Trang

11 tháng 8, 2014

Gian lận thi công chức ở Bộ Công Thương: Một cuộc “tấu hài” lặp đi lặp lại

Đăng Bởi  - 

Ảnh: TL
Ảnh: TL
Từ cấp xã đến cấp trung ương, hầu như vụ thi tuyển công chức nào cũng có vấn đề. Có vụ thì lộ… sáng, có vụ thì đấu đá nhau trong… tối, có vụ thì âm ỉ bàn tán quận công ngoài đồng, mà ở đó một sự thật luôn phơi bày không ai chối cãi được là kẻ giàu tiền và già quyền lực con ông cháu… vợ luôn về đích.
Khi thông tin trên báo chí về vụ thi tuyển công chức nhiều khuất tất công an phải vào cuộc phanh phui, rồi sau đó phải xử lý kỷ luật vài ba cán bộ có trách nhiệm ở Bộ Công thương, dư luận đồng thời nói “biết rồi nói mãi…” và hắt xì đầy ngao ngán: khổ lắm”.
Là vì, cái chuyện bất công, thiếu minh bạch, “tấu hài” trên sàn diễn thi cử công chức nó không mới chỉ vừa “hé lộ” ra từ Bộ Công thương, mà nó hằn vết trong dư luận từ bao năm nay rồi. Từ cấp xã đến cấp trung ương, hầu như vụ thi tuyển công chức nào cũng có vấn đề. Có vụ thì lộ… sáng, có vụ thì đấu đá nhau trong…tối, có vụ thì âm ỉ bàn tán quận công ngoài đồng, mà ở đó một sự thật luôn phơi bày không ai chối cãi được là kẻ giàu tiền và già quyền lực con ông cháu …vợ luôn về đích.

Trong 10 thí sinh trúng tuyển thi công chức ở Bộ Công thương, có cháu của ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng QLTT và ông Đào Minh Hải, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương. Ảnh: Phong Cầm
Nhớ lại lời phát biểu cay đắng của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có tới 30% công chức thuộc dạng “mìn”, sáng cắp ô đi tối cắp về. Chất lượng công chức trong các cơ quan nhà nước đang trở nên một đòi hỏi cấp thiết, một đòi hỏi rất nóng, bởi vì nếu không có chất lượng công chức thì rồi 30% hay 40% hay hơn nữa công chức lười biếng, ngu dốt, dối trá, chểnh mảng công vụ, nhũng nhiễu dân, phong bao phong bì, quan liêu hách dịch cũng từ cái đám này mà ra hết.
Thế mà người ta vẫn không thèm nghĩ tới chất lượng, người ta vẫn dựa vào những cuộc thi tuyển để làm tiền nhau, để lót ổ con cháu, để “trung thành” với câu dân gian xưa con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa…”. Hệ lụy của việc này còn làm cho những cán bộ tâm huyết, có năng lực chán nản, buông tay, đầu hàng trước những hiện trạng tiêu cực của xã hội. Và  tất yếu họ đành phải lựa chọn một con đường đi khác, tự mình tuyển mình, làm ngoài, ra nước ngoài sinh sống, lập công ty riêng, dần dần, chất lượng công chức cứ thế xuống, lại báo động, lại gào thét chất lượng, lại hô hào công bằng, minh bạch, nhưng hiện tượng bất công sau mỗi mùa tuyển công chức tiếp tục lặp lại, như một căn bệnh có vẻ hết thuốc chữa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có tới 30% công chức thuộc dạng “mìn”, sáng cắp ô đi tối cắp về - Ảnh: TL
Trở lại vụ việc tuyển công chức tại Bộ Công thương, khi đã phanh phui ra như thế, rằng, một cuộc thi biết trước kết quả, rằng, một cuộc thi mà con ông cháu cha thì giở tài liệu chép bài, một cuộc thi mà phần lớn người trúng tuyển đều đã “đặt gạch” trước, thì việc thứ nhất là phải xử lý kỷ luật nghiêm minh người tổ chức, người đầu têu vụ này, và sau đó thì ngay lập tức phải hủy bỏ kết quả thi tuyển để thi tuyển lại. Đơn giản như thế mà sao khó khăn quá với Bộ này thế?
Một cơ quan quản lý nhà nước cấp cao, tuyển công chức vào những vị trí nhạy cảm, thực hiện tiêu cực trắng trợn như thế mà chỉ xử lý “biểu diễn” vớt bèo, vớt tép vài cán bộ cấp thấp cho phải phép, rồi ai lộ thì loại, ai chưa lộ để nguyên, thì còn đâu uy lực của một cơ quan công quyền?
Những cuộc thi tuyển đầy rẫy sai phạm, đầy rẫy sự bất công mà không được xử lý tới nơi tới chốn thì cuối cùng, dư luận lại phải thốt lên “biết rồi khổ lắm nói mãi” và trở thành một chuyện hiển nhiên của xã hội, thì kiếm đâu ra những công bộc vì dân, cho dân nữa? Có người không chấp nhận cái chậc lưỡi biết rồi khổ lắm nói mãi đã đưa ra sáng kiến mời ông Đinh La Thăng ở Bộ Giao thông Vận tải về làm bộ trưởng Bộ Công thương thì chắc chắn vụ này ít nhất cũng có quan cấp cục phải về …vườn.
Nguyễn Quang Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét