Trang

23 tháng 1, 2015

9.000 văn bản sai, 90 triệu người khổ!

Đăng Bởi  - 

van ban sai
Một trong số những văn bản "trời ơi" được ban hành, bị dư luận ném đá.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác tư pháp được tổ chức tuần qua, Bộ Tư pháp cho biết: Trong 10 tháng của năm 2014, đã có đến 9.017 văn bản pháp luật vi hiến, trái pháp luật, chiếm 22% tổng số các văn bản đã ban hành (TT, 21:10 GMT+7, 15.1.2015)!

Khó hình dung một nền tư pháp đã vận hành, phát triển suốt 70 năm (1945-2015) lại có thể nhầm lẫn, vượt quyền, tắc trách đến mức mỗi ngày ban hành sai đến 30 văn bản! Cho dù có làm ‘mềm’ bằng cách tính ‘thiệt hại’ là 22%, thì con số các văn bản vi hiến, trái luật kia vẫn là một sai phạm khó chấp nhận.
Những hệ lụy của ‘bút sa gà chết’ là không thể đo đếm, bởi nếu không nguy hại thì cha ông đã không tổng kết thành cái thành ngữ gớm ghê kia.
Trước hết, đó là vấn nạn gây nên biết bao phiền hà cho người dân vì cái lý do giản dị nhất: Nếu các văn bản cứ luôn tạo ra một mê cung của sự rối rắm, người dân chẳng biết đâu mà lần. Điều tiếp theo là chính sự chồng chéo của các quy định sẽ ‘mở đường’ cho vô số những tiêu cực. Các quan chức lâu nay đã có gang, có thép trong phát ngôn, tha hồ mà “vận dụng” các kẽ hở để tự tung, tự tác, khiến cho người dân hoang mang, giảm sút lòng tin, tốn kém cả thời gian và tiền bạc.
Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng khi mỗi ngày có đến văn bản vi hiến, trái luật được ‘sản xuất’, có nghĩa là bộ máy tư pháp hiện nay yếu, kém ở mức đáng báo động. Cứ tạm tính rằng mỗi văn bản có ít nhất ba người liên quan trực tiếp: “Ông” trợ lý, tham mưu; “ông” thư ký và “ông” đặt bút ký, ta sẽ có ngay con số hàng vạn cán bộ, nhân viên thiếu năng lực quản lý, thiếu hiểu biết về pháp lý. Đó là chưa nói có những văn bản chỉ được ‘sinh ra’ sau vô số cuộc họp, liên quan đến hàng chục người thì con số cán bộ yếu kém thực sự sẽ là bao nhiêu?
Từ thực trạng trên sẽ chẳng khó để thấy sự lãng phí toàn diện về tài năng, công sức đào tạo, tiền của… Người dân có quyền đặt câu hỏi rằng, nếu một bộ máy có đến 22% không đủ năng lực pháp lý thì làm sao tạo nên sự ổn định và lành mạnh của xã hội? Nói cách khác, 22% đó có cũng như không; thậm chí họ còn gây ra sự phiền hà, tốn kém cho xã hội. Con số 22% cũng gần bằng với con số 1/3 cán bộ công chức cắp ô da diết mỗi ngày!
Bộ Tư pháp không cho biết những sai phạm đó sẽ được giải quyết như thế nào? Chẳng lẽ cứ sai thì sửa, sửa nếu có sai suốt năm này qua năm khác vẫn không sao? Chẳng lẽ cứ ký bừa, ký ẩu rội tặc lưỡi cho qua vì đã lỡ ban hành mà không phải chịu trách nhiệm, không phải chuyển công tác khác mà quanh đi quẩn lại chỉ kiểm điểm sâu sắc, phê bình nghiêm khắc?
Xin nhấn mạnh rằng tình trạng văn bản pháp luật sai đã được nói hoài, nói mãi trong nhiều năm qua. Không thể để cho tình trạng đó tiếp diễn nếu mong muốn một sự phát triển ổn định, hài hòa. 
Chấn chỉnh lại bộ máy, tinh giản đội ngũ, bổ sung tài năng thực sự được đào tạo có chất lượng là đòi hỏi bức thiết của xã hội. Có thể hình dung ‘chiếc xe’ đất nước đang phải di chuyển trên một con đường hết sức gập ghềnh: Nó không thể tăng tốc, nó thường xuyên bị hư hỏng vì các loại ‘ổ gà’ luôn tiềm ẩn vô số tai ương…
Hà Văn Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét