thế Anh
Theo Dân luậnBTTD: Có những kẻ khùng tự cho mình là tài, dám tự ý chỉnh sửa thiên phẩm của tiền nhân. Phải chăng họ tự sướng cho mình là những "đỉnh cao trí tuệ"?
Có một việc mà giới văn nghệ sỹ, cũng như những người yêu văn thơ bức xúc, đó là truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du gần đây đã bị xâm hại, mà người khuyến khích cho việc làm hỗn hào này, tiếc thay lại chính là ông Vũ Khiêu – giáo sư, Anh hùng lao động, nguyên Phó viện trưởng Viện khoa học xã hội Việt Nam, vẫn được tiếng (hão?) là nhà văn hóa.
Xin đừng dung tục và hạ thấp văn chương Truyện Kiều
Trong cuộc hội thảo về Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ Mới tổ chức tại Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân – Hà Tĩnh), mỗi đại biểu tham dự được tặng một cuốn sách (bản photo) có nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng, do KS. Đỗ Minh Xuân khảo dịch – Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin in năm 2012 và có lời Đề tựa của GS. Vũ Khiêu:
“Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, ông tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…Không hiểu cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin in và phát hành chưa, vì chúng tôi không thấy xuất hiện trên thị trường sách ở Hà Nội, vả lại cách bố cục của cuốn sách cũng có những nét đặc biệt khác với thông lệ của một ấn phẩm văn chương, chẳng hạn trong lời mở đầu cuốn sách tác giả đã có lời Kính cáo cụ Nguyễn Duvà xin phép cụ để xuất bản bản khảo dịch Truyện Kiều này vì ông cho rằng người đọcTruyện Kiều ngày nay, không còn thịnh như trước đây do rào cản về điển tích, từ Hán, từ cổ, từ địa phương… Tiếp theo là Lời nói đầu (16 trang) và cuối mỗi trang đều có một câuLời nói đầu, Truyện Kiều với tiếng Việt hiện đại (Đánh dấu tuổi 80, bản in 15-11-2012). Sau đó là văn bản Truyện Kiều thì lại đánh số trang bằng tiếng Pháp (từ page 1 đến page 109 và cuối cùng là lời Tự bạch cho Truyện Kiều 15-11-2012 (16 trang) nhưng thực chất là bản tự thuật của tác giả theo kiểu liệt kê trong gia phả và kể lể công lao thành tích trong quá trình hoạt động Cách mạng mà chẳng có gì liên quan đến vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều cả.
Trong cuốn sách tác giả có nhắc đi nhắc lại hai lần Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du, UNESCO đã công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Điều này không đúng, Nguyễn Du chỉ mới được Hội đồng hòa bình thế giới quyết định kỷ niệm 200 năm (1965) ngày sinh của ông cùng với 8 danh nhân văn hóa khác của thế giới trong đó có nhà thơ La Mã Horace, nhà thơ Ý Dante, nhà bác học và là nhà thơ Nga Lômônôxôp… chứ chưa được UNESCO công nhận.
Khái niệm khảo dịch của tác giả cuốn sách cũng không chính xác, vì thực chất ông đâu có dịch mà chỉ chữa lại văn của Nguyễn Du một cách vụng về. Chẳng hạn ông đã thay chữ nghĩ trong 4 câu Kiều bằng những chữ khác:
Câu 12: Gia tư ông cũng thường thường bậc trung
Câu 610: Vì nàng ông cũng thương thầm xót vay
Câu 894: Phía ngoài cũng đã giục liền ruổi xe
Câu 1182: Dơ tuồng hắn mới kiếm đường tháo lui
Ông cho rằng những chữ vừa thay đã làm cho 4 câu thơ trên được nâng lên một tầm cao mới (!?).
Câu 2042: Lạ lùng nàng vẫn tìm đường nói quanh được chữa lại là Lạ lùng Kiều tạm tìm đường nói quanh rồi tự khen chữ “tạm” của mình hay hơn chữ “vẫn” của Nguyễn Du (!).
Ông còn dùng từ đơn và lẻ thay cho từ chiếc trong các câu sau đây:
Câu 1523: Người về chiếc bóng năm canh (Nguyễn Du)
Người về đơn bóng năm canh (Đỗ Minh Xuân)
Câu 1526: Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường (Nguyễn Du)
Nửa in gối lẻ nửa soi dặm trường (Đỗ Minh Xuân)
Câu 1627: Kiều từ chiếc bóng song the (Nguyễn Du)
Kiều từ đơn bóng song the (Đỗ Minh Xuân)
Câu 1792: Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân (Nguyễn Du)
Buồng không thương kẻ tháng ngày đơn thân (Đỗ Minh Xuân)
Câu 2231: Kiều từ chiếc bóng song mai (Nguyễn Du)
Kiều từ đơn bóng song mai (Đỗ Minh Xuân)
Trong Truyện Kiều Nguyễn Du đã dùng nhiều từ Hán – Việt và điển cố, tác giả cuốn sách đã mạnh tay (nếu không nói là liều lĩnh) gạt bỏ và thay vào đó những từ mà ông cho là rõ nghĩa hơn và lột tả được nội dung điển tích và ý của Nguyễn Du. Chẳng hạn cha thay choxuân, mẹ thay cho huyên, cha mẹ thay cho xuân huyên, phụ đường hay phủ đường (!) thay cho xuân đường.
Để bạn đọc có thể hình dung được một cách cụ thể hơn, chúng tôi xin nêu lên sau đây một số trường hợp (trong gần 1000 đơn vị từ) mà tác giả đã chữa lại văn của cụ Nguyễn Du:
Trên đây chúng tôi chỉ mới nêu lên một số trường hợp làm dẫn chứng, còn thực tế trên cuốn sách ông Đỗ Minh Xuân đã sửa chữa thay thế khoảng 1/3 chữ nghĩa của Truyện Kiều mà ông cho là rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh… Ông còn bắt bẻ cụ Nguyễn Du trong nhiều trường hợp chẳng hạn:
Câu Chữ của Nguyễn Du Chữ thay thế của ông Đỗ Minh Xuân 5 Lạ gì bỉ sắc tư phong Mõi người thứ có thứ không 136 Tay khấu cương ngựa 156 Một nền Đồng Tước Buồng đào nơi tạm 208 Giá đành tú khẩu Lời vàng ý ngọc 233 mộng triệu mộng ấy 235 mộng triệu mộng mị 238 đã dào mạch Tương đã chào vừng dương 266 Lam Kiều đánh liều 280 Lãm Thúy kiểu dáng 306 Hợp Phố chủ cũ 377 (thì) thời trân quả ngon sẵn bày xách tay Thời trân thức thức sẵn bày Quả ngon thức thức xách tay (!) 406 Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này Xưa nay hiếm thấy tài đâu thế này 439 đỉnh Giáp, non Thần tiên nữ giáng trần 464 Chung Kỳ ngưỡng vì 507 (trên) Bộc (trên) cỏ 512 Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi – Trương Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang 1458 Châu – Trần còn có Châu – Trần nào hơn Lứa đôi còn có gì cần nhiều hơn 1638 Liệu như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao? Liệu người ngoài cuộc khác vòng nghĩ sao? 1988 thiếp Lan Đình thiếp xem tình 3200 Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh Ấy là trong mộng hay là thực sinh v.v…và v.v…
Khi cụ viết: Trải qua một cuộc bể dâu (câu 3). Ông phân tích: Trong đời người, đâu chỉ có một cuộc bể dâu? Phải dùng “mỗi” mới hợp.Câu 935 cụ Nguyễn Du viết: Trên treo một tượng trắng đôi lông mày, ông cho rằng tượng không treo được và phải viết Trên treo thần ảnh trắng đôi lông mày.
Câu 2973: Cơ duyên đâu bỗng lạ sao, ông chữa lại là Cơ duyên tác hợp khéo sao và tự cho là hay hơn (!).
Câu 2062: Bóng hoa rợp đất, vẻ ngân ngang trời, ông chữa lại: Bóng hoa rợp đất, ve ngân ngang trời mới hợp với thực tế v.v…và v.v…
Về vấn đề phân tích và lập luận của tác giả đôi khi cũng có thể làm đề tài mua vui, chẳng hạn câu 39: Tiết vừa con én đưa thoi, ông hỏi vặn lại chẳng lẽ cứ tiết trời có én bay là mùa xuân? Như thế, ngoài mùa xuân ra thì én đi bằng hai chân để kiếm sống à?
Câu 57 – 58 theo ông Xuân phải đọc là:
Se se (chứ không phải sè sè) nấm đất bên đườngDầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanhÔng phân tích đó là nấm mồ vừa mới đắp, đất hơi se se, cỏ chưa hồi phục hẳn, nên đang còn nửa vàng nửa xanh.
Câu 77: Sắm sanh nếp tử xe châu, ông cho rằng đây không phải là quan tài bằng gỗ thị như nhiều người giải thích, mà chữ “tử “ ở đây phải hiểu là “chết“ mới đúng, tức là nếp dành cho người chết.
Có lẽ không cần phải dẫn chứng và bình luận gì thêm, bạn đọc cũng đã hình dung được công trình khảo dịch Truyện Kiều này của ông Đỗ Minh Xuân và liệu có phải như ông khẳng định cách làm này của ông là một cuộc cách mạng (đại ngôn vô lối) mở đầu cho việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng, trong sáng và nó sẽ là cơ sở ban đầu cho các thế hệ kế tiếp hoàn thiện cho việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Việt hiện đại hay không? Ông tin rằng việc dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài cũng sẽ thuận lợi hơn và ông tự thưởng cho mình một lời khen của cụ Tố Như cũng đầy vẻ hài hước: “… Nguyễn Du có sống lại cũng phải thốt lên hậu sinh khả úy” (nguyên văn lời của ông viết ở trang 15).
Riêng suy nghĩ của chúng tôi thì văn chương của Nguyễn Du nói chung và tiêu biểu là kiệt tác Truyện Kiều đã được nhân dân ta thưởng thức và ngưỡng mộ qua nhiều thế hệ, từ những bậc thức giả đến các tầng lớp bình dân kể cả những người không biết chữ và bạn bè quốc tế cũng dành cho nhà thơ những tình cảm tốt đẹp để ca ngợi và tôn vinh. Không hiểu với tác phẩm khảo dịch này có làm cho Truyện Kiều của Nguyễn Du được nâng lên một tầm cao mới như tác giả khẳng định hay không, hay chỉ là những câu vần vè ngây ngô làm cho văn chương Truyện Kiều bị hạ thấp và dung tục hóa đến mức khôi hài.
Thế Anh
Đôi điều nhắn nhủ ông Vũ Khiêu:
Người xưa nói “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” để thấy con người ta phấn đấu để có được cái danh khó lắm thay, nhưng để mất danh thì dễ lắm thay. Ông đã có được chút danh (dù hiện nay tôi biết rất nhiều người chửi ông là hữu danh vô thực, kiến thức lỗ mỗ, chỉ giỏi xào xáo), vậy thì càng nên gắng giữ gìn. Tôi thấy dạo này ông làm nhiều việc ảnh hưởng đến danh quá, như cái vụ “giáng bút” ở Bình Đà (tìm đọc bài: “Ô hô, giáo sư AHLĐ Vũ Khiêu từ cõi tiên về giáng bút” trên blog Nguyễn Xuân Diện thì rõ). Chữ nghĩa viết lời bạt in vào sách nó như văn bia ấy. Xưa cụ Nguyễn Khuyến từng cảnh báo: “Văn bia không đốt như văn tế”, vì thế khi viết lách cái gì phải hết sức cẩn trọng. Chê sai còn xin lỗi, đính chính được, chứ khen sai thì biết làm thế nào mà sửa đây. Ông hãy tìm đọc truyện ngắn “Bút máu” của nhà văn Vũ Hạnh để mà thấy cái việc cầm bút phải như thế nào.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét