Singapore vượt Việt Nam hơn 31 tỉ rưỡi giây
Nếu so với một bạn trẻ Việt thì khi qua ngã ba, ngã tư, người thanh niên Singapore kia sẽ chậm hơn khoảng 60 giây. Nhưng đất nước Singapore sẽ vượt qua đất nước Việt Nam hơn 31 tỉ rưỡi giây, tức 100 năm, nhờ ý thức tôn trọng pháp luật, lòng tự trọng và tính kỷ luật.
Hình như, nếu một lãnh đạo nào dại miệng mà phê bình bà con nhân dân ta công khai thì bà con sẽ ào ào… nổi giận.
Nhưng tôi gọi là “quyết liệt phê bình bà con nhân dân” giữa ngã ba, ngã tư đường hẳn hoi không sợ bà con nhân dân nổi giận vì tôi cũng là… cháu của bà, con của dân mà.
Nếu so với một bạn trẻ Việt thì khi qua ngã ba, ngã tư, người thanh niên Singapore kia sẽ chậm hơn khoảng 60 giây, nhưng đất nước Singapore sẽ vượt qua đất nước Việt Nam hơn 31 tỉ rưỡi giây tức 100 năm nhờ ý thức tôn trọng pháp luật, lòng tự trọng và tính kỷ luật của họ.
Chẳng qua chuyện là thế này, không phải một lần, không phải ba lần và không phải mười lần mà là rất, rất nhiều lần, tôi đã chứng kiến hành xử công khai của bà con với chính danh “người tham gia giao thông” ở các ngã tư thành phố nếu không có bóng dáng chàng cảnh sát đều… vỡ trận, thậm chí vỡ trận… tưng bừng.
Đã không ít lần có những người lên tiếng phê phán thành phố chúng ta thành phố văn minh, thành phố hòa bình sao có nhiều cảnh sát thế?
Trong khi đó, ở các nước trên thế giới nhiều lúc bói không ra ông cảnh sát trên đường. Nói vậy không phải là các nước khác không có lực lượng cảnh sát như ở Việt Nam, hay là họ không dùng cảnh sát để gây “lo sợ” hay “phản cảm” cho người dân như một số bác từng có ý kiến.
Họ không cần cảnh sát đứng ở ngã ba, ngã tư để điều khiển giao thông không chỉ vì họ có hệ thống kỹ thuật theo dõi anh nào, ả nào không dừng trước đèn đỏ hoặc rẽ lung tung là dính vào sổ đen liền, mà cái chính là họ có nhân dân… quen chấp hành pháp luật trong đó có luật giao thông cứ phải nói là vô cùng nghiêm túc.
Còn tại sao người dân của họ có được “cái đức” ấy thì ai ai chắc cũng đã biết.
Thưa với bà con ta, có lần, tại một ngã tư nhỏ ở Singapore lúc 10 giờ đêm, tôi chứng kiến một gã khoác ba lô đứng chờ đèn đỏ trong khi từ các phía đường không thấy bóng dáng chiếc xe hơi nào lò dò đến.
Khoe giàu hơn ông hả? Ảnh TL
Ối giời chuyện bé xé ra… to rồi, trong khi đó bà con ta không ít người xưa nay “chuyện to lại cứ thích vo lại bằng hạt đậu” với cái chậc chậc lưỡi: làm gì mà rách việc thế!
Vậy thì trẻ chen, già cũng chen, xe máy chen, xe hơi cũng chen… trong lúc anh xe đạp nhà nghèo cười hề hề đội xe lên đầu cuốc bộ thoát hiểm: Khoe giàu hơn ông hả? Ở đấy mà hưởng tiệc… khói với gia vị bụi đậm đà nhá!
Ở quê tôi khi người ta đóng một cái cối xay lúa, người ta dùng các dăm gỗ hoặc tre nêm vào những chỗ trống cho đến khi không còn một khe hở nào, cái việc chen vượt nhau ở ngã ba, ngã tư ấy chả khác gì cái nêm cối. Chỉ khác là cái dăm gỗ sau khi không cựa quậy gì được nữa thì im thin thít chỉ “đồng ca” khi thóc được đổ vào cối mà thôi, còn bà con ta kia, vai kề vai rồi thì bắt đầu hò lơ chuyển sang hò lợ, hò lở mà kết cục có thể là hò… “lờ”.
Vì đâu mà bà con ta lại trở nên thường xuyên rơi tõm vào cái bẫy ai cũng biết là đặt trước này? Thôi thì vẫn phải nói đi, nói lại cái điều như ở trên tôi đã bảo “ai ai cũng đã biết” ấy. Vì lòng tham và thói đố kỵ ư? Đúng! Ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích nhỏ nhặt của mình, nhích hơn cô em xinh đẹp mà chảnh kia nửa bánh xe là “sướng” rồi, thua lão bụng phệ liên mồm a lô, a lố cái con dế Samsung đời mới kia nửa bánh xe là “điên” rồi, không ai chịu nhường ai lấy nửa bước.
Thằng con của tôi kể: Bố ạ, có anh trông như sinh viên ấy, mắt trước mắt sau, lấm la lấm lét như ăn trộm khi thấy cảnh sát giao thông không để ý về phía mình lao vọt lên vượt đèn đỏ. Khi con phê bình anh ấy, anh ấy chửi thẳng vào mặt con: mày lên giọng đạo đức với tao hả?
Mỗi ngày, thành phố một thay đổi, nhiều nhà đẹp hơn, nhiều xe đắt tiền hơn, nhiều nhà hàng sang trọng hơn, nhiều quần áo đẹp hơn… nhưng có một cái tôi thấy chẳng thay đổi bao nhiêu thậm chí càng ngày càng tệ hơn đó là ý thức xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật và lối sống văn hóa.
Nhân đây tôi xin có đề nghị bà con ta thỉnh thoảng nên có tự phê mình như thế nào. Ví như: phê mình ở lễ hội, phê mình ở chợ, phê mình ở nhà hàng, phê mình ở sân bay, phê mình ở hội trường, phê mình ở tang lễ… thậm chí cả phê mình khi lên… giường cũng được.
Tôi không phải là một ông quan hay bà quan nên tôi cũng rất thích bà con ta phê bình các ông quan, bà quan, nhưng thỉnh thoảng ta cũng nên đổi món cùng nhau phê bình chính mình xem sao nhé!
Hứa hẹn là sẽ vui đấy!
Nguyễn Quang Thiều ( Một Thế Giới )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét