- BTTD: Của vay là của được. Lo gì, tương lai đã có con cháu trả?
(TNO) Ngày 27.3, đồng hồ nợ công thế giới (The global debt clock - GDC) của Tạp chí The Economist điểm nợ công của Việt Nam vượt con số 80 tỉ USD, với tổng dư nợ cả năm tăng 11,2%, chiếm 48% GDP.
Bảng nợ công trên Economist.com ngày 27.3 - Ảnh: TL
|
Tính trên dân số 90,535 triệu người, mỗi người Việt hiện đang gánh trên vai trung bình 887,51 USD (gần 20 triệu đồng). Trong bức tranh nợ công toàn cầu được chia ra nhiều tông màu khác nhau, Việt Nam (VN) được tô màu cam nhạt, thể hiện ở mức an toàn so với màu đỏ đậm nguy hiểm của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Brazil, Nhật, Mỹ và rất nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, mức gia tăng nợ công/đầu người lại đang gây lo ngại.
Tăng 700 triệu USD/tháng
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, quy mô nợ công của VN trong những năm qua liên tục tăng (năm 2012 là 8,6%, 2013 là 12,6%, dự kiến 2014 là 11,2%) nhưng tỷ lệ nợ công so với GDP lại giảm (2012 là 50,6%, 2013 là 49,3%, dự kiến 2014 là 48%) do tốc độ tăng trưởng GDP (danh nghĩa) của VN cao hơn so với tốc độ tăng quy mô nợ công.
Tuy nhiên, chỉ tiêu nợ công bình quân đầu người thì cho thấy điều ngược lại. Cụ thể, năm 2012 nợ công bình quân đầu người dân Việt Nam tính tròn là 720 USD, năm 2013 là 804 USD, và dự kiến 2014 là 888 USD. Theo ông Tuấn, nguyên nhân là do tăng trưởng thấp, nhiều DN đóng cửa, sức mua yếu cũng khiến cho nguồn thu ngân sách suy giảm, trong khi nhu cầu đầu tư của khu vực công lớn dẫn đến Chính phủ phải đi vay nợ nhiều hơn và gánh nặng nợ công sẽ phải tăng thêm.
Cuối tháng 10 năm ngoái, đồng hồ điểm nợ công của Việt Nam ở mức 76,706 tỉ USD, tổng dư nợ cả năm tăng 11,8%, chiếm 48,6% GDP. Chỉ sau 6 tháng, mỗi người Việt phải gánh thêm gần 40 USD. Chỉ tính từ tháng 1.2013 đến tháng 3.2014, thống kê từ GDC, nợ công Việt Nam đã tăng thêm tới 9,887 tỉ USD, tương đương trung bình gần 700 triệu USD/tháng, tương đương tăng thêm gần 100 USD/người.
Tỷ lệ nợ công thực là bao nhiêu ?
|
Tỷ lệ nợ công của VN năm 2013 theo GDC đưa ra là 49,3% GDP (theo cách định nghĩa của IMF) nhưng theo Bộ Tài chính công bố thì tỷ lệ nợ công năm 2013 VN là 55,7% GDP. Nhận xét về các con số này, ông Tuấn cho rằng : “Bộ Tài chính dù có phần thận trọng hơn, nhưng tỷ lệ đó vẫn chưa đánh giá hết được những rủi ro tiềm tàng của nợ công ở Việt Nam”. Theo ông Tuấn, phải đưa cả nợ tiềm ẩn của các DNNN vào nợ công sẽ giúp đánh giá thực chất hơn gánh nặng và rủi ro nợ công hiện nay.
Trả lời Thanh Niên, TS Vũ Quang Việt cho rằng nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu… Nếu tính đầy đủ theo cách như vậy, theo TS.Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, nợ công Việt Nam hiện xấp xỉ 106% GDP. Đồng quan điểm, ông Tuấn nói thêm: “Nếu tính cả nợ tiềm ẩn của DNNN thì tỷ lệ nợ công của VN có thể trên 100% GDP, vượt xa so với ngưỡng nợ công 65% GDP được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020”.
Cần có cuộc đại phẫu
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Tốc độ tăng nợ công nhanh và số nợ trên đầu người so với GDP của Việt Nam cũng rất cao. Trong khi đầu tư của khu vực tư nhân sụt giảm thì nhà nước vẫn duy trì đầu tư cao để giữ tăng trưởng bằng vay nợ và phát hành trái phiếu”.
Theo ông Tuấn, đối với VN, gánh nặng nợ công khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn do nguồn lực còn phải phụ thuộc vào kinh tế nhà nước. Trong dài hạn, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cải cách mạnh trong đầu tư công và DNNN là vấn đề then chốt. Trong đó, cổ phần hóa DNNN được chính phủ nhắm đến như một giải pháp giúp giảm gánh nặng nợ công.
Ở một góc nhìn khác, ông Doanh cho rằng tình hình nợ công càng nguy hiểm hơn nếu chúng ta vay mới để trả nợ cũ và vay để tiêu dùng. “Bởi đó là chính sách vay nợ không bền vững. Nếu chúng ta vay cho mục đích đầu tư thì sẽ sản sinh ra sản phẩm mới để đóng góp vào GDP để từ đây có tiền thuế cho trả nợ. Nhưng nếu vay tiêu dùng thì các khoản vay đó sẽ mất đi mà không sản sinh lợi nhuận. Như thế rất đáng lo ngại. Vì thế, cần phải có cuộc đại phẫu về ngân sách nhà nước bằng cách cắt giảm chi tiêu thường xuyên, chẳng hạn như tinh giản bộ máy quản lý nhà nước. Đồng thời, phải cắt giảm đà tăng nợ công thông qua xem xét chi tiêu ngân sách”, TS.Doanh nhấn mạnh.
Nguyên Nga - Trần Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét