Trang

23 tháng 3, 2014

Người Việt tiết kiệm, doanh nghiệp ngắc ngứ, kinh tế... khó


(Doanh nghiệp) - Sức tiêu dùng giảm sâu, các doanh nghiệp dịch vụ nói chung và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói riêng rơi vào tình trạng khó khăn.
Sức mua giảm, trung tâm thương mại đìu hiu
Tình trạng vắng vẻ, đìu hiu đang diễn ra phổ biến ở các trung tâm thương mại (TTTM) lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội chứng tỏ sức mua yếu của người tiêu dùng trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, TTTM Indochina Plaza Hanoi (IPH) trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) mặc dù đã chính thức mở cửa đón khách từ ngày 31/8/2012 nhưng đến thời điểm này, hầu hết các gian hàng nằm trong trung tâm này vẫn đóng cửa không có người thuê.
Một số nhân viên tại đây cho biết, một số gian hàng đã được thuê nhưng vì lượng khách hàng ế ẩm nên đã đóng cửa từ lâu.
Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza vắng vẻ
Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza vắng vẻ
TTTM Tràng Tiền Plaza, với diện mạo mới được đầu tư tới 400 tỷ đồng cùng vị trí đắc địa tại trung tâm thủ đô, có sự hội tụ của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Louis Vuitton, Versace, Burberry, Christian Dior, Catier… nhưng trung tâm này lại chỉ giữ được hào quang của mình trong vòng chưa đầy nửa năm.
Thay vì có hàng ngàn lượt khách ghé thăm, giờ đây, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày hay cuối tuần, lượng khách ít ỏi đến với trung tâm này cũng không đủ lấp đầy 6 tầng của tòa nhà dát vàng, cùng với đó là cuộc chiến giảm giá, chiết khấu tại bất cứ gian hàng nào.
Trong một thời gian dài, TTTM ParkSon cũng gặp khó khăn do lượng khách hàng đến mua sắm liên tục giảm sút. Không bán được sản phẩm, không có doanh thu, một số đơn vị đã không tiếp tục thuê mặt bằng, khiến một phần diện tích khá lớn của TTTM Parkson vẫn còn trống, dù TTTM đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay.
Tín dụng âm, chỉ số giá tiêu dùng giảm, người Việt tiết kiệm
Cũng trong thời gian qua, mặc dù ngân hàng thừa tiền, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức thấp thậm chí tăng trưởng tín dụng âm.
Một trong những nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra là do kinh tế đình trệ, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao, nhiều doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn, khiến các doanh nghiệp không mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, vì vậy nhu cầu vay vốn hầu như không có.
Bằng chứng là số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2014 đã tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trước đó, hết năm 2013, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng lên đến 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9 % so với năm 2012.Đã đến lúc người dân và các doanh nghiệp thay đổi cách ứng xử của mình, chi tiêu căn cơ hơn.
Quần áo là lựa chọn cắt giảm đầu tiên của người Việt để tiết kiệm chi phí.
Người Việt cắt giảm chi tiêu, trở thành quốc gia tiết kiệm nhất ASEAN
Bên cạnh đó, người dân cũng thay đổi cách ứng xử của mình, chi tiêu căn cơ hơn khiến chỉ số giá tiêu dùng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đều giảm tốc.
Cụ thể, tại Hà Nội trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn giảm 0,15% so với tháng trước và tăng 5,99% so cùng kỳ. Tại TP HCM, chỉ số giá tháng này cũng giảm 0,46% so với tháng trước
Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội, TP HCM tháng 2 vừa qua mặc dù là tháng tết nhưng có mức tăng rất kiêm tốn so với tháng trước đó. Cụ thể Hà Nội tăng 0,49%, TP HCM chỉ tăng 0,24%, đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại điều này đã phản ánh sự tiết giảm đáng kể trong chi tiêu của người dân.
Chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân nhận định trên Vnexpress rằng, việc lạm phát thấp trong những tháng đầu năm là biểu hiện của việc tổng cầu đang quá yếu và sẽ gây áp lực lên tăng trưởng quý I. "Tiêu dùng thấp ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tăng trưởng, vì tiêu dùng chiếm khoảng 75% giá trị GDP", ông nói.
Trả lời trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam trước đó, TS.Ngô Trí Long nói: “CPI giảm nhưng mừng ít mà lo nhiều”.Theo đó, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp phản ánh một phần bức tranh kinh tế ảm đạm. Đó là tình trạng tồn kho cao, thu nhập người lao động giảm sút nên sức mua rất yếu và niềm tin người tiêu dùng đang sụt giảm.
Báo cáo khảo sát toàn cầu về niềm tin người tiêu dùng mới được hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố cho thấy, Việt Nam hiện đang là quốc gia tiết kiệm nhất trong khu vực ASEAN.
Có 90% người Việt Nam được hỏi cho biết họ thay đổi thói quen mua sắm của mình để tiết kiệm tiền thừa. Trong đó, chi tiêu cho quần áo mới và các khoản giải trí ngoài gia đình là những lựa chọn cắt giảm đầu tiên, kế đó là gas và điện.
Du lịch và và nghỉ dưỡng là 2 khoản đầu tư chỉ đứng sau tiết kiệm. Có 74% người Việt tham gia khảo sát cho biết họ sẽ để dành tiền sau khi đã trang trải hết các sinh hoạt phí thiết yếu trong cuộc sống.
Hà Anh (Đất Việt )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét