Luật sư Hà Huy Sơn
Chủ quyền quốc gia bao gồm các quyền cụ thể như: quyền xác định chế độ chính trị-kinh tế-xã hội của mình; quyền sở hữu đối với tài nguyên thiên nhiên; quyền tài phán đối với mọi người và mọi tổ chức; quyền được bất khả xâm phạm lãnh thổ.
Quyền tài phán là quyền của các cơ quan hành chính và tư pháp của quốc gia thực hiện giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. Theo nghĩa thông thường, quyền tài phán là quyền xử lý, xét xử đối với các hành vi vi phạm.
Điều 1 Hiến pháp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, quy định:
“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.”
Điều 5 Bộ luật hình sự của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định:
“Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”
Người nào ra lệnh bàn giao 11 người đến từ Trung Quốc, trong đó có 4 phụ nữ, 2 trẻ em, cùng 5 thi thể, ngay sau vụ bạo lực ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 sỹ quan biên phòng Việt Nam ngày 18/04/2014, mà không thông qua điều tra, xét xử, nếu không thuộc trường hợp khoản 2 Điều 5 của Bộ luật hình sự ở trên là vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam. Đánh mất quyền tài phán là làm nguy hại cho chủ quyền quốc gia. Nếu điều tra làm rõ mặt khách quan của tội phạm thì hành vi này phạm vào tội:
“Điều 294. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội
1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng;
B) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”
Nếu có bàn bạc, câu kết với nước ngoài thì là tội:
“Điều 78. Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.”
Đánh mất quyền tài phán là đánh mất chủ quyền quốc gia.
Hà Nội, ngày 20/04/2014
H.H.S.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét