Trang

23 tháng 1, 2015

Đừng để “mặt tiền” của đất nước khó nhìn như thế!

Đăng Bởi  - 

VTV xin loi
Chuyển động 24h ví người mua vé Hải Phòng - HAGL như hổ đói.

Biết nhận lỗi và xin lỗi là một trong những tiêu chí không thể thiếu của một xã hội văn minh, chẳng hạn, thống kê cho biết, người Pháp là dân tộc sử dụng từ xin lỗi nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, một cơ quan văn hóa, theo cách nói của Bộ trưởng Trần Đại Quang, “mặt tiền của mặt tiền” của một quốc gia là Đài Truyền hình Trung ương mà cứ xin lỗi mãi hoài thì không ai có thể chấp nhận!

Người xưa dạy “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy’, hàm ý cảnh báo rằng có khi, chỉ một lời nói ra, gây nguy hại khôn lường đến nỗi không thể nào sửa chữa được. Một lời đối với bốn con ngựa quả là cách ví von đầy sức nặng. Lời nói quan trọng đến mức Kinh Phật xếp vào vị trí thứ hai của ba cái tội (tam nghiệp – chướng), thân, khẩu, ý. Và, ít ai không biết một trong những câu ca dao hay nhất: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Những lời bàn ở trên chỉ giới hạn trong ứng xử, giao tiếp thường ngày. Những cái sai của VTV lớn hơn rất nhiều: Vừa là báo hình lại vừa là báo tiếng; có nghĩa là mọi chương trình được phát ra đều có sự chuẩn bị, biên tập, xét duyệt kỹ càng. Không thể biện minh cho cái sự lỡ lời để rồi xin lỗi mãi hoài, trễ tràng.
Căn nguyên của vấn đề không chỉ là lỡ mà là cái kém của phổ văn hóa, cái tắc trách của tinh thần trách nhiệm, cái thiếu nhân văn của sự tôn trọng con người. Không muốn suy rộng hơn nữa trong sự cố nghiêm trọng như Điều ước thứ 7: Biết sai mà vẫn phát, có gần cả năm trời để sửa sai cũng không cần biết, nói dối toàn tập vẫn cứ khăng khăng bào chữa, nếu không phải cố tình… sai để đốt đền cho nổi tiếng, theo cách vô trách nhiệm, ít nhân, thiếu nghĩa đến tận cùng, thì là gì?
Cái sai gần nhất, khi ví khán giả Hải Phòng với hổ đói, quả là không tài nào hiểu nổi. Nói đến cọp rừng hay hổ đói là nói đến cái tính trội hung hãn của thú tính, không thể kiềm chế… Xúc phạm cả một thành phố lớn với hàng triệu người, đâu phải chỉ một lời xin lỗi là xong?
Trên đây có nhắc đến câu nói của Bộ trưởng Trần Đại Quang khi ông nhắc nhở CSGT phải giữ bộ mặt ‘đẹp’ cho ngành công an vì công an là ‘mặt tiền’ của đất nước, còn CSGT lại là ‘mặt tiền của mặt tiền’.
Quả thật, chưa bao giờ đất nước ta có không ít cái mặt tiền của mặt tiền đáng phải nhăn nhó khi biết, khi nhìn. Mặt tiền của đất nước về tinh hoa tri thức là các trường đại học với những học giả có bằng cấp cao, vậy mà mỗi năm, có đến 500-600 bằng thạc sĩ, tiến sĩ được tiêu thụ thì đúng là sự ô danh không nơi nào có.
Mặt tiền về luật pháp mà mỗi ngày ‘phát hành’ 30 văn bản vi phạm Hiến pháp hay trái luật thì ngay cả nhà văn viết truyện viễn tưởng là Jule Verne cũng phải bó tay. Mặt tiền về cảnh quan, đi lại mà suốt nhiều năm qua, trung bình mỗi ngày có vài chục người chết vì tai nạn giao thông, vẫn cứ là chuyện… bình thường(!)
Mặt tiền đang ngang dọc quảng bá hình ảnh đất nước trên bầu trời là ngành hàng không thì cùng lúc có hàng trăm nhân viên kỹ thuật cao đổ bệnh. Mặt tiền kinh doanh thực phẩm thì hầu như tuần nào cũng có thịt thối bị bắt, lòng thối bị phát hiện. Mặt tiền về hình ảnh, phát ngôn là VTV thì cứ sai rồi xin lỗi, xin lỗi rồi lại sai…
Từ xuống cấp xem ra là từ bị lạm dụng nhiều nhất hiện nay. Ai cũng muốn tránh nói đến những từ “nhạy cảm”, “vùng cấm” khi không muốn nói đến những từ nặng hơn. Thật là đáng phải nghĩ suy khi VTV được dân gian truyền tụng là ba chữ tắt của cụm từ “vẫn thất vọng”. Chúng ta buồn ít về cái sai của VTV nhưng buồn nhiều hơn, nặng nề nhiều hơn vì không muốn tin rằng ‘mặt tiền’ của đất nước lại khó nhìn đến thế…
Hà Văn Thịnh
Tags : VTV, xin lỗi, Chuyển động 24h, Điều ước thứ 7, Trần Đại Quang, khán giả, bằng giả, văn bản, Hà Văn Thịnh, hổ đói

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét