Trang

23 tháng 4, 2014

Thảm họa giáo dục


(PetroTimes) - “Học thuê”, “thi hộ” là những cụm từ khá phổ biến trong các trường đại học hiện nay. Ngày trước, sinh viên chỉ thuê người đi học hộ trong một, hai buổi vì có việc bận đột xuất. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các dịch vụ “thi thuê, học hộ” ngày càng phát triển rầm rộ, tỷ lệ thuận với nhu cầu của sinh viên.
Nghề mới: Học thuê
Giảng đường rộng lớn với hàng trăm người, cộng thêm việc học tập chủ yếu dựa vào sự tự giác đã vô tình “tiếp tay” cho những “mánh lới” luồn lách của nhiều sinh viên. Trốn học, cúp tiết, đến giờ điểm danh mới lẻn vào, hoặc nhờ bạn bè điểm danh hộ là những mánh khóe “cơ bản” của một bộ phận đông đảo bạn trẻ hiện nay. Qua khảo sát một số sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau trên địa bàn TP HCM, chúng tôi nhận thấy tất cả đều tỏ ra không mấy xa lạ với dịch vụ “học hộ, thi hộ” đang ngày một “phát tướng”.
Quảng cáo thi hộ môn Anh văn
Nhiều bạn sinh viên cho rằng bây giờ rất khó kiếm việc làm cho sinh viên mà không cần lao động chân tay. Chỉ cần ngồi không 2, 3 tiếng chờ điểm danh mà nhận được 100 ngàn, như vậy là quá nhiều so với công sức bỏ ra. Quả thật, đây có thể được coi là việc làm thêm bán thời gian hấp dẫn của các bạn sinh viên để tăng thêm thu nhập. Nếu được thuê đều đặn thì trung bình mỗi tháng sẽ kiếm được hơn 3 triệu, chưa kể các buổi thi hộ giá sẽ cao hơn.
Một trang mạng xã hội chuyên nhận học thuê, thi hộ.
Hầu hết các sinh viên khi được hỏi đến lý do đi thuê người học hộ đều viện lý do “quá bận rộn”. H. Hải (Đại học Văn Lang) tâm sự: “Vì mình có nhiều việc đột xuất, mà nếu nghỉ quá 20% số tiết thì sẽ bị đình chỉ thi nên đành phải tìm người đi học hộ”. Còn M.Thương (Đại học Kinh tế) lại phân trần: “Mình đăng ký nhầm lớp nên bị trùng giờ học, bất đắc dĩ mới phải nhờ người học hộ”. Trong khi đó, các “chuyên gia” đi học hộ thì hầu hết đều tự giới thiệu là sinh viên rảnh rỗi, muốn tìm “công việc” làm thêm.
Dạo qua Google và các trang mạng xã hội, chúng tôi dễ dàng tìm thấy những thông tin đăng tuyển tìm người học hộ, thi thuê nhan nhản trên mạng. Những lời rao “hấp dẫn” đi kèm luôn cả thông tin cá nhân và số điện thoại liên hệ cho thấy, nhiều sinh viên hiện nay xem việc học thuê, thi hộ là hết sức bình thường, không cần che dấu. Hoa mắt bởi hàng trăm tin rao có nội dung tương tự nhau, chúng tôi đành chọn bừa một số điện thoại có thời gian đăng tin gần đây nhất. Đầu dây bên kia là một giọng nữ. Chúng tôi nhanh chóng có một cái hẹn với nữ sinh viên này.
Đó là Đ.T.M.Dung, sinh viên năm 3 trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM. Cô cho biết hiện đang phải học lại môn Xác suất thống kê nhưng không có thời gian đi học. Thầy giáo phụ trách môn này lại hay điểm danh ngẫu hứng, nếu sinh viên nào bị phát hiện vắng 3 buổi học trở lên sẽ bị cấm thi. Vì vậy, cô lên mạng đăng tin thuê người đi học để điểm danh. Dung chỉ đồng ý thanh toán “trọn gói” sau khi môn học kết thúc và cô chắc chắn rằng mình không bị cấm thi. Sau khi ngã giá, Dung đồng ý thuê chúng tôi với giá 800 ngàn/8 buổi.
Học thuê ở các lớp có hàng trăm sinh viên quá dễ
Đúng như Dung nói, hôm chúng tôi vào lớp, giáo viên không hề điểm danh. Đến cuối buổi học, chúng tôi nhắn tin cho Dung “báo cáo”. Có lẽ qua một người bạn cùng lớp, Dung đã nhanh chóng xác nhận chúng tôi có đi học đúng như cam kết. Vậy là, sau 3 tiếng chỉ ngồi không trong lớp, giả vờ nghe và viết, chúng tôi coi như đã “bỏ túi” 100 ngàn đồng.
Qua nhiều lần trò chuyện với Dung, chúng tôi được biết, cô bắt đầu tìm người học thuê từ năm thứ 2 Đại học. Dung kể: “Hồi năm nhất mình cũng đi học đầy đủ chứ. Nhưng học mấy môn Đại cương thật sự là rất chán, đi học mà buồn ngủ vô cùng. Riết rồi mình lười, cúp học vài lần. Thế là bị gạch tên”. Không được thi hết môn, Dung đành phải đợi sang năm thứ hai để học lại. Nhưng “bệnh lười” có lẽ đã vận vào người, khiến cô nàng bắt đầu tìm cách đối phó. Ban đầu là nhờ bạn bè cùng lớp điểm danh hộ. Sau đó bị giáo viên phát hiện do thấy có người điểm danh 2 lần, Dung lại tiếp tục bị cấm thi. Đến lần thứ ba, nghe có người bạn mách nước lên mạng tìm người học thuê, Dung áp dụng ngay. Đến nay thì cô đã trở nên quá quen thuộc với loại hình “dịch vụ” này, thậm chí biết cả cách đối phó để tránh bị lừa..
Khó cả cho thuê và hộ
Không đâu xa là câu chuyện của Đ.T.M.Dung, cô sinh viên thuê chúng tôi đi học hộ. Dung kể: “Lần đầu đi thuê người học hộ, mình lớ ngớ không biết gì. Cứ sau 3 buổi học mình lại chuyển khoản cho con nhỏ đó một lần mà không xác minh là nó có điểm danh cho mình đủ không. Đến khi bạn bè cùng lớp báo tin mình bị gạch tên thì mình mới tá hỏa. Hóa ra nó chỉ đến lớp 30 phút đầu rồi về. Vậy là đành mất thêm một khoản tiền nữa để đăng ký học lại.”
Ngay cả trong phòng thi được canh gác nghiêm ngặt, vẫn có nhiều trường hợp thi hộ diễn ra.
Q.Trâm (sinh viên ĐH Công nghiệp) lại có một bài học “xương máu” khác. Trâm kể, cô nhờ một cô bé sinh viên năm 2 thi hộ môn Toán cao cấp, là môn duy nhất còn thiếu điểm để tốt nghiệp. Cô bé đó “quảng cáo” trên mạng là rất giỏi môn này, thi đảm bảo đậu. Giá cô bé đưa ra là 300 ngàn để được 5 điểm, 400 ngàn để được 7 điểm và chỉ thanh toán khi nhận được kết quả. Yên tâm với lời “quảng cáo”, Trâm chắc mẩm sẽ qua được môn này. Tuy nhiên, cuối giờ thi, cô gọi điện cho cô bé để hỏi thăm tình hình thì chỉ nhận được tin nhắn trả lời: “Hôm nay em có việc đột xuất không đi thi cho chị được. Chị thuê người khác vậy. Xin lỗi chị nhiều nha!” Sau đó là “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”, khiến Trâm vừa ức vừa không biết kêu ai.
Người đi thuê đã vậy, lắm người học thuê cũng gặp nhiều xui rủi. Q.Anh, sinh viên Công nghệ thông tin mới ra trường chia sẻ bài học của mình. “Mình nhận đi học thuê lớp Anh văn tại chức cho một chị. Cam kết cứ thi học kỳ xong, có điểm sẽ chuyển khoản một lần. Mình học được đến tháng thứ ba thì bà ấy gọi điện, bảo là không cần học nữa rồi quỵt luôn tiền học 3 tháng của mình. Thế là coi như mất 3 tháng đi làm không công”, Q.Anh thở dài.
Bằng thật - Học giả
Có thể nói, học hộ, thi thuê đã trở nên "phổ biến" ở dạng "ngầm" đối với các bạn sinh viên lười học, lười thi ở nhiều trường đại học, cao đẳng. Hiện nay, việc phát hiện ra chuyện học hộ rất khó vì số lượng sinh viên trong các lớp thường rất đông lại không ổn định. Giảng viên còn bận trăm công nghìn việc, không thể nào nhớ hết được mặt từng sinh viên mà lên lớp thường chỉ kiểm tra sĩ số, điểm danh tên. Do công tác quản lý, kiểm tra chưa chặt chẽ nên nhiều sinh viên vẫn “lọt lưới” và có được những điểm số không thật với khả năng của mình.
Việc công khai lập nhóm, hội trên Facebook, mở những trang web quảng cáo… càng cho thấy tình trạng đáng báo động của việc làm vi phạm quy chế học tập, thi cử này. Dường như, việc chống tiêu cực trong học tập và thi cử dường như chỉ được chú trọng ở các kì thi “sinh tử” như thi đầu vào Đại học. Trong khi công tác quản lý có phần lỏng lẻo trong các trường Đại học hiện nay chính là kẻ hở cho những sinh viên lười học, thì “căn bệnh” thành tích ngầm tồn tại lại tiếp thêm “động lực” đẩy tình trạng vi phạm này tiếp tục ngày tăng cao.
Rõ ràng, khi xã hội chuộng bằng cấp thì con người cũng chạy theo bằng mọi cách. Ai cũng cần địa vị, danh tiếng để có điều kiện phát triển nhiều hơn. Có người muốn "đi tắt", "đón đầu" tìm cách có tấm bằng đại học để tiến thân. Do vậy, người ta tìm mọi cách tự đẩy mình lên, mua danh vị, chức tước, kể cả làm những điều không đẹp để có bằng cấp, dù là học giả, kiến thức vay mượn, chắp vá.Trong xã hội, người ta xét nhau nhiều khi chỉ ở vẻ bề ngoài nên cũng khiến nhiều người đã chạy tìm hư danh. Bằng cấp là một thứ để làm người ta oai hơn, danh tiếng hơn, dễ kiếm việc hơn là thực lực.
Những sinh viên không có thực lực này nếu được bổ nhiệm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển hiện nay, “sai một li đi một dặm”, thậm chí một sai phạm không được xử lý đúng có thể còn gây đại họa. Điều tệ hại hơn nữa là những kẻ có bằng cấp giả lại đem “kiến thức” và “đạo đức” của mình đi dạy học, lại chuyển tiếp “tấm gương” xấu đó đến những thế hệ khác. Thiết nghĩ, nếu xã hội còn xét con người theo hình thức mà không theo năng lực như hiện nay thì hiện tượng này vẫn sẽ tiếp tục tồn tại mà không cách nào phá bỏ được.
Nguyên Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét