Trang

23 tháng 4, 2014

Nhà thầu TQ đội vốn gần 100%

Nhà thầu TQ đội vốn: Xây dựng nói trách nhiệm Giao thông!
(Tin tức thời sự) - “Việc lập tổng mức đầu tư và phải điều chỉnh dự án là lỗi chủ quan của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, lập dự án và tổng thầu EPC”.
Đó là khẳng định của Bộ Xây dựng trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan tới chỉ đạo của Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm đội vốn gần 100% tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tờ Tuổi trẻ nói rõ, văn bản do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh ký gửi Văn phòng Chính phủ.
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông bị đội vốn gần 100% . (Ảnh: TTO)
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông bị đội vốn gần 100% . (Ảnh: TTO)
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến giao Bộ GTVT thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm vụ đội vốn 339 triệu USD.
Chiều 22/4, trong thông cáo về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng tương đương với 552,86 triệu USD, được huy động từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cục Đường sắt Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư. Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện gói thầu số 1 của dự án và thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp.
Tuy nhiên, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ, đội vốn đầu tư.
Đáng chú ý, Bộ GTVT cho rằng việc điều chỉnh thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư của dự án do đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở VN có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp, được bắt đầu nghiên cứu báo cáo khả thi từ đầu năm 2004 nên các đơn vị chủ đầu tư và tư vấn lập dự án (TEDI) chưa có nhiều kinh nghiệm.
Do vậy, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở còn có những nội dung cần phải thay đổi trong quá trình thiết kế kỹ thuật và thi công sau này để phù hợp thực tế.
Đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là 552,86 triệu USD được tính theo mặt bằng giá quý 1/2008, trước thời điểm dự án được phê duyệt (tháng 10/2008).
Từ thời điểm đó đến nay có nhiều biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.
Chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư được duyệt năm 2008 là 17%, tương ứng 69,1 triệu USD. Tuy nhiên, tính toán của chủ đầu tư và TEDI cho thấy giá cả và chế độ chính sách thay đổi nên kinh phí trượt giá cho khối lượng xây lắp phải bổ sung dự tính khoảng 134,1 triệu USD...
Về tiến độ dự án, theo Bộ GTVT, đến nay dự án đã triển khai thi công hoàn thành 286 trụ cầu/421 trụ (đạt 75%); 7 nhà ga/tổng số 12 nhà ga; hoàn thành thi công xử lý đất yếu 5,6ha/23ha trong depot, xây dựng bãi đúc và đúc được 232 phiến dầm, lao lắp được 30 phiến dầm.
Tổng giá trị khối lượng thực hiện là 2.701 tỉ đồng, tương đương 31,08% giá trị dự án. Đã giải ngân 3.400 tỉ đồng, tương đương 39% giá trị dự án.
Do đó, Bộ GTVT đã kiến nghị cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc thiếu vốn xin thêm là bình thường và đang xem xét đề xuất phía Trung Quốc cho vay thêm
Không thể chấp nhận được!
Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt - PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định: "Không có cơ sở điều chỉnh tổng đầu tư gần 100%".
PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh, theo Luật Xây dựng, nếu công trình bị đội giá vượt quá 10% là phải thực hiện thẩm định dự án lại từ đầu và trên cơ sở đội vốn công trình phải có lợi cho nhà đầu tư.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bị đội vốn gần 100% (từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó), điều này theo luật là không được phép.
Ông cũng cho biết, “xin điều chỉnh tổng vốn đầu tư với lý do chi phí thiết bị xây dựng tăng giá là không thể chấp nhận được, đó là mức giá bỏ thầu nên không được coi là yếu tố bị ảnh hưởng và được điều chỉnh. Về giải phóng mặt bằng có thể xem xét nhưng phải có giải trình cụ thể”.
Trong khi đó một chuyên gia của trường Đại học GTVT cho rằng: Theo Nghị định 83 của Chính phủ, quy định rất rõ, thay đổi tổng mức đầu tư công trình xây dựng gần như là không cho phép.
“Nó chỉ được điều chỉnh đối với một số công trình đặc biệt và được sự xem xét, đồng ý của thủ tướng. Hiện công trình đã xong đâu mà tính được mức đội giá?”, chuyên gia này nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, mức đầu tư bình quân trên thế giới với tàu điện ngầm từ 60 - 100 triệu USD/km, đường sắt đô thị trên cao chỉ bằng 1/3 tức khoảng 20 - 30 triệu USD/km. Với 13 km đường sắt mà tổng mức đầu tư (dự kiến điều chỉnh) lên tới 891,92 triệu USD, tức mỗi kilomet tốn gần 70 triệu USD là quá đắt đỏ. Ông Thủy cho rằng, phải xem xét lại trách nhiệm của các đơn vị thực hiện dự án, bởi gánh nặng tăng chi phí vốn vay sau này người dân sẽ phải chịu.
Lam Lam Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét