Trang

20 tháng 4, 2014

Kết quả buồn của giấc mơ "Thánh Gióng"

Việc một ngân hàng yếu kém nhập lại với nhau thành ngân hàng lớn hơn chính là bài học "gối đầu giường" cho những ông chủ ôm "giấc mộng Thánh Gióng".

Tại ĐHCĐ diễn ra sáng ngày 18/4, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xăng dầu (PG Bank), cho biết hậu quả đi đến việc phải sáp nhập để tồn tại như ngày hôm nay chính là nguyên nhân bị ép tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, thành ra định hướng đã bị phá vỡ.

Khi da không bọc được xương

Ông Bảo chia sẻ, trong định hướng ban đầu, từ năm 2006, PG Bank được xây dựng rất bài bản, thuê chuyên gia nước ngoài xây dựng lộ trình trong 5 - 10 năm, chủ yếu tập trung vào lợi thế về mạng lưới và quy mô hoạt động của Petrolimex để tổ chức một ngân hàng bán lẻ thuần túy, dịch vụ tài chính là chính ở những kỹ năng cao: kinh doanh ngoại hối, phái sinh, thẻ, sử dụng mạng lưới để quản lý dòng tiền và luân chuyển, cho vay nhỏ lẻ phục vụ cho hệ thống khách hàng của Petrolimex.

"Với định hướng đó, từ năm 2006 - 2012, nhu cầu vốn của PG Bank là 1.200 tỷ đồng (lúc đó vốn điều lệ là 200 tỷ đồng). Nhưng đáng tiếc, là năm 2010, đã bị ép tăng vốn lên 3.000 tỷ, thành ra định hướng đã bị phá vỡ. Áp lực lên HĐQT là phải tăng trưởng tín dụng và hậu quả đã thấy", ông Bảo nói.

Một trường hợp nữa là ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB). Có tiền thân là Ngân Hàng TMCP Nông thôn Mỹ Xuyên, được thành lập ngày 12/10/1992 và đặt trụ sở chính tại Tp.Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Mọi sự thay đổi bắt đầu từ năm 2005, khi chuyển mình thành ngân hàng thành thị với cái tên MDB, vốn điều lệ tăng chóng mặt, từ mức 24,7 tỷ đồng vào năm 2005 lên đến 3.750 tỷ đồng hiện nay, tức là tăng đến 151 lần sau 10 năm. Trong quá trình tăng vốn khủng này đã xuất hiện các cổ đông lớn như Fullerton Financial Holdings nắm 20% vốn, MaritimeBank nắm 10,16% (chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua Công ty CP Quản lý Quỹ Tín Phát - TPF khoảng 282 tỷ đồng)…

Cũng chỉ vì lớn quá nhanh, mà Ngân hàng TMCP Dầu khí (GP Bank), tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình, đã phải bán mình cho nước ngoài. Đây sẽ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng, 1 TCTD nội địa được bán toàn bộ cho NĐT ngoại.

Chỉ với vốn điều lệ 5 tỷ đồng lúc thành lập, ngân hàng đã vụt lớn lên vào cuối năm 2005 với vốn điều lệ là 135 tỷ đồng. Đến năm 2007, đổi tên thành GP Bank với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Năm 2009, tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và năm 2010 tăng lên 3.000 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng quá nhanh về quy mô đã đẩy ngân hàng này đến kết cục phải bán cho đối tác nước ngoài 100% cổ phần, đó là ngân hàng UOB (ngân hàng của Singapore). Đến nay, UOB đã khảo sát xong ở GPBank và theo dự kiến của cơ quan quản lý, GP Bank sẽ chuyển thành chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Thực tế thì lớn nhanh có tốt cho ngân hàng hay không lại là vấn đề không dễ trả lời, bởi nó tùy thuộc vào tiềm lực và lợi thế của từng ngân hàng. Theo giới chuyên gia, việc trở thành ngân hàng lớn thì rất tốt, nhưng lớn theo cách sáp nhập 1 TCTD khác vào lại phải rất cẩn trọng.
Lớn nhanh... đâu dễ
"Sự thật là họ đang mua thời gian với kỳ vọng nền kinh tế tốt lên trong tương lai gần, như vậy mỗi TCTD sẽ tự tốt lên và những vấn đề về nợ xấu, vốn điều lệ ảo cũng sẽ tự nhiên mất đi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kỳ vọng, bởi mỗi vấn đề đều có 2 mặt của sự việc. Vấn đề đặt ra là nếu nền kinh tế xấu đi thì sao?", Ts. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng phân tích.
Cùng quan điểm này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cũng cho rằng việc sáp nhập ngân hàng là không đủ giải quyết vấn đề cơ cấu của ngành Ngân hàng. Việc sáp nhập chỉ là một biện pháp trong những biện pháp cải cách hệ thống tài chính ở bất kì quốc gia nào. Bản thân biện pháp này không giải quyết được toàn bộ vấn đề.
"Việc một ngân hàng yếu kém nhập lại với nhau thành ngân hàng lớn hơn là không thể giải quyết được vấn đề của họ vì những yếu kém của họ vẫn chưa được giải quyết. Theo thời gian, số lượng ngân hàng sẽ ít hơn, các ngân hàng sẽ trở nên mạnh hơn thông qua sáp nhập, nhưng cũng có trường hợp phải kiên quyết loại trừ. Nếu nhà băng nào yếu quá thì NHNN nên tính toán, cân nhắc cho phá sản để không ảnh hưởng tới sự an toàn của cả hệ thống ngân hàng", bà Victoria Kwakwa đánh giá.
Chúng ta có thể nhìn vào trường hợp của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) để tự đánh giá. Nhưng có một thực tế, là sau 3 năm kể từ khi sáp nhập với Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện (VPSC), LienVietPostBank vẫn đang loay hoay với giấc mơ "Thánh Gióng" của mình.
Là ngân hàng mới được thành lập năm 2008, LienVietPostBank những tưởng sẽ "lớn nhanh như thổi" sau vụ hợp nhất với VPSC để có thêm 10.000 điểm giao dịch trên khắp cả nước, cả ở vùng sâu, vùng xa nhất cả nước. Tuy nhiên, do hạn chế về tiềm lực tài chính (vì mới thành lập) cũng như những hạn chế của mạng lưới hoạt động của VPSC (nhân sự, cơ sở vật chất…) chính là rào cản cho sự "lớn nhanh như thổi" của LienVietPostBank.
Một lãnh đạo cấp cao của LienVietPostBank thừa nhận lợi thế về mạng lưới là có thật, nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. "Đầu tư tiền vào hệ thống mạng lưới này để khai thác rất tốn kém và không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai", vị này chia sẻ.
Rõ ràng, giải pháp tái cơ cấu bằng cách tự sáp nhập với nhau vẫn rất không ổn. Nếu chất lượng ngân hàng không được nâng lên như đòi hỏi của cuộc cải cách, những cuộc sáp nhập sẽ chỉ là phép cộng số học đơn thuần.
Theo Minh Huệ
Thời báo Kinh doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét