Trong thời gian qua, việc đội giá, đội vốn của các dự án đã như chuyện thường ngày vẫn thế. Bởi vậy, khi nghe dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn mọi người nghe qua cũng cho đó là bình thường. Cũng chính vì cái rất bình thường đó, nên ông Cục trưởng Cục đường sắt đã phang ngay một câu “Điều chỉnh một tí mà đã rùm beng cả lên”.
Nhưng vấn đề cốt lõi chính ở cái một tí của ông Cục trưởng có giá trị lên đến 339 triệu USD.
Xin được nhấn mạnh là mức đội vốn lên đến 339 triệu USD trong khi tổng mức đầu tư chỉ 552 triệu. Thật xúc phạm khi còn có thể gọi đó là đội vốn, là điều chỉnh.
Trao đổi với Lao động, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đây là dự án được thực hiện từ năm 2008 và Bộ GTVT đang xem xét lại việc điều chỉnh dự án song song với việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Bộ trưởng không coi đây là chuyện nhỏ và rất dứt khoát chuyện ai đó phải chịu trách nhiệm dù trong chuyện đội vốn có yếu tố trượt giá. Nhắc lại là một trong những đột phá trong nhiệm kỳ bộ trưởng của ông Thăng chính là đột phá vào chuyện chậm tiến độ, căn bệnh mãn tính của những ngành xây dựng cơ bản.
Rất muốn bênh ông Cục trưởng rằng có lẽ đó chỉ là “lỡ miệng thật thà” khi thật ra, ông cũng chỉ là người tiếp nhận món “cân kê” từ người tiền nhiệm đã “hạ cánh an toàn”. Nhưng trong sự “lỡ miệng thật thà” ấy, chết nỗi, dư luận đang nhìn thấy quan điểm, thái độ và trách nhiệm của người quản lý với đồng vốn, dù là ODA thì bản chất cũng là tiền thuế của dân, cũng do dân trả cả thôi.
Sao hơn 300 triệu USD, 6-7 ngàn tỷ mà lại bảo là “một tí” được nhỉ! “Một tí” 6-7000 tỷ thì không biết “hai tí” sẽ là bao nhiêu? Hay, như dư luận đang chua chát tự hỏi “Tiền là mồ hôi nước mắt đối với dân nhưng chỉ là giấy trong tay quan chức”?.
Và có lẽ, câu chuyện 339 triệu USD hay gần 7000 tỷ trong tư duy một số quan chức chỉ là “một tí” khiến chuyện “đội vốn”, “đội giá”, “điều chỉnh” sẽ vẫn còn là chuyện dài nhiều tập.
Theo Đào Tuấn ( Lao Động )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét