Trang

19 tháng 1, 2015

Lấn vịnh Hạ Long cho sân golf: Ai sẽ phải trả giá?

(Tin tức thời sự) - Về nguyên tắc phát triển di sản là phải tối ưu hóa dịch vụ, chứ không phải mở rộng dịch vụ...

Đó là khẳng định của KTS Đoàn Bắc - một KTS Hà Nội có tình yêu vô hạn với vịnh Hạ Long, luôn muốn bảo tồn các công trình và quảng bá đến bạn bè thế giới.
Trước việc Tập đoàn Tuần Châu trình lên UBND tỉnh Quảng Ninh muốn xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển hình 3 đóa hoa trên biển, kèm theo là quy hoạch mở rộng sân golf từ 18 lỗ lên thành 27 lỗ bằng cách đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống Vịnh Hạ Long để lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu, KTS hoàn toàn phản đối vì như vậy thì sẽ mất hết.
Tư duy ăn xổi ở thì
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 17/1, KTS Đoàn Bắc chia sẻ: "Tôi đã có nhiều chương trình ở vịnh Hạ Long, nơi này hoàn toàn khác với TP.HCM hay Hà Nội. Bởi điều đáng quý của Hạ Long là cảnh quan từ xưa đến nay, lúc nào vẫn vậy".
Bên cạnh đó, ông cho biết thêm: "Cảnh vật này, không chỉ giới hạn trong phạm vi cảnh tự nhiên mà còn liên quan đến yếu tố con người- xã hội, từ xưa đến nay, hơn 100 năm vẫn thế. Nếu sau 100 năm, mà cảnh vật khác đi, thì chắc chắn Hạ Long sẽ không còn, vì cái đáng quý cũng đã mất".
Theo ông Bắc, để có được di sản thì đầu tiên phải có kinh tế làm tiền đề, bởi vì nếu là di sản nhưng để không thì cũng vô nghĩa. Thế nhưng, không phải bằng hình thức mở rộng di sản, hay tăng giá vé như Hạ Long đang làm ồ ạt gần đây, mà cái cần cho di sản là phải được gìn giữ và bảo vệ.
Ông nhấn mạnh: "Đầu tiên, phải quảng bá giá trị di sản, hai là, tối ưu hóa những dịch vụ đã có. Mặc dù đã đi vịnh Hạ Long 5 - 6 lần, nhưng tôi cũng không thể nói tôi là người hiểu hết, nắm rõ hết vịnh Hạ Long. Vì đây là một di sản phức tạp, càng đi nhiều sẽ càng thích đi, nên phải làm sao để kéo du khách lại".
Tháp đá trong một bức ảnh do viên bác sĩ quân y người Pháp Louis Sadoul chụp năm 1889.
Tháp đá trong một bức ảnh do viên bác sĩ quân y người Pháp Louis Sadoul chụp năm 1889.
Tuy nhiên, hiện tại, theo ông Bắc, cứ 10 du khách được hỏi, thì 8 người không quay trở lại, mặc dù cảnh đẹp nhưng dịch vụ du lịch lại quá tệ, nên muốn kéo du khách lại là việc rất khó. Vấn đề ở đây, là phải làm sao quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm sao du khách không chỉ đến 1 lần mà đến nhiều lần.
Trong 1 năm có 12 tháng thì chỉ có 3 tháng nhìn vịnh Hạ Long đẹp nhất, có những tháng không nhìn thấy gì, nên phải làm sao để năm sau du khách quay lại, năm sau nữa lại quay lại để hiểu giá trị di sản thì mới là việc đáng mừng.
Hơn 100 năm nay, khung cảnh hòn
Hơn 100 năm nay, khung cảnh hòn "tháp đá" trong bức ảnh trên gần như không thay đổi là bao
"Còn nếu dùng biện pháp chặt phá, mở rộng để thu hút du khách, như việc tập đoàn Tuần Châu đề nghị được lấn chiếm bề mặt vịnh, thì đó chỉ là tư duy ăn xổi ở thì, chắc chắn du khách sẽ không quay trở lại, còn hiện nay lợi ích di sản đang tìm kiếm lợi ích kinh tế", ông Bắc cho hay.
Đã mất đi không bao giờ lấy lại được
Hiện nay, làm quá kém từ khâu quảng bá giá trị di sản, ví dụ như đáng lẽ để có vịnh Hạ Long thì phải có Bái Tử Long, nhưng lại cố tình tách vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
Tại sao lại chỉ khai thác kinh tế ở vùng lõi, vùng UNESCO công nhận, mà quên mất rằng để kiếm tiền thì phải mở rộng ra vùng ngoài, chưa kể đầu mấu của vịnh Hạ Long ở phía Cát Bà - Hải Phòng, đó mới là điểm có nhiều đảo cực lạ.
Trước việc hiện nay cho nhiều tập đoàn lớn vào khai thác di sản, ông Bắc nhận định: "Hậu quả của việc cho tập đoàn đầu tư là do cách nghĩ: doanh nghiệp (DN) này làm được thì DN kia cũng đòi làm bằng được, đó là việc tạo tiền lệ xấu. Bởi hình thành nên nếp nghĩ, nếu cho DN này làm thì DN khác chắc chắn làm được, không làm góc phải thì sẽ làm góc trái".
Theo ông Bắc, đây là nguyên tắc của chính quyền, tốt nhất, không được phép làm chuyện mở rộng, nên tối ưu hóa dịch vụ đã có.
Bài học nhãn tiền là một trong những thành tựu đạt được trong giai đoạn gần đây nhất là gỡ bỏ được lệnh cấm vận của UNESCO, đây là lần thứ ba, vịnh Hạ Long nhận được lệnh cấm vận.
Cụ thể, những năm gần đây, từ kỳ họp thứ 33 (năm 2009) và sau đó là các kỳ 35, 37 của Ủy ban di sản thế giới, Vịnh Hạ Long luôn được khuyến nghị về công tác quản lý, bảo tồn xung quanh các vấn đề tác động của du lịch, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, môi trường.
Tại cuộc họp mới đây nhất của của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 38 tại Doha,Qatar vào tháng 6/2014, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long mới được ghi nhận là có nhiều chuyển biến.
Việc cần làm hiện nay, ông Bắc khẳng định: "Nếu chúng ta chỉ nói 1 chiều phê phán thì sẽ không có trọng lượng, nên phải nhìn thấy giá trị vốn có của di sản này. Nếu như HN là giá trị mang tính chất kế thừa, giá trị của Sài Gòn là không có bản sắc đặc thù mà văn hóa nào cũng có, Tây - Pháp - Tàu đều có, tạo ra bản sắc của Sài Gòn là ai cũng hòa nhập vào được. Còn bản giá trị của Hạ Long là sau 100 năm vẫn thế, nếu làm mất bản sắc đó là sẽ hết".
Hơn hết, về nguyên tắc phát triển di sản là phải tối ưu hóa dịch vụ, chứ không phải mở rộng dịch vụ, trong khi không phải cái gì cũng có thể lấy lại được.
  • Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét