Trang

9 tháng 4, 2014

Bẫy tâm lý đã giăng

Mùa công bố báo cáo tài chính đang tới sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho việc bán ra của NĐT trong thời gian tới, khi sẽ có nhiều DN công bố kết quả kinh doanh tốt.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ cần DN công bố kết quả kinh doanh ở mức tốt vừa chứ không phải đột biến cũng đã là cơ hội để NĐT lớn “xả” được nhiều cổ phiếu hơn.
Thị trường đầy thủ đoạn. Rất nhiều lần NĐT mua vào khi có tin tốt, sau đó mất tiền và bán ra khi có tin xấu. Nhưng rồi sau đó, giá lại tăng. “Lý do là các luồng tiền thông minh hiểu tâm lý đám đông và gặt hái như thế trước tâm lý bầy đàn này”.
Câu nói trên của Tom Williams, tác giả cuốn sách Làm chủ thị trường (Master the Markets) dường như đã và đang góp phần cảnh báo NĐT bởi những diễn biến TTCK Việt Nam gần đây đang cho thấy một nền tảng như vậy.
Từ giữa tháng 2/2014 kéo dài đến những phiên gần đây, TTCK ghi nhận quá trình phân phối đã diễn ra. Bởi nếu nhìn vào đặc điểm của giá ở vùng tích lũy, thông thường mức giá dao động rất chặt chẽ, các giao dịch cổ phiếu chỉ xoay quanh biên độ giá 10%. Tuy nhiên, thực tế sau khi đẩy giá rất mạnh, trong khoảng thời gian từ ngày 25/3 đến 2/4/2014, HNX-Index và VN-Index giảm tương đối mạnh khiến giá nhiều cổ phiếu dao động lên tới 20%.
Trước đó, nhìn vào biểu đồ chỉ số HNX-Index từ khoảng tháng 8/2013 đến hết tháng 10/2013 cũng sẽ thấy một vùng tích lũy khá điển hình và rõ nét. Sau khi đã được tích lũy suốt khoảng 3 tháng, HNX-Index vào giai đoạn vừa đẩy giá vừa tích lũy tiếp. Từ tháng 11 đến giữa tháng 2/2014, biểu đồ cũng cho thấy đây là quá trình đẩy giá.
Nhìn vào biểu hiện phân phối gần đây của thị trường, các chuyên gia cho rằng, mức biến động giá 20% chỉ trong 2 tuần là rất lớn, nhiều khả năng do những NĐT có tổ chức hoặc những nhà đầu cơ lớn đang bán ra quyết liệt. Điều này cho thấy, TTCK đã xác nhận đang ở trong vùng bị phân phối.
“Khi NĐT tổ chức bán ròng cổ phiếu với khối lượng lớn, họ sẽ không sớm mua ròng ngay trở lại”, một chuyên gia nhận định. Thị trường vì thế sẽ thiếu vắng một lực cầu để cân bằng, nên rất khó có khả năng tiếp tục tăng mạnh, tăng trên diện rộng trong thời gian tới.
Với diễn biến VN-Index đang nỗ lực tăng trở lại khu vực 600 điểm gần đây, sau khi giảm mạnh vào ngày 2/4, ông Nguyễn Tuấn (CTCP Chứng khoán An Bình) cho biết, đáng nói là đà tăng giá của VN-Index sẽ không đại diện cho đa số cổ phiếu trên thị trường. Nhiều khả năng, VN-Index được đẩy lên bởi các cổ phiếu lớn nhưng mang tính chất tạo tâm lý “thăng hoa” cho những NĐT nhỏ lẻ, để cổ phiếu thuộc dòng đầu cơ là BĐS, chứng khoán loại nhỏ và trung tiếp tục bị bán ròng trên thị trường.
Nếu hiện tượng này xảy ra, TTCK sẽ có biến động mạnh trong thời gian tới. Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia lưu ý, TTCK có thể tăng, kèm theo đó là những thông tin tích cực. Nhưng, những khi biến động mạnh ấy cũng là lúc NĐT tổ chức có thể bán ròng được nhiều cổ phiếu nhất.
Một điểm đáng lưu ý khác về nền tảng của thị trường hiện nay đã được các chuyên gia chỉ ra, đó là phản ứng không thuận chiều của các chỉ số khi tích hợp các thông tin tích cực. Từ ngày 17 - 25/3/2014, thị trường đón nhận nhiều thông tin tốt như hạ lãi suất, Thông tư 09/2014/TT-NHNN, hay chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường xây dựng…
Nhưng, biểu hiện và phản ứng của VN-INdex và HNX-Index hoàn toàn khác nhau. VN-Index chỉ tăng mạnh vào phiên ngày 17/3, khi có tin hạ lãi suất, sau đó đi ngang liên tục trong 5 phiên liên tiếp và không vượt ngưỡng 609 điểm.
“Kinh nghiệm cho thấy, khi thông tin tốt được đưa ra mà chỉ số chính về thị trường là VN-Index không tăng nổi nữa thì đấy cũng là lúc thị trường đang có xu hướng bị phân phối nhiều”, một chuyên gia phân tích.
Trái lại, cùng thời gian này, HNX-Index tăng điểm mạnh trên diện rộng với khối lượng giao dịch rất lớn. Nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh thua lỗ, mức vốn hóa nhỏ, thị giá thấp thuộc nhóm dầu khí hoặc nhóm chứng khoán tăng giá rất mạnh. Những cổ phiếu tầm trung tăng ít hơn và nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa cao lại “dậm chận tại chỗ”.
Theo các nhà phân tích, diễn biến trái ngược trên hai sàn đã cho thấy, NĐT lớn, NĐT tổ chức vẫn đang muốn phân phối cổ phiếu hạng trung mà họ đầu cơ thời gian vừa qua bằng cách tạo ra cảm giác thị trường đang sôi động, thông qua đẩy giá cổ phiếu “vùng ven”.
Mùa công bố báo cáo tài chính đang tới sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho việc bán ra của NĐT trong thời gian tới, khi sẽ có nhiều DN công bố kết quả kinh doanh tốt. Các chuyên gia cho rằng, chỉ cần DN công bố kết quả kinh doanh ở mức tốt vừa chứ không phải đột biến cũng đã là cơ hội để NĐT lớn “xả” được nhiều cổ phiếu hơn. Vì vậy, NĐT nên thận trọng xử lý thông tin.
Ông Tuấn cho rằng, NĐT cần rất tỉnh táo với biến động của thị trường, với “dấu vết” của NĐT lớn, với thông tin được đưa ra để có phương án giao dịch phù hợp nhất. Bởi nền tảng của thị trường quan trọng hơn diễn biến trong thời điểm hiện tại.
Trong 7 phiên giao dịch từ 25/3 đến 2/4, HNX-Index giảm rất mạnh từ mức đỉnh 93,4 điểm về mức đáy 85,6 điểm. Điều này cho thấy, nền tảng của thị trường hiện nay là diễn biến bán ra mạnh của NĐT lớn.
“Nền tảng như vậy sẽ chi phối xu thế chung của TTCK trong thời gian tới, tiếp tục được bán ra ở đa số nhóm cổ phiếu. Chỉ nhóm blue chip, VN30 và cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường mới có thể giữ được đà tăng giá. Còn đa số cổ phiếu đầu cơ trong thời gian qua sẽ phải chịu áp lực bán rất lớn”, ông Tuấn cho hay.
Theo Dương Công Chiến
Thời báo ngân hàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét