà các bộ ngành, địa phương lại đưa ra kế hoạch xin vốn cao đến như vậy. Tức là tình trạng này phải từng tồn tại và được thông qua thì mới thành 'tiền lệ'.
Về việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công tôi đã nhiều lần có ý kiến. Dù rằng chúng ta có hẳn một luật dành riêng cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng có thể thấy rằng thời gian qua việc thực hiện chưa được triệt để.
Như đánh giá của Chính phủ thì tình trạng lãng phí vẫn chưa ngăn chặn được, công tác tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm túc. Và ở đâu, lúc nào, cũng thấy có sự xuất hiện của lãng phí và đôi khi là lãng phí vô tội vạ.
Điều này có thể xảy ra được là bởi công tác quản lý, phân bổ, cấp phép thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân theo quy định, còn tình trạng phân bổ vốn ngoài danh mục, vượt tổng mức vốn đầu tư.
Vẫn còn tình trạng dự án cho khởi công, nhưng chưa đủ điều kiện bố trí vốn, một số dự án chưa được triển khai lại bố trí vốn...
Tất cả những điều này đã từng tồn tại cho nên hậu quả của nó đến giờ giải quyết vẫn chưa xong. Ở đây phải đặt vấn đề phải chăng do năng lực cán bộ, do dễ dãi thiếu trách nhiệm hay do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm? Tôi nghĩ điều này cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.
PV: Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh liên tục trên các diễn đàn gần đây Quốc hội, Chính phủ kêu gọi thắt chặt đầu tư công, dừng các công trình xây dựng chưa cần thiết. Thủ tướng còn nói thẳng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chỉ ở mức khiêm tốn, với mức tăng khoảng trên dưới 10%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 13,5-14%; và ngày càng giảm trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội. Thế nhưng việc các bộ ngành, địa phương vẫn tiếp tục tăng con số đầu tư, phải chăng tâm lý 'xin -cho' vẫn có hiệu lực? Theo ông phải nhìn nhận như thế nào khi tình trạng 'xin liều' được thì tốt, không được cũng không sao?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá:- Tôi nghĩ rằng phải có bộ ngành này, địa phương kia xin được thì người ta mới làm theo. Vì ở đây cũng là đi xin cấp vốn. Họ không làm càn và cũng không có cơ sở gì để kỷ luật người ta.
Phải xem lại cơ quan gác cổng thay Chính phủ có làm đúng quy định hay không hay là đã giải quyết cho chỗ này còn chỗ khác thì không.
Còn nếu đã làm đúng quy định rồi thì trách nhiệm của người gác cổng thực hiện quy định của Chính phủ đã không cho thì không cho bất cứ ai.
Nhưng tình trạng này vẫn đang xảy ra cho thấy tâm lý 'xin -cho' vẫn đang tồn tại. Ở đâu đó vẫn có nên mới có bộ ngành, địa phương mới tích cực xin. Còn nếu không giải quyết diện 'xin cho', phát sinh hay vượt định mức thì chắc không có cơ sở để có chuyện họ xin vượt như vậy.
Phải chăng người ta có được thông tin như thế nào đó hay có người hứa giúp gì đó. Chứ nếu không có người hứa giúp thì chưa chắc người ta dám làm như vậy.
Muốn triệt để phải thực hiện nghiêm
PV: Từ tâm lý xin cho như vậy nên mới có tình trạng với dự án vài nghìn tỷ, sai sót thất thoát tiền tỉ nhưng vẫn được cho là bình thường, không hề hấn gì.Như vậy có thể thấy tiền đầu tư rơi rớt từ khi làm dự án tới tổ chức thi công công trình. Với tâm lý như vậy liệu nguồn vốn đầu tư thực được sử dụng như thế nào, thưa bà?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá:- Tôi nghĩ về khía cạnh này cần phải có cái nhìn bao quát hơn.
Do đó tôi nghĩ rằng Chính phủ phải kiểm tra lại đánh giá theo từng giai đoạn nhất định. Ví dụ trong 5 năm vừa qua việc sử dụng nguồn vốn công, tổng mức đầu tư khởi đầu là bao nhiêu, hiện phát sinh bao nhiêu, thất thoát bao nhiêu và tới công trình còn bao nhiêu.
Có như vậy mới có thể uốn nắn được còn nếu để chung chung thì cũng rất khó khen chê hay phê phán. Bởi lẽ từng lĩnh vực, từng giai đoạn chỗ này, chỗ kia mức độ thất thoát không giống nhau.
Nhưng phải khẳng định một điều là hiệu quả nguồn lực công chưa thực sự đạt được như mong muốn.
PV: - Theo số liệu thì đến cuối năm 2014, dư nợ công của Chính phủ chiếm 63% GDP và đến cuối năm 2015 thì dự nợ công chiếm 64% GDP. Trong khi đó, Việt Nam đã bắt đầu phải đi vay để trả lãi vay và trả nợ nước ngoài. Trong bối cảnh này việc 'vung tay' trong đầu tư xây dựng cơ bản cần được áp kỷ luật như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá:- Như tôi đã nói không tổng kết thì sẽ không thấy hết được bức tranh mà chỉ thấy đâu đó một vài công trình, dự án nổi lên. Còn những không trình dự án không nghe phản ánh, hay vì điều gì đó không nói ra thì như thế nào?
Cho nên tôi đề nghị Chính phủ đánh giá lại việc đầu tư liên quan bởi trong từng lĩnh vực, giáo dục, văn hóa, y tế, xây dựng hay là giao thông... khả năng thiệt hại, thất thoát lãng phí như thế nào.
Về kỷ luật ngân sách thực sự thời gian qua chúng ta chưa thực hiện triệt để. Chính vì vậy trên diễn đàn Quốc hội cá nhân tôi cũng như nhiều đại biểu từng có ý kiến về vấn đề này.
Cần phải xem cơ cấu chi hợp lý chưa? Nhu cầu xã hội đã hợp lý chưa? Đặc biệt việc rà soát các dự án cũng như duyệt chủ trương đầu tư đã thực sự được thực hiện triệt để hay chưa... lúc nào cũng cần phải đặt ra.
PV: - Theo đánh giá của cá nhân bà, vì sao chủ trương thắt chặt đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn vốn công được nói nhiều nhưng thời gian qua việc thực hiện xem chừng không triệt để? Chính phủ cần phải thêm những biện pháp gì để hạn chế tình trạng 'bóc ngắn, cắn dài', thưa bà?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá:- Đề ra thực hiện trước hết như tôi đã nói là phải đánh giá việc thực hiện đó từ trước tới nay. Nhiều khi chủ trương thì đúng nhưng thực hiện còn chưa chuẩn. Chủ trương đưa ra phải thực hiện triệt để, phải quy định thống nhất.
Bây giờ Chính phủ cân đối xem xét, cân nhắc lĩnh vực nào cần đầu tư. Địa phương nào cần chú trọng. Đã đưa ra, thì phải thực hiện nghiêm.
Tuy nhiên phải thừa nhận một tình trạng thời gian qua dù các kế hoạch đã được đưa ra cân đối rồi nhưng thấy chỗ này thương quá, bổ sung thêm một chút. Chỗ kia năn nỉ nhiều quá lại bổ sung thêm cho một chút.
Ai có thân có thế, có thời gian, chịu cực khổ đi xin thì được thì sẽ không công bằng và chính điều đó dẫn đến tâm lý xin cho không thể chấm dứt được.
Cho nên để thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính thì không còn cách nào khác là sự minh bạch, cương quyết, nói là làm, không nể nang và quan trọng hơn là phải 'liệu cơm gắp mắm' thì mới mong lập lại được trật tự.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
  • Bích Ngọc (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét