Trang

24 tháng 3, 2014

Tổ chức ASIAD, lợi hay hại ?

Tổ chức ASIAD: Cố đấm ăn xôi, xôi đừng hỏng!
Cung điền kinh trong nhà trị giá 600 tỷ đồng tổ chức AIG 3 năm 2009 sau đó rơi vào cảnh "trùm mền" và tận dụng thành nơi đỗ xe thu phí (Tuổi Trẻ)

Nếu coi chuyện đăng cai ASIAD 2019 là sự đã rồi, không thể rút lại được, bộ Văn hóa thể thao và du lịch có thể học hỏi một số quốc gia có nhiều kinh nghiệm tổ chức Đại hội thể thao giảm thiểu cho đất nước gánh nặng nợ nần. 
"Chỉ có thể giảm tối đa hậu quả chứ không thể tránh được những mặt trái của việc tổ chức ASIAD" - ý kiến của một độc giả. 
Học người Mỹ: Hiệu quả kinh tế phải là số 1
Trong lịch sử tổ chức những đại hội thể thao lớn là Olympic, World Cup, Euro, ASIAD hiếm quốc gia nào không phải chịu cảnh nợ nần, điển hình như Hy Lạp với Olympic Athen 2004, Canada với Olympic Montreal 1976, Nhật Bản với Olympic mùa Đông Nagano 1978 hay Ucraina với Euro 2012.
Mỹ là nước duy nhất tổ chức bất kỳ Đại hội thể thao nào cũng thành công về chuyên môn và sinh lời. Nguyên nhân lớn nhất khiến người Mỹ trở thành bậc thầy tổ chức bởi họ luôn đặt quan điểm: hiệu quả kinh tế là trên hết !
Khi có ý định đăng cai bất cứ sự kiện thể thao lớn, Mỹ đều xem xét vào thời điểm đó họ đang có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, giao thông và sân bãi như thế nào rồi mới nộp đơn. Nếu được xét duyệt cho đăng cai, người Mỹ dùng chính cơ sở vật chất có sẵn, tu bổ, sửa sang và cứ thế tổ chức. Vạn bất đắc dĩ người Mỹ mới xây mới những công trình thiết yếu như Làng vận động viên nhưng sau đó cũng tìm cách bán lại, cho thuê hoặc chuyển đổi công năng để thu hồi vốn.
Người Mỹ tổ chức Olympic Los Angeles 1984 với SVĐ chính Coloseum được xây từ năm 1923 và từng được dùng tổ chức Olympic 1932 
Nhiều quốc gia phát triển khác, hạ tầng giao thông, sân bãi hiện đại nhưng tổ chức Olympic, World Cup tiêu tốn cả vài tỷ đến hàng chục tỷ USD thì người Mỹ tổ chức Olympic Los Angeles 1984 chỉ bỏ ra 546 triệu USD trong đó 73% chi phí trả cho nhân viên, cán bộ phục vụ Đại hội thay vì dùng cho xây dựng.
Những tính toán nhiều năm sau đó cho biết, Olympic 1984 trước mắt đem lại lợi nhuận 220 triệu USD nhưng đã mang lại lợi ích kinh tế đến 3,3 tỷ USD cho Los Angeles đến mức “hiệu ứng Los Angeles” về sau được dùng để chỉ thành công do việc tổ chức Olympic mang lại
Tổ chức World Cup 1994, người Mỹ sử dụng 9 sân vận động, cả 9 đều là sân đã có từ trước đang thi đấu môn giải NFL (Giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ) và chỉ việc tân trang, sơn sửa kẻ lại vạch vôi, lắp khung thành. Chi phí bỏ ra để tổ chức World Cup 1994 chỉ tiêu tốn 30 triệu USD nhưng thu về lợi nhuận gấp 10 lần như thế.
So sánh để thấy Brazil tổ chức World Cup 2014 vào Hè này, họ xây mới đến 6/12 sân khiến chi phí vọt lên đến 14 tỷ USD !
 Mỹ là quốc gia duy nhất tổ chức World Cup mà không phải xây mới bất kỳ SVĐ nào. Sân Rose Bowl ở Los Angeles nơi tổ chức trận chung kết giữa Brazil - Italia
Đến kỳ Olympic Atlanta 1996, người Mỹ chi phí 2 tỷ USD để tổ chức. Sáu năm sau, Mỹ lại tổ chức Olympic Mùa Đông Salt Lake 2002 và số tiền bỏ ra là 2,7 tỷ USD.
Dù ở Salt Lake, người Mỹ chi số tiền rất khiêm tốn nhưng vì chính phủ Liên bang phải hỗ trợ đến 1,3 tỷ USD (ở Atlanta chỉ là 609 triệu USD) cũng khiến nhiều dân biểu ở Quốc hội Mỹ nổi giận. Thượng nghị sĩ John Mc Cain nặng nề: “Tôi nghĩ đó là một sự ô nhục”, còn dân biểu John Dingell yêu cầu Chính phủ điều tra các khoản chi phí leo thang.
Sức ép lớn đến mức, TNS Mitt Romney – Chủ tịch BTC Olympic Salt Lake phải viết thư trả lời: “Khi chính phủ đã dành chi phí hàng tỷ USD cho việc duy trì chiến tranh thì việc bỏ hàng trăm triệu USD cho Đại hội hoàn toàn xứng đáng để thúc đẩy hòa bình, đoàn kết”.
Người Mỹ luôn như vậy, họ chặt chẽ và chi tiết đến từng đồng thuế của người dân. Tổ chức Olympic, World Cup đối với người Mỹ phải xét đến hiệu quả kinh tế đầu tiên cứ không phải những thứ như “thể diện quốc gia” hay “ý chí chính trị” để rồi cố xây sân bãi to lớn, hoành tráng để rồi ngân sách thâm thủng và cuối cùng người dân è cổ ra gánh.
Phải tính toán trên tiềm lực quốc gia và nền thể thao
Đăng cai tổ chức Olympic, World Cup, Euro hay mặt nào đó là ASIAD đều mang lại vinh dự cho quốc gia và cơ hội giới thiệu hình ảnh đất nước đến bạn bè thế giới. Chính vì yếu tố mang tính sĩ diện này nên nhiều quốc gia khi nhận đăng cai Đại hội thể thao chú trọng việc phô trương sự hoành tráng, hoàn mỹ bằng cách xây nhiều SVĐ to lớn, bề thế và tổ chức lễ hội xa hoa.
Nhiều quốc gia khi tranh quyền đăng cai Đại hội đều tự tin cho rằng đó là một bàn đạp kinh tế nhưng thực tế lại ngược lại, gây vạ cho nền kinh tế địa phương nơi đăng cai lẫn đất nước.
Ngoài người Mỹ cũng có vài quốc gia cũng thu lợi ích to lớn tổ chức Olympic, World Cup, Euro, ASIAD. Việc xây dựng công trình thể thao, giao thông và các dịch vụ kinh doanh, du lịch, tổ chức thi đấu cho Đại hội sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục ngàn đến hàng triệu người lao động nên cũng được coi là một yếu tố tích cực kích thích sự phát triển cho nền kinh tế.
Song, mặt tích cực khi tổ chức Đại hội thể thao chỉ phát huy tác dụng khi nó gắn liền với tiềm lực phát triển kinh tế cũng như khả năng của nền thể thao của quốc gia đăng cai.
Trung Quốc chi 42 tỷ USD tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 nhưng họ có tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh thể thao đứng nhì thế giới. 
Năm 1988, Hàn Quốc tổ chức Olympic Seoul với chi phí lên đến 7,7 tỷ USD nhưng đổi lại đó là một kỳ Đại hội thành công cả về kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước và là một trong những nguyên nhân giúp Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 3 châu Á. Năm 2002, Hàn Quốc tổ chức World Cup thành công vang dội và cuối năm đăng cai cả ASIAD khiến thế giới khâm phục. Tuy nhiên, đến ASIAD 2014 lại khiến chính quyền thành phố Incheon (Hàn Quốc) nợ gần 300 triệu USD.
Tây Ban Nha là một trường hợp thú vị khác với Olympic Barcelona 1992. Với số tiền đầu tư rất nặng lên đến 15,4 tỷ USD nhưng nguồn vốn được sử dụng để sửa sang thành phố, bãi biển, quy hoạch các khu dân cư. 
Nhờ Olympic mà tỷ lệ thất nghiệp ở Barcelona giảm đến một nửa trong những năm chuẩn bị cho Đại hội. Một lợi ích to lớn khác là sau Olympic, thành phố Barcelona được thế giới biết đến rất nhiều thúc đẩy du lịch phát triển. Sau Olympic, Tây Ban Nha tận dụng rất tốt sân bãi, cơ sở tập luyện để phục vụ sự phát triển thể thao và bây giờ TBN được coi là quốc gia có nềnn thể thao mạnh toàn diện. Olympic Barcelona có thể sánh ngang với Olympic Seoul 1988.
Olympic Bắc Kinh 2008 rất đắt đỏ với chi phí 42,58 tỷ USD nhưng đánh giá là kỳ Đại hội thành công vì gần một nửa số tiền được đầu tư cho hạ tầng giao thông, cải tạo thành phố và Trung Quốc đang ở thời kỳ bùng nổ kinh tế. Olympic Bắc Kinh vì vậy đánh giá thành công nhiều mặt, biến thủ đô Trung Quốc trở nên khang trang hơn và chứng tỏ vị thế của nền kinh tế lớn nhất châu lục, đứng nhì thế giới.
Sau SEA Games năm 2003 nhiều công trình thể thao ở Việt Nam rơi vào cảnh trùm mền đắp chiếu hoặc tận dụng cho thuê mặt bằng như sân Mỹ Đình để kiếm kinh phí bảo dưỡng, tu bổ (ảnh: M.Hà - Vnexpress) 
Nhìn lại vấn đề của Việt Nam đăng cai ASIAD rất dễ thấy chúng ta đang đứng trước một loạt nguy cơ khiến kỳ Asian Games 18 trở thành gánh nặng cho quốc gia.
Thứ nhất, tiềm lực kinh tế quốc gia chưa vững mạnh cũng như hiện trạng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân còn quá chật vật, bấp bênh để có thể hưởng thụ được gì từ việc tổ chức ASIAD.
Thứ hai, đăng cai ASIAD phải xây dựng, đầu tư hạ tầng từ giao thông đến cơ sở thi đấu rất lớn trong thời gian ngắn cùng khả năng quản lý nguồn vốn chặt chẽ, trong khi đây lại là một nguyên nhân gây thất thoát, tham nhũng lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, sức mạnh nền thể thao Việt Nam quá hạn chế chưa vươn khỏi khu vực. Việc một nền thể thao yếu kém nhưng cố tổ chức Đại hội hoành tráng dẫn đến tình trạng một loạt công trình sau Đại hội diễn ra tình trạng “trùm mền, đắp chiếu”, tốn kém bảo quản, duy tu. Bài học lãng phí về việc tổ chức SEA Games 22 (2003) và Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần 3 (AIG 3) đến giờ vẫn còn sờ sờ ra với một loạt công trình từ Bắc chí Nam.
Đăng Khoa (theo Một Thế Giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét