Tạ Thị Thu Hương
Gửi tới BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 11:17 GMT - thứ tư, 23 tháng 4, 2014
Nuối tiếc, xót xa là cảm giác chung của cộng đồng xã hội Việt Nam những ngày này.
Gần 120 nụ hoa “bé bé, xinh xinh, mới hé trên cành” đã không có dịp nở rộ mà đã úa tàn khiến trái tim của những người đã, đang và sắp làm cha mẹ như bị bóp nghẹt.
Chủ đề liên quan
Cộng đồng băn khoăn, xã hội lo lắng, câu chuyện hành chính đột nhiên trở nên quan trọng vào thời điểm bệnh dịch trở nên bất thường.
Có người nói đó là bệnh dịch thì phải trách bệnh dịch, sao lại trách hành chính. Nhiều quan chức khăng khăng không nghiêm trọng, không vượt quá kiểm soát, đỉnh dịch đã đi qua…
Những thiệt hại có thể nhìn thấy nếu công bố dịch là rất rõ ràng.
Du lịch giảm sút, xuất khẩu phải chịu các điều kiện ngặt nghèo hơn, kinh tế đình đốn trong khi đất nước đang trải qua một cơn tan vỡ của bong bóng bất động sản và quan trọng hơn cả là bản báo cáo thành tích cuối năm của các địa phương sẽ thiếu câu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Nhưng có một thực tế là trong nhiều trường hợp, những mệnh lệnh hành chính lại có ý nghĩa quyết định trong việc xử lý các vấn đề xã hội.
Gần 4 tháng dịch bệnh hoành hành, thông tin đến với người dân nhỏ giọt, người có số liệu không dám nói, người có trách nhiệm bỏ qua không biết là do cố tình hay do thiếu hiểu biết?!
Chỉ có người có lương tâm là đau xót, nhưng cũng không thể trực tiếp phát ngôn mà chỉ có thể thông qua mạng xã hội để nói lên nỗi đau và xót xa ấy.
Đau đớn và tuyệt vọng
Trong gần 120 nụ hoa đó, có bao nhiêu ông bố, bà mẹ nước mắt tuôn rơi, không phải chỉ vì nỗi đau ngày ngày chờ đợi, hi vọng và rồi tuyệt vọng vì những đứa con ra đi, mà còn vì dằn vặt, đau đớn vì thiếu thông tin nên việc chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho con lại trở thành mang con dâng hiến vào ổ dịch.
"Không phải vô cớ mà có bố mẹ đã nói 'Cứu con tôi với Bộ Y tế ơi'"
Một lãnh đạo đầu ngành đã vô cảm nói “Tôi mà có con bị bệnh sẽ không dại cho vào Viện Nhi”.
Nếu không có chuyến công tác lúc chiều muộn của PTT Vũ Đức Đam thì trong 5 ngày vừa qua liệu các số liệu có được công bố, các bố mẹ có con nhỏ mới có được thông tin để tránh đường Đê La Thành như tránh tà.. hay sẽ lại bài ca thành tích của ngành y tế và các phụ huynh lại tràn đầy niềm tin vào bệnh viện đầu ngành Nhi để rồi hối tiếc “giá như”.
Không phải vô cớ mà có bố mẹ đã nói “Cứu con tôi với Bộ Y tế ơi”, bởi vì chỉ có đèn xanh từ ngành y tế, báo chí mới có thể tham gia vào, cảnh báo tăng lên, giảm đi những nguy cơ quá tải, lây nhiễm chéo, chính phủ cũng có hành động, quan tâm đúng mực đến mầm non tương lai của đất nước.
Số lượng bênh nhi nhập viện giảm không có nghĩa dịch đã đi qua mà do các xã hội đã có những phản ứng với thông tin về dịch sởi, các bố mẹ đã ý thức được nguy hiểm tiềm ẩn trong không khí vô hại để tự cách ly và đảm bảo môi trường cho con em mình, hi vọng những phản ứng này sẽ góp phần đưa dịch đi đến thoái trào.
Nhưng giá như những thông tin này đến sớm hơn có lẽ sẽ nhiều nụ hoa không bị úa tàn hơn.
Tin rằng dịch bệnh thì sẽ qua đi, nhưng nỗi đau của gần 120 đại gia đình và những người thân quen sẽ ở lại, cùng với đó là sự mất niềm tin vào chính quyền vào những báo cáo, thông số, những “công bộc của dân”.
Hình ảnh Thủ tướng Hàn Quốc ngay lập tức có mặt tại bến tàu nơi phà chìm mà không được tung hô chào đón, thậm chí còn phải chật vật chống lại những chai nước từ phía gia đình của người mất tích mới thấy ý nghĩa của “dân chủ”, giá trị của hai chữ “công bộc”.
Vị trí không phải là quyền lực tuyệt đối và mãi mãi, nó phải là đam mê, sự thể hiện khả năng và mong muốn được cống hiến xây dựng đất nước, bất cứ khi nào một trong những yếu tố trên bị suy giảm thì cũng đến lúc nên thay thế để đảm bảo sự ổn định và phát triển của nước nhà.
Khi mà ung nhọt đã được tìm thấy, sẽ không là quá muộn để các nhà lãnh đạo cao nhất thể hiện sự cương quyết trong kiện toàn bộ máy, và thể hiện sự tương tác với dân, để chứng tỏ nhà nước này thực sự là “của dân, do dân và vì dân”.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Tạ Thị Thu Hương từ Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét