Trang

25 tháng 3, 2014

Trong ngắn hạn, lòng tham sẽ vẫn được kích hoạt

Trong ngắn hạn, lòng tham sẽ vẫn được kích hoạt"

Không có thông tin mới thì trong 1, 2 tuần tới chưa đáng lo ngại. Khi KQKD của một số công ty tốt được công bố trước (khoảng trung tuần tháng 4 và mùa ĐHCĐ kết thúc) thì có thể dòng tiền sẽ chững lại.

Tổng cục Thống kê vừa công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô. Theo ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì những con số này cho thấy là "nền kinh tế mới chỉ đi đúng hướng thôi chứ chưa có sự bứt phá gì cả". Vậy điều gì sẽ hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới? Có gì đáng nói về thông tin nới room? 
Thưa ông, Tổng cục thống kê vừa công bố các chỉ số vĩ mô GDP và CPI. Ông đánh giá như thế nào về các chỉ số vĩ mô này?
Ông Trần Minh Hoàng: Có 2 chỉ số quan trọng là GDP và lạm phát đã được công bố với mức tăng 4,96% của GDP quý I/2014 – cao hơn khá nhiều so với mức tăng của năm ngoái cũng như năm trước nữa. Từ góc độ nào đó, điều này tiếp tục củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư rằng tình hình kinh tế năm 2014 sẽ tiếp tục tốt lên. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì những con số này cho thấy là nền kinh tế mới chỉ đi đúng hướng thôi chứ chưa có sự bứt phá gì cả.

Thứ nhất, GDP tăng tốt hơn chủ yếu là do đóng góp của ngành dịch vụ với mức tăng 5,95% trong khi lĩnh vực then chốt để phản ánh mức độ phục hồi của nền kinh tế là lĩnh vực sản xuất thì chỉ tăng hơn 4,6% - thấp hơn mức tăng của GDP.
Tôi nghĩ là việc GDP tăng như vậy chỉ có thể đánh giá là “không phải là một thông tin xấu” chứ nói là tốt thì cũng chưa hẳn.
Còn từ phía CPI, mức âm 0,44% là mức khá lớn trong tháng 3, trong 11 năm trở lại đây. Đáng chú ý hơn, trong 2 tháng đầu năm tức là trong dịp tết, mức tăng của nhóm lương thực thực phẩm chỉ là 2% -thấp hơn mức tăng trung bình 4% trong 2 năm trước. Nhưng sau đó đến tháng 3 – tháng sau tết lại giảm mạnh trở lại, nhỉnh hơn cả mức giảm của 2 năm trước. Điều này có thể thấy là chi tiêu của người dân thắt chặt hơn, cầu tiêu dùng yếu. Nó sẽ có tác động không tốt đến nền kinh tế trong thời gian tới. Tôi đánh giá đó là một thông tin xấu.
Nhưng cũng thuận lợi một điều, thông tin về GDP cộng thêm sự lan tỏa của việc hạ lãi suất cũng như việc ra đời thông tư 09 sửa đổi thông tư 02 theo đúng kỳ vọng của thị trường, đã phần nào làm lu mờ đi các thông tin xấu. Vì vậy mà thị trường vẫn giữ được đà tăng khá tốt.
Ngoài ra, mặc dù cầu trong nước yếu nhưng có một số thông tin hỗ trợ từ thị trường quốc tế như Mỹ, EU, Nhật đang có sự hồi phục nhất định, tất nhiên là chưa mạnh lắm. Đó là thị trường xuất khẩu lớn của VN, khi hồi phục sẽ góp phần đẩy kinh tế của VN đi lên. Cầu nước ngoài cải thiện sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng của việc cầu nội địa yếu.
Nhìn xa hơn nữa, trong thời giant tới nếu tăng trưởng tiếp tục cho thấy sự cải thiện trong khi lạm phát được kiềm chế tốt, thì ở góc độ nào đấy sẽ thúc đẩy sức mua trong nước hồi phục tốt hơn. Nhưng đó chỉ là nhìn nhận mặt tích cực thôi, vẫn phải xem thêm tình hình sản xuất trong quý 2, quý 3 vì nếu chỉ từ số liệu của quý 1 rất khó nhận định được nhiều.
Có ý kiến cho rằng những chỉ số này có thể được “tác động” để thể hiện là nền kinh tế đang đi đúng hướng. Ông nghĩ sao?
Điều này rất khó nhận định. Sự điều chỉnh nếu có cũng sẽ không nhiều. Hiện tại chưa có số liệu chính thức từ tổng cục thống kê để xem xem thành phần của GDP cụ thể như thế nào. Nhưng nhìn từ số liệu, khi sự thúc đẩy đến từ mảng dịch vụ thì con số 4,96% tuy cao hơn đáng kể so với mức 4,76% của cùng kỳ năm ngoái nhưng có lẽ sẽ mang tính bề ngoài nhiều hơn là phản ánh bản chất sự phục hồi tốt của nền kinh tế. Để bình luận sâu hơn thì vẫn phải chờ khi Tổng cục thống kê công bố số liệu cụ thể để xem trong lĩnh vực dịch vụ ấy, mảng nào đã thúc đẩy sự tăng trưởng này. Giả sử mảng thương mại, bán buôn, bán lẻ tăng trưởng, thì đó là điều tốt. Nếu là các mảng khác thì nó không hẳn là cái gì rõ nét cả.
Vậy theo ông, những yếu tố nào sẽ tác động đến thị trường trong thời gian tới?
Thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4, tình hình kinh tế trong quý I với những thông tin sơ bộ được công bố sẽ không còn ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là thông tin về KQKD của các DN cũng như thông tin từ ĐHCĐ. Tiếp đó có thể là kỳ vọng thông tin nới room sẽ được thông qua. Thời điểm cụ thể có khá nhiều nguồn tin đưa ra, nhưng tôi cho rằng trong nửa đầu quý II, khoảng tháng 4, tháng 5 sẽ được thông qua thôi chứ không để quá lâu nữa.
Ngoài ra là một số thông tin về thế giới nhưng sẽ không tác động nhiều. Thời gian vừa qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng thị trường vẫn tăng trưởng rất mạnh. Vì vậy có thể nói là không có mối tương quan lớn, chỉ có thể coi là một rủi ro cần được xem xét mà thôi.
Trước mắt trong ngắn hạn 1, 2 tuần mới thì tôi thiên về kịch bản là lòng tham sẽ vẫn được kích hoạt vì hiện tại chưa phải là thời điểm công bố KQKD và ĐHCĐ đang tiếp diễn nên vẫn có động cơ để kỳ vọng. Tin nới room chưa được công bố, tức là thị trường vẫn có động cơ để đi lên, ngoài ra thì khó có thông tin gì hỗ trợ nữa. Thị trường đi lên là nhờ sự hưng phấn của dòng tiền, do đó rủi ro rất cao, nhất là khi mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính hiện tại là khá lớn.
Nhưng không có thông tin mới, đặc biệt là không có thông tin xấu thì trong 1,2 tuần tới chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên khi kết quả kinh doanh của một số công ty tốt được công bố trước, tức là khoảng trung tuần tháng 4 và mùa đại hội cổ đông kết thúc, thì thời điểm đấy có thể sẽ là thời điểm dòng tiền chững lại.
Ông dự báo KQKD của các DN trong quý I như thế nào?
Quý I, do ảnh hưởng của dịp Tết có lẽ sẽ không tốt hơn quý 4 nhưng nếu so với cùng kỳ thì tôi nghĩ sẽ có chuyển biến tốt hơn, nhất là với các doanh nghiệp lớn. Tôi cho rằng sự phân hóa sẽ rất rõ nét và sự bứt phá sẽ vẫn phải đến từ các DN đầu ngành có cơ bản tốt và có thị phần lớn.
Sự phân hóa này không hẳn là theo nhóm ngành mà phụ thuộc vào quy mô, thị phần, nền tảng cơ bản của DN. Những DN thép đầu ngành nắm thị phần lớn và kiểm soát được chi phí nhiều khả năng KQKD sẽ vẫn nổi bật và tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Hoặc ngay trong lĩnh vực BĐS, mặc dù thời điểm Quý 1 thường không phải là thời điểm hoạt động tốt của ngành nhưng trong đó cũng có những DN nổi bật, họ có quỹ đất sạch và tận dụng được ưu thế từ các gói hỗ trợ thì sẽ có triển vọng vượt trội hơn các doanh nghiệp khác.
Thưa ông, thông tin nới room đã được kỳ vọng và trở thành động lực cho thị trường khá lâu rồi. Khi thông tin đó được công bố chính thức thì liệu thị trường sẽ giảm không?
Đó cũng là một khả năng cần được tính tới. Nếu nhìn nhận một cách đơn thuần, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là một thông tin tốt cho thị trường. Tuy nhiên, có thể thấy diễn biến tăng điểm khá tốt của thị trường trong thời gian quan cũng đã phản ánh khá nhiều thông tin này vào mức giá hiện tại của các cổ phiếu. Theo đó, không thể loại trừ khả năng khi thông tin nới room trở thành chính thức thì đó cũng là lúc thị trường đi đến đoạn cuối của sóng tăng đợt này.
Nếu trường hợp đó xảy ra, thì có động lực nào để vực dậy thị trường không?
Trước mắt, tôi nhìn nhận là thị trường đã tăng mạnh, có phần rời xa thực tế hồi phục của nền kinh tế, kết hợp việc sử dụng đòn bẩy cao thì khi những thông tin hỗ trợ không còn, dòng tiền nóng sẽ rút ra khiến cho thị trường giảm sâu. Nhưng tôi cho rằng sẽ không quay lại thời điểm đầu năm mà vùng 550 – 560 điểm sẽ là mức hỗ trợ rất tốt cho thị trường. Hiện giờ thị trường tăng cao quá nhưng với mức giảm khoảng 50 điểm thì cũng là quá đủ để động lực bắt đáy trở lại. Kinh tế đang đi đúng hướng, là nền tảng tốt cho thị trường ổn định trở lại, không bị lao dốc. Việc giảm chỉ là điều chỉnh sau một thời gian tăng nóng. Điều đó cũng là điều tốt để thị trường hình thành một đợt tăng mới trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Xin cảm ơn ông rất nhiều.
Hải Minh
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét