Trang

19 tháng 1, 2015

Tiền cổ phần hóa DNNN đi đâu: Lãng phí từ trong ruột

(Tài chính) - QH có quyền giám sát từng đồng thu - chi về ngân sách. Nhưng QH không có trách nhiệm cầm tay vẽ chữ ...

Ông Mai Xuân Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã nói như vậy trước băn khoăn của ĐBQH về "tiền cổ phần hóa doanh nghiệp đang được sử dụng như thế nào và hiệu quả ra sao"?
PV:- Thưa ông, đã 1000 ngày thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN, song như nhận định của nhiều chuyên gia, mới chỉ nhìn thấy kết quả của việc cổ phần hóa. Xin ông tóm lược, kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thực hiện trong 3 năm qua: số lượng DNNN được cổ phần hóa, số tiền thu về ngân sách từ việc cổ phần hóa các DNNN?
Ông Mai Xuân Hùng: - Chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) DNNN của Chính phủ rất quyết liệt, mục tiêu cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp. Tuy nhiên do khả năng tiêu hóa của thị trường quá yếu, những khó khăn khách quan có thể ngăn cản việc bán phần vốn nhà nước đúng mục tiêu.
Nhiều DNNN chưa nộp tiền CPH về ngân sách
Nhiều DNNN chưa nộp tiền CPH về ngân sách
Thứ hai, lòng tin của người dân, giới đầu tư còn nhiều vấn đề. Do đó, vấn đề CPH DNNN tới nay có tiến triển nhưng hiệu quả chưa cao.
Về số tiền CPH, nghị quyết Chính phủ đã đưa ra rất cụ thể tiền thu về từ CPH phải nộp về ngân sách nhà nước và được báo cáo theo từng kỳ hạn.
Quốc hội chỉ nắm được con số tổng nguồn thu từ CPH, ví dụ năm 2015 là 900 ngàn tỷ, trong đó có khoảng 30-40 ngàn tỷ từ DNNN... Số tiền này, được phân bổ chung cho cả nền kinh tế từ nông nghiệp, y tế, tới giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng... nó không quy định chi cho từng lĩnh vực cụ thể.
PV:- Theo phản ánh, mục đích số tiền thu được từ cổ phần hóa không được công bố công khai và thường xuyên. Trả lời báo chí, một vị ĐBQH cho biết, ngân sách Nhà nước hàng năm Quốc hội thông qua không có nguồn vốn này. Theo ông, điều đó có bất thường không và tại sao lại xảy ra tình trạng này?
Ông Mai Xuân Hùng: - Thực tế từ trước tới nay vẫn có nguồn vốn thu được từ CPH doanh nghiệp. Về nguyên tắc là tiền CPH phải nộp về ngân sách, nguồn tiền này sau đó được phân bổ tới các thành phần khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo tôi được biết chỉ có tiền CPH thuộc lĩnh vực dầu khí là ra tấm ra món, các doanh nghiệp khác chưa lấy được đồng nào. Hoặc thu được lại đầu tư ngược lại hỗ trợ cho các DNNN yếu kém, làm ăn không hiệu quả; bù đắp chi trả cho các khoản nợ của DNNN như Vinalines, Vinashin. Các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Cao su, phân bón, Điện... thậm chí còn đang bị âm. Trong khi doanh nghiệp tại địa phương, địa phương lại muốn giữ lại.
Có địa phương thu tiền CPH của doanh nghiệp nhưng 1-2 năm sau không nộp về ngân sách. Cũng có khi, trách nhiệm này bị đánh đồng với nhiệm vụ chính trị, cố thủ nguồn vốn tạo đà cho doanh nghiệp chuyển mình theo hướng khác...
Hiện nay chỉ có nghị quyết riêng đối với ngành dầu khí, quy định rõ tiền CPH doanh nghiệp được giữ lại bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm phải nộp về ngân sách. Nghị quyết này không áp dụng chung cho tiền CPH chung của các DNNN khác, do đó trong tổng thu tiền CPH hiện nay không nắm rõ được số tiền CPH từ doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu mà chỉ có báo cáo tổng số tiền thu được từ CPH.
Tuy nhiên, có thể trong quá trình xử lý kỹ thuật, cập nhật con số không kịp thời hoặc có báo cáo nhưng đại biểu Quốc hội không có thời gian đọc... nên nói đại biểu không biết tiền CPH là bao nhiêu cũng không hoàn toàn chính xác.
PV:- Vị ĐBQH trên cũng nhận định, tiền thu được từ cổ phần hóa tản mát, sử dụng không hiệu quả. Trong khi đó, nhiều dự án, công trình đầu tư phát triển của Việt Nam vẫn phải được thực hiện bằng nguồn tiền đi vay nên bị phụ thuộc đến bất lợi vào phía đi vay. Liệu có phải chúng ta đã lãng phí nguồn lực hay không thưa ông? Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thiệt thòi cho nền kinh tế nói riêng và người dân nói chung sẽ như thế nào?
Ông Mai Xuân Hùng: - Phải nói rằng, việc đầu tư nguồn lực của cả nền kinh tế đều đang bị tản mát chứ không riêng gì khoản tiền CPH.
Các chương trình, mục tiêu kinh tế quá rộng, đầu tư không hiệu quả, kế hoạch hoành tráng nhưng lại không thực hiện được... Điển hình như kế hoạch xây dựng 15 khu kinh tế, nhưng khi rà soát chỉ tập trung xây dựng, phát triển được 5 khu kinh tế, còn lại không thực hiện được...
Khu vực DNNN vẫn được coi là đóng vai trò chủ đạo, là trụ cột của nền kinh tế lại hoạt động không hiệu quả. Một số ít có hiệu quả cũng không đủ sức bù đắp cho ngân sách những khoản thua lỗ, thất thoát do các DNNN khác làm ăn không hiệu quả gây ra.
Trong khi nội lực nền kinh tế yếu, nguồn lực đầu tư không có nhưng vẫn phải dồn sức hỗ trợ cho khu vực DNNN làm ăn không hiệu quả. Thậm chí còn gây thua lỗ, thất thoát tiền của của nhà nước, đó là sự lãng phí nguồn lực rất lớn, lãng phí ngay từ ngay trong ruột của nền kinh tế.
Vì thế mới nói, nền kinh tế Việt Nam hiện đã trải qua cả quá trình lãng phí và đang được khắc phục dần. Tất nhiên, để đánh giá hiệu quả cụ thể của từng lĩnh vực là rất khó. Tôi chỉ có thể nói, nguồn lực đầu tư đang dần mang lại hiệu quả.
PV:- Đã từng có đề xuất, Quốc hội sẽ giám sát và quyết định việc sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa DNNN. Ông có đồng tình với đề xuất này hay không và vì sao? Nếu muốn thực hiện đề xuất này thì cần phải làm gì?
Ông Mai Xuân Hùng: Quốc hội có quyền giám sát toàn bộ từng đồng thu - chi của ngân sách. Nhưng Quốc hội không có trách nhiệm cầm tay vẽ chữ cho Chính phủ. Chính phủ là người làm trực tiếp, sự lãng phí xảy ra tại khâu thực hiện do đó, Quốc hội không thể kiểm soát từng đồng chi tiêu cụ thể của Chính phủ trong quá trình thực hiện.
 PV: - Xin cảm ơn ông!
  • Vũ Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét